CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN

Sống lòng thương xót đối với anh chị em

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 7:11-17)

          Trong Tông sắc Khuôn mặt lòng thương xót thông báo ấn định Năm thánh ngoại thường Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt nói đến câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay:  Chúa Giê-su cho con trai của bà góa thành Na-in được sống lại.  Lý do là vì câu chuyện diễn tả rất cảm động lòng Chúa thương xót được biểu lộ một cách cụ thể qua việc làm của Chúa Giê-su.  Lý do duy nhất Chúa Giê-su thực hiện phép lạ này là để khẳng định với chúng ta rằng Thiên Chúa luôn xót thương chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp gian nan thử thách trong cuộc sống.  Vậy chúng ta hãy dựa vào những điều thánh sử Lu-ca kể lại để nhận biết Thiên Chúa yêu thương ta như thế nào.

          Na-in không phải là một thành phố nhộn nhịp đông người, có lẽ cũng không phải là nơi thực sự đáng cho Chúa Giê-su đến rao giảng.  Nhưng Người đã đến đó cùng với các môn đệ và đám đông dân chúng.  Chắc chắn Chúa có lý do để đặc biệt ghé lại đây.  Chúng ta có thể tin rằng Người muốn đến Na-in là vì một bà góa đau khổ đang cần đến Người.  Đây là một người đàn bà rất đau khổ, khổ vì chồng mất sớm, bây giờ lại khổ vì đứa con trai duy nhất của bà cũng đi theo cha nó!  Không cần phải kể lể, chúng ta cũng thấy được hoàn cảnh vô cùng khó khăn của bà góa này.  Mất chồng, bà chẳng còn được ai che chở bao bọc, dễ dàng trở thành nạn nhân của bất công xã hội.  Đó là chưa nói đến phương diện tình cảm.  Tất cả đều trông nhờ vào đứa con trai duy nhất, niềm hy vọng cuối cùng của bà.  Nhưng giờ đây hy vọng ấy vụt tắt, để lại cả một viễn tượng tối tăm.  Vì tội nghiệp cho bà, nên trong đám tang con của bà, “có đám đông trong thành cùng đi với bà”.  Họ cùng đi, cùng chia sẻ nỗi đau với bà, đó là tất cả những gì họ có thể làm được cho bà, nhưng vẫn không thể đem về cho bà những gì bà đã mất.  Vì thế, bà cần có Chúa Giê-su, lòng thương xót của Thiên Chúa bằng xương bằng thịt.

          Vậy chúng ta hãy chiêm ngưỡng những gì Chúa Giê-su làm cho bà hôm nay khi Người chủ tâm đến Na-in để gặp bà.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ghi lại đôi ba dòng thôi, nhưng cũng đủ để chúng ta nhận ra được lòng Chúa thương xót.  Đức Phanxicô viết:  Khi Chúa gặp bà góa thành Na-im đang tiễn đứa con duy nhất của mình tới mộ, Người đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ với sự đau đớn khôn cùng này của một mẹ đang than khóc đứa con của mình, đến độ Người đã làm cho đứa con ấy được phục sinh từ cõi chết và trao người con này lại cho bà (xc. Lc 7,15).  Để diễn tả thái độ “chạnh lòng thương”của Chúa Giê-su, ĐGH viết rằng Chúa Giê-su “đã cảm thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ với sự đau đớn khôn cùng này của một người mẹ…”  Rồi Chúa dùng mọi cách để biểu lộ sự đồng cảm này, bằng lời nói “Bà đừng khóc nữa”, và bằng hành động “lại gần, sờ vào quan tài”.  Lòng Chúa Thương Xót chẳng cần câu nệ luật thanh tẩy của cha ông, nên Chúa Giê-su đụng vào quan tài.  Giống như bà mẹ không muốn rời xác con, Chúa cũng muốn ôm lấy đứa con tội nghiệp của Người.  Hành động tột đỉnh của Lòng Thương Xót là lệnh truyền của Ngôi Lời tạo dựng:  “Này, người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”  Lời đã ban cho người thanh niên sự sống, giờ đây Lời phục hồi cho anh sự sống đã mất.  Cuối cùng, cử chỉ đầy ý nghĩa của Lòng Thương Xót là “Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ”.  Thanh niên được Chúa cho sống lại khác nào món quà quý giá nhất được trao lại cho bà mẹ của anh.  Quả thực, lòng Chúa thương xót đã thương thì thương cho trót, đã yêu thì yêu đến cùng!

Sống sứ điệp của bài Tin Mừng

          Đơn giản thôi, nếu muốn sống sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cứ “có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng xót thương”!  Đó cũng là khẩu hiệu sống cho Năm thánh này.  Hôm nay Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ và đám đông dân chúng bài học về lòng thương xót.  Dân trong thành Na-in đã chia sẻ với nỗi đau của bà góa mất đứa con trai độc nhất.  Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu “bà góa” của thời đại.  Đó là những người mất mát đủ thứ và cần một bàn tay chạm tới, một lời nói khích lệ ủi an.  Đức Thánh Cha xin chúng ta tích cực thực hành “Mười bốn mối thương người”, một cách biểu lộ cụ thể lòng thương xót.  Đáp lời mời gọi ấy là cách tốt nhất để sống Năm thánh này!

 

                      Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C