CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Phải trả giá đắt nếu muốn làm môn đệ Chúa

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 9:18-24)

          Sau một thời gian khá lâu đi theo Chúa, các tông đồ chắc chắn đã nghe những người ngoài cuộc bàn tán về căn tính Chúa Giê-su.  Danh tiếng của Người nổi như cồn.  Khắp nơi người ta kể chuyện về Người.  Có những câu chuyện được kể lại do mắt thấy tai nghe.  Cũng không thiếu những câu chuyện phóng đại hoặc được kể theo ý kiến hay mong ước cá nhân.  Có người còn lầm tưởng Chúa Giê-su là hiện thân của một vĩ nhân trong lịch sử Do-thái nay đã trở về, thí dụ Ê-li-a, Gio-an Tẩy Giả, hay ít ra là một trong các ngôn sứ đã chết nay sống lại.  Các tông đồ hoang mang, muốn hỏi thẳng Chúa Giê-su, nhưng các ông không dám.  Các ông vẫn còn ôm ấp một tham vọng trong lòng mà không tiện nói ra, thầm mong Người sẽ làm vua Ít-ra-en trong tương lai và các ông sẽ có địa vị đáng kể.  Vậy các ông không dám hỏi Chúa thì Người dám hỏi thẳng các ông:  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

          Để trả lời câu hỏi thẳng thắn của Chúa, các ông lại không dám thẳng thắn với Người.  Các ông quanh co mượn đỡ những ý kiến của người khác.  Cuối cùng thì chính Chúa Cha phải can thiệp, “đỡ đòn” cho các ông, giúp “động não” Phê-rô để ông trả lời mà không biết mình nói gì:  “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”.  Thật tức cười!  Một căn tính vĩ đại như vậy, nhưng Phê-rô nói ra mà chẳng hiểu chân lý ấy là chi nữa.  Bây giờ đến lượt Chúa Giê-su cứu bồ cho ông Phê-rô.  Người giải thích cho ông và các bạn ông hiểu:  Đấng Ki-tô cũng chính là Con Người.  Sứ mệnh của Con Người là “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.  Quả thực là một sứ mệnh bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng và không thể chấp nhận được!  Các tông đồ lúc này tựa như bong bóng xì hơi. Đã trót nói thì Chúa nói luôn về những hệ quả khi làm môn đệ của một con người mang sứ mệnh kỳ lạ như thế.  Không những Chúa nói với các tông đồ, mà Người còn nói với “mọi người”:  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

          Như vậy là con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su đã được Người tỏ lộ rõ ràng không úp mở.  Không còn là vấn để hiểu hay không hiểu nữa, mà là theo Chúa hay không theo Chúa.  Theo Người thì phải trả một cái giá thật đắt:  từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!  Chúa Giê-su cuốn hút các tông đồ và chúng ta vào cơn lốc xoáy theo Người, để sau cùng là “Ai liều mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.  Lời mời gọi thách đố cuối cùng này mang ý nghĩa thật phong phú.  Chúng ta liều mạng sống đời này để bảo đảm cho mạng sống đời sau.  Liều mạng sống vì Chúa Giê-su có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận và thực hành lối sống của Chúa, một lối sống đi ngược lại lối sống của thế gian và người đời.  Thay vì chỉ yêu thương người yêu thương mình thì mình còn phải yêu thương cả kẻ thù nữa.  Thay vì giữ lòng thù hận kẻ xúc phạm và làm tổn thương mình, thì mình phải quảng đại tha thứ.  Bao nhiêu điều khác nữa, mà toàn là những cái… ngược đời thôi.  Đi ngược dòng như thế là cầm chắc chúng ta sẽ bị chê cười, bị ghét bỏ và bị bách hại.  Những thiệt hại phải chịu khi theo cách sống của Chúa chính là những kiểu “vác thập giá mình hằng ngày” đấy!

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta có để ý một chi tiết nhỏ ngay đầu câu chuyện không?  Lu-ca ghi lại:  “Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình”.  Phải, Chúa cầu nguyện một mình, vì Người sắp hỏi các môn đệ một vấn đề hết sức quan trọng:  Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?  Chúa cầu nguyện để cho các môn đệ chấp nhận sứ mệnh của Người mà đừng bỏ đi.  Chúa cầu nguyện cho mọi người đang nghe Chúa lúc ấy và cầu nguyện cho tất cả chúng ta, những môn đệ tương lai của Người.  Người cầu xin Chúa Cha và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thêm lòng quảng đại và can đảm chấp nhận trả cái giá thật đắt để đi theo Người và sống những giá trị Tin Mừng Người chỉ dạy.

          Thời nào cũng có những ý kiến, những tin đồn và những quan điểm để trả lời câu hỏi “Thầy là ai?”  Nhưng chỉ trong cầu nguyện, chiêm ngưỡng Chúa Giê-su và suy niệm câu chuyện của Người qua sách Tin Mừng, chúng ta mới biết Người rõ hơn, yêu mến Người tha thiết hơn và trung thành theo Người hơn.                                                          

 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C