LỄ VỌNG PHỤC SINH
St 1,1-2,2 ; Xh 14,15-15,1a ; Is 54,5-14
Ed 36,16-17a.18-28 ; Rm 6,3-11 ; Lc 24,1-12
CÙNG CHẾT ĐỂ CÙNG SỐNG LẠI VỚI CHÚA
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 24,1-12
(1) Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các
bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. (2) Họ thấy tảng đá
đã lăn ra khỏi mộ. (3) Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu
đâu cả. (4) Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục
sáng chói, đứng bên họ. (5) Đang lúc các bà sợ hãi cúi gầm xuống
đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa
kẻ chết? (6) Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với
các bà hồi còn ở Galilê, (7) là Con Người phải bị nộp vào tay
phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống
lại. (8) Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. (9)
Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác
biết tất cả những sự việc ấy. (10) Mấy bà nói đây là bà Maria
Mácđala, và bà Maria mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà
này cũng nói với các Tông đồ như vậy. (11) Nhưng các ông cho là
chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin. (12) Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên
chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông
trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về những sự việc đã xảy ra.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay tường thuật biến cố Phục
Sinh của Đức Giêsu theo thứ tự như sau:
- Sự kiện mồ trống: Ngày từ sáng sớm ngày thứ nhất, mấy
người phụ nữ đã đi ra mộ để xức dầu thơm cho Đức Giêsu. Tới nơi, họ
thấy tảng đá che ngoài cửa mộ đã được lăn sang một bên, nhưng không
thấy xác Thầy trong mộ.
- Sứ điệp Phục sinh: Họ đang thắc mắc thì có hai thiên sứ
hiện ra cho biết Đức Giêsu không còn ở trong mộ của kẻ chết nữa,
nhưng đã sống lại, đúng như Người đã nói tại Galilê.
- Tông đồ cứng tin: Các bà vội trở về báo tin cho Nhóm
Mười Một những điều mới xảy ra. Nhưng các ông không tin và coi là
chuyện lẩn thẩn.
- Phêrô kiểm chứng: Tuy vậy, để biết rõ thực hư, Phêrô cũng
chạy ra mộ và đã thấy những khăn liệm còn để lại. Ông trở về nhà
và rất ngạc nhiên về những sự việc vừa xảy ra.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Ngày thứ Nhất
trong tuần: Từ ngày Đức Giêsu phục sinh, ngày thứ Nhất hôm nay sẽ
trở thành ngày Hưu lễ của Kitô giáo, thay cho ngày thứ Bảy (Sabát) của Do Thái giáo, và gọi
là Chúa nhật nghĩa là Ngày của Chúa. + Các bà đi ra mộ:
Các bà này gồm bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria mẹ ông
Giacôbê và mấy bà khác nữa (x. Lc 24,10). + Mang theo dầu thơm đã
chuẩn bị sẵn: Khi ra thăm mộ, các bà đem theo dầu thơm để hoàn tất việc mai táng Chúa
Giêsu, đã được ông Giôsép Arimathê vội vã thực hiện vào chiều thứ
Sáu trước ngày Sabát (x. Mc 15,42.47). + Họ không thấy thi hài
Chúa Giêsu đâu cả: Đây là lần thứ nhất Tin mừng Luca
dùng từ “Chúa Giêsu” để nhấn mạnh tước hiệu mới của Người là
“Chúa”. Về sau sách Công vụ sẽ nhiều lần dùng từ này để gọi Đức
Giêsu (x. Cv 1,21; 8,16; 15,11).
- C 4-5: + Phân vân: Vì không thấy thi hài Đức Giêsu
trong mộ nên các bà phân vân lo lắng không biết người ta đã đem xác
Thầy đi đâu (x. Ga 20,2). + Hai người đàn ông y phục sáng chói
đứng bên họ: Sau này các
bà khẳng định đó là hai vị thiên thần (x. Lc 24,23). + “Người
sống”: Giờ đây Đức Giêsu trở thành “Người sống”, đúng như Lời
Người đã nói (Ga 11,25).
- C 6-7: + Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi: Thiên thần bảo cho các bà biết về mầu nhiệm Đức Kitô
đã từ cõi chết sống lại (x. Rm 6,9). Từ đây Người mở ra một con
đường sống cho những kẻ đã an giấc ngàn thu (x.1 Cr 15,20-26). + Hãy
nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê: Đối với Luca, toàn bộ mầu
nhiệm vượt qua phải được
hoàn tất tại Giêrusalem (x. Lc 9,51), để Giêrusalem trở thành nơi xuất
phát thông điệp ban ơn cứu độ (x. Lc 24,49). Do đó, trong sách Công Vụ Tông Đồ của Luca, các Tông đồ đã được Đức Giêsu Phục Sinh trao
cho sứ vụ làm chứng nhân cho Người bắt đầu từ Giêrusalem (x.
Cv 1,8).
- C 12: + Phêrô cũng đứng
lên chạy ra mộ: Dù không
tin Thầy sống lại, nhưng Phêrô cũng đi kiểm chứng thực hư. Kết quả ông
chỉ nhìn thấy khăn liệm (x. Lc 24,12a). Còn Tin mừng Gioan thì thuật
lại cuộc chạy đua ra mộ giữa hai Tông đồ Phêrô và Gioan (x. Ga 20,3-4).
4. HỎI ĐÁP:
HỎI 1: Đức Giêsu đã
được môn đệ liệm xác theo phong tục Do thái ra sao?
Đáp: Việc liệm xác Đức Giêsu được thực hiện theo
phong tục Do thái gồm các công đoạn như sau: Trước hết là tắm xác,
nghĩa là lau chùi các vết máu cùng các vết nhơ khác trên cơ thể
Người. Sau đó Đức Giêsu được đặt trên một tấm khăn vải trắng, rồi được
bôi một loại dầu thơm đắt tiền (x Ga 12,3-7), được chế biến từ nhựa cây cam tùng và được gọi là
mộc dược. Dầu thơm được bôi trên toàn thân Người nhiều lần cho ngấm
dần vào da thịt để bảo quản xác khỏi bị hư hoại trong một thời gian
dài. Rồi xác Người được quấn lại bằng băng vải từ đầu đến chân (x.
Ga 19,40). Cuối cùng xác Người được môn đệ an táng trong một ngôi mộ
mới đục sâu trong đá và các ông làm một phiến đá lớn làm của che
kín phía ngoài mộ (x. Ga 19,41-42).
HỎI 2: Tại sao các môn đệ lại phải vội vã an táng
Đức Giêsu?
ĐÁP: Sở dĩ có việc mai táng vội vã là do Luật Môsê
qui định: cấm mai táng vào ngày Sabát, và xác tử tội đang bị treo trên thập giá phải được hạ xuống trước
khi mặt trời lặn (x. Đnl 21,22-23). Đức Giêsu chết lúc 3 giờ chiều áp
ngày Sabát, nên thời gian còn lại từ 3 đến 6 giờ là quá ngắn, không
đủ để làm đủ các công đọan của việc mai táng, nên các môn đệ phải
làm cách vội vã cho kịp thời gian Luật cho phép.
HỎI 3: Sự phục
sinh của Chúa Giêsu có giống sự phục sinh của các người đã chết và được Người
cho sống lại không?
ĐÁP:
Sự Phục sinh của Đức Giêsu không phải là được hồi sinh trở về với cuộc sống
trước khi chết,
giống như các trường hợp của chàng thanh niên con trai bà goá thành Naim, bé gái 12 tuổi mới chết đang nằm trên giường, hay như ông Ladarô bạn thân của đức Giêsu đã chết chôn trong mồ 4 ngày được Người
cho sống lại. Cả ba trường hợp này, người chết đều sống lại, nhưng sự sống lại này chỉ là trở lại với đời sống cũ trước khi chết. Nghĩa là họ vẫn còn nằm dưới quyền lực của
sự chết, và đến một ngày nào đó họ vẫn phải
chịu chung số phận của mọi người “là cát bụi sẽ
về với cát bụi”.
Trường hợp phục sinh của
Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác hẳn. Quả thực, Người đã chết, nhưng Ngài đã phục
sinh, nghĩa là Người hoàn toàn chiến thắng sự chết, Người không sống lại để sống thêm một thời gian rồi
chết lại. Sống lại đối với Chúa Giêsu nghĩa là từ đây Người đón nhận sự sống mới sung mãn đến độ sự chết không thể chi phối được Người nữa; cũng như không một định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Người nữa. Cụ thể là vào buổi chiều ngày Thứ Nhất trong tuần sau khi từ
cõi chết sống lại, Đức Giêsu đã đến
với các môn đệ trong khi cửa phòng đóng kín vì sợ người Do thái. Đức Giêsu
đã nói chuyện với họ, ăn uống trước mặt họ. Một vài người trong bọn còn được sờ vào vết đinh
ở bàn tay bàn chân và vết đâm ở cạnh sườn Người, giống như sờ một người đang sống chứ không phải một
bóng ma người chết. Đó chính là sự sống lại mà các môn đệ Đức Giêsu đều cảm nghiệm được mỗi lần Người hiện ra với họ.
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người
không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,5-6).
2. CÂU CHUYỆN:
1) PHIM “CHIẾC CẦU SÔNG QUAI”: SỰ HỒI SINH TINH THẦN
Cuốn phim “Chiếc cầu sông Quai” kể về một câu chuyện đã xảy ra trong thời
Đệ Nhị Thế Chiến. Trong khi giao chiến, một số quân nhân đồng minh đã bị
quân Nhật bắt làm tù binh, và được mang tới vùng biên giới giữa Miến
Điện và Thái Lan, để làm công việc lao động khổ sai: xây một tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí chiến tranh cho quân Nhật. Cuộc sống ở trại tù này rất khắc nghiệt: Mỗi ngày tù binh phải làm công việc
xẻ đá để làm đường trên cầu sông Quai, dưới cái nắng nóng giống như bên lò lửa. Họ bị bọn cai tù Nhật đối xử tàn tệ và đến lượt họ lại biến thành những kẻ độc ác, đối xử với bạn tù bằng luật
rừng, trộm cắp đồ ăn, nghi kỵ đánh lộn và chém giết nhau, nhất là sẵn sàng chỉ
điểm cho bọn cai tù khi có ai muốn vượt
ngục …
Nhưng rồi trong số tù nhân trên có
hai người là bạn thân đã hình thành một nhóm người thay vì
dùng thời gian nghỉ để bài bạc thì đã họp nhau chia sẻ Lời Chúa. Nhờ nhóm học hỏi Kinh Thánh này, mà các bạn tù đã dần dần khám phá ra có Đức
Kitô đang hiện diện giữa họ. Người luôn thấu hiểu và sẵn sàng cảm thông với nỗi đau của họ, bởi vì xưa Người cũng đã từng trải qua những nỗi đau khổ,
từng chịu cảnh đói khát mệt mỏi, bị môn đồ phản
bội, bị kẻ thù đánh đòn và sau cùng chịu chết cách nhục nhã trên cây thập tự. Từ đó, các tù nhân không còn nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến
dã man tàn khốc, không còn làm tay sai chỉ điểm cho kẻ thù,
không còn trộm cắp lẫn nhau… thay vào đó đối xử với nhau bằng tình huynh đệ, thể hiện qua việc cầu nguyện và quan
tâm giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó trong trai tù, bầu khí vui
tươi đã dần dần
thay thế bầu khí ngột ngạt căng thẳng. Sự
biến đổi trong trại tù “cầu sông
Quai” chính là một phép lạ, khiến các tù nhân tin tưởng đoàn kết giúp đỡ nhau thay
vì nghi kỵ thù ghét làm hại lẫn nhau. Sự biến đổi này là sự sống lại, giống như
mầu nhiệm Đức Giêsu từ cõi chết trỗi dậy.
2) NIỀM TIN VỀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU CỦA MỘT SỐ LÃNH TỤ NỔI TIẾNG:
Hầu như mọi người, mọi dân tộc trên thế giới đều tin có sự
sống vĩnh hằng sau cái chết, ngay cả những người đã từng khẳng định mình không theo một tôn giáo nào cũng tin như thế.
Ngày 19 tháng 9 năm 1987, nhân khi
tiễn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi kết
thúc chuyến viếng thăm Hoa kỳ, Phó Tổng thống Bush đã kể lại câu
chuyện về Chủ tịch Trung Quốc
là Mao Trạch Đông mà ông Bush đã có dịp gặp gỡ trước khi ông này chết. Trong lần ấy, Chủ tịch Mao đã tâm sự với ông
Bush như sau: “Tôi sắp sửa về Trời. Tôi đã nhận được lời mời gọi của
Chúa”. Còn Tổng thống Míttơrăng (F. Mitterand) của nước Pháp thì trong
mấy ngày cuối đời đã trả lời về cái chết với phóng viên của một
tờ báo như sau: “Nếu có Chúa, thì tôi tin rằng Người sẽ nói với tôi:
Cuối cùng thì anh cũng đã đến đích. Thôi mau vào đi !”. Ngoài ra,
Chủ tịch HCM cũng đã gián tiếp bày tỏ niềm tin vào một cuộc sống trong thế giới khác bên kia cái chết, khi trong chúc thư có đoạn viết như sau: “Tôi sắp
về với cụ tổ Mác Lê”...
3) TẦM QUAN TRỌNG CỦA MẦU NHIỆM PHỤC
SINH:
Một cuốn phim tựa đề “Thế giới chìm trong bóng tối” trình bày câu
chuyện về một nhà khảo cổ danh tiếng đứng đầu một cuộc khai quật khoa học tại Mồ Thánh Chúa ở Giêrusalem.
Ngọn đồi Golgotha đã được các nhà khảo cổ cẩn thận đào
bới, vì Tin Mừng Gioan thuật lại thân xác
Đức Giêsu đã được an táng trong một ngôi mộ, cạnh nơi Người bị hành hình thập giá. Sau nhiều ngày đào bới cẩn thận, ngày nọ nhà khảo cổ chủ nhiệm công trình tuyên bố: “Chúng tôi
đã tìm thấy xác ông Giêsu”. Sau đó ông ta tổ chức một cuộc họp báo quy tụ hàng trăm ký giả các nơi để trình bày kết quả cuộc đào
bới của đoàn khảo
cổ do ông lãnh đạo. Ông đã đưa ra trước mặt mọi người một cái xác người đã bị khô
đét, tay chân người này có dấu đinh bị đâm thủng, cạnh sườn có vết lưỡi đòng đâm thâu và những vết máu còn in trên tấm khăn liệm xác.
Cuốn phim quay lại cảnh nhiều người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố.
Tình cờ có một phụ nữ hét to: “Đây đúng là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi: Ông Giêsu thực sự đã bị
đóng đinh, đã chết và được mai táng trong mồ như lời thánh kinh đã ghi nhận”. Nhà khảo cổ liền xác nhận: “Vâng đúng thế. Ông Giêsu đã bị đóng đinh, đã chết và được môn đệ an táng trong mồ. Nhưng làm gì có chuyện sống lại, bởi vì xác của ông
ta vẫn còn nằm đây mà chúng tôi
đã tìm thấy được”.
Sau đó cuốn phim mô tả về hậu
quả của cuộc tìm thấy xác Đức Giêsu:
- Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.
- Một linh mục đã tắt đèn cạnh Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa đi và đóng cửa nhà thờ.
- Chuông các thánh đường đều im tiếng.
- Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.
- Thánh giá tại nhiều nơi đã bị hạ xuống.
- Các ngọn nến
Phục Sinh tại các nhà thờ bị tắt ngủm.
- Thế giới chìm trong một màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc với cảnh nhà khảo
cổ đang hấp hối trên giường
bệnh. Trước khi trút hơi thở cuối cùng,
ông ta đã phải thú nhận: “Tôi đã đánh lừa cả thế giới. Chính tôi đã làm giả xác Đức Giêsu và bí mật đặt xác khác vào
trong mộ một vài năm trước khi khởi sự công cuộc
đào bới này”.
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng
ngàn người đã tuôn đến viếng Mồ Thánh ở Giêrusalem
như vẫn xảy ra hàng năm vào Tuần
Thánh. Những ngọn nến Phục Sinh lại
được thắp sáng và các tín hữu lũ lượt đốt những ngọn nến cháy sáng niềm hy vọng đi đến khắp hang cùng ngõ hẻm để soi sáng
những con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ lại tiếp tục ngân vang báo tin Chúa Giêsu đã Phục Sinh và mọi người đều vui mừng ca
hát: “Sự sống đã chiến thắng thần chết. Thập
giá đã chiến thắng địa nguc. Allêluia!”.
3. THẢO LUẬN: Khi tuyên xưng đức tin: “Tôi tin xác loài
người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”, các tín hữu phải
sống thế nào trong xã hội hôm nay, để chứng tỏ niềm tin về một thế giới mới và một cuộc sống vĩnh hằng
đời sau?
4. SUY NIỆM:
1) ĐỨC TIN VỀ MỘT CUỘC SỐNG VĨNH HẰNG ĐỜI SAU:
Hầu như mọi người, mọi dân tộc đều tin còn có một thế giới khác vĩnh hằng sau cuộc sống đời tạm này:
Người ta tin rằng sau khi chết, con người vẫn còn sống một cách nào
đó: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Cái chết chỉ ở thể xác bề ngoài, còn linh hồn vẫn tồn tại mãi mãi). Người ta cũng
tin rằng trần gian chỉ là nơi ở tạm thời, còn chết mới là trở về với nguồn
cội: “Sinh ký, tử quy” (Sống gửi thác về).
Nhưng
cuộc sống ấy như thế nào thì có nhiều niềm tin khác nhau:
-Đức Phật thì chủ trương có sự luân hồi: Người ta sẽ lần lượt trải qua nhiều
kiếp sống khác nhau. Hồn người chết sẽ được đầu thai vào kiếp khác để trở thành một người hay một loài vật khác tùy theo kiếp trước họ đã sống như thế nào, là người tốt hay kẻ xấu. Chỉ những bậc tu hành đắc đạo, diệt dục, loại trừ được các “tham, sân, si” và có lối sống đại từ đại bi... mới được siêu thoát thành Tiên thành Phật trong cõi Niết
bàn cực lạc.
-Còn Đức Khổng Tử thì không khẳng định gì về cuộc sống sau khi chết, vì ngài không được biết thực hư ra sao. Do đó khi Tử Cống hỏi: “Người chết rồi có biết
gì nữa không?” thì Khổng Tử đã trả lời nước đôi như sau: “Nếu ta nói
người chết rồi vẫn còn biết, thì sợ các con cháu hiếu thảo sẽ
liều mình chết theo ông cha. Nếu ta nói người chết không còn biết gì
nữa, thì sợ con cháu bất hiếu sẽ không thèm chôn cất cha mẹ nữa”
(Khổng Tử gia ngữ số 8).
-Riêng Đức
Giêsu: Vốn là
Con Thiên Chúa từ trời mà đến, nên Người đã dạy cho loài người biết rõ ràng về một đời sống vĩnh hằng sau khi chết. Trong
bài giảng về Bánh Hằng Sống, Người đã khẳng định về hiệu quả của bí tích Thánh Thể: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn
bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Khi nói chuyện với cô Mácta
trước khi làm cho Ladarô đã chết chôn trong mồ 4 ngày được sống lại, Đức Giêsu nói: “Chính Thầy
là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết
cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải
chết” (Ga 11,25). Rồi trong Tin mừng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, thiên thần
đã nói với mấy người phụ nữ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở
giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi!” (Lc
24,5-6).
2) VỀ SỰ CỨNG TIN CỦA CÁC MÔN ĐỆ VÀO MẦU NHIỆM PHỤC SINH:
- Các môn đệ không phải là những người dễ tin: Tin mừng Mátthêu thuật lại
lời tiên báo của Đức Giêsu với các môn đệ ít ngày trước cuộc khổ nạn như sau: “Con
người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu
nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết,
và ngày thứ ba sẽ sống lại (Mt 16,21). Ông Phêrô
chỉ quan tâm đến cuộc thương khó mà ông cho là sự thất bại, nên yêu cầu Thầy đừng chấp nhận như vậy. Ông không chú ý đến lời Thầy: “Ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Các tông đồ khác tuy có nghe Thầy nói sẽ từ cõi chết sống lại, nhưng cũng không muốn tin. Do đó, khi vừa thấy Thầy bị bắt, các ông kẻ thì bỏ Thầy chạy trốn, kẻ chối không biết
Thầy, kẻ trở về làng cũ và không muốn theo Thầy nữa...
-Còn các đầu mục Do thái thì cẩn trọng hơn: Họ đã nghe Đức Giêsu nói đến việc đến ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại, nên sau khi Người đã chết và được các môn đệ mai táng trong mồ, họ đã yêu
cầu Philatô cho lính canh mồ để tránh việc
Người sống lại. Nhưng dù họ có canh gác cẩn thận, Đức Giêsu vẫn từ
cõi chết trỗi dậy đúng như Người đã báo trước.
-Về phần các môn đệ: do không tin
Thầy sẽ từ cõi chết sống lại, nên khi nghe bà Mađalena báo tin xác Thầy không
còn trong mộ, hai môn đệ Phêrô
và Gioan bán tín bán nghi đã chạy đua ra mồ kiểm tra thực hư. Hai ông đều quan sát thấy các khăn liệm còn đó nhưng xác Thầy biến mất! Riêng Gioan thì
liên kết sự kiện khăn liệm kèm theo mồ trống đã đạt đến đức tin. Các môm đẹ
khác thì sau khi được Chúa Phục Sinh hiện ra nhiều lần để trấn an, để chứng minh Người đã sống lại bằng việc ăn uống, cho xem và sờ vào các vết thương ở tay chân và cạnh sườn, rồi được
nghe Người giảng mầu nhiệm phục sinh phù hợp với lời Kinh Thánh đã chép, liên kết
với cử chỉ bẻ bánh… thì các ông
mới tin vào mầu nhiệm
Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nhất là sau
khi đón nhận được Ơn Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần, các ông mới thực sự xác tín để
hăng say đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng vào mầu nhiệm “Đức Giêsu đã sống lại từ
trong cõi chết” và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho lời rao giảng ấy.
3) NHỮNG ĐẶC
TÍNH CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU:
-Mầu nhiệm
Phục Sinh của Chúa Giêsu không giống như sự sống lại của những kẻ
chết được Người cho hồi phục sự sống,
vì sau khi sống được
một thời gian, họ đã chết lại
như bao người khác (x. Mc 5,41-42; Lc 7,14-15; Ga
11,39-44). Mầu nhiệm Phục
Sinh cũng không có nghĩa là Chúa Giêsu sẽ sống mãi trong thành quả sự nghiệp
của Người như người ta thường nói: “Trâu chết để da, người chết để
tiếng”. Nhưng Người đã thực sự sống lại cả về sự sống thể xác cũng như tinh thần.
-Mầu nhiệm
Phục Sinh của Chúa
Giêsu nghĩa là Người đã
được biến đổi trở thành một “Người Sống” (x. Lc 24,5), giống như
“Thiên Chúa hằng sống!”: Thánh Phaolô đã diễn tả sự sống siêu
việt ấy như sau: “Chúng ta biết rằng: Một khi Đức Kitô đã từ cõi
chết sống lại, thì không bao giờ chết nữa. Cái chết chẳng còn quyền
chi đối với Người. Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một
lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6,9b-10).
-Mầu nhiệm
Phục Sinh của Đức
Giêsu nhằm mục đích ban ơn cứu độ là sự sống vĩnh hằng cho
loài người: Đức Kitô đã sống lại vinh quang ra khỏi mồ, để xuống nơi trú ngụ của các vong
linh, gọi là Âm phủ (Shéol) hay ngục Tổ tông, hoàn tất việc loan báo tin mừng cứu độ cho người sống kẻ chết. Người đã mở ra một con đường sống cho nhân lọai chúng ta,
là con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x Lc 24,26; Mt 16,21), để chúng ta “Cùng chết với Đức Giêsu thì sẽ cùng được sống lại với Người” (x. 1 Pr 3,18). Đó là con đường của đạo Công Giáo (Xem sách
Giáo lý Hội thánh Công giáo số 632, 633, 634, 635).
4) MẦU NHIỆM PHỤC SINH LÀ CUỘC VƯỢT QUA CỦA THỜI TÂN ƯỚC:
-Lễ “Vượt qua”: nhắc
lại công cuộc ngày xưa Đức Chúa đã giải
phóng con cháu
Giacóp khỏi ách nô lệ cho dân Ai-cập: Kể từ khi đại gia đình của tổ phụ Gia-cóp di cư sang bên Ai-cập, con cháu Giacóp đã hiện diện suốt 430 năm tại đây. Sau những
năm tháng hạnh phúc khi
tổ phụ Giuse làm quan đệ nhị còn sống,
là đến những năm tháng đau khổ khi họ bị làm nô dịch cho dân Ai Cập, bị
khinh dể ngược đãi và giết hại... Con cháu Giacóp cuối cùng đã được
Đức Chúa sai Môsê đến giải thoát khỏi nước Ai Cập, vượt
qua Biển Đỏ cách lạ lùng và cuối cùng vượt qua sa mạc kéo dài 40 năm. Trong thời
gian này, con cháu Giacóp được Đức Chúa bang trợ bằng quyền năng và tình
thương, được ký kết giao ước với Đức Chúa để trở thành dân riêng của Ngài, được
lãnh nhận thập giới, ghi khắc trên hai tấm bia đá, được nuôi dưỡng hằng ngày bằng
manna, thịt chim cút, nước tinh khiết chảy ra thành dòng suối từ tảng đá… được
Đức Chúa bảo vệ khỏi bị các chư dân tiêu diệt… và cuối cùng đã về đến Miền Đất được
Đức Chúa hứa ban cho tổ phụ Ápraham và dòng dõi đến muôn đời. Sự giải thoát nói
trên được gọi là mầu nhiệm Vượt Qua, và lễ Vượt Qua được cử hành trong bữa tiệc
chiên tại tư gia vào ngày 14 tháng Nisan hằng năm.
-Ngày nay: các tín hữu được
Hội Thánh mời gọi vượt qua bản thân để sống hướng thượng nhân ái qua việc chay tịnh, lãnh nhận các phép bí
tích, cầu nguyện và làm việc bác
ái cụ thể, chia sẻ cơm áo vật chất cho tha nhân. Quả vậy, trong Mùa Chay Chúa muốn chúng ta “vượt qua” những ham muốn, những toan tính đời thường để
đón nhận tha nhân và sống hòa hợp với mọi người. Lễ Phục sinh nhắc nhở chúng ta về cuộc “vượt qua đó”. Thánh Phaolô dạy phải mừng lễ Vượt qua này như sau: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên vượt
qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác,
nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1
Cr 5,7a-8). Hôm nay, Hội Thánh mời gọi chúng ta phải chết đi cho con
người cũ, cùng với những thói hư tật xấu như: ích kỷ, ganh ghét,
gian tham, hướng chiều theo các đam mê bất chính… để nhờ ơn Thánh Thần tái tạo, trở thành một người mới luôn biết quên mình nghĩ đến người khác, sống bao dung nhân hậu,
công chính và khiêm tốn phục vụ tha nhân vô vụ lợi… Có như vậy, việc mừng lễ Phục
Sinh mới thực sự mang lại niềm vui và hy vọng được phục sinh với Chúa Giêsu trong cuộc sống vĩnh hằng ở
đời sau.
5. NGUYỆN CẦU:
-LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH. Chúa đã chiến thắng thần chết. Hôm nay con xin
dâng lên Chúa lời chúc tụng tạ ơn, vì Chúa đã mang lại cho loài người
chúng con niềm vui và hy vọng được sống muôn đời. Chúa đến để cứu chúng con khỏi chết, thoát khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi, và được sống lại trong ơn nghĩa Chúa. Chúa đến để
chúng con “được sống và sống dồi dào”, và được tham phần vào sự sống đời đời với Chúa.
-LẠY CHÚA PHỤC SINH. Xin giúp chúng con biết tôn trọng tha nhân, hợp tác
với nhau và với mọi người thiện chí để tiêu diệt các sự gian ác tội
lỗi, đẩy lùi văn hóa sự
chết là những tệ nạn xã hội như sì-ke,
ma tuý, mại dâm, cờ bạc, say sỉn,
cướp bóc, lừa đảo, thù hận làm hại kẻ khác... Xin cho chúng con quyết tâm xóa sạch những điều bất
chính ra khỏi con người chúng con, khỏi gia đình và khu xóm chúng con. Nhờ
đó, mọi người sẽ được sống chan hòa yêu thương nhau, cùng nhau kiến
tạo một “Trời Mới Đất Mới”, nơi không còn nước mắt, không còn khổ
đau và chết chóc... nhưng là một Thiên đàng đầy tình yêu thương và
hạnh phúc viên mãn.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MARIA- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM