CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN
Tiếng gọi của Lòng Thương Xót
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 5:1-11)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca
cho chúng ta một câu chuyện tuyệt vời về việc Chúa Giê-su kêu gọi những môn đệ
đầu tiên. Động lực nào khiến Chúa kêu gọi
những người xem ra không đủ khả năng để chu toàn một sứ mệnh cao cả nếu không
phải là do tình yêu đặc biệt Người dành cho họ?
Trong bối cảnh của Năm thánh ngoại thường về lòng Chúa thương xót, chúng
ta thấy dễ dàng xác tín rằng tiếng gọi mạnh mẽ của Lòng Thương Xót đã thay đổi
những người được Chúa tuyển chọn. Họ bắt
đầu cuộc thay đổi này bằng một hành vi thật ý nghĩa: bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Trong mọi việc lớn lao, sự tuyển chọn
luôn là quan trọng. Để kiếm người xây dựng
một mái ấm gia đình, người ta phải trải qua một cuộc tuyển chọn cẩn thận và cân
nhắc, có khi đòi thời gian lâu dài. Muốn
kiếm người cộng sự trong công việc, chúng ta cũng phải cố tìm ra người mình có
thể tin tưởng. Nhưng điều khiến chúng ta
ngạc nhiên là làm sao Chúa Giê-su nhận ra điều hay điều tốt nơi những vị tông đồ
tương lai. Đâu là tiêu chuẩn hoặc điều
kiện để Người tuyển chọn? Thông
minh? Bằng cấp? Xuất thân từ gia đình thế giá? Dĩ nhiên đạt những tiêu chuẩn này là điều tốt,
nhưng đây là cuộc tuyển chọn tông đồ chứ không phải tuyển giáo sư đại học, giáo
sư Kinh Thánh hay thần học, cho nên Chúa cần những người có lòng hăng say và quảng
đại, sẵn sàng đón nhận một sứ mệnh vô vị lợi.
Nói khác đi, Chúa cần những người có một tấm lòng, cần những người có “hồn
tông đồ”. Chúa Giê-su là Lòng Thương Xót
được sai đến trần gian để cứu độ nhân loại. Do đó Người cần có những cộng sự
viên được đào tạo để đem lòng thương xót của Thiên Chúa đến với anh chị em.
Giờ đây chúng ta hãy trở lại với khung
cảnh bờ hồ Ghen-nê-xa-rét. Chúa Giê-su
“đứng ở bờ hồ” và “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên
Chúa”. Người ta muốn đến với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đấy! Có thể vì sự chen lấn đó nên Chúa Giê-su đã
phải “mượn” thuyền của ông Phê-rô làm bục giảng lời Chúa. Ít ra chúng ta có thể nhận thấy lòng quảng đại
của ông Phê-rô khi ông để cho Chúa sử dụng thuyền của ông. Chắc chắn Chúa Giê-su còn thấy điều ấy rõ
hơn, vì Người là Đấng “dò thấu tâm can” con người. Mặc dù ông Phê-rô đã nhận ra thế giá của Chúa
Giê-su qua khung cảnh dân chúng chen lấn đến với Người và hành vi mượn thuyền để
mở đầu cho một tương quan giữa Chúa với ông, nhưng ông cần một bước nữa để biết
rõ Người hơn. Thì đây, Lòng Thương Xót sẵn
sàng mở lòng đón nhận ông. Chúa Giê-su
cho ông biết Người là ai. Người để cho mối
tương quan vừa thiết lập được trở nên sống động: Chúa bảo ông thả lưới, ông dẹp bỏ kinh nghiệm
nghề nghiệp để “vâng lời Thầy”. Lòng
Thương Xót đi từng bước để giúp ông Phê-rô “biết mình biết Người”! Sau khi biết thì: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội
lỗi! Nhưng Chúa đâu kể gì tội lỗi của
ông, vì tội lỗi đứng trước Lòng Thương Xót thì có khác chi cục đá lạnh sẽ tan lập
tức dưới ánh nắng mặt trời. Người chỉ muốn
tấm lòng quảng đại của ông. Chúa biết
ông là con người yếu đuối, nhưng không sao, Người sẽ làm cho ông mạnh và vững
chắc như Tảng Đá! Người bảo đảm với
ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người
thu phục người ta”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sau lời gọi của Chúa Giê-su, chúng ta
thấy không chỉ một mình ông Phê-rô “bỏ hết mọi sự mà theo Chúa”, nhưng cả hai
người con của ông Dê-bê-đê nữa. Quả thực
Lòng Thương Xót có sức mạnh kinh hồn.
Nghe tiếng gọi của Lòng Thương Xót, các tông đồ tiên khởi không sao cưỡng
lại được! Chúa đã quảng đại mở lòng
thương xót với các ngài, thì các ngài cũng quảng đại đáp lại tiếng gọi tông đồ
của Chúa.
Thấy người lại ngẫm đến ta! Ngôn sứ I-sai-a thì thưa với Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con đi”, sau khi ông được
tha lỗi và xá tội (bài đọc 1). Tông đồ
Phao-lô tuy từng là kẻ “ngược đãi Hội Thánh”, nhưng nhờ ân sủng của Lòng Thương
Xót đã trở thành Tông đồ Dân ngoại. Như
thế, bạn và tôi, chúng ta không tránh nổi tiếng gọi của Lòng Thương Xót
đâu. Chúng ta cứ quảng đại và can đảm
thưa với Chúa: Dạ, con đây, xin sai con
đi!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi