CHÚA NHẬT X
MÙA TN C
1 V 17,17-24 ;
Gl 1,11-19 ; Lc 7,11-17
“NÀY NGƯỜI THANH NIÊN, TA BẢO ANH: HÃY TRỖI DẬY”
I.HỌC LỜI
CHÚA
1.TIN MỪNG: Lc 7,11-17.
(11) Sau
đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông
cùng đi với Người.(12) Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc
người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ
anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.(13) Trông
thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! "(14) Rồi
Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói:
"Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! "(15) Người
chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.(16) Mọi
người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã
xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người".(17) Lời
này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
2.Ý CHÍNH:
Tin mừng Luca hôm nay cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến
và Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai mà dân Do thái đang mong chờ, mà phép lạ Người
đã tỏ lòng thương xót một bà góa đang khóc đi chôn đứa con trai duy nhất đã
chết tại cửa thành Nain là một bằng chứng. Đức Giêsu đã truyền cho đứa con mới
chết được sống lại và trao nó lại cho bà mẹ. Qua phép lạ này, Người tiên báo công
việc Người sẽ làm là ban cho những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại một cuộc
sống vĩnh hằng sau này.
3.CHÚ THÍCH:
-C 11-12: +Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là
Nain: Ngôi làng này hiện nay vẫn còn, dưới
chân núi Tabo, cách Nadarét mười kilômét. Làng này chỉ có một cửa để đi về phía
cánh đồng dẫn đến nghĩa trang dùng để chôn cất người chết. Thường thường việc
chôn cất được làm vào buổi chiều lúc cuối ngày. Theo thói tục Đông phương,
người chết được quấn khăn liệm kỹ lưỡng và được đặt nằm trong cỗ quan tài không
đậy nắp. + khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết
đi chôn, người này là con trai duy nhất và mẹ anh ta lại là một bà góa:
Chỉ có Luca, thánh sử của lòng Chúa thương xót mới thuật lại phép lạ
này với những chi tiết thật cảm động. Bà góa là biểu tượng của người nghèo được
Thiên Chúa đặc biệt quan tâm bảo vệ. Người đàn bà nói đây đã từng mất chồng và nay
còn bị mất thêm đứa con trai là chỗ dựa duy nhất cho bà. +Có một đám đông trong thành cùng
đi với bà: Có hai "đám đông” sắp gặp nhau tại cổng thành Nain. Một
đám ma từ trong thành đi ra và một đám đông thứ hai đang từ ngoài tiến vào
thành, gồm có các môn đệ và nhiều người khác. Họ vừa đi vừa nghe Đức Giêsu giảng
Tin Mừng.
-C 13-14: +Trông thấy bà,
Chúa chạnh lòng thương: Ở đây Luca
cố ý sử dụng từ “Chúa” ("Kurios")
để ám chỉ Đức Giêsu. Đây là danh hiệu của Đức Chúa, ám chỉ Chúa Thượng dân
Ítraen (Yahvê) mà Giáo Hội sơ khai sau này sẽ dùng để chỉ Chúa Phục sinh. Tin
Mừng Luca đã dùng mười chín lần danh hiệu này, trong khi mỗi Tin Mừng Mátthêu
và Máccô chỉ dùng một lần. +"Chạnh lòng thương” : là một từ
Hy Lạp có nghĩa là "xúc động đến ruột gan". Từ này luôn được áp dụng
cho tình yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa xuất hiện gần gũi với con
cái loài người. Người đã tỏ ra cảm thông và xúc động trước cảnh tang thương của
một người đàn bà đau khổ. +Người nói: "Bà đừng khóc nữa!" Rồi
Người lại gần sờ vào quan tài: Bằng lời nói và cử chỉ này, Đức Giêsu đã
thể hiện thái độ an ủi bà mẹ đang khóc thương đứa con trai duy nhất, nay không
còn nữa. +Các người khiêng dừng lại, Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi
bảo anh: hãy trỗi dậy!”: Từ "hãy trỗi dậy!" được dùng để chỉ
sự sống lại của Đức Giêsu (x.Lc 9,22; 24,6-34), và cũng ám chỉ sự sống lại của
những người sẽ được chọn vào ngày tận thế (x.Lc 20,37). So sánh với câu truyện
sống lại kể trong 1V 18, 17-24 và 2V 4,18-36 do hai ngôn sứ Êlia và Êlisê thực
hiện, ta thấy có một sự khác biệt căn bản: Hai vị này đã khẩn khoản nài xin
Thiên Chúa rất nhiều và làm nhiều cử chỉ biểu tượng. Còn Đức Giêsu chỉ phán có
một lời, không cầu, không xin, rồi chỉ ra một lệnh, tức khắc chàng thanh niên
sống lại. Sau này thánh Phaolô cũng dùng từ này để diễn tả về mầu nhiệm sống
lại trong phép rửa tội của các tín hữu như sau: "Anh em đã cùng được mai
táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người” (Cl 2;12). Phép rửa tội là sự tham dự trước vào
đời sống vĩnh cửu ở đời sau: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng
ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế cũng như Người đã được sống lại từ
cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một
đời sống mới như thế" (Rm 6,4).
-C 15-17: +Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.
Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa: Thái độ của dân chúng chứng kiến đã dần dần thay đổi: Từ kính
sợ đến chỗ ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa và họ tin Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ
vĩ đại của Thiên Chúa, đã làm cho kẻ chết được trỗi dậy như thế. +"Một
vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân
Người": Cuộc "viếng
thăm" của Thiên Chúa đã được thực hiện qua Đức Giêsu và là "dấu
chỉ của thời kỳ thế mạt". Một ngày kia, Thiên Chúa sẽ là "tất cả
trong tất cả”.- “Bấy giờ sẽ không còn nước mắt, không còn sự chết, tang tóc,
kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). +Lời này được đồn ra trong khắp cả miền
Giuđê và vùng lên cận: Sự sống lại của anh thanh niên ở cổng thành Nain
đã được những người chứng kiến vui mừng loan báo đi khắp vùng Giuđê như một tin
mừng cho thấy Đức Giêsu chính là vị Đại Ngôn Sứ, là Đấng Mêsia do Thiên Chúa
sai đến để thăm viếng dân Người.
4.CÂU HỎI: 1)
Nain là thành nào? 2)Số phận các bà góa trong dân Ítraen đáng thương như thế
nào? 3)Từ “Chúa” trong Tin Mừng Luca ở đây mang ý nghĩa ra sao? Ý nghĩa của từ
“Chạnh lòng thương” thế nào? 4) Đức Giêsu đã bày tỏ sự cảm thông và an ủi người
mẹ đau khổ bằng cử chỉ và lời nói nào? 5) Từ “trỗi dậy” được dùng để diễn tả
điều gì? Thánh Phaolô cũng dùng từ “trỗi dậy” để diễn tả điều gì? 6) Câu “Một
Ngôn Sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” ở đây ám chỉ ai và là dấu chỉ của
thời kỳ nào?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: Trông
thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" (14) Rồi
Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói:
"Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! "(15) Người
chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.
2.CÂU CHUYỆN:
1) NGÔN SỨ
ÊLIA PHỤC SINH ĐỨA CON TRAI BÀ GÓA Ở SARÉPTA (1
V 17,17-24):
Khi ngôn sứ Êlia đang ở trong nhà bà quả phụ thì cậu con
trai của bà ngã bệnh, và bệnh tình trầm trọng đến nỗi cậu đã ngã ra chết. Bà
quả phụ đau buồn thưa với Êlia rằng: “Hỡi người của Chúa, ngài với tôi có liên
quan gì chăng? Ngài đến nhà tôi để nhắc lại những lỗi lầm thầm kín của tôi khiến
cho Chúa giết chết con tôi”. Vị ngôn sứ nói với bà rằng: “Đem nó lại đây”. Rồi
ông bế lấy đứa nhỏ khỏi tay mẹ nó, đem lên phòng cao nơi ông ở và đặt nó trên
giường. Ông kêu cầu với Đức Chúa rằng: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con.
Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết hay sao?"
Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu Đức Chúa rằng: "Lạy Đức Chúa,
Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!" Đức
Chúa nghe tiếng ông Êlia kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống lại.
Ông Êlia liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và
nói: "Bà xem, con bà đang sống đây!" Bà nói với ông Êlia: "Vâng,
bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời Đức Chúa do miệng ông nói
ra là đúng."
2) THÁI ĐỘ
CỦA VUA ĐAVÍT TRƯỚC VÀ SAU CÁI CHẾT CỦA CON TRAI (2 Sm 12,16-25):
Thánh Kinh đã kể một câu chuyện cảm động về nỗi đau của
Đavít khi đứa con nhỏ của ông bệnh nặng: Đavít rất buồn rầu và thiết tha cầu
xin Chúa cho đứa nhỏ ấy khỏi bệnh. Ông còn ăn chay và đêm thì nằm ngủ dưới sàn
nhà, mặc áo nhậm. Các cận thần nài nỉ ông lên giường nhưng ông không chịu. Đến
ngày thứ bảy thì đứa bé chết. Các cận thần rất lo lắng, nói với nhau "Lúc
đứa bé còn sống, ngài còn không nghe chúng ta. Huống chi bây giờ nó đã chết
rồi". Đavít nghe người ta xì xầm thì đoán được sự việc. Ông hỏi "Có
phải con ta đã chết rồi chăng ?". Họ đáp "Thưa vâng". Đavít liền
chổi dậy, tắm rửa, mặc quần áo bình thường, vào đền thờ phủ phục trước nhan
Chúa, rồi trở ra ăn uống như thường. Mọi người ngạc nhiên hỏi: "Tại sao
khi đứa nhỏ chưa chết thì Ngài khóc than và nằm dưới sàn, còn khi nó chết rồi
thì Ngài chổi dậy và ăn uống ?" Đavít trả lời: "Khi đứa bé còn sống,
ta làm tất cả để cứu mạng sống nó. Nay nó chết rồi, nó không thể trở về với Ta
nữa. Nhưng Ta có thể đến với nó".
Đavít đã nêu gương biết chấp nhận một tình huống không
thể nào thay đổi được. Tuy chúng ta không thể nào quên người đã chết, nhưng
cuộc sống là quý giá nên chúng ta phải tiếp tục sống. Chúng ta khóc vì một sự
sống đã mất đi, nhưng nếu chúng ta cứ than khóc mãi thì sẽ có đến hai sự sống
phải mất đi.
3) VÀNG BẠC
LÀ NGUYÊN NHÂN THÙ GHÉT GIẾT HẠI LẪN NHAU:
Một vị ẩn sĩ nọ, ngày kia lạc vào một hang động. Tại đây
ông đã khám phá ra một kho tàng với không biết bao nhiêu vàng bạc châu báu.
Nhưng ông đã vội vã ra khỏi hang, vừa chạy vừa la thất thanh: "Tôi đã thấy
thần chết". Tình cờ ba tên cướp đi ngang qua đó, nghe tiếng kêu của vị ẩn
sĩ, họ dừng lại hỏi chuyện. Muốn chứng tỏ mình là những người không biết sợ là
gì, ba tên cướp yêu cầu đưa họ đến gặp thần chết. Vị ẩn sĩ dẫn họ vào hang động
và chỉ vào kho tàng. Mắt họ sáng lên và lập tức ba tên cướp tống cổ vị tu hành
ra khỏi hang.
Nhưng kho tàng quá lớn, họ không thể mang đi tất cả trong
một ngày. Sau một hồi bàn cãi ba tên cướp đồng ý để một người ra phố mua sắm
lương thực. Hai người còn lại ngồi đó canh giữ kho báu. Người được sai đi chợ
nghĩ thầm trong bụng: "Ta sẽ ăn uống no nê, sau đó bỏ thuốc độc vào thức
ăn. Hai tên khốn nạn sẽ chết và tạ sẽ chiếm trọn kho tàng". Hai tên ngồi
canh giữ kho báu cũng bàn với nhau: "Chúng ta sẽ giết hắn. Và như thế phần
của mỗi người chúng ta sẽ nhiều hơn". Khi kẻ mang lương thực về đến hang
động: họ liền giết hắn và ăn hết số thức ăn có thuốc độc. Thế là cả ba đã rủ nhau
đi gặp thần chết, như vị ẩn sĩ đã tiên báo.
3.THẢO LUẬN:
1) Tình thương của Đức Giêsu thể hiện qua phép lạ phục sinh đứa con trai bà góa
tại cổng thành Nain qua những cử chỉ và lời nói nào? 2) Mỗi tín hữu chúng ta cần
thể hiện tình thương của Chúa Giêsu ra sao đối với những người đau khổ bệnh tật
chúng ta gặp phải trong cuộc sống? 3) Chúng ta cần làm gì để noi gương thái độ
“chạnh lòng thương xót” của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay?
4.SUY NIỆM:
1) Về
cái chết của cả nhân loại:
Bình
thường mỗi người chúng ta ai cũng phải qua bốn cửa ải là: sinh, lão, bệnh,
tử. Đã có sinh ắt phải có tử. Cuối cùng, mọi người sinh ra trên trần gian đều
phải kết thúc cuộc hành trình bằng cái chết. Từ thời Cựu ước, dân Ítraen đã coi
chết là một điều khó hiểu: Tại sao Thiên Chúa nhân từ đã dựng nên vũ trụ vạn
vật mà lại để cho sự chết lọt vào trần gian như vậy. Nhưng rồi Lời Chúa trong
Thánh Kinh đã dần dần cho thấy: Chết chính là hậu quả của tội lỗi của loài
người, bắt đầu từ tội tổ tông như lời tuyên phán của Thiên Chúa: “Ngày nào
ngươi ăn quả cây ấy thì ngày ấy ngươi sẽ phải chết”. Nguyên tổ Ađam Evà đã phạm
tội nghe ma quỷ cám dỗ ăn quả cây trái cấm ấy nên đã phải chịu phạt là phải chết:
Chết về thể xác cũng như linh hồn. Nhưng Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến
chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang.
2) Đức Giêsu là Chúa tể của sự sống và sự
chết:
Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế quyền năng. Thánh Luca
trong Tin Mừng hôm nay đã dùng từ “Chúa” cho Đức Giêsu. Chúa theo tiếng Hy lạp có
nghĩa là “Ông Chủ”. Nhận Đức Giêsu là Chúa là nhận Người chính là ông chủ của
sự sống và có quyền trên sự chết.
Trong
câu chuyện phục sinh con trai bà góa hôm nay, tuy không có người nào đã xin Đức
Giêsu phục sinh kẻ chết, nhưng với tư cách là “Chúa”, là “Chủ của sự sống”, Người
đã cảm thông và động lòng thương bà góa có con mới chết bằng việc khuyên bà đừng
khóc rồi truyền cho đứa con của bà được trỗi dậy và trao nó lại cho bà, làm cho
bà không còn buồn sầu than khóc nữa.
3) Đức Giêsu sẽ ban lại sự sống đời đời cho
chúng ta:
Thiên
Chúa là tình yêu (1Ga 4,16), nên Ngài muốn giải thoát con người khỏi sự chết. Tình
yêu của Thiên Chúa không dừng lại đó. Ngài còn muốn giải thoát con người khỏi
phải chết đời đời. Con trai bà góa Nain sau khi sống lại một thời gian rồi
sẽ lại phải chết, nhưng những ai được Người yêu thương giải thoát sẽ được sống
lại trong cuộc sống mới vĩnh hằng. Biến cố Đức Giêsu làm cho con trai bà góa
thành Nain sống lại là dấu hiệu cho thấy Người sẽ cứu chúng ta khỏi chết và ban
cho chúng ta sự sống muôn đời. Thánh Luca đã dùng từ “chạnh lòng thương”
nghĩa là “xúc động đến tận ruột gan” để diễn tả lòng thương xót vô biên của
Đức Giêsu.
4) Chúng ta phải làm gì để noi gương Đức
Giêsu Đấng giàu lòng thương xót? :
Đức Giêsu muốn chúng ta thấy phép lạ thành Nain không những
là dấu chỉ của lòng thương xót người đàn bà góa, cũng không chỉ là dấu hiệu
minh chứng Người là Đấng Thiên Sai, mà đây còn là dấu chỉ báo trước điều Người sẽ
thực hiện cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta biết đặt trọn niềm tin vào Người,
là cho chúng ta được sống lại một cuộc sống mới vĩnh hằng.
Đức Giêsu đã nói: "Chính Thầy là sự sống lại
và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và
tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11,25-26). Các tín hữu chúng
ta sẽ nhìn cuộc đời như là một cuộc hành trình về quê trời, và mỗi người đều là
khách lữ hành đang đi trong trần thế. Trong cuộc hành trình này, chúng ta phải
nỗ lực để vừa chịu đựng gian khổ, lại vừa phải cố gắng vượt qua trở lực để về tới
cùng đích. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã viết: "Quê
hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng chờ đợi Đức Giêsu Kitô từ
trời đến cứu chúng ta" (Pl 3,20). Đồng thời, trong thư Côrintô, ngài cho biết
thêm về thế giới mai hậu như sau: "Chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà chúng
ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên
Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm
ra" (2 Cr 5,1).
Đơi với mỗi người tín hữu hôm nay, cần thực thi bác ái
như lời dạy của thánh Têrêsa Avila như sau: “Đức Kitô giờ đây không có thân
xác, nhưng Người vẫn có thân xác của chúng ta; Dù không có đôi tay nhưng Người vẫn
có đôi tay của chúng ta; Dù không có đôi chân nhưng Người vẫn có đôi chân của
chúng ta. Đôi mắt của chúng ta cũng chính là đôi mắt mà qua đó lòng thương cảm
của Đức Kitô có thể nhìn ra thế giới. Đôi chân của chúng ta chính là đôi chân
mà nhờ đó Người có thể bước đi để thi hành các công việc tốt lành. Đôi tay của
chúng ta cũng chính là đôi tay mà qua đó Người có thể tiếp tục thi hành các
phép lạ trong thế giới hôm nay.”
5.LỜI NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊSU. Đôi tay của Chúa xưa đã từng chạm
vào mắt những kẻ mù lòa, để làm cho họ được xem thấy. Xin Chúa hãy chạm vào đôi
mắt của chúng con, để chúng con có thể nhìn thấy Chúa trong nhà thờ và trong
các anh chị em nghèo hèn chung quanh chúng con.
Đôi tay của Chúa xưa đã từng chạm vào lỗ tai của kẻ điếc
để phục hồi thính giác cho họ. Xin Chúa cũng hãy chạm vào tai của chúng con để giúp
chúng con nghe thấy tiếng Chúa trong Thánh Kinh, qua các vị chủ chăn và qua
những anh chị em nghèo khổ đang cầu xin sự trợ giúp.
Đôi tay của Chúa xưa đã từng chạm vào người chàng thanh
niên tại cửa thành Nain, và truyền cho anh ta trỗi dậy. Xin Chúa hãy chạm vào người
chúng con để làm cho chúng con được trỗi dậy trong ơn nghĩa Chúa, và hăng say
loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM