Thầy là Đấng Kitô của Thiên
Chúa
Suy Niệm Tin Mừng Chúa nhật XII Năm – C
(Lc 9, 18-24)
"Thầy
là ai ? " là câu hỏi do
Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ về nguồn gốc của chính mình. Trong số người
đương thời, có người cho là Giêsu thành Nagiaret sinh tại Bêlem, con bà Maria.
Nhưng trong câu hỏi của Chúa Giêsu, hàm chứa lý lịch về mình thể hiện qua lời
nói, dấu chỉ Người thực hiện. Qua đời sống công khải và sứ mạng của Chúa Giêsu,
câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề Đức Kitô với vụ án: "Ông
có phải là Đấng Kitô không ?"
Câu chuyện trong bữa tiệc tại nhà ông
Simon người Biệt phái, chúng ta nghe tuần trước. Simon cho rằng : "Nếu ông này là tiên tri thì phải
biết người đàn bà đang động đến mình là ai… là một người tội lỗi" (Lc 7, 39).
Nhận định của Simon cho thấy Chúa Giêsu có vấn đề tình cảm.
Còn hội thoại hôm nay, quen gọi là tuyên
xưng đức tin miền Xêsarê, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ về chính
mình : "Những đám đông dân chúng bảo Thầy là ai ? Các ông
thưa rằng : Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn
người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại" (Lc 9, 18-19). Giờ đây, chúng ta
có thể đặt một câu hỏi tương tự và làm cuộc điều tra về Chúa Giêsu với mọi người.
Mỗi người một ý kiến: kẻ này cho rằng Chúa Giêsu là một nhà khôn ngoan, người
khác cho là một nhân vật hư cấu, v.v.
Chúa Giêsu không ngại khi hỏi các môn đệ
về chính bản thân mình : "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? " (Lc 9, 20). Chúa yêu cầu họ tự
xem, Người có vị trí nào trong đời sống của họ. Nhân danh cả nhóm, Phêrô trả lời
: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa."
Đấng
Kitô của Thiên Chúa nghĩa là Đấng được xức dầu làm ngôn sứ và vương đế để
trở thành mục tử chăn dắt Israel. Trên miệng của Phêrô, tước hiệu Đấng Kitô chứa đựng ý tưởng toàn năng.
Các môn đệ nghĩ rằng Chúa Giêsu đến để tái lập Vương Quốc Israel, Người sẽ dùng
quyền năng đánh đuổi quân Rôma, đưa Do thái lên thống trị. Vì thế, khi Phêrô
thưa : "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa" (Lc 9, 20), là ông nghĩ tới
một vị Kitô vinh quang, thống trị toàn năng, chiến thắng mọi kẻ thù. Đó là lý
do tại sao Chúa Giêsu lại bảo họ im lặng.
Những trang tiếp theo của Tin Mừng thuật
lại, Chúa Giêsu ba lần loan báo cuộc thương khó rằng Người sẽ phải chịu đau khổ
nhiều, bị giết chết. Nhưng các môn đệ không hiểu, không tin vào những gì sắp xảy
đến. Đối với họ, Đấng Kitô chịu khổ nạn là không thể, hình ảnh Đấng Kitô vinh
quang khác với hành động của Người. Họ không thể đón nhận Đấng Kitô đau khổ
thay vì vinh quang.
Tại sao vậy ? Vì sau phép lạ hóa
bánh ra nhiều theo Tin Mừng Gioan, đám đông chạy theo Chúa Giêsu để tôn Người
lên làm vua. Chúa Giêsu thử lòng họ, giải thích cho họ ý nghĩa về sứ mạng của
mình : "Các ngươi muốn Ta làm vua, vì Ta đã cho các ngươi ăn
bánh no nê…" (Ga, 6, 26).
Nhưng họ không hiểu lời Người nói, không phải vì trí hiểu kém, nhưng vì ý tưởng
về Đấng Kitô chịu đau khổ đối với họ là hoàn toàn xa lạ.
Tuy nhiên, hình ảnh này đã được các tiên
tri loan báo, cụ thể như tiên tri Dacaria mà chúng ta đã nghe "Họ
sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua " (Dcr 12, 11), hoặc bài ca về người
tôi tớ đau khổ trong sách tiên tri Isaia. Các môn đệ có thể biết rằng con đường
của Đấng Kitô không đơn giản là đường vinh quang. Nhưng nếu họ biết, họ không
thể chấp nhận! Hãy sống nhờ Người và kết hợp với Người để Người biến đổi chúng
ta. Vì thế, trong khi dùng bữa tại nhà ông Simon, người đàn bà tội lỗi, với
thái độ khiêm nhường và yêu thương, đã chỉ ra rằng Chúa Giêsu là Đấng giầu lòng
thương xót. Còn Simon, ông không thể nhận biết Đấng đến nhà mình, vì sự cứng
lòng của ông.
Chúa Giêsu nói : "Ai
muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23). Để khám phá ra căn
tính của Chúa Giêsu để bước theo, cùng với Phêrô chúng ta nói : "Thấy
là Đấng Kitô của Thiên Chúa", và sẵn sàng nói :
tôi chấp nhận bước theo trên con đường của Chúa, và vác thập giá tôi hằng ngày.
Nếu không, chúng ta khó lòng có thể biết Người cách đích thực.
Câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu không
đơn giản là câu hỏi điều tra, tín điều hay
là chú giải Kinh Thánh, cũng không phải là câu trả lời cho những người đến hỏi
Chúa Giêsu hoặc tìm xem Kinh Thánh nói gì về Chúa. Đây là một câu hỏi về đời sống !
Toàn bộ lịch sử, Kinh Thánh hoặc tín điều chúng ta nói về con người Chúa Giêsu,
chúng ta chỉ là mình khi biết chấp nhận đi trên đường Chúa đã chỉ cho.
Vậy là, từ tuần này
qua tuần khác, Tin Mừng mạc khải dần dần cho chúng ta về
căn tính đích thực của Đấng Kitô để dẫn chúng ta tiến về Giêrusalem cách khải
hoàn, cùng lúc soi sáng tâm hồn chúng ta và dạy cho chúng ta biết rằng, ta chỉ có thể nhận biết Chúa Giêsu nếu chúng ta để Chúa biến
đổi đời ta.
Chúng ta thường
đặt ra những khó khăn về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Điều kiện tiên quyết của sứ vụ
là Tin Mừng biến đổi lòng chúng ta. Trở ngại của Tin Mừng trước hết không phải
là người mà chúng ta loan báo. Tin Mừng đến từ chúng ta. Vấn đề Tân Phúc Âm hóa
không phải là khả năng chiến thắng trên những người tin hay không tin Chúa
Giêsu. Hãy để cho Tin Mừng biến chúng ta thành những vị thánh, để những ai thực
sự không biết đến Đấng Kitô có thể hỏi chúng ta như tên lính đứng dưới chân thập
giá : "Người này có phải
là con Thiên Chúa hay không ? "
Chúng ta đón nhận lời mời gọi hoán cải
và hồng ân sự sống với niềm tin : " Ai muốn cứu
mạng sống mình thì sẽ mất, và ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ giữ được
mạng sống mình" (Lc 9, 24). Vậy
hãy mở lòng mình ra đón lấy Đức Kitô để lời Người đổi mới cách sống của chúng
ta, và sự hiện hữu của chúng ta trở nên lời đáp trả cho những người chung
quanh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ