Các phỤ nỮ tẠi mỘ ĐỨc Giêsu 

(Luca 24,1-12 – Canh thức Vượt Qua - C)

 

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta cần phải đọc bản văn Lc 24,1-12 trong toàn bộ phân đoạn 23,55–24,12 vì đây là một bài tường thuật liên tục.

          Sau khi Đức Giêsu được mai táng (Lc 23,50-54), đã đến giờ của các phụ nữ Galilê. Tác giả đã nói đến họ trước đây (8,2t; 23,49), nhưng chỉ ở Lc 23,55–24,10, chứ không ở bất cứ bản văn nào khác, sự quan tâm mới được tập trung vào các bà. Các bà là những người duy nhất tỏ ra năng động. Tình yêu của các bà đối với Đức Giêsu vẫn còn sống động. Các bà làm những gì có thể làm (x. Mc 14,8), tức khắc các bà bố trí một việc nghĩa (tốt) cho Đức Giêsu (x. Mc 14,6) và tìm cách thực hiện càng nhanh càng tốt. Đến mộ, thấy tình trạng lạ lùng, các bà còn đang phân vân thì hai thiên sứ đã thông tin: sứ điệp không nói đến các môn đệ mà chỉ nói với các bà thôi. Các bà về cộng đoàn như là những sứ giả đầu tiên của cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu.

 

2.- Bố cục

          Bản văn có thể chia thành bốn phần:

          1) Các phụ nữ đi ra mộ Đức Giêsu (24,1-3);

          2) Hai người đàn ông thông tin cho các bà (24,4-8);

          3) Các phụ nữ đưa tin cho Nhóm Mười Một (24,9-10a);

          4) Nhóm Mười Một phản ứng trước các lời của các bà (24,10b-12).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Họ còn đang phân vân (4): Động từ aporein (x. Mc 6,20) và aporeisthai (x. Lc 24,4; Ga 13,22; Cv 25,20) có nghĩa là “bị lúng túng, ở trong tình trạng lưỡng lự, khó khăn; không biết phải tính sao” (poros, “con đường”; aporos, “một người không có đường đi”).

- Các bà sợ hãi (5): Emphobos, “sợ hãi”: x. Lc 24,37; Cv 10,4; 24,25. Trong công thức emphobos genomenos, nỗi sợ hãi luôn luôn là hậu quả của một kinh nghiệm đi trước.

- cúi gầm xuống đất (5): Công thức klinein to prosôpon này không hề có trong bất cứ đoạn nào của Tân Ước, thậm chí trong Bản LXX. Có công thức klinein tên kephalên, “tựa đầu; nghiêng đầu” trong Tân Ước (Mt 8,20; Lc 9,58; Ga 19,30) và klinein to ous, “nghiêng tai, lắng tai” ở trong Bản LXX thường xuyên (chẳng hạn Tv 30,2; Hc 4,8). Công thức piptein epi prosôpon, “ngã sấp mặt xuống đất” có trong Bản LXXTân Ước (x. Mt 17,6; 26,39; Lc 5,12; 17,16).  Đây là một cử chỉ dữ dội nên dường như không tương đương với klinein to prosôpon. Các bà chỉ “nghiêng mặt về phía mặt đất” (và không dám nhìn lên) vì sợ hãi hoang mang. Có thể so sánh phản ứng này với Mc 16,5b.

- Người Sống ở giữa kẻ chết?Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy (5-6): Hai câu này theo cách chuyển hoán vừa tóm vừa giải thích hai yếu tố của câu hỏi các thiên sứ đặt ra:

a = Người Sống

b  = kẻ chết

b’ = không ở đây

a = đã trỗi dậy

- các bà kể cho Nhóm Mười Một (9): Động từ apangellein, “đưa tin, làm cho biết, kể lại” (Mt 8 lần; Mc 5 lần; Lc 11 lần; Ga 1 lần; Cv 16 lần) là hoạt động của người đã chứng kiến một biến cố và này cung cấp thông tin; Mt 28,8.10 và Lc 14,9 áp dụng cho các phụ nữ. Các bà thông tri “tất cả những sự việc ấy”, tức là tất cả những gì các bà đã chứng kiến ở 24,2-8, tất cả kinh nghiệm họ đã có khi ở tại mộ Đức Giêsu.

- Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, (…). Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói (10):  Câu này có thể hiểu hai cách: a) Trong trong hợp thứ nhất, toàn câu xác định các bà đã đưa tin ở Lc 24,9 cho Nhóm Mười Một là ai: “Là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này”. Rồi tác giả nhắc lại việc các bà kể truyện và nói (có chút lặp lại): “Họ (= tất cả các phụ nữ) nói với các tông đồ các điều này”. Bản Tân Ước Hy Lạp Nestle-Aland 1998 theo cách đọc này. 2) Trong trường hợp thứ hai, câu văn được cắt đôi như sau: “Là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các tông đồ như vậy” (CGKPV). Lời kể của các bà này được coi như là một lời xác nhận lại lời kể của các bà đầu và như thế, bản văn không có vẻ lặp lại. Tuy nhiên, cách cắt như thế dường như đi ngược lại với lô-gích của cả đoạn 23,55–24,10. Ngay lúc đầu, ở 23,55, nhóm các phụ nữ được nêu lên không có chia nhóm nhỏ; rồi khi nói đến các hành động của họ sau đó, kể cả 24,9, ta hiểu đó là hành động của cả một nhóm, và chỉ đến cuối, ở 24,10a, tác giả mới cho biết nhóm đó gồm những ai. Cả ở câu 24,11, “các ông cho đó là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin các bà”, thái độ không tin được các tông đồ tỏ ra là với cả nhóm các phụ nữ. Chỉ ở 24,10 mới có sự chia nhóm thì khó thuyết phục. Do đó, có thể nói, ở 24,9-10a, tác giả nhấn mạnh trên việc các phụ nữ loan tin, còn ở 24,10b-12, ngài nhấn mạnh trên phản ứng của các tông đồ. 

- tông đồ (10b): Lc đặc biệt quan tâm đến danh hiệu “hoi apostoloi” và chức năng thừa sai của các ông (Lc 6,13; 9,10; 11,49; 17,5; 22,14; 24,10; trong Cv 28 lần; x. Mt 10,2; Mc 3,14; 6,30). Các ông là những người đã được Đức Giêsu ký thác cho sứ mạng tiếp tục công việc của Người (x. 9,1-6).

- Nhưng các ông cho đó là chuyện vớ vẩn (11): dịch sát là “Các lời ấy [ta rhêmata tauta] có vẻ là lời nói sảng [lêros]” (NTT). Từ nghữ rhêma, “lời nói; sự việc” thường được Lc dùng (Mt 5 lần; Mc 2 lần; Lc 19 lần; Ga 12 lần; Cv 14 lần); để chỉ một khối các lời nói và/hoặc các sự việc thì tác giả dùng số phức (Lc 1,65; 2,19.51; 7,1; 24,8.11). Ở Lc 7,1 và 24,8, từ này chĩ có ý nghĩa giới hạn là “các lời nói”; ở 1,65 và 2,19.51, từ này có nghĩa là “các lời và các hoàn cảnh”. Bởi vì lêros (chỉ có trong quyển ngụy thư 4 Mcb 5,11 và Lc 24,11) có nghĩa là “nói ba hoa; nói nhảm; nói sảng” và được dùng ở 24,11 để nêu đặc tính của ta rhêmata tauta, công thức này dường như chỉ có nghĩa là “các lời này”; do đó dịch như NTT là tốt. Mọi sự chỉ dừng lại ở bình diện các lời nói.

- Ông trở về nhà (12): Công thức aperchesthai pros heauton có nghĩa là “trở về nhà” (x. Ga 20,10); Nova Vulgata dịch là “rediit ad sua”.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Các phụ nữ đi ra mộ Đức Giêsu (1-3)

          Các phụ nữ đã quyết định đi tẩm liệm lại thi hài của Đức Giêsu. Vào ngày sa-bát, các bà đã giữ luật nghỉ ngày thứ bảy để giữ đúng lệnh Thiên Chúa truyền (kata tên entolên). Đây là một thời gian yên tĩnh và suy nghĩ. Vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc tảng sáng (orthros bathys, “vừa hừng sảng”), các bà đã đi ra mộ Đức Giêsu. Lý do các bà đi ra đó được báo trong câu tiếp sau: “mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (x. 23,56a). Câu này kết nối bản văn với phần đi trước. Vào ngay chiều an táng Đức Giêsu (khác với Mc 16,1), các phụ nữ đã chuẩn bị dầu và thuốc thơm, rõ ràng là để tẩm liệm thi hài Đức Giêsu, cho dù tác giả Lc không dùng minh nhiên động từ aleiphein, “xức dầu” (x. Mc 14,6). Tình thương mến của các bà đối với Đức Giêsu, nay chỉ còn là một thi hài, được diễn tả ra trong “việc tốt” (x. Mc 14,6) là việc xức dầu. Do đó các bà đã chuẩn bị, rồi bây giờ đi ra mộ càng nhanh càng tốt. Nhưng có hai khám phá lạ lùng và trái ngược với những gì các bà đang chờ đợi: 1) tảng đá đã lăn ra khỏi mộ; 2) không thấy thi hài Đức Giêsu.

Rất có thể các bà chờ đợi gặp một ngôi mộ đóng kín (x. Mc 16,3-4), bây giờ lại thấy một ngôi mộ mở. Một ngôi mộ mở luôn luôn làm cho người ta sợ: nó làm cho ta nghĩ đến một cái mõm của một con quái vật sẵn sàng nuốt trửng các nạn nhân. Nó đã nuốt trửng một nạn nhân cách đây ba ngày, thế mà chưa đủ sao? Điều đầu tiên các bà nghĩ tới là hẳn đã có trộm. Dù có bản án tử hình cho kẻ nào xúc phạm đến các ngôi mộ, cám dỗ vẫn rất lớn. Biết đâu các bà cũng nghĩ rằng hay là linh hồn Đức Giêsu đã nhập vào lại thân xác Người, nên Người lại sống, nhưng Người đâu rồi? Các bà lại không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả. Đến lúc này, các bà không còn biết phải làm gì nữa, các bà lúng túng (c. 4). Ở Lc 24,3, hành vi các bà bước vào mộ không được kết nối với việc các bà thấy một thiên sứ (khác với Mc 16,5); và chính các bà nhận ra rằng không có thi hài, chứ không do vị thiên sứ lưu ý (như trong Mc 16,6). Trong Lc, sự phân vân bối rối của các bà hoàn toàn dựa trên các nhận xét của chính các bà là những người phàm; và đây là khung cảnh trong đó hai thiên sứ xuất hiện.

 

* Hai người đàn ông thông tin cho các bà (4-8)

          Có hai người đàn ông đến bên họ, y phục sáng chói (c. 4). Cv 1,10 có kể lại một cuộc xuất hiện tương tự của hai người đàn ông. Khi đó, bởi vì các môn đệ còn đang ngơ ngác khi chứng kiến Đức Giêsu biến mất, hai vị ấy đã giải thích hoàn cảnh: Đức Giêsu đã được đưa lên trời và một ngày nào đó, Người sẽ trở lại (Cv 1,11). Sự kiện các vị này có mặt hai người chứng tỏ họ là những chứng nhân (x. Đnl 19,15) và nêu bật giá trị của các lời của các vị. Y phục sáng chói (x. Mt 28,3) cho hiểu là các vị đến từ thiên giới. Ở xa hơn, hai người này được nhận dạng là “thiên thần” (24,23). Mc thì nói là “một người thanh niên” (Mc 16,5), Mt thì nói rằng “thiên thần Chúa từ trời xuống” (Mt 28,2), còn Ga thì nói đến “hai thiên thần” (Ga 20,12). Các tác giả TM dùng ngôn ngữ khác nhau, nhưng sứ điệp thì y như nhau: trời cao đã gửi ánh sáng xuống để làm sáng tỏ mầu nhiệm sự chết, để trả lời cho một trong những điều bí nhiệm lớn lao nhất vẫn đang làm rối loạn các con tim.

          Thấy hai người lạ đó, các bà “sợ hãi” (emphobos: x. Lc 24,37; Cv 10,4; 24,25); đây là một phản ứng bên trong. Tác giả còn ghi thêm một cử chỉ bên ngoài: các bà “cúi gầm xuống đất”, tức không dám ngước mắt lên nhìn. Hai người đàn ông bắt đầu can thiệp (cc. 5b-7) bằng một câu hỏi, tiếp theo là hai khẳng định rồi kết thúc bằng một mệnh lệnh cách; ở đầu không có lời khuyến khích “đừng sợ” như ở Mt 28,5 và Mc 16,6. Câu hỏi nêu bật đặc tính phi lý của hành vi của các bà. Các bà tìm cách đến gần Đức Giêsu, nhưng đã chọn sai chỗ. Ta có thể ghi nhận một thứ “đóng khung” giữa hai câu hỏi: Lc 2,49: “mà tại sao lại tìm con” và Lc 24,5: “tại sao các bà đi tìm Người Sống ở giữa kẻ chết”. Câu hỏi thứ nhất, Đức Giêsu 12 tuổi ngỏ lời với Maria và Giuse; còn câu thứ hai là do hai nhân vật ngỏ với các phụ nữ. Trong cả hai trường hợp, vấn đề là đi tìm Đức Giêsu theo cách không xứng hợp. Ở 24,15, ta ghi nhận sự đối lập rõ ràng giữa “Người Sống” (ho zôn) và “giữa kẻ chết” (meta tôn nekrôn). Hai người đàn ông đã tỏ bày cho biết Đức Giêsu là “Người Sống”. Đặc điểm phù hợp với Đức Giêsu nhất, đó là sự sống (Lc 24,23; Cv 1,3; 25,19; Kh 1,18): Người không còn thuộc về vương quốc của kẻ chết một tí nào nữa. Câu hỏi của hai thiên sứ có hàm ẩn một ý trách móc, dù sao cũng nhằm sửa chữa cách hành động của các phụ nữ. Các câu 5 và 6 ở thể chuyển hoán nhắc lại và giải thích câu hỏi của các thiên sứ. Lời khẳng định “Người không ở đây” nhắc lại rằng Đức Giêsu không còn ở trong mộ nữa, không còn ở giữa kẻ chết nữa. Lời khẳng định “Người đã trỗi dậy” giải thích sự vắng mặt của Người và cũng xác định bản chất của sự sống của Người. Người không quay lại với sự sống trần thế, vì Thiên Chúa đã đưa Người vào trong sự sống thần linh của Ngài (x. 24,34).

Sau đó, bằng mệnh lệnh “hãy nhớ lại” (mnêsthête), hai người yêu cầu các bà nhớ lại các lời Đức Giêsu đã nói trước với các bà khi còn ở Galilê và kết nối sứ điệp vừa được nghe với các lời báo trước đó. Như thế không phải là các bà mới nghe sứ điệp này lần đầu tiên, bởi vì sứ điệp này chỉ là ghi nhận sự hoàn tất các lời Đức Giêsu đã nói trước đây. Không những các môn đệ mà cả các phụ nữ cũng đã ở với Đức Giêsu tại Galilê (Lc 8,1-3) và đã đi với Người trên đường lên Giêrusalem (24,55). Do đó, các bà phải biết các lời tiên báo này (9,22.44; 17,25; 18,32t). Trong khi Mt 28,6 chỉ vắn tắt nhắc tới các tiên báo đó của Đức Giêsu, Lc 14,7, cho dù không trích rõ ràng một lời nào, lại hàm chứa mọi yếu tố của các lời tiên báo đó: nói đến Con Người (x. 9,22.44; 17,25; 18,31) bằng cách để ở đầu câu; nêu bật ý muốn cứu độ của Thiên Chúa (dei, “điều cần thiết”; x. 9,22; 17,25); nhắc đến việc Người bị nộp vào tay người tội lỗi (x. 9,44 nhưng không có từ “tội lỗi”), việc Người bị đóng đinh (nhưng 9,22 và 17,33 nói là “bị giết”) và việc Người sống lại (17,33: anastêsetai) vào ngày thứ ba (9,22; 17,33). Liên hệ giữa các lời tiên báo của Đức Giêsu và các biến cố thuộc số phận Người được khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng là để giúp chấp nhận và hiểu con đường của Đức Giêsu. Chính Đấng Phục Sinh cũng quy chiếu về các lời Người đã nói trước đây (24,44), nhưng đặc biệt quy chiếu đến những gì được viết về Người trong Kinh Thánh (24,25-27.44-46; x. 17,31-33).

Với lời kêu gọi hãy nhớ lại, chấm dứt các lời nói của hai người. Các bà không được cử đi đến với các môn đệ và không phải loan báo cho họ một cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Phục Sinh tại Galilê. Tác giả Lc cũng không ghi lại một phản ứng tình cảm nào của các bà khi được nghe sứ điệp Phục Sinh (Mt 28,8: “sợ hãi và rất đỗi vui mừng”; Mc 16,8). Ngài chỉ cho thấy rằng các bà đã thật sự nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói (24,8).

 

* Các phụ nữ đưa tin cho Nhóm Mười Một (9-10a)

          Trong khi Lc 24,1-8 được xác định là mộ Đức Giêsu, đoạn văn tiếp theo lại tập trung vào cuộc gặp gỡ của các phụ nữ với Nhóm Mười Một và những người khác (24,9-12). Tuy nhiên, phản ứng của Phêrô đã lại đưa ông ra mộ (c. 12). Ở bên trong 24,9-12, có thể phân biệt ra bài tường thuật của các phụ nữ (cc. 9-10a) và phản ứng của những người nghe (cc. 10b-12): các phụ nữ, nay được giới thiệu rõ ràng tên tuổi, đã về tường thuật tình hình cho các tông đồ (cc. 9-10a), nhưng các tông đồ cho là chuyện phi lý nên không tin các bà (cc. 10b-12). Thật ra nhóm nghe các bà kể lại là “Nhóm Mười Một và mọi người khác” (tois hendeka kai pasin tois loipois: 24,9 // 24,33: tous hendeka kai tous syn autois, “Nhóm Mười Một và những người đang ở với các ông”).

Nòng cốt của nhóm này là “Nhóm Mười Một” (hoi hendeka: Mt 28,16; Lc 24,9.33; Cv 1,26; 2,14), nghĩa là những người thuộc “Nhóm Mười Hai” (hoi dôdeka: Mt 8 lần; Mc 11 lần; Lc 7 lần; Ga 4 lần) còn trung thành sau khi Giuđa đã hư hỏng (22,3-6). Đây là một cộng đoàn có tổ chức, cũng là điểm quy chiếu cho các kinh nghiệm của từng thành viên, đặc biệt cho những gì liên hệ đến các biến cố Vượt Qua (24,9.33).

Khi nêu rõ tên gọi của ba phụ nữ (x. Mt 28,1 và Mc 16,1), tác giả cho hiểu rằng lời chứng của các bà không vô danh  và kém giá trị, nhưng đến từ những người được xác định rõ. Trong khi ở 23,49.55, Lc chỉ nói đến các phụ nữ (gynaikes; ở Mt 27,56.61 và Mc 15,40.47, các bà có tên), bây giờ (24,10) ngài nêu lên một vài tên đã nói đến trong lần đầu (8,2t). Ở vị trí đầu tiên, luôn luôn là bà Maria Mácđala (cả trong MtMc; x. Ga 19,25; 20,1.18); bà này có vẻ là người hứơng dẫn, là người năng động nhất. Chỉ ở Lc 24,10, xuất xứ của bà (Mácđala) mới được nêu ra, có lẽ để phân biệt với một Maria khác. Cùng với các tên riêng, có ghi nhận về các bà khác. Ba bà được nêu tên là nòng cốt của một nhóm đông hơn (x. 24,9.33).

 

* Nhóm Mười Một phản ứng trước các lời của các bà (10b-12)

          Sau một ghi nhận ngắn về việc các bà tường thuật các sự việc, tác giả ghi ra hai phản ứng: toàn Nhóm Mười Một không tin các bà và Phêrô chạy ra mộ.

          Tại Lc 24,10, thay vì Nhóm Mười Một, tác giả nói đến các “tông đồ” và không nhắc đến những người khác. Tác giả nêu bật nhóm trung tâm và nhiệm vụ của các ông là những ngườii được sai đi. Nay các ông từ khước chứng từ của các phụ nữ.

Tác giả nhắc ba lần đến việc các bà kể lại: apêngeilan tauta panta (c. 9); elegon … tauta (c. 10b); ta rhêmata tauta (c. 11). Mọi sự chỉ dừng lại ở bình diện các lời nói. Các tông đồ không nhìn nhận rằng các lời nói của các phụ nữ được đặt trên các sự kiện, nhưng không có thật giống các lời nói sảng của một người đang mơ (x. Nova Vulgata: “Et visa sunt ante illos sicut deliramentum verba ista”). Bằng cách đó, tác giả cũng nêu bật tính cách phi thường và khôn tả của những gì vừa được khẳng định trong các lời này. Hậu quả là các tông đồ không tin các phụ nữ (êpistoun autais; x. 24,41), không coi các bà là những người đáng tin.

Tác giả cũng nói đến một phản ứng riêng của Phêrô: ông chạy ra mộ để kiểm chứng những gì các bà đã tường thuật. Ngay từ đầu Phêrô đã đóng một vai trò đặc biệt (x. Lc 4,38; 5,1-11; 6,14; v.v.); Đức Giêsu đã cầu nguyện cho đức tin của ông và đã ký thác cho ông nhiệm vụ củng cố các anh em ông (23,31t). Lần cuối cùng ông xuất hiện, đó là vào dịp chối Đức Giêsu ba lần (22,54-62). Bây giờ ông đi lại hành trình mà các phụ nữ đã thực hiện trước ông (24,1) và chạy đến mộ (x. Ga 20,3.4.6; theo Lc 24,24 và Ga 20,1-9, ông không đi một mình). Hành vi chạy là một cách ứng xử lạ thường đối với một người lớn (x. Lc 15,20; 19,4; Mt 28,8) và cho thấy một sự quan tâm và một nỗ lực đặc biệt. Ông cũng chỉ thấy một ngôi mộ trống, nhưng ông kiểm chứng kỹ càng (24,12; x. Ga 20,5).

Vào dịp liệm thi hài Đức Giêsu, cả bốn tác giả Tin Mừng đều nhắc đến tấm khăn dùng để bọc thi hài Đức Giêsu (hê sindôn = tấm vải lanh mịn, tấm khăn: Mt 27,59; Mc 15,46; Lc 23,53; ta othonia = các dải vải lanh, các dải vải: Ga 19,40). Chỉ có LcGa nói đến việc Phêrô (và trong Ga, với một môn đệ khác) kiểm chứng ngôi mộ. Vào dịp này, cả Lc cũng nói đến othonia (Lc 24,12; x. Ga 20,5.6.7). Phêrô ghi nhận, trong tư cách chứng nhân mắt thấy (blepein, “nhìn xem”) rằng ở trong mộ chỉ có các dải vải, chứ không có thi hài mà các dải vải này đã bọc lại. Ít ra phần tường thuật này của các bà được chứng tỏ là thật. Từ “không tin”, vị tông đồ chuyển sang “ngạc nhiên” (thaumazôn; x. 24,41 là nơi tác giả kết nối apistein với thaumazein). Đối tượng của sự ngạc nhiên là to gegonos, “sự việc đã xảy ra”, dường như không chỉ là ngôi mộ trống, mà còn là tất cả những gì có trước đó, kẻ cả những gì các phụ nữ đã kể. Thế là “ông trở về nhà” (apêlthen pros heauton). Sự kiến tác giả không nói rằng Phêrô trở về cộng đoàn (x. Lc 24,9.33), dường như chuẩn bị cho truyện Chúa Phục Sinh hiện ra cho riêng Phêrô (24,34).

 

+ Kết luận

Qua bản văn này, các phụ nữ Galilê là cái cầu liên kết sự hiện diện chứng kiến hoạt động của Đức Giêsu tại Galilê (Lc 8,1-3) với sự hiện diện trong hành trình của Người lên Giêrusalem, khi Người chết và được mai táng (23,49.55) và với lời loan báo Người sống lại. Bài tường thuật liên tục Lc 23,55–24,10 (12) là một biểu tượng về sự kết hiệp liên tục, và được xác nhận cách tuyệt vời, của các phụ nữ Galilê với Đức Giêsu. Các bà đã làm tất cả những gì có thể làm về phương diện con người, để rồi ghi nhận mồ đã trống và thi hài của Đức Giêsu không còn ở đó nữa (24,2t; x. Ga 20,2); rồi Phêrô cũng đến để đích thân ghi nhận như thế (24,12). Bây giờ, các bà lại được coi là những con người ân cần, đáng tin cậy. Các bà cũng xuất hiện (= được nhắc tới) trong truyện hai môn đệ Emmau như là những người đầu tiên đã đánh thức cộng đoàn để ra khỏi tình trạng tê cóng (24,22-24) để rồi lại tiếp tục hiện diện ở trong lòng cộng đoàn (x. Cv 1,14).

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Các phụ rời mộ như là những người đã chứng kiến sự trống trải và đã nhận được một lời giải thích có thế giá cho sự kiện, tương ứng với chính những lời Đức Giêsu đã nói. Nay các bà xác tín rằng việc xức dầu cho thi hài không còn phải là cách xứng hợp để diễn tả tình yêu đối với Đức Giêsu nữa; tình yêu của các bà bây giờ đã có một “đối tượng” mới, hết sức  cao vời, đó là Đức Giêsu đã sống lại và đang sống. Tất cả những điểm này chính là nội dung các bà loan báo cho cộng đoàn (Lc 24,8).

2. Các phụ nữ không nhận được nhiệm vụ đi đến với các môn đệ để xác nhận với họ những gì Đức Giêsu đã nói với họ trước khi di vào cuộc Thương Khó. Các bà không phải là các sứ giả để đưa ơn gọi mới đến cho các môn đệ, để giao hòa các ông với Đức Giêsu và để đưa các ông đi gặp Người tại Galilê. Điều này tương ứng với các bản văn khác của Lc. Tác giả không nói đến lời tiên báo của Đức Giêsu có ở Mt 26,32; 28,7 và Mc 14,28; 16,7. Các môn đệ không có mặt kể từ khi Đức Giêsu bị bắt (22,54) cho đến khi các phụ nữ loan tin Người đã sống lại (24,9), ngoại trừ Phêrô (22,54-62). Nhưng tác giả Lc không nhắc lại sự thất bại của họ, không kể lại lời tiên báo của Đức Giêsu về sự sa sút của họ (x. Mt 26,31; Mc 14,27), cũng như việc họ bỏ Người mà trốn (x. Mt 26,56; Mc 14,50). Trong Lc, không có đề tài nói về sự bất trung của nhóm gần kề Đức Giêsu nhất và nói về việc Đức Giêsu giao hòa với họ; sự tha thứ cho việc Phêrô chối Người dường như đã được hiểu ngầm trong lời Đức Giêsu cầu nguyện cho ông, trong nhiệm vụ được giao cho ông trong tương lai (22,31t) và trong cái nhìn Đức Giêsu hướng về ông sau sự cố (23,61t).

3. Bản văn là một lời mời gọi thấy tầm quan trọng của các lời Đức Giêsu. Các phụ nữ được mời gọi nhớ lại các lời Đức Giêsu đã nói. Nhờ nhớ lại các lời ấy, nhờ suy nghĩ cân nhắc về tương quan giữa các lời và các biến cố, các lời được trân trọng và các biến cố được đánh giá và hiểu đúng đắn. Các lời và các biến cố soi sáng lẫn nhau. Chỉ dưới ánh sáng của các lời Đức Giêsu đã nói (x. Lc 22,61; 24,8; Ga 2,22) và của Kinh Thánh (x. Lc 24,25-27.44; Ga 2,17; 12,16), các biến cố thuộc cuộc đời Đức Giêsu mới nên sáng tỏ và hiểu được. Chúng ta có thể gặp được Đức Giêsu qua Lời của Người. Nhờ nhớ lại Lời của Người, chúng ta mở lòng ra với Người là Đấng Phục Sinh.

4. Chứng tá của các phụ nữ là nhắm đến cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu. Trong MtMc, nhiệm vụ của các bà chỉ nhắm đến Nhóm Mười Một (x. Mt 28,16; Mc 14,17; 14,28; 16,7). Trong Lc, cộng đoàn với Nhóm Mười Một như là nòng cốt, xuất hiện ra như một nhóm khá vững chắc và như là điểm quy chiếu rõ ràng cho các cá nhân (Lc 24,9.33; Cv 1,13t). Cộng đoàn nên phong phú nhờ các kinh nghiệm của từng cá nhân cũng như các lời chứng của các phụ nữ (Lc 24,9), của hai môn đệ Emmau (24,35) và của Phêrô (24,34). Những kinh nghiệm và chứng tá đó cuối cùng được xác nhận và đóng ấn bởi chính Đức Giêsu Phục Sinh khi Người hiện ra. Khi  đó, cộng đoàn trở thành một cộng đoàn thật sự vượt qua, vững vàng trong niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

5. Chính sự khó tin của các tông đồ cho thấy rằng lời loan báo về Đức Giêsu Phục Sinh không phát xuất từ những con người ngây ngô dễ tin, nhưng từ những con người chín chắn và có óc phê bình. Phản ứng của Phêrô cho thấy rằng chứng từ của các phụ nữ đã là một thứ kích thích đưa ông ra khỏi tình trạng bất động, để tiến đi trong một hành trình kiểm chứng đưa tới chỗ gặp Đức Giêsu Phục Sinh (Lc 24,12.34).

6. Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Người đã thay đổi đời sống chúng ta, và đứng bên cạnh những ngôi mộ của chúng ta, chúng ta “nhớ” Chúa Giêsu. Chúng ta “nhớ” đức tin chúng ta đặt vào Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, làm chúng ta thêm can đảm thắng những sự dữ trong đời chúng ta, giúp chúng ta tiếp tục cố gắng làm những gì để sự sống Nước Trời được thực hiện trong đời sống chúng ta, và giúp chúng ta không chán nản vì sự thay đổi chậm trễ trong đời sống chúng ta và đời sống kẻ khác. Chúng ta nhớ lời Chúa Giêsu khi chúng ta được tin buồn, và khi chúng ta nhìn ngôi mộ của sự chán nản và thất bại: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. “Đây là mình Thầy…” “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Chúng ta nhìn vào ngôi mộ trống không với các phụ nữ, và chúng ta nghe lời khuyên bảo của hai người đàn ông mặc áo chói lóa ở đó. Chúng ta nhớ lời Chúa Giêsu nói. Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể là lương thực hàng ngày, là của ăn đường giúp chúng ta sống như lời nói trong phụng vụ ngày hôm nay “chúng ta vui mừng chờ đợi ngày Đức Giêsu Kitô đến” (Siciliano).

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C