CẨN TRỌNG TRƯỚC CÁC CƠN CÁM DỖ
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY
(Đnl 26,4-10; Rm
10,8-13; Lc 4,1-13)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong hành trình tin
và theo Chúa, hẳn mỗi người đều có kinh nghiệm về cám dỗ và thử thách. Có những
cám dỗ không đáng kể, nhưng cũng có những thử thách chẳng đơn giản chút nào!
Trước những thử thách và cám dỗ, có người coi là bình thường, lại có người cho
là cam go, có người đứng vững, có người lung lay và có người ngã gục.
Tại sao lại có nhiều
tâm trạng và thái độ cũng như kết cục như vậy? Thưa! Rất đơn giản, đó là khi thử
thách và cám dỗ xảy đến, ta nhìn nó dưới khía cạnh nào, nhất là ta chiến đấu với
ai và chiến đấu như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về các
hình thức cám dỗ cũng như cách chiến đấu trước thử thách, chúng ta sẽ lần lượt đi
từ cám dỗ của dân Israel đến Đức Giêsu và sau cùng là chúng ta. Qua đó rút ra
cho mình bài học để sống trong Mùa Chay Thánh này.
Trong thời Cựu Ước,
Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng, và đã yêu thương, bao bọc, trở
che, nhất là đã dẫn họ ra khỏi Aicập, đưa vào Đất Hứa. Tuy nhiên, trên hành
trình đó, họ đã gặp phải không ít khó khăn, thử thách, khiến dân không còn
trung thành với Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa nữa.
Vì thế, họ đã vấp phải
những cám dỗ:
Thứ nhất, cám dỗ về nhu
cầu thân xác. Thiên Chúa đã yêu thương, nuôi dân bằng Manna và chim cút, thế
nhưng, họ đã không cảm nghiệm được tình thương, ngược lại, đã tiếc nuối “củ hành, củ tỏi” bên Aicập, để rồi phàn
nàn trách móc Thiên Chúa.
Thứ hai, khi Môsê lên
núi để gặp Chúa lâu giờ, dân sốt ruột, nóng lòng, nên ở dưới, họ đã xúc phạm đến
Thiên Chúa bằng việc đề nghị Aharon cho đúc bò vàng để tôn thờ thay Thiên Chúa.
Đây là cơn cám dỗ thờ ngẫu tượng.
Thứ ba, trải qua hành
trình sa mạc, dân phàn nàn, trách móc, thách thức Thiên Chúa và đòi Người phải thi
hành theo ý họ. Đây là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.
Tất cả những cám dỗ
đó, dân Israel đều ngã ngục vì lý do: không nhớ đến tình thương của Thiên Chúa và
không biết phó thác nơi Người.
Nếu dân Israel cũ đã
ngã gục trước cả ba loại hình cám dỗ, thì Đức Giêsu, vị thủ lãnh của dân Israel
mới, Ngài cũng từng trải qua ba cơn cám dỗ tương tự, tuy nhiên, Ngài đã chiến thắng
hoàn toàn.
Kinh Thánh kể lại: sau
khi Đức Giêsu đã trải qua hành trình dài 40 đêm ngày chay tịnh trong sa mạc, ma
quỷ đã lợi dụng đúng lúc cao điểm này để tấn công Đức Giêsu.
Cơn cám dỗ thứ nhất: khi
chúng phát hiện thấy Đức Giêsu đói, nó đã tiến lại và lên tiếng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền
cho đá này biến thành bánh đi” (Lc 4,3).
Khi cám dỗ Đức Giêsu
thỏa mãn cơn đói như vậy, ma quỷ muốn đánh vào các đam mê lạc thú để thỏa mãn
nhu cầu thân xác. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chiến thắng bằng việc tuyên bố: “Đã có lời chép rằng: ‘người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh’” (Lc 4,4).
Sang cơn cám dỗ thứ hai,
ma quỷ đánh vào tâm lý ham hố danh vọng, nhất là nó khơi gợi quyền lực, háo thắng.
Vì thế, chúng đã nói với Đức Giêsu: “Nếu
ông bái lạy tôi thì tất cả các nước thiên hạ sẽ thuộc về ông” (x. Lc 4, 7).
Tuy nhiên, như lần đầu,
Đức Giêsu cũng đã chiến thắng và khẳng định rằng: Ngài chỉ lệ thuộc vào một
mình Thiên Chúa (x. Lc 1,32b), vì thế, không có lý do gì khác khiến Ngài tôn thờ
chúng (x. Lc 4,8; Đnl 6,13).
Cơn cám dỗ sau cùng,
ma quỷ khơi gợi sự kiêu ngạo bằng việc thách thức Đức Giêsu thi thố quyền năng
để gieo mình từ nóc đền thờ xuống (x. Lc 4,10). Qua cơn cám dỗ này, chúng muốn
Đức Giêsu đi vào vết xe đổ của hắn, của Tổ tông và của dân Israel xưa kia!
Tuy nhiên, lần cuối
cùng này, chúng cũng thất bại trước phản ứng của Đức Giêsu: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa
của ngươi” (Lc 4, 12; x. Đnl 6,16).
Lý do Đức Giêsu chiến
thắng cả ba cơn cám dỗ trên, ấy là vì Ngài
đã đặt trọng tâm Thiên Chúa vào trong cuộc sống của Ngài. Vì thế, sự chiến
thắng của Ngài là chiến thắng trong và nhờ Thiên Chúa.
3.
Cám dỗ của chúng ta
Những cơn cám dỗ của
dân Israel, rồi đến Đức Giêsu sẽ mãi mãi là chiêu thức ma quỷ đặt ra cho chúng
ta.
Trước tiên, về nhu cầu
thân xác: khi hắn thấy việc ăn uống của con người là điều kiện không thể thiếu
nếu muốn tồn tại. Vì thế, chúng luôn tấn công ta bằng thái độ: “Sống để ăn chứ không phải ăn để sống!”
Nó cũng thường xuyên cám dỗ ta về nhu cầu xác thịt, ăn chơi đàn điếm để thỏa
mãn bản năng.... Nhiều người đã mắc phải cạm bẫy này, nên: “Cực lạc sinh bi ai”.
Thứ đến, đó là cơn cám
dỗ về lợi lộc: là con người, ai lại chẳng thích được sung túc, lợi lộc, danh vọng,
quyền lực... Hiểu được tâm lý đó, nên chúng luôn tìm cách đánh vào huyệt trọng yếu
của ta. Trước cám dỗ này, nhiều người đã nhắm mắt, bán linh hồn và trở thành nô
lệ cho chúng, vì thế, không lạ gì khi có quá nhiều người chỉ vì một chút lợi lộc
thức thời, mau qua, chóng hết mà đã chấp nhận bán rẻ lương tâm, trà đạp người
khác, sống trên mồ hôi, xương máu của anh chị em mình.
Cơn cám dỗ cuối cùng,
ma quỷ đánh vào tính kiêu ngạo của chúng ta. Thật thế, lòng tham sân si, háo
danh, muốn hơn người là cái đích mà nhiều người nhắm tới. Vì thế, ta thấy có
nhiều người chấp nhận ăn mày tiếng khen. Biết được tâm lý đó, nên ma quỷ thường
xuyên tung ngón đòn thâm hiểm, độc địa này để dụ dỗ chúng ta, bởi vì kiêu ngạo,
háo danh là con đẻ của chúng.
Như những gì đã tìm hiểu
ở trên, chúng ta thấy: con người là đối tượng để ma quỷ cám dỗ. Vì thế, lời
tiên báo của Đức Giêsu cho Phêrô đáng để chúng ta cảnh giác: “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”
(Lc 22,31). Rồi từ chính kinh nghiệm cá nhân, thánh nhân nhắc nhở: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma
quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1
Pr 5,8).
Như vậy, cám dỗ là nghề
của ma quỷ, vì thế, mọi cơn cám dỗ dù lớn hay nhỏ, dù lâu hay mau, nó đều đi đến
mục đích cuối cùng là làm sao cho con người phạm tội.
Đứng trước các cơn cám
dỗ, chúng ta không được phép coi nhẹ hay giám khinh! Nhưng như Đức Giêsu, chúng
ta hãy lấy đức khiêm nhường làm nền tảng, lấy sự hy sinh làm sức sống và lấy Lời
Chúa làm võ khí. Như thế, ta mới hy vọng chiến thắng (x. Pl 4,13).
Lạy Chúa Giêsu, hôm
nay Chúa đã chiến đấu và đã chiến thắng cạm bẫy của Xatan. Xin cho chúng con biết
noi gương Chúa để đối trọi với những cám dỗ trong đời sống thường ngày của mình.
Amen.