con Thiên
Chúa và đối thủ của Thiên Chúa
(Luca 4,1-13
– CN I MC - C)
1.- Ngữ cảnh
Các
chương Lc 1,5–4,13 giới thiệu song
song Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Mục đích của những chương này là nối kết
“những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta” (1,1) với lịch sử của Israel:
trong việc chuẩn bị, trong cuộc chào đời và trong những hoạt động công khai đầu
tiên của Gioan và Đức Giêsu, rõ ràng là Thiên Chúa đã nhớ đến các lời hứa, đã
lắng nghe lời cầu nguyện của con cái Ngài và đã quyết định can thiệp để cứu giúp
họ quá mức họ mong chờ. Lô-gích hoàn tất–vượt quá, chúng ta có thể tìm thấy lại
trong phần tường thuật hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê (Lc 4,14–9,50).
Trong thời gian hoạt động công khai, Đức
Giêsu có phải đối đầu với các sức mạnh ma quỷ, là những sức mạnh vẫn hành hạ
loài người để biến họ thành nô lệ. Đức Giêsu đến là để cứu loài người khỏi
những sức mạnh ấy (x. Lc 4,33;
8,26-39). Người cũng thông ban cho Nhóm Mười Hai quyền giải thoát loài người
khỏi các sức mạnh ấy. Các đối thủ của Người kết tội Người là liên minh với
Satan, nên mới được hắn ban cho quyền trên các quỷ (11,14-23). Trong khi các
đối thủ Người thì cho rằng qua Người, đối thủ của Thiên Chúa đang hoạt động,
Đức Giêsu lại quả quyết rằng đàng sau Người, có quyền năng của Thiên Chúa. Tương
quan thực hữu của Đức Giêsu với Satan là thế nào, ta thấy ngay ở đầu hoạt động
của Đức Giêsu, trong các cám dỗ. Trong những bản văn trước, tác giả liên tục
cho thấy bản chất của tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Tương quan này
đạt tới đỉnh cao trong lời tuyên bố của Thiên Chúa: “Con là Con yêu dấu của
Cha” (3,22). Cả trong các cám dỗ, vấn đề cũng vẫn là tương quan này. Tương quan
này bị thử thách rồi được xác nhận xuyên qua sự từ khước của kẻ ở trong thế đối
lập tận căn với Thiên Chúa.
Cả
ma quỷ và Đức Giêsu đều trích Kinh Thánh (chẳng hạn Satan dùng Tv 91,11-12 ở Lc 4,10-11), nhưng hắn không tỏ ra được là “kẻ mạnh hơn”
(3,16;11,22). Như vậy, vào lúc khởi đầu sứ mạng, Đức Giêsu được giới thiệu như
là “Đấng mạnh hơn” ra sức duy trì chương trình của Chúa Cha và vâng theo Kinh
Thánh.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành năm phần:
1) Mở
(4,1-2a);
2)
Cám dỗ thứ nhất (4,2b-4);
3)
Cám dỗ thứ hai (4,5-8);
4)
Cám dỗ thứ ba (4,9-12);
5)
Kết (4,13).
3.- Vài điểm chú giải
-
được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (1): Tác giả Lc cho thấy là kinh nghiệm của Đức Giêsu
trong hoang địa đã xảy ra dưới sự bảo hộ của Thánh Thần. En tô pneumati
có thể hiểu là “bởi Thánh Thần” (en =
hypo = bởi, x. Mt 4,1) hay là
“dưới ảnh hưởng” (en = trong).
-
hoang địa (1): Đây là nơi gặp gỡ Thiên Chúa (x. Hs 2,14-15), nhưng cũng là nơi trú ẩn của dã thú và ma quỷ (x. Lv 16,10; Is 13,21; 34,14; Tb 8,3).
- bốn
mươi ngày (2): Chi tiết này lấy từ Mc
1,13, có thể nhắc đến Đnl 8,2 (trong
khi Mt 4,1 là “bốn mươi ngày và bốn
mươi đêm”, hẳn là lấy từ Đnl 9,9; Xh 24,18; 34,28; x. 1 V 19,8).
- quỷ (2):
Tác giả Lc thay thế danh xưng Satan
của Mc 1,13 bằng “quỷ”, diabolos (‘thần dữ”). Satan là
một danh-ngữ Híp-ri có nghĩa là “đối thủ, kẻ kết tội, người truy tố”,
được Bản LXX dịch là diabolos,
“kẻ vu khống”. Lc không gọi quỷ là
“tên cám dỗ” (ho peirazôn) như
Mt 4,3, để cho thấy là ngài muốn coi
nó là kẻ đối lập, kẻ thách đố Đức Giêsu.
- Nếu
ông là Con Thiên Chúa (3): Quỷ nhắc đến cảnh phép rửa (3,22).
- Đã
có lời chép rằng (4): Gegraptai, “đã được viết”, là công thức đúc sẵn để
đưa vào một câu trích Cựu Ước.
-
Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh (4): Câu trích Đnl 8,3 giống với Bản LXX hơn.
- quỷ đem Đức Giêsu lên cao (5):
Lc bỏ chi tiết “núi”, vì trong TM của ngài, “núi” là một nơi để
cầu nguyện và nhận mạc khải của Thiên Chúa.
-
Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi (8):
Câu trích Đnl 6,13 này trong dạng
giống với Thủ bản A của Bản LXX, Thủ
bản B viết là “ngươi phải kính sợ” (gần với bản Hípri hơn).
- đến
Giêrusalem (9): Đỉnh cao của các cám dỗ trong Tin Mừng III nằm ở Thành định mệnh của Đức Giêsu.
-
Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng (11): Tv 91,11 theo Bản LXX.
-
Ngươi chớ thử thách Đức Chúa (12): Đnl 6,16 trích theo Bản LXX.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Một
số người trong chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng khi biết là Đức Giêsu cũng có những
ngờ vực như chúng ta, Người cũng gặp những khó khăn trong khi thi hành sứ mạng,
Người chỉ dần dà khám phá ra được chương trình của Cha Người về Người. Chúng ta
sợ kéo Người xuống với bình diện chúng ta, thế nhưng Thiên Chúa không hề lạc
hướng do sự bần khốn của chúng ta. Đúng hơn phải nói rằng Người còn nhận lấy sự
bần khốn của chúng ta làm của Người, và bằng cách trở nên người phàm, đứng
chung hàng với người phàm (x. 3,1), Người đã đánh bại tội lỗi.
* Mở
(1-2a)
Tác
giả Lc cho thấy là sau phép rửa, Đức
Giêsu đầy Thánh Thần. “Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa suốt bốn
mươi ngày, và chịu quỷ dữ cám dỗ” (Lc
4,1-2a).
Qua
các cám dỗ, ta thấy tất cả tính vững chãi và rõ ràng chắc chắn của tương quan
của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Trong cuộc đối đầu này, ta cũng thấy rõ ràng là
Đức Giêsu hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa.
* Cám
dỗ thứ nhất (2b-4)
Cám
dỗ thứ nhất kết thúc với câu trích Đnl
8,3: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Đức Giêsu bị thách đố sử dụng
quyền lực của Người là Con Thiên Chúa mà giải quyết những khó khăn mà mọi con
người đều trải nghiệm, mà phục vụ lợi ích riêng tư, tìm kiếm lương thực cho
mình ngoài kế hoạch của Chúa Cha. Đnl
8,1-6 nhắc đến kinh nghiệm Israel càm ràm chống lại Môsê và Aharon vì nhớ cơm
bánh Ai Cập (Xh 16; Ds 11,7-8). Họ đã được Thiên Chúa ban
manna và chim cút, nhưng đã bị trách mắng. Còn Đức Giêsu dứt khoát loại trừ
thách đố của quỷ và nhắc tới lời Đnl
mang tính khuyến thiện tóm tắt biến cố Xuất Hành.
Thử
thách liên hệ đến tương quan đúng đắn với Thiên Chúa có thể đến từ nhiều phía.
Trong cám dỗ thứ nhất, thử thách đến từ những nhu cầu sống còn của con người,
rồi từ quyền lực và từ sự uy hùng của con người và cuối cùng từ một tương
quan sai lạc với Thiên Chúa. Thử thách đầu tiên bắt đầu với cái đói của Đức
Giêsu. Tên cám dỗ đề nghị Người sử dụng quyền lực của Người để loại trừ cái
đói. Trong cái đói, sự sống bị đe dọa. Muốn sống, con người cần cơm bánh. Không
có cơm bánh, trước sau rồi cuộc sống của con người cũng phải kết thúc. Con
người cần phải và có thể sử dụng cái gì để bảo vệ sự sống mình? Phải chăng sự
sống này, một sự sống cần cơm bánh và lệ thuộc cơm bánh, là một giá
trị tuyệt đối, biện minh cho mọi nỗ lực? Phải chăng người ta có thể tập trung
tất cả các phương tiện và tất cả sức chú ý mà thỏa mãn các nhu cầu cơ bản? Đức
Giêsu tuyên bố rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Người có một sự
sống cao hơn sự sống lệ thuộc cơm bánh: sự sống này hệ tại dây liên kết vô điều
kiện và hoàn toàn tin tưởng với Thiên Chúa. Sau này Đức Giêsu sẽ nói với các
môn đệ: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn […]. Hãy lo tìm Nước của Người,
còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc
12,22.31). Phải dành chỗ đầu cho việc quay hướng về Thiên Chúa và tin tưởng vào
quyền năng nhân ái của Ngài, chứ không được thay thế những điều ấy bằng nỗ lực
đảm bảo cho sự sống mình bằng cơm bánh. Mối quan tâm đầu tiên luôn luôn phải là
Thiên Chúa và dây liên kết với Ngài.
* Cám
dỗ thứ hai (5-8)
Cám dỗ thứ hai kết thúc với câu trích Đnl 6,13: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa
của anh em, là Đấng anh em phải phụng thờ”. Đnl
6,10-15 nhắc tới kinh nghiệm của Israel lang thang trong hoang địa và bị thu
hút bởi nền phụng tự Canaan (Đnl
12,30-31) và họ thường xuyên được Môsê nhắc nhở đừng chạy theo các thần ngoại hoặc
các quyền lực ngoại (Xh 23,23-33).
Đức Giêsu bị thách đố chấp nhận quyền thống trị trên cách nước thế gian từ một
kẻ khác Thiên Chúa. Thử thách này không nhắm minh nhiên đến Người như là Chúa
Con, nhưng thách thức Người nhận biết một kẻ khác thay vì Chúa Cha như
là chủ và Chúa của Người. Câu trả lời của Người trích trực tiếp một lời
Môsê nói với con cái Israel, và vẫn rút từ một bài tóm mang tính khuyến thiện
về một biến cố trong Xuất Hành. Đức Giêsu dứt khoát loại bỏ thách đố tôn
thờ bất cứ thứ gì ngoài Yhwh, Đức
Chúa, Cha của Người.
Có
thể nói cám dỗ thứ hai bắt đầu từ đối cực của các khả năng loài người. Cám dỗ
này không nhắm tới con người đang chiến đấu để có sự cần thiết tối thiểu cho
cuộc sống, nhưng nhắm tới khả năng con người nhìn xa hơn chính bản thân và sự
sống của mình, và khao khát được làm chủ thế giới. Ở đây điều được nhắm tới là
sự hấp dẫn của quyền lực, của quyền bá chủ tối đa. Nếu tìm quyền lực vì chính
nó, người ta phải trả giá. Việc hoàn toàn chỉ tìm kiếm quyền lực không phù hợp
với việc nhìn nhận quyền chủ tể của Thiên Chúa. Khẳng định ý chí thống trị của
mình là đối lập lại với Thiên Chúa là Chúa Tể. Tìm kiếm và vui hưởng quyền lực
là phụng sự Satan. Đức Giêsu đưa việc thờ phượng Thiên Chúa ra mà đối lập với
việc phụng sự này. Chỉ Thiên Chúa mới là Chúa Tể và ý muốn của Ngài có giá trị
hơn tất cả mọi sự. Nhìn nhận Thiên Chúa như là Chúa Tể tuyệt đối là có nền tảng
để tương quan đúng đắn với Ngài.
* Cám
dỗ thứ ba (9-12)
Cám dỗ thứ ba kết thúc với câu trích Đnl 6,16: “Anh em đừng thách thức Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em”. Đnl
6,16 nhắc đến kinh nghiệm Xuất Hành của Israel khi họ thử thách Đức Chúa (Yhwh) tại Mátxa và Mơriva mà đòi có
nước uống (Xh 17,1-7). Yhwh đã trả lời bằng cách bảo Môsê đập
tảng đá cho nước chảy ra; nhưng Môsê đã khiển trách dân đã thử thách Thiên
Chúa. Đức Giêsu bị thách đố trong tư cách Con Thiên Chúa dùng quyền lực Người
để tỏ bày bản thân cách lẫy lừng cho người đương thời và như thế phù hợp với
các ý tưởng dân gian về một lãnh tụ được phái đến từ trời cao. Đức Giêsu
lại dùng một chỉ thị khác của Môsê mà trả lời, cho hiểu rằng không một
ai có thể xin Thiên Chúa can thiệp chỉ để thỏa mãn chuyện ngẫu hứng của
mình.
Có
thể diễn tả cám dỗ thứ ba thế này: “Bởi vì ngươi đẩy sự sống và quyền lực con
người ra sau và đặt Thiên Chúa ở trên mọi sự, thì hãy tỏ ra hợp tình hợp lý mà
sống điều này. Ngài đã hứa bảo vệ ngươi: vậy thì hãy thử nghiệm sự che chở này
đi!”. Nhưng chính hành vi được đề nghị này cũng là một hình thái khác của quyền
lực cho riêng mình. Chúng ta phải tin tưởng hoàn toàn vào sự trợ giúp và che
chở của Thiên Chúa, chứ không được đưa sự che chở của Ngài ra mà thử thách,
chúng ta không được đẩy mình vào thế hiểm nghèo theo ý mình. Tương quan đúng
đắn với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta làm trong mức khả năng cho phép và để cho
Thiên Chúa làm những gì Ngài muốn làm cho chúng ta. Tin tưởng vào Thiên Chúa
không có nghĩa là lười biếng và thiếu suy xét cho hợp lý. Chúng ta phải sử dụng
cách hợp lý và theo cách tốt nhất tất cả các khả năng Thiên Chúa đã ban cho.
Cùng với sự tin tưởng, là trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa.
* Kết
(13)
Câu kết cho thấy quỷ đã thất bại trong
dịp này, nhưng nó chưa chịu thua. Nó chờ dịp khác. Đức Giêsu đã hiểu như thế và
đã lưu ý các môn đệ: “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như
người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Và quỷ
đã trở lại khi nhập vào Giuđa để xúi y bán Thầy (22,3), khi Đức Giêsu bị chao
đảo trong chí hướng hiến thân (22,42), khi các thượng tế và lãnh binh đến bắt
Người (22,53), khi các thủ lãnh và lính tráng chế nhạo thách thức Người trên
Đồi Sọ (23,35-39). Nhưng Đức Giêsu tiếp tục dứt khoát tiến bước theo thánh ý
Chúa Cha.
+ Kết
luận
Đức Giêsu rất cương quyết và trung
thành sống dây liên kết với Thiên Chúa. Không một cám dỗ nào có thể làm
cho Người bị lung lạc, mà chỉ có thể làm cho chúng ta thấy Người bình thản và
dứt khoát ở về phía Thiên Chúa và chứng tỏ Người là Con yêu dấu của Chúa Cha.
Bằng sự vững chắc và cương quyết ấy, Người tiếp tục con đường đã theo và chỉ
cho chúng ta cũng như làm cho chúng ta có thể đi vào quan hệ đúng đắn với Thiên
Chúa.
Có
thể nói ba xen cám dỗ có chủ đề chung là sửa chữa một cách hiểu sai sứ
mạng của Đức Giêsu như là Con Thiên Chúa. Dây liên kết ba xen ấy là một chuỗi
các câu trích lấy từ sách Đnl nhắc
lại ba biến cố Xuất Hành trong đó con cái Israel trong hoang địa đã bị thử
thách và đã thất bại. Đức Giêsu được minh nhiên so sánh với họ: tại chỗ Israel
đã thất bại, Đức Giêsu đã thành công. Trong mỗi xen, ma quỷ bị Đức Giêsu đánh
bại bằng cách trích Kinh Thánh. Tác
giả Lc không ghi lại một lời
nào khác của Đức Giêsu. Như thế, Người được phác vẽ ra như là Đấng chiến thắng
nhờ được võ trang bằng Lời Thiên Chúa (x. Ep
6,17).
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Trong lời mời gọi hoán cải, Gioan khẳng định rằng ơn cứu độ không mưa từ trời
xuống cho chúng ta. Chúng ta phải chủ ý thực hiện một cuộc hoán cải
quyết liệt và hữu hiệu mà quay về với Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta hoán cải
và Ngài giúp chúng ta thực hiện, nhưng chúng ta phải chủ động bắt tay vào. Lối
xử sự của chúng ta đối với Thiên Chúa sẽ cứ bị méo mó đủ cách. Nhiều thực tại
khác lôi kéo sự chú ý của chúng ta, tỏ ra quan trọng và có giá trị hơn chính
Thiên Chúa. Cám dỗ và thử thách vẫn có đó, nên ta cần phải lấy lập trường và
quyết định. Đức Giêsu nêu gương cho chúng ta: vì Người luôn ở về phía Thiên
Chúa, nên Người có thể trả lời cách yên hàn, chắc chắn và đàng hoàng. Người
diễn tả ra cách đơn giản, tuyệt đối rõ ràng, điều gì có giá trị.
2. Bị
thử thách không phải là một điều xấu: Đức Giêsu vừa được Thánh Thần
hướng dẫn vừa chịu quỷ cám dỗ. Điều xấu là để mình sa chước cám dỗ. Nếu kiên
trì chiến đấu và đạt chiến thắng như Đức Kitô đã làm trong hoang địa, ta đã có
dịp diễn tả lòng hiếu thảo của mình đối với Chúa Cha. Dĩ nhiên không nên tự phụ
mình thừa sức chiến thắng cám dỗ bằng cách đi tìm cám dỗ! Còn khi cám dỗ đến,
chúng ta bắt chước Đức Giêsu dùng những phương tiện siêu nhiên có được mà chiến
đấu: Lời Chúa, cầu nguyện, Thánh Thể…
3.
Chúng ta bị cám dỗ khi chỉ rút vào trong mình, và đầy người khác ra ngoài; khi
chúng ta dùng các tài năng để chỉ thỏa mãn chính mình; khi chúng ta xác tín
rằng chúng ta phải lo cho chính mình, chứ không quan tâm đến người khác. Đức
Giêsu đã sử dụng quyền của Người cho kẻ khác. Phải luôn nhìn nhận quyền chúa tể
của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nhưng sự nhìn nhận này thường xuyên bị đe
dọa bởi việc đi tìm quyền lực: “Tôi có khả năng quyết định. Lời tôi nói và ý
tôi muốn là dứt khoát và phải được tuân theo. Tôi có quyền xếp đặt các con
người và các sự việc!” Đức Giêsu nhìn nhận quyền bính trong thế giới loài
người. Tuy nhiên các quyền bính này không được coi như có quyền thống trị trên
người khác, trái lại phải được sống như một công việc phục vụ (x. Lc 3,12-14; 22,24-27).
4.
Trong cuộc sống này, chúng ta không thể mong được miễn giảm một cuộc
chiến đấu gian khổ. Tuy nhiên, chúng ta được biết Tin Mừng này: có một Đấng
mà tên cám dỗ không làm hại được; có Đấng tuyệt đối sống trung thành với Thiên
Chúa. Cho dù chúng ta không chống lại được thử thách và cứ té ngã liên tục, sự
kiện có một Đấng vẫn đứng vững và trung thành với Thiên Chúa phải thổi
vào lòng chúng ta niềm vui và sự can đảm. Đức Giêsu đã không cần bằng chứng để
tin vào tình yêu của Chúa Cha. Thế nhưng có những Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa
chỉ yêu thương họ khi mọi chuyện xuôi chảy với họ, còn khi có những trục trặc,
họ bắt đầu ngờ vực. Còn Đức Giêsu, ngay trên thập giá, khi những con mắt trần
gian thấy dường như Người bị Thiên Chúa nguyền rủa, Người vẫn tin vào tình yêu
của Chúa Cha.
5.
Đức Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi
vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự
nhiên. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại,
thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn
con đường chung của mọi người, là sự thoải mái. Vinh quang không phải là một
tội, mà còn là một quyền Người có thể dùng. Sự rút lui của quỷ chứng
tỏ đây không những là một chiến thắng của chủ trương Mêsia khiêm nhường
và phục vụ như tôi tớ, mà còn là một chiến thắng riêng của Đức Giêsu.
Người đã không muốn bước theo một nẻo đường tiện nghi thoải mái, không
muốn hưởng trước một thành công; nhưng Người đã tôn trọng con đường đã được
chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi. Khi rời khỏi hoang địa, không những
Người được thánh hiến mà còn có đầy đủ tư cách Mêsia.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm