CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN
Ơn cứu độ là phổ quát
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 4:21-30)
Trong Tông sắc Khuôn mặt Lòng Thương Xót (số 14), Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy
một trong những điều chứng tỏ thiếu lòng thương xót, đó là việc xét đoán và lên
án. Người ta dễ dàng lên án người khác
là do định kiến,. Trong câu chuyện Tin Mừng
hôm nay, định kiến của dân chúng Na-da-rét đối với Chúa Giê-su về gia cảnh của
Người, đã thay đổi họ từ thái độ “tán thành và thán phục những lời ân sủng từ
miệng Người nói ra” sang thái độ “đầy căm phẫn” và cuối cùng họ lôi Người lên mỏm
đá để xô Người xuống vực. Tuy nhiên, định
kiến ở đây không chỉ nhắm đến con người Chúa Giê-su, mà còn là thứ định kiến về
sứ mệnh của Người: như các ngôn sứ
Ê-li-a và Ê-li-sa, Chúa Giê-su không phải chỉ được sai đến để cứu độ dân
Do-thái mà thôi, nhưng để cứu độ toàn thể nhân loại.
Định kiến của dân thành Na-da-rét biểu
lộ qua lời họ nói với nhau: “Ông này
không phải là con ông Giu-se đó sao?” Phải,
ai sống ở Na-da-rét mà chẳng biết ông Giu-se!
Ông hiền lành, khiêm nhường, sống vui với nghề thợ mộc. Học hành chắc cũng không khá lắm, vì nếu có học
thì ông đã chẳng làm nghề lao động này!
Cha nào con nấy! Chúa Giê-su từ
trước đến giờ có gì nổi bật đâu. Vậy mà sau
khi Người vắng bóng một thời gian ngắn, họ đã nghe danh Người nổi như cồn tại
Ca-phác-na-um và nhiều nơi khác. Hiện giờ
con người ấy tuy đang ở trước mặt họ mà cũng không phá nổi định kiến trong lòng
họ. Định kiến đã ăn sâu vào xương tủy họ
rồi. Có lẽ hết thuốc chữa thôi. Thế là “thầy lang” Giê-su cố gắng chữa trị
căn bệnh định kiến của họ.
Căn bệnh này cần mổ xẻ. Trước hết Chúa Giê-su phải nói thẳng nói thật
về bệnh lý của họ. Người bảo họ rằng không
một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình là do định kiến của đồng bào
mình. Rồi Người trưng dẫn lịch sử. Thứ nhất là ngôn sứ Ê-li-a. Trong thời đói kém, có rất nhiều bà góa tại
Ít-ra-en cần được giúp đỡ. Vậy mà ngôn sứ
Ê-li-a lại chỉ được sai đi giúp đỡ một bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đon. Tại sao vậy?
Vì các bà góa Ít-ra-en coi thường ngôn sứ Ê-li-a. Thứ hai là ngôn sứ Ê-li-sa. Trong thời ngài, mặc dù ngài nổi danh, nhưng
chẳng có người phong cùi nào tại Ít-ra-en đến xin giúp đỡ, vì họ cho rằng bụt
nhà không thiêng. Vậy mà chỉ có ông
Na-a-man từ xứ Xi-ri xa xôi đến xin ngài giúp đỡ và ông đã được lành sạch sau
khi làm theo lời ngôn sứ dạy.
Tuy nhiên câu chuyện Tin Mừng không dừng
lại ở đây. Chúa Giê-su muốn dùng câu
chuyện của hai vị ngôn sứ để ám chỉ sứ mệnh của Người. Người được Thiên Chúa sai đến không chỉ để
làm “nở mặt nở mày” cho dân thành Na-da-rét.
Lại nữa, Người cũng không chỉ được sai đến để cứu độ dân Ít-ra-en mà
thôi. Nhưng sứ mệnh cứu độ của Người là
phổ quát, là đưa toàn thể nhân loại về hòa giải với Thiên Chúa và dẫn họ đến sự
sống đời đời. Đã có lần Người khẳng định
rõ ràng: Thiên Chúa yêu thương trần gian
đến nỗi sai Con Một tới, để bất cứ ai tin vào Người Con thì sẽ được sống muôn đời
(Gio-an 3:16). Phải, bất cứ ai tin, chứ
không riêng dân Do-thái. Thật là bất hạnh
vì rất nhiều người Do-thái đã không tin vào Người!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Tội nghiệp cho “thầy lang” Giê-su, muốn
chữa lành cho bệnh nhân mà chút nữa
thôi lại bị bệnh nhân xô xuống vực! Như
chúng ta biết đấy, Chúa Giê-su giàu lòng thương xót nên Người chẳng nỡ trả đũa,
mà chỉ “băng qua giữa họ mà đi”.
Chúa đi đến với chúng ta hôm nay và
Người sẵn sàng chữa bệnh tật chúng ta, nhất là bệnh định kiến, bệnh xét đoán và
lên án người khác. Đức Phanxicô, vị Đại
Diện của Chúa Giê-su, đã lập lại cách chữa bệnh định kiến như sau: “Ai không muốn bị điệu đến trước tòa án của
Thiên Chúa, thì đừng biến mình thành quan tòa của anh em mình… Nói xấu những
người anh chị em vắng mặt là đẩy biết bao nhiêu người như thế vào trong ánh
sáng tồi tàn, gây thiệt hại cho thanh danh của họ, và trao họ cho lời ong tiếng
ve”. Rồi ngài khuyên chúng ta hãy tích cực
“ở trong sự trong sáng để nhận ra điều tốt lành nơi người khác và đừng làm cho
họ phải đau khổ vì những lời kết án hẹp hòi của chúng ta” (Tông sắc, số 14).
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi