ĐỨc Giêsu tẠi
Nadarét
(Luca 1,1-4; 4,14-21 – CN III TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Tác
giả Lc đưa Đức Giêsu đi vào lịch sử
dưới dấu chỉ là hoàn cảnh chính trị và tôn giáo của đế quốc Rôma và của Israel.
Qua cái cổng này, ngài lấy lại các chặng của TM Mc.
Lc đặt phần 1 của Tin Mừng dưới dấu chỉ là việc mạc khải của Đức Giêsu tại Nadarét;
các hoạt động đầu tiên của Người tại Caphácnaum và Galilê đến tiếp vào (Lc 4,14-5,16). Bên trong đoạn này, tác
giả bố trí các hoạt cảnh theo nhiều cách: ngài cố tình nêu bật Galilê. Hơn các tác giả Nhất Lãm khác,
ngài nhấn mạnh việc Đức Giêsu trở về miền Galilê “trong quyền năng Thánh Thần”
(4,14). Ở 4,44, ngài thay thế Galilê bằng Giuđê, nhưng để nói về toàn lãnh thổ
của người Do Thái; đứng đầu các thành phố và làng mạc được loan báo Tin Mừng,
ngài đặt Nadarét (4,16); tại Galilê, nơi có vai trò quan trọng là Caphácnaum
(4,31; 7,1).
Vậy,
chỉ có miền Galilê nằm trong nhãn quan của Lc
ở đoạn này. Chuyển động không nằm trong việc thay đổi nơi chốn, nhưng trong
việc rao giảng về Nước Trời: Bằng việc hoán chuyển vị trí của câu truyện
Nadarét, Lc cho thấy rằng con người
và sứ mạng của Đức Giêsu mới là ưu tiên (Lc
4,13-30 = Mc 6,1-10; Mt 13,53-58).
2.- Bố cục
Sách Bài đọc gộp vào đây hai bản văn
xa nhau ba chương trong TM Lc. Khó mà
thấy được ý hướng của sự ghép nối này; có lẽ các chuyên viên Phụng vụ chỉ muốn
nối với nhau hai bản văn “mở đầu”: mở đầu Tin
Mừng theo Lc (1,1-4) và khởi đầu việc rao giảng của Đức Giêsu tại Nadarét
(4,14tt).
Bản
văn Phụng vụ có thể chia thành ba phần:
1) Mở đầu Tin Mừng (1,1-4);
2)
Tóm: Bắt đầu sứ vụ (4,14-15);
3) Thăm viếng Nadarét (4,16-21):
a) Thăm viếng hội đường
Nadarét (c. 16),
b) Đọc Kinh Thánh (cc.
17-20),
c) Giảng dạy (c. 21).
3.- Vài điểm chú giải
-
Nadarét (16): chính xác là Nadara.
Đây là lần duy nhất tác giả Lc gọi
quê hương Đức Giêsu bằng cái tên Aram Nadara
(tương tự Mt 4,13), nhưng lại không gọi
là “quê hương/quê quán” của Đức Giêsu (khác với Mc 6,1 và Mt 13,54): có
lẽ bởi vì Đức Giêsu không sinh ra tại đó (2,4-7), nhất là bởi vì đối với Lc, “quê hương” của Đức Giêsu là toàn
thể đất Israel (x. cc. 24-27).
-
đứng lên đọc Sách Thánh (16): Tác giả Lc cho thấy Đức Giêsu giảng dạy dựa trên Kinh Thánh. Ta có thể hiểu
ngầm rằng ở đây Đức Giêsu đã được ông trưởng hội đường (archisynagôgos)
mời đọc và trình bày một bản văn Kinh Thánh (như Phaolô và Banaba ở
Antiôkhia miền Pisiđia; x. Cv 13,15).
Tại Paléttina vào thế kỷ đầu tiên, việc cử hành ngày sabát tại hội đường dường
như gồm có việc hát một thánh vịnh, đọc kinh Shema (Đnl 6,4-9;
11,13-21; Ds 15,37-41) và tơphillâh [lời cầu khẩn] (hoặc shơmôneh esrêh = “Mười Tám [lời chúc tụng]”
và đọc một seder (quyển nghi thức)
hay một pârâshâh trích từ tôrah
(Lề Luật = Ngũ Thư) và một đoạn các Ngôn
sứ (haptârâh; x. Cv 13,15). Sau đó là bài diễn giải các
bản văn Kinh Thánh đã đọc. Cuộc cử
hành chấm dứt bằng lời chúc lành của ông trưởng hội đường và lời chúc lành tư
tế (x. Ds 6,24-26).
Tác
giả Lc không nhắc đến bài đọc Tôrah, nhưng phải hiểu là có. Ngài chỉ
quan tâm hơn đến việc ứng nghiệm các lời sấm Đệ II Isaia và cách sử dụng Cựu
Ước theo quan điểm Kitô học.
-
cuốn sách ngôn sứ Isaia (17): Người ta yêu cầu Đức Giêsu đọc một
đoạn Ngôn sứ bằng tiếng Hípri.
Tác giả không nói đến Targum, tức dịch bản Hípri ra tiếng Aram, nhưng có thể
giả thiết là có, vì vào lúc ấy, người Do Thái dùng tiếng Aram chứ không còn
hiểu tiếng Hípri nữa. Sự kiện người ta “trao cho” Đức Giêsu cuốn sách Isaia cho hiểu rằng người ta quy định
phải đọc một đoạn văn Isaia, tức là
có một chu kỳ các bài đọc Ngôn sứ
cũng như các bài đọc Lề Luật. Nhưng
dường như người đọc có thể chọn (x. câu 17b).
-
Thần Khí Chúa ngự trên tôi (18): Bản văn trích Đệ II Isaia trong Lc là
một đoạn tổng hợp Is
61,1a.b.d; 58,6d; 61,2a. Hai câu bị bỏ là Is
61,1c ở cuối Lc 4,18 (“băng bó những
tấm lòng tan nát”) và Is 61,2b ở cuối
Lc 4,19 (“một ngày báo phục của Thiên
Chúa chúng ta”). Bỏ Is 61,1c thì
không có hậu quả gì đáng kể, nhưng bỏ Is
61,2b là cố tình bỏ đi một phương diện tiêu cực của sứ điệp II Is.
- vì
Chúa đã xức dầu tấn phong tôi (18): Bản văn cho thấy là chính
Thiên Chúa đã cử Thánh Thần xuống trên Đấng Mêsia như một chất dầu xức
cho Đấng Mêsia, hầu Người lên đường thi hành sứ mạng cứu thế.
- để
tôi loan báo Tin Mừng (18): Bản văn Is Hy
Lạp không rõ là “để loan báo Tin Mừng” là mục tiêu của “Chúa đã xức dầu” hay là
mục tiêu của “Người đã sai tôi”. Giáo sư Fitzmyer dịch theo bản gốc Hípri, “he
has sent me to preach good news to the poor” (dịch sát là “to announce good
news to the poor he sent me”).
-
người giúp việc hội đường (20): Ngoài ông trưởng hội đường (archisynagôgos),
còn có các nhân viên là “các kỳ mục” (prebyteroi, Lc 7,3) và “các người giúp việc” (“người cán sự”, NTT) (hypêretês, Cv 13,5) giống như “ông từ nhà thờ,
người phụ trách phòng thánh”.
-
ngồi xuống (20): Khi đọc Kinh Thánh,
người ta đứng; còn khi trình bày ý nghĩa bản văn (logos paraklêseôs, Cv 13,15), người ta ngồi.
-
chăm chú nhìn Người (20): Động từ atenizein là động từ Lc ưa chuộng (x. Lc
22,56; Cv 1,10; 3,4.12; 6,15; 7,55;
10,4; 11,6; 13,9; 14,9; 23,1). Thường động từ này diễn tả sự trân trọng và tin
tưởng (là điểm của bản văn này).
- Hôm nay (21; HL. sêmeron, x. 2,11 [Giáng sinh]; 3,22 [phép Rửa]; 4,21; 5,26 [người
bại liệt]; 13,32-33; 19,5.9 [Dakêu]; 23,43 [người trộm lành]): Đây là từ ngữ
quan trọng của Lc, có nghĩa là: Sau một thời gian dài chờ đợi và hy
vọng, lịch sử cứu độ đã tới đỉnh cao hoàn tất. Tất cả những gì các ngôn sứ nói
đã thành sự trong các hành động và các lời nói của Đức Giêsu (x. 4,18.19; 5,26;
19,9).
- đã
ứng nghiệm lời Kinh Thánh (21): Kiểu nói này tương ứng với kiểu
nói “thời kỳ đã mãn của Mc 1,15. Hôm
nay, niềm an ủi cho Sion lại được gửi đến cho dân Thiên Chúa (x. Lc 2,25; 7,22).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở
đầu Tin Mừng (1,1-4)
Lời mở này phù hợp với quy tắc viết
thời tác giả Lc. Qua đoạn văn ngắn
ngủi này, chúng ta biết về phương pháp làm việc của tác giả. Hôm nay chúng ta
thừa kế vốn hiểu biết về Đức Giêsu từ bao thế hệ. Các thông tin được những con
người có lương tâm đánh giá, cân nhắc rồi viết ra. Như thế, đức tin chúng ta
không dựa trên những chuyện hoang đường hoặc những chuyện ngụ ngôn do tưởng
tượng, nhưng chủ yếu dựa trên các sự kiện lịch sử được đảm bảo bởi các chứng
nhân thà đổ máu ra chứ không chịu phủ nhận các sự kiện ấy.
*
Tóm: Bắt đầu sứ vụ (4,14-15)
Trong khi các TMNL liên kết khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu với việc Gioan
Tẩy Giả bị tù (Mc 1,14; Mt 4,12), Lc lại bắt đầu Tin Mừng của ngài bằng một tóm tắt; còn
chuyện Gioan bị tù đã được ngài đưa lên phía trước (3,19-20). Đoạn tóm tắt này
cho một cái nhìn tổng quát trên sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê (những
tóm tắt: 4,31-32.40-41; 6,17-19; 8,1-3; 19,47-48; 21,37-38). Tuy đoạn tóm này
không nhắc tới nội dung lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa hay lời
lêu gọi hoán cải, bản văn vẫn chứa ba nét đặc trưng của Lc: (a) Một leitmotiv là
“quyền năng Thần Khí” (c. 14). (b) Hoạt động của Đức Giêsu được mô tả trước
tiên như một việc “giảng dạy” (c. 15); ta hiểu Đức Giêsu “giảng dạy”
dưới quyền năng Thần Khí. (c) Tính phổ quát vẫn được Lc nhấn mạnh nơi câu “được mọi người tôn vinh”.
* Thăm
viếng Nadarét (4,16-21)
Sau đó, Đức Giêsu “đến Nadara, là nơi
Người sinh trưởng”. Theo thói quen, Người đi vào hội đường ngày sabát. Qua vài
câu đó, Lc nhắc lại những gì ngài đã
kể thuộc thời thơ ấu của Đức Giêsu (x. 2,39-40.51-52). Thành này được ngài gọi
một lần duy nhất ở đây là Nadara, nhưng không được gọi là “quê hương”
của Đức Giêsu, có thể vì Đức Giêsu không
chào đời tại đây, hoặc đúng hơn, bởi vì ngài coi cả đất Israel là “quê
hương” Đức Giêsu (x. cc. 24-27). Trong cuộc cử hành, Người đứng lên để đọc Sách
Thánh (c. 16). Theo tập tục, Người đứng lên sau bài đọc Lề Luật (Ngũ Thư) để đọc một
đoạn sách các Ngôn sứ. Dường như
vào thời Đức Giêsu, người ta không quy định rõ một chương trình đọc các
bản văn Ngôn sứ. Do đó, Đức Giêsu đã
chọn đọc Is 61. Bản văn được Lc ghi lại là Is 61,1-2 theo Bản LXX, với một vài sửa đổi.
Đối
với các thính giả của Đức Giêsu, bản văn này là lời của một ngôn sứ, mà
họ có thể nói là Người Tôi Tớ Đức Chúa với bốn Bài ca trứ danh (Is 42,1-7 có những gặp gỡ rất gần với Is 61,1). Ngài loan báo một năm
hồng ân có thể so sánh với năm đại xá theo luật Môsê (Lv 25,8-17), nhưng ở đây không phải là con người nhưng chính Thiên
Chúa sẽ can thiệp với ân sủng của Ngài. Còn tự do mà Ngài loan báo không phải
là việc tha hoàn toàn các món nợ giữa người Do Thái với nhau, mà là một ơn cứu độ tuyệt
vời thuộc về thời cánh chung, cũng có thể gọi là Nước Thiên Chúa, một thời
đại được nồng nhiệt chờ mong.
Nghe đọc đoạn sách ấy, niềm hy vọng
bùng lên trong các con tim, và tất cả các thính giả của Đức Giêsu chờ đợi bài
giảng minh giải bản văn đầy hứa hẹn ấy.
“Người bắt đầu nói với họ: «Hôm nay đã
ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe»” (4,21). Qua câu này, Đức Giêsu cho
thấy chiều hướng của bài giảng của Người. Người
sẽ hiện tại hóa nơi bản thân Người nội dung của lời sấm Người vừa đọc.
Khi làm như thế, Người đã xử sự như ngôn sứ.
Từ
ngữ đầu tiên rất hệ trọng: sự hiện diện của Đức Giêsu chính là một giai
đoạn độc đáo trong thời gian cứu độ, được diễn tả bằng “hôm nay”. Đức Giêsu áp
dụng sấm ngôn Is cho chính mình. Khi
chịu phép rửa, Người đã nhận lấy Thánh Thần như một việc xức dầu đã đưa
lại cho Người phận vụ thánh thiêng là làm Đấng Mêsia. Nhưng Người không phải là
một Mêsia như một vị vua trần thế; để tránh hiểu lầm, Đức Giêsu không
xác định công khai Người là Đấng Mêsia (x. 4,41) và chỉ mạc khải như thế cho
riêng các môn đệ (9,18-21). Tại Nadarét, vào lúc bắt đầu sức mạng, Người chỉ
nhận mình là như vị ngôn sứ mang Tin Mừng cứu độ. Bản văn Is có lẽ đã cung cấp cho Người dung mạo Người Tôi Tớ của Đức Chúa (Yhwh), và chắc chắn các đề tài cốt yếu
của Tin Mừng của Người: ưu tiên cho người nghèo, giải phóng những kẻ bị giam
cầm và những người bị áp bức, cho người mù được thấy. Những từ ngữ này cho thấy
Đức Giêsu chiếu cố đến những người thấp hèn. Nhưng các từ ngữ này còn cho thấy
rõ hơn nữa các đòi hỏi và các ân huệ của Người: kêu gọi làm tâm hồn nghèo hèn,
hứa ban sự giải phóng cho những người tội lỗi đang bị sự dữ khống chế, ban khả
năng nhìn cho những ai sẽ đi đến với với đức tin (trong cách giải thích cái
nhìn theo nghĩa “thiêng liêng” này, Đức Giêsu trung thành với tư tưởng của Is 29,18-19 và 35,5-6).
Trong
Is 61,2, vị ngôn sứ vừa công bố một
năm hồng ân, vừa loan báo ngày báo phục; đây là đề tài truyền thống của các
ngôn sứ liên quan đến Ngày của Đức Chúa, một ngày vừa là ngày phán xét
vừa là ngày cứu độ. Đức Giêsu không nói đến phán xét. Thật ra sau này Người có
ám chỉ nhiều đến phán xét (x. Lc
6,20-26; 9,26; 10,12-15; 11,30-32; 12,8-9; 12,35-48.49-59; 13,23-30; 16,1-8;
17,1-2; 17,22-37; 18,8; 19,11-27), còn ở đây Người chỉ nhìn đến đến sứ mạng
trần thế của Người, là “thời gian” ơn cứu độ được ban cho Israel; chính thời
gian này được Người gọi là “năm hồng ân của Đức Chúa”, thời gian Thiên Chúa
chiếu cố đến dân. Nói tóm, tư tưởng của Đức Giêsu ở đây trong Tin Mừng Lc giống với lời Đức Giêsu loan
báo trong Mc 1,15 và Mt 4,17, “Nước Trời đã đến gần”, người
ta có thể đi vào Nước Thiên Chúa nhờ sứ mạng của Đức Giêsu. Tuy nhiên, công
thức của Lc chính xác hơn: nó phân
biệt thời gian hoạt động của Đức Giêsu và thời gian hoàn tất cánh chung; nó xác
định chính xác hơn vai trò của Đức Giêsu, các ân huệ và các đòi hỏi của Người.
Tác
giả Lc biết rõ là trước sự cố Nadarét
này, Đức Giêsu đã hoạt động ở Caphácnaum và ngài cũng cho biết như thế (4,14-15;
4,23; x. Cv 1,8). Nhưng ngài vẫn muốn
đặt truyện này vào ngày khai mạc công việc rao giảng của Đức Giêsu và cho thấy
chính Đức Giêsu xác định sứ mạng của Người ngay đầu Tin Mừng. Câu truyện đã xảy ra trong một hội đường: đó là
phương pháp của Đức Giêsu (4,15.33.44; 6,6; 13,10); đó cũng là cách thực hành
của các nhà truyền giáo trong các xứ sở ngoại giáo (Cv 9,20; 13,3.14.44; 14,1; 17,1.10.17; 18,4.7.19; 19,8). Tác giả
muốn cho thấy rằng sứ điệp cứu độ được bao giờ cũng được ngỏ với người Do Thái
trước khởi đi từ Kinh Thánh và trong
hành vi phụng tự: Tân Ước hoàn tất Cựu Ước.
+ Kết
luận
Qua bản văn Lc, ta
thấy Đức Giêsu giới thiệu chương trình hoạt động của Người: Người là Đấng Mêsia
được giới thiệu ở phép rửa nay xuất hiện trước công chúng như là vị ngôn sứ có
quyền năng Thánh Thần; Người sẽ ưu tiên ngỏ lời với những người nghèo, những
người chịu đau khổ, những người bị áp bức; Người mang đến cho họ sự giải phóng
thiêng liêng, cho họ thấy chương trình của Thiên Chúa. Đối với Israel, sứ mạng
trần thế của Người là thời gian ân sủng, mà họ phải tận dụng “hôm nay”. Nay
không còn phải là những con người được tha các món nợ và tìm lại được tự do dân
sự. Nay chính là Đức Chúa (Yhwh),
thân hành đến nơi bản thân Đấng được xức dầu của Ngài, để tha nợ cho nhân loại
và giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ sự dữ.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Sự
kiện Kitô giáo chủ yếu dựa trên can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cho thấy
Kitô giáo khác mọi tôn giáo khác. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa
của các sự kiện, những sự kiện thực hữu; Người không phải là một thần
tượng hoặc một tư tưởng thuần túy. Vị Thiên Chúa này lại rất quan tâm
đến con người đến độ đi vào trong lịch sử cụ thể của con người. Chính vị Thiên
Chúa này hôm nay vẫn đang kêu gọi chúng ta qua Đức Giêsu, con người cụ thể làng
Nadarét.
2.
Ngay từ đầu, Đức Giêsu liên kết hoạt động của Người với Kinh Thánh, với Lời Chúa. Người khẳng định mạnh mẽ rằng nhờ Người, Thiên
Chúa hoàn tất các lời Ngài đã hứa. Như thế, ngay từ đầu đã có câu trả lời về uy
quyền của Đức Giêsu, nghĩa là về quyền bính đang đứng đàng sau Người: “Thần Khí
Chúa ngự trên tôi”. Đức Giêsu có sức mạnh Thiên Chúa. Người cũng khẳng định
rằng Thiên Chúa đã sai phái Người. Lời khẳng định này có giá trị cho Người hơn
là cho bất cứ ngôn sứ nào, bởi vì Người phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa trong
tư cách là Con Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa nói và hành động qua Người, toàn
thể công trình của Người là công trình cứu độ và phải được đón tiếp với lòng
biết ơn và lòng tin.
3.
Tại sao lại có hoàn cảnh của những người nghèo, những người đói khát, những
người bị hành hạ, những người đau ốm, tuyệt vọng và mọi kẻ thất thế và phải
gánh chịu một số phận gian khổ? Họ không may, trong khi những người khác được
may mắn? Có thể có chăng cho họ việc thay đổi số phận, hay là họ cứ phải cam
chịu như thế? Phải chăng Thiên Chúa muốn như thế? Đức Giêsu đã loan báo sứ điệp
của Người cho những con người như thế. Thiên Chúa không hất hủi họ. Thiên Chúa
ở về phía họ và chiếu cố đến họ. Thật ra sứ điệp của Đức Giêsu không phải là
một chương trình cải cách xã hội. Người không cổ võ việc phân chia đồng
đều các của cải. Sứ điệp của Người hướng niềm hy vọng của người nghèo không vào
của cải vật chất, nhưng vào Thiên Chúa.
4.
Tuy nhiên, chúng ta phải ra sức loại trừ các hoàn cảnh túng quẫn và bất công.
Niềm hy vọng Đức Giêsu mang lại không phải là một ngày nào đó, loài
người sẽ đạt tới chỗ loại từ mọi túng quẫn và có thể thiết lập công lý bình
đẳng. Sứ điệp của Người nói rằng Thiên Chúa sẽ ban cho người nghèo ơn cứu độ
trọn vẹn. Đàng khác, chỉ nguyên việc là người nghèo, người sa cơ thất thế,
không phải là đã đủ. Một người nghèo mà đặt hết niềm cậy trông nơi của cải trần
thế thì vẫn đang lạc đường. Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục công cuộc cứu thế trong
Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. Người cứu thế qua các bí tích. Người đến với con
người qua các thừa tác viên và qua tất cả các Kitô hữu đã hưởng nhờ hoạt động
từ bi thương xót của Người. Chúng ta phải nối dài hoạt động của Đức Kitô ra,
bằng cách gieo rắc niềm vui và ánh sáng, thoa dịu các nỗi khốn cùng về thể lý
và tinh thần, giải thoát người ta khỏi những nỗi lo sợ khiến tê liệt, đưa người
rta ra khỏi sự dốt nát, nâng đỡ người sống trong cô đơn, chế giảm các nỗi hiềm
khích…
5.
Chúng ta giống như những người trong hội đường ngày xưa. Chúng ta
mời Đức Giêsu bước vào để nói lời giải thoát. Chúng ta cầu xin cho
lời có khả năng mang lại ánh sáng của Người xâm nhập vào trong
sự khép kín của ta, nơi mà ta bám vào quá khứ và nỗi e
sợ về một sự dấn thân sâu hơn cho Người. Lời của Người xua tan
đêm tối và mang lại tự do. Chúng ta mời Đức Giêsu vào trong trung tâm
của kinh nghiệm đời mình và cho chúng ta thấy được Thánh Thần, Đấng sẵn sàng
chữa lành và giải thoát chúng ta, rồi sai chúng ta thi hành cũng một sứ vụ như
Đức Giêsu: “Loan báo Tin mừng cho người nghèo khó” (Siciliano).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm