CHÚA NHẬT 4
THƯỜNG NIÊN C
Gr 1,4-5.17-19
; 1 Cr 12,31-13,13 ; Lc 4,21-30
THI HÀNH SỨ VỤ NGÔN SỨ HÔM NAY
I. HỌC
LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 4,21-30
(21) Đức Giêsu bắt đầu nói với
họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe”. (22) Mọi
người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ
miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phài là con ông Giu-se đó
sao?”.(23) Người bảo với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu
tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi
nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại
quê ông xem nào! (24) Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: Không một
ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (25) “Thật vậy, tôi
nói cho các ông hay: thiếu gì bà góa ở trong nước Ít-ra-en vào thời
ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói
kém dữ dội. (26) Thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả.
Nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đon. (27)
Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en vào thời
ngôn sứ Ê-li-sa. Nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông
Na-a-man, người xứ Xy-ri-a thôi”. (28) Nghe vậy, mọi người trong hội
đường đầy phẫn nộ. (29) Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành (thành
này được xây trên núi). Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người
xuống vực. (30) Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊSU BỊ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG BÁCH
HẠI.
Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã bị người
đồng hương Na-da-rét không tin và bách hại: vì họ đã không được thỏa
mãn khi đòi hỏi Người phép lạ để chứng minh sứ mệnh Thiên Sai. Người
đòi họ phải có đức tin là điều kiện để có phép lạ, Người trưng dẫn
hai nhân vật là bà góa nghèo ở Sa-rép-ta thời Ê-li-a và quan Na-a-man
ở xứ Sy-ri-a thời Ê-li-sa đã được phép lạ nhờ có đức tin. Do không
được thỏa mãn yêu cầu, nên dân Na-da-rét đã biến từ thán phục ban đầu
sang tức tối muốn bách hại Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 21-22: + “Hôm nay đã ứng nghiệm lời
Kinh thánh quý vị vừa nghe”: Đức
Giêsu trình bày sự xuất hiện của Người như khai mở thời kỳ hồng ân
mà các ngôn sứ đã loan báo, nhưng không dành riêng cho dân Ít-ra-en mà
dành cho mọi dân tộc. Tin mừng Luca thường nhấn mạnh đến tính cách
hiện tại của ơn cứu độ bằng từ “hôm nay” (x. Lc 2,11). + “Ông
này không phải là con ông Giu-se đó sao?”: Khi ra giảng đạo Đức Giêsu
được 30 tuổi và thiên hạ vẫn cho rằng Người là con của ông Giu-se (x.
Lc 3,23).
- C 23-24: + “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy chính
mình!”: Đức Giêsu đã dùng câu tục ngữ này để nói lên tâm
trạng của dân Na-da-rét, muốn được ưu tiên nhìn thấy Người làm phép
lạ phục vụ đồng hương như Người đã từng làm ở nhiều nơi khác. +
Ca-phác-na-um: là một thành phố nằm về hướng Tây Bắc biển hồ
Ga-li-lê, và là trung tâm hoạt động của Đức Giêsu. Tại đây, Người đã
chữa lành nhiều bệnh nhân và làm nhiều phép lạ (x. Mc 1,21-28), tha
tội cho người bại liệt (x. Mc 2,1-12), quan tâm những người tội lỗi (x.
Mc 2,15-17), khoan dung về luật ăn chay và hưu lễ (x. Mc 2,18-27). + “Ông
cũng hãy làm tại đây, tại quê hương ông xem nào!”: Dân Na-da-rét
đang lặp lại cơn cám dỗ của Xa-tan là muốn thử thách Người. Họ tính
lợi dụng lòng tốt của Người để phục vụ cho ích lợi của họ (x. Lc
4,1-14). Cũng vì tưởng mình đã biết rõ nguồn gốc Đức Giêsu, nên họ
không tin Người là Con Thiên Chúa từ trời mà đến. Họ đòi Người phải
làm phép lạ để chứng minh sứ mệnh Thiên Sai của Người (x. Lc 11,16). +
“Không một Ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”: Ngôn
sứ hay tiên tri là phát ngôn viên của Thiên Chúa để an ủi những người
đau khổ tuyệt vọng, tiên báo một tương lai tốt đẹp sắp dến và động
viên dân trung thành với đức tin vào Thiên Chúa (x. Is 49,8-15); Cáo
trách tội của vua quan và dân chúng như Sa-mu-en đã trách phạt vua
Sa-un (x. 1 V 15,12-23); Na-than cáo trách tội “giết chồng đoạt vợ” của
vua Đa-vít (x. 2 Si-mon 12,1-15); Giê-rê-mi-a lên án dân chúng phụng
thờ tà thần (x. Gr 7,30-34)... Chính vì “Trung ngôn nghịch nhĩ”-“Lời
thật khó nghe” mà nhiều ngôn sứ đã bị người đời giết hại (x. Lc 6,23b).
Câu “Không một ngôn sứ nào được tiếp nhận tại quê hương mình” ở đây
đồng nghĩa với câu “Bụt nhà không thiêng” của Việt Nam chúng ta.
- C 25-27: + Tôi nói cho các ông hay: Đức
Giêsu muốn trình bày tính phổ quát của ơn cứu độ, nghĩa là cho mọi
dân mọi nước, chứ không chỉ dành cho dân Ít-ra-en hay cho quê hương
Na-da-rét mà thôi. Trong thời gian giảng đạo, Đức Giêsu cũng thường đề
cao đức tin của dân ngọai như: khen viên đại đội trưởng Rô-ma (x. Lc 7,9)
; Dạy làm theo người Sa-ma-ri (x. Lc 10,36-37) ; Khen người đàn bà
Ca-na-an (x. Mt 15,28). + Ê-li-a và bà góa ngoại giáo thành
Xa-rép-ta được qua cơn đói kém: Ê-li-a là một ngôn sứ rất nổi
tiếng, sống vào thế kỷ thứ chín trước công nguyên. Một bà góa ở
thành Xa-rép-ta miền Xi-đon sắp bị chết đói vì nạn hạn hán mất mùa.
Bà may mắn gặp được ngôn sứ Ê-li-a. Nhờ tin và làm theo lời Ê-li-a
dạy mà bà đã được ông làm phép lạ cho hũ bột và bình dầu nhà bà
đầy mãi cho tới khi hết nạn hạn hán (x. 1 V 18,1tt). + Ê-li-sa và
quan Na-a-man ngoại giáo bị phong cùi: Ê-li-sa là đồ đệ của
Ê-li-a, nổi tiếng vì khả năng chữa bệnh lạ lùng. Tại xứ Xy-ri-a có
viên sĩ quan Na-a-man bị bệnh phong cùi. Nhờ được một nữ tì mách
bảo, ông đã sang nước Ít-ra-en tìm tới ngôn sứ Ê-li-sa để xin chữa
bệnh. Nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa và khiêm tốn làm theo lời
ngôn sứ xuống sông Gio-đan tắm 7 lần và sau đó ông đã được khỏi bệnh
(x. 2 V 5,1-14).
- C 28-30: + Mọi người trong hội đường đầy
phẫn nộ: Họ phẫn nộ vì Đức Giêsu đã không thỏa mãn đòi hỏi
của họ muốn xem phép lạ. Họ còn tức giận vì Người đã đề cao dân
ngoại hơn dân Do thái được Đức Chúa ưu tuyển. Họ ganh tị vì Người coi
trọng thành Ca-phác-na-um ngoại giáo, hơn quê hương Na-da-rét của
Người. Sự kiện này tiên báo Người sẽ bị người đời chống đối, mà
ông già Si-mê-on đã báo trước (x. Lc 2,34), và sau này Người sẽ bị kết
án tử hình thập giá (x. Lc 20,15). + Nhưng Người băng qua giữa họ
mà đi: Trước sự chống đối của dân Na-da-rét, Đức Giêsu đã băng
qua giữa họ mà đi trên đường của Người sẽ chỉ kết thúc tại thành Giêrusalem
(x. Lc 13,33).
4. CÂU HỎI:
1) Tin mừng Luca cho biết khi ra giảng đạo Đức Giêsu
được bao nhiêu tuổi và người đời nghĩ Người là con của ai ? 2) Ngôn
sứ và tiên tri giống hay khác nhau và sứ vụ của họ là gì ? 3) Tại
sao dân Na-da-rét đòi Đức Giêsu phải làm phép lạ cho họ xem và họ đã
có thái độ thế nào khi không được như ý ? 4) Hãy kể ra một số trường hợp
Đức Giêsu đã đề cao đức tin của dân ngọai ? 5) Khi nêu ra hai phép lạ
của ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa đã làm cho hai người thuộc dân ngoại, Đức
Giêsu muốn nói gì với người đồng hương Na-da-rét ? 6) Tại sao các người
Na-da-rét nổi giận và muốn giết hại Đức Giêsu ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỨC MẠNH CỦA SỰ THẬT.
Thôi Trữ là một quyền thần nước Tề, định giết
vua Trang Công để đoạt ngôi báu. Ông ta cho mời các quan chức triều
đình đến tư dinh để cùng bàn mưu tính kế và uống máu ăn thề với
nhau. Sau khi nghe Thôi Trữ công khai tuyên bố chống lại nhà vua, các
quan chức triều đình có mặt đều tỏ ra khiếp nhược trước uy thế của
Thôi Trữ và răm rắp nghe theo. Duy chỉ có Án Tử là vẫn điềm nhiên tự
tại và không chịu thề hứa chi cả. Bấy giờ Thôi Trữ bảo Án Tử rằng:
“Nếu ngươi theo ta, thì sau khi ta thâu đoạt được ngai vàng, ta sẽ chia
một nửa nước cho. Còn nếu không nghe ta thì ngươi sẽ lập tức bị tiêu
diệt!”. Trước khí thế của quân phản loạn, Án Tử vẫn giữ bình tĩnh.
Ông trả lời rằng: “Lấy cái lợi để nhử và bắt người ta chống lại
Quân vương là bất trung. Lấy binh khí để hiếp đáp làm lòng người sợ
hãi phải nghe theo là thất đức. Giết thì giết! Ta đây quyết không làm
theo việc bất trung thất đức của ngươi đâu!”. Nói xong Án Tử đứng dậy
ung dung ra về, thế mà Thôi Trữ cũng không dám ra lệnh cho quân lính
ngăn lại và giết hại như đã đe dọa trước đó.
2) NGÔN SỨ
NATHAN KHÔN NGOAN SỬA LỖI VUA ĐAVÍT (x.II Sm 12,1-13):
Sau khi vua Đavít
phạm tội ngoại tình với nàng Bátseva là vợ tướng Urigia và ngầm ra lệnh cho đại
tướng Gioáp mượn tay quân địch để giết chết tướng Urigia ngoài mặt trận, Nathan
đã được Đức Chúa sai đến làm ngôn sứ cáo trách tội giết chồng đoạt vợ của nhà
vua. Nathan đã vào gặp đền vua và bày ra một câu chuyện hư cấu về một nhà phú
hộ có 10 ngàn con chiên, nhưng đã sai gia nhân đến nhà một người nông dân chỉ
có một con chiên cái mà anh ta rất mực yêu mến, bắt con chiên cái này về làm
thịt đãi bạn đến chơi. Rồi từ phản ứng giận dữ của vua Đavít khi nghe về hành
động thất nhân ác đức của nhà phú hộ, Nathan mới thẳng thắn nói cho nhà vua
biết: tên phú hộ ấy chính là nhà vua. Vua đã phạm tội ngoại tình với Bátseva
rồi còn giết chồng là tướng Urigia để đoạt vợ của ông ta. Nhờ cách cáo tội khôn
ngoan của Nathan này mà Vua Đavít đã dễ dàng nhận ra tội lớn lao của mình và
sẵn sàng sám hối làm việc đền tội.
3. THẢO LUẬN:
Đức Giêsu đã luôn tỏ ra ưu ái và đề cao dân ngoại.
Vậy noi gương Đức Giêsu, chúng ta sẽ phải đối xử thế nào với anh em
lương dân mà chúng ta có dịp gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, để giới
thiệu Chúa cho họ ?
4. SUY NIỆM:
1.
Đức Giêsu thi hành sứ vụ ngôn sứ tại quê hương và bị phủ nhận:
Tin Mừng CN hôm nay thuật lại như sau: Trong Hội đường
làng Nadarét, sau khi đã đọc đoạn sách của Ngôn sứ Isaia về sứ vụ của Đấng Thiên Sai, Đức Giêsu đã chính thức tuyên
bố như sau: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
Lúc đầu dân làng Nadarét thán phục về tài ăn nói khôn ngoan của Đức Giêsu,
nhưng do thành kiến về nghề nghiệp thấp kém và gia thế tầm thường của Người,
nên họ đã không tin Người là Đấng Thiên Sai. Họ muốn Đức Giêsu phải làm các
phép lạ như họ nghe Người đã làm tại thành Caphácnaum trước đó. Nhưng Người đã
không làm một phép lạ nào tại đây vì họ không tin. Trong lời giải thích, Đức
Giêsu cho biết lý do dân ngoại thời ngôn sứ Êlia và Êlisa đã được hưởng phép lạ
vì họ đã tin và làm theo lời các ngôn sứ dạy. Rồi Người kết luận: “Không một
ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Nghe vậy, mọi người trong hội
đường đầy phẫn nộ vì cho rằng Đức Giêsu coi trọng dân ngoại hơn dân Do thái, và
còn khinh thường đồng hương. Họ hè nhau lôi Người lên triền núi để xô Người xuống
vực, nhưng “người đã băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,30).
2.
Sứ vụ ngôn sứ của người tín hữu nói chung:
Mỗi tín hữu chúng ta nhờ phép rửa tội và phép thêm sức
cũng được tham phần vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Giêsu. Để chu toàn được sứ vụ cao
quý này, dựa vào Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm xem chúng ta cần
tránh những gì và cần phải làm những gì?
-Cần tránh thành kiến với tha nhân: Dân làng Nadarét do có thành kiến về nghề nghiệp và gia
cảnh của Đức Giêsu, nên đã không tin vào sứ vụ Thiên Sai của Người. Thành kiến
là thói xấu mà có lẽ ai trong chúng ta ít nhiều cũng đều mắc phải: Cùng một lời
nói hay một việc làm nơi một người có địa vị cao hay có uy tín thì được mọi người
nghĩ tốt và đánh giá cao, đang khi nếu do một người bình thường làm lại sẽ bị
lên án và đánh giá thấp!
-Cần tránh thái độ ích kỷ cục bộ: Qua câu chuyện hũ bột nhà bà góa nghèo thời ngôn sứ Êlia
không bị cạn, và bệnh cùi của quan Naaman thời ngôn sứ Êlisa được khỏi cách lạ
thường, Đức Giêsu cho thấy mọi dân tộc đều được hưởng ơn cứu độ chứ không riêng
dân Do thái, miễn là người ta phải có lòng tin thể hiện qua việc thực hành Lời
Chúa dạy qua các ngôn sứ. Đức Giêsu muốn chúng ta không được đóng khung các họat
động truyền giảng Tin Mừng hay chia sẻ bác ái trong phạm vi hạn hẹp của mình,
mà phải biết mở rộng tình thương đến hết mọi người.
-Cần nói lời Chúa cách trung thực: Làm ngôn sứ không dễ, vì phải nói lời Chúa cách trung thực,
dù sự thật thường hay mất lòng. Nhưng đã là ngôn sứ thì chúng ta phải trung
thành nói lời Chúa và sẵn sàng đón nhận hậu quả bị người ta thù ghét bách hại.
-Cần dũng cảm bênh vực công lý: Làm ngôn sứ đôi khi cũng phải lội ngược dòng, khi không
chiều theo dư luận xấu hay theo số đông lầm lạc và bất công. Trái lại, chúng ta
phải khôn ngoan ứng xử phù hợp với lời Chúa. Điều này đòi hỏi vừa phải dũng cảm
đứng về phía sự thật lại vừa phải khôn ngoan để giữ được hòa khí với mọi người.
Chính thái độ can đảm và khôn ngoan bênh vực công lý này của các tín hữu sẽ
giúp người đời nhận biết tôn thờ Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu: “Ánh sáng của
anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp
anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
3. Phải thi hành sứ vụ Ngôn sứ thế nào trong Năm Thánh
Lòng Chúa Thương Xót ?
- Gương thi hành sứ vụ ngôn sứ cách
khôn ngoan của Nathan: Sứ vụ ngôn sứ không dễ thực hiện. Mỗi người chúng ta cần noi gương khôn
ngoan của ngôn sứ Nathan khi tuyên sấm lời Chúa sửa lỗi cho vua Đavít (x. II Sm
12,1-13).
- Cần sửa lỗi tha nhân thế nào cho hữu
hiệu? : Ngày nay, để việc sửa lỗi đạt kết
quả, chúng ta cần áp dụng các phương cách noi gương Thiên Chúa giàu lòng thương
xót như sau:
Cần ý thức tầm quan trọng của ơn
Chúa bằng việc xin ơn Chúa giúp trước khi sửa lỗi, như lời Chúa dạy: “Vì không
có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,8).
Cần tạo uy tín trước khi sửa lỗi,
nên trước khi sửa lỗi cho anh em, cần tự sửa lỗi mình để tránh tình trạng:
“Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”;
Cần sửa lỗi vì yêu thương trong sự cảm
thông chứ không do mâu thuẫn, thù ghét thôi thúc;
Cần áp dụng phương pháp “viên thuốc
bọc đường”, nghĩa là “khen trước chê sau”, “khen nhiều chê ít”;
Cần sửa lỗi từng bước theo Lời Chúa
dạy: Một là chỉ nói riêng một mình với kẻ có lỗi; Hai là mang theo một hai nhân
chứng; Ba là đưa kẻ có lỗi không chịu sửa sai ra cộng đoàn; Bốn là coi kẻ cố chấp
như dân ngoại và phó thác họ cho lòng Chúa thương xót (x. Mt 18,15-17).
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con chu tòan sứ vụ làm
ngôn sứ là rao giảng Lời Chúa trong xã hội hôm nay. Để chu toàn sứ vụ, xin cho chúng
con siêng năng học sống Lời Chúa tại nhà thờ và đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối
gia đình hằng ngày. Xin cho chúng con biết làm chứng cho Chúa là “Sự Thật” (x
Ga 14,6) bằng lối ứng xử thân thiện và khiêm tốn phục vụ những người đau khổ
bất hạnh đang lạc xa Chúa. Xin cho chúng con luôn tin vào sức mạnh của sự thật
như Chúa đã dạy: “Sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32).
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON
LM ĐAN VINH - HHTM