CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Con Người Yếu Hèn và Thiên Chúa Đầy Thương Xót
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 8:1-11)
Các kẻ thù của Chúa Giê-su đã tính
toán kỹ càng. “Vừa tảng sáng”, khi Chúa
trở lại Đền Thờ để giảng dạy cho dân chúng, là họ cũng có mặt ngay. Chắc là suốt đêm họ sốt ruột chờ đợi lúc này. Họ đến không chỉ để bắt bẻ Người về lời nói,
nhưng còn mang theo một “con mồi” để làm cho Chúa phải sập bẫy: người phụ nữ bị
họ bắt quả tang đang ngoại tình. Họ sẽ đặt
Chúa vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, phải theo họ hay là phải chết. Họ giương bẫy bằng một câu hỏi xem ra bình
thường nhưng lại rất thâm độc: “Thưa Thầy,
người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng
tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy,
Thầy nghĩ sao?” Ném đá hay không ném đá,
quả thực nan giải! Liệu Chúa Giê-su có
dám chống lại ông Mô-sê không? Nhưng
Chúa Giê-su có câu trả lời mà loài người không nghĩ tới hoặc hoặc các kinh sư
và Pha-ri-sêu không muốn nghĩ tới. Đó là
lòng thương xót!
Đám kinh sư và Pha-ri-sêu đợi mãi câu
trả lời của Chúa làm họ sốt ruột! Thánh
sử muốn diễn tả theo lối hồi hộp trinh thám hay là Chúa Giê-su muốn chơi trò
“mèo vờn chuột” đây? Hiểu cách nào cũng
được, nhưng chắc là Chúa Giê-su dành cho họ thời giờ để suy nghĩ lại việc làm của
mình, hoặc để cho câu trả lời của Người gây ấn tượng sâu xa hơn nữa đối với họ,
may ra họ thay đổi não trạng chăng! Cho
nên thời gian Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên mặt đất cũng là thời gian
dành cho họ để họ suy nghĩ và tự mình sám hối trước, thay vì lên án người khác. Chúa muốn họ hãy nghĩ đến tình trạng tội lỗi
của họ. Trước mặt Thiên Chúa, ai dám
xưng mình là công chính? Bây giờ, thay
vì để họ giục Người hãy trả lời thì chính Người lại giục họ hãy trả lời sự
thách thức của Người: “Ai trong các ông
sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.
Rồi thánh Gio-an viết gần như khôi hài:
“Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau”. Các họa sĩ hay điêu khắc gia đều cẩn thận vẽ lại
hoặc mô tả chi tiết này, là người già đi trước, người trẻ đi sau! Bởi vì càng già càng lắm tội đấy. Thật là một cảnh tượng thảm bại của kẻ thù
Chúa Giê-su dưới khí giới của Thiên Chúa là lòng thương xót.
Thánh Gio-an không nói, nhưng chúng ta
có thể nhận ra lòng thương xót của Chúa trong nhiều chi tiết câu chuyện. Đối với kẻ thù, Chúa Giê-su đã biểu lộ lòng
thương xót bằng cách tạo cơ hội cho họ suy nghĩ và sám hối. Chúa còn tế nhị và bác ái đối với họ, không
muốn lật mặt nạ xấu xa của họ, nhưng mở cho họ con đường rút lui êm thắm. Tuy nhiên đặc biệt đối với người phụ nữ tội
nhân thì Lòng Thương Xót lại càng ngọt ngào, an ủi, mở rộng vòng tay đón đứa
con tội lỗi trở về. Những lời của Chúa
Giê-su “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai
lên án chị sao?” đã đem lại bình an cho chị và bảo đảm với chị rằng dù chị có tội
lỗi cách mấy, thì lòng thương xót của Chúa cũng thắng tội lỗi. “Thưa ông, không có ai cả”. Thánh Augustinô ghi chú về cảnh mọi người đã
rút lui như sau: “Chỉ còn hai: con người
yếu hèn và Thiên Chúa đầy lòng thương xót”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Còn gì thích hợp hơn bằng đọc và suy
niệm bài Tin Mừng này trong bối cảnh Năm Thánh của Lòng Chúa Thương Xót. Chúng ta hãy xác tín rằng những lời cuối
cùng Chúa Giê-su nói với người phụ nữ trong câu chuyện cũng là những lời Người
muốn nói với mỗi người chúng ta. Hoặc
nói khác đi, hết thảy chúng ta đều cần được nghe Chúa nói những lời ấy: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Chúng ta đừng sợ phải nghĩ đến tình trạng
tội lỗi của mình. Ngay đến Đức Giáo
Hoàng Phanxicô khi được hỏi: “Jorge
Mario Bergoglio (tên của ĐGH khi còn là Hồng y) là ai?”, ngài không ngần ngại
trả lời: “Tôi là một kẻ tội lỗi”. Ngài còn nói thêm: “Tôi là một người được Chúa nhìn đến. Tôi luôn
cảm thấy khẩu hiệu, Miserando atque Eligendo (Thương xót và tuyển chọn),
rất đúng với tôi.” Sở dĩ
ngài trả lời ngay như vậy là vì ngài luôn khiêm nhượng nhìn nhận thân phận con
người của ngài trước mặt Chúa, nhưng nhất là vì ngài tin vào lòng thương xót của
Thiên Chúa. Chúng ta có dám can đảm trả
lời như Đức Phanxicô không?
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi