LỰA CHỌN ƯU TIÊN VÌ SỨ VỤ
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN, C
(Nhm 8,2-6.8-10; 1Cr
12,12-30; Lc 1,11-4 ; 4,14-21)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Vào năm 1969, Dòng
Chúa Cứu Thế có chương trình truyền giáo tại Miền Thượng của các tỉnh Cao
Nguyên - Việt Nam.
Hôm nay, thánh sử Luca
trình thuật cho chúng ta biết: nhân dịp thuận tiện, Đức Giêsu trở về nơi chôn
nhau cắt rốn của mình để thăm quê hương. Vì là Con Thiên Chúa, nên Đức Giêsu rất
yêu mến, quý trọng Hội Đường là nơi tôn thờ Cha của mình. Bởi vậy, Ngài thường
xuất hiện nơi đây vào những ngày Sabát để tham dự giờ Kinh Thánh. Tuy nhiên, lần
này, Đức Giêsu trở về quê hương, Ngài vào Hội Đường trong tư cách là Đấng Mêsia
và chính thức công bố chương trình hoạt động, những lựa chọn ưu tiên cũng như đối
tượng mà Ngài nhắm đến trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Tất cả những gì Đức
Giêsu đọc thấy trong Sách Thánh hôm nay thì đã được tiên tri Isaia loan báo
trong thời Cựu Ước, vì thế: “Hôm nay ứng
nghiệm nơi Ngài”.
Ứng nghiệm, bởi vì: Đức
Giêsu được chính Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong, trở thành Đấng Kitô của
Thiên Chúa. Ngài là vị lãnh đạo tôn giáo, đến để giải
thoát con người cách toàn diện cả tâm linh lẫn thể xác, cá nhân đến xã hội, bao
hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo, đó là: chân lý, công lý và tình
thương (x. Mt 23,23).
Về tâm linh, Đức Giêsu đến để giải thoát con người khỏi ách
thống trị của tội lỗi, đem lại cho nhân loại sự tự do trong ân sủng. Vì thế,
thánh Phaolô viết: “Chính để chúng ta
được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13).
Về mặt thể xác, Đức Giêsu
đứng về phía người nghèo để yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ khỏi bị tấn công bởi
sự bất nhân, ích kỷ của con người và loan báo cho họ biết gia tài, kho báu,
niềm vui và hạnh phúc đích thực của họ ở nơi Thiên Chúa.
Về mặt xã hội, Ngài đến để thiết lập triều đại mới, triều đại
của ân sủng và tình thương, của công lý và sự thật, đồng thời mời gọi mọi người
hãy sáp nhập vào nước đó để được tự do và được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Sứ mạng ấy không chỉ dừng lại nơi Đức Giêsu,
mà: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”(Ga 17,18); và: “Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Thật vậy, “Truyền giáo là một ân
sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” ( Phaolô VI, Tông Huấn
Evangelii Nuntiandi, số 14). Vì thế: “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội
truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của
Giáo Hội” (Gioan Phao lô II, Thông
điệp Tertio Millennio Adveniente, năm
1994, số 57). Đây là nguồn gốc, căn
nguyên và sứ mạng chính yếu của Giáo Hội. Giáo Hội không thể đứng nhìn và an
tâm bởi những gì đã đạt được, nhưng Giáo Hội luôn luôn mang trong mình mọi
thành phần, để cũng cùng một sứ vụ như Đức Giêsu, đó là: giải thoát con người
khỏi ách thống trị của tội lỗi, đem lại cho nhân loại một nền hòa bình trong
công lý và tình thương, xây dựng một xã hội mang đậm dấu ấn yêu thương, bác ái.
Bao lâu còn người nghèo, bấy lâu sứ mạng còn cấp bách; bao lâu còn
gian dối lọc lừa, Giáo Hội có trách nhiệm lên tiếng và thanh tẩy để nó trong
sáng hơn; bao lâu con người còn thất vọng, Giáo Hội sẽ loan báo và trả lời những
chất vấn về niềm hy vọng của nhân loại hôm nay (x. 1 Pr 3, 15).
Nếu Giáo Hội không lựa chọn người nghèo, không tiến ra chỗ nước
sâu mà thả lưới, không vượt ra khỏi vỏ bọc an thân để đi đến những vùng ngoại
vi, thì Giáo Hội vẫn chỉ trơ trơ như một cái máy, hay như con rô bốt không hồn!
Nếu Giáo Hội không lựa chọn ưu tiên vì sứ vụ như Đức Giêsu, thì
một lúc nào đó, nhân loại sẽ không cần đến Giáo Hội vì Giáo Hội chỉ là một thể
chế công chức xã hội thuần túy. Và, lẽ đương nhiên, nhân loại không còn tin
tưởng Giáo Hội nữa, vì đã thất trung, bội ước với Đấng sáng lập nên mình!
Thật vậy, Giáo Hội sẽ mất đi bản chất nếu không rập đời sống và
hoạt động của mình theo khuôn mẫu của Thầy Giêsu. Bởi lẽ: “Nếu Giáo Hội đi với kẻ có quyền, người ta sợ; đi với người giàu có, người
ta khinh bỉ; nhưng đi với người nghèo thì được cả hai đối tượng trên và được
tất cả mọi sự”.
Từ sứ mạng của Đức Giêsu, rồi đến sứ mạng của
Giáo Hội và tới sứ mạng của mỗi chúng ta như một mạch liền lạc không thể tách
rời. Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra, đó là: làm tông đồ bằng cách thế nào? Đức
Phaolô VI đã vạch ra cho chúng ta một tiêu chuẩn để làm
chứng cho Chúa, đó là: “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, bởi vì thầy dạy cũng
là chứng nhân”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá
vì người ta thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.
Lời nhắn nhủ của đức giám mục trong thánh lễ
phong chức linh mục muốn nhắc cho các mục tử về vai trò chứng tá. Tuy nhiên,
lời nhắn gửi này có thể hiểu rộng cho mỗi người Kitô hữu, vì theo nghĩa phổ
quát, mỗi chúng ta đều là mục tử vì được tham dự vào chức Tư Tế của Đức Giêsu
ngày lãnh Bí tích Rửa Tội. Ngài khuyên: các con “hãy tin vào điều con đọc. Hãy giảng điều con tin. Và hãy thực
hành điều con giảng dạy”.
Mong sao lời đó sẽ được mỗi người suy đi và
nghĩ lại trong lòng, để trở nên chứng tá của tình yêu Thiên Chúa trong lòng xã
hội hôm nay!
Được như thế, Thiên Đàng không chỉ tại Thiên
mà đã ở giữa nhân loại ngay trong giây phút hiện tại.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho mỗi người chúng con ý thức được sứ mạng của mình, đồng thời, biết noi gương
Chúa để loan báo Tin Mừng cho con người cách toàn diện, ngõ hầu nhân loại này
được an vui, hạnh phúc và bình an khi sđược sống trong tình yêu, công lý và sự
thật. Amen.