CHÚA NHẬT 12
THƯỜNG NIÊN C
ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ THỰC SỰ CỦA ĐỨC GIÊSU
1.TIN MỪNG :
Lc 9,18-24
(18) Hôm ấy,
Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các
ông rằng : “Đám đông nói Thầy là ai ? (19) Các ông thưa : “Họ bảo Thầy là ông
Gioan Tẩy Giả. Nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, Kẻ khác lại cho là một trong
các Ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. (20) Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai ?” Ông Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. (21) Nhưng
Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. (22) Người bảo
rằng : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh
sư loại bỏ. Bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (23) Rồi Đức Giêsu nói với
mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng
ngày mà theo. (24) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều
mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
2.Ý CHÍNH :
Trong khi dân chúng tiếp tục quan niệm sai lầm về sứ mạng
Cứu Thế và nhiều ngừơi đã bỏ Đức Giêsu, thì các môn đệ mà Phêrô là đại diện, lần
đầu tiên đã công khai nhận Người là Đấng Kitô. Từ đây, Người sẽ thanh luyện
lòng tin của Nhóm Mười Hai này. Sau đó, Đức Giêsu liền tiên báo về cuộc thương
khó mà Người sắp phải trải qua. Người đòi những ai muốn đi theo Người phải chấp
nhận đi con đường thập giá chật hẹp và leo dốc mà Người sắp phải trải qua.
3.CHÚ THÍCH :
-C 18-20 : +Đức Giêsu cầu nguyện: Tin mừng Luca đã ghi nhận nhiều lần Đức Giêsu cầu nguyện
với Chúa Cha. Chẳng hạn: Sau khi chịu phép rửa (3,21); sau khi đám đông lũ lượt
tuôn đến nghe giảng và xin chữa bệnh (5,16); trước khi chọn mười hai Tông đồ
(6,12); trước khi yêu cầu họ tuyên xưng đức tin (9,18); trước lúc biến hình
(9,28); trước khi dạy kinh Lạy Cha (11,1), Đức Giêsu còn dạy cách thức cầu
nguyện (18,1; 11,2.9); Người cầu cho Phêrô (22,32); Người cầu nguyện tại núi
Ôliu (22,41-46) và trên thập giá (23,34-46). +Đám đông nói Thầy là ai? :
Đức Giêsu thăm dò dư luận quần chúng về Người. Các ông lần lượt thuật lại những
điều dân chúng phát biểu: Là Gioan tẩy giả tái sinh, là Êlia, là một Tiên tri
thời xưa sống lại (x.Lc 4,18; 7,16; 24,19). +“Thầy là Đấng Kitô của Thiên
Chúa”: Ba tác giả Tin mừng thuật lại lời tuyên xưng của Tông đồ Phêrô
khác nhau. chẳng hạn: “Thầy là Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mátthêu 16,16);
“Thầy là Đấng Kitô” (Máccô 8,29); “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Luca
8,20). Riêng Luca vì viết Tin mừng cho tín hữu gốc Hy lạp, nên thấy cần phải
xác định rõ từ ngữ Do thái Mêsia bằng từ Hy ngữ là Kitô (Christos), nghĩa là
“Đấng Được Xức Dầu”.
-C 21-22 : +Người
nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai : Môn đệ không được nói Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai (Mêsia),
vì sợ dân chúng hiểu sai vai trò của Người theo nghĩa là một Vua trần thế có sứ
vụ chính trị là đánh đuổi đế quốc Rôma để giành độc lập cho đất nước. Phải đợi
tới khi Đức Giêsu từ trong cõi chết sống lại, các môn đệ mới được công bố Người
chính là Đấng Kitô (x Cv 2,36).+“Con Người phải chịu đau khổ nhiều…” :
Đây là lần thứ nhất Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Người. Người sẽ
bị kỳ mục, thượng tế và kinh sư là ba thành phần của Thượng Hội Đồng Do thái
tại Giêrusalem xét xử (x Lc 22,66-71), rồi giải Người sang tòa Tổng trấn
Philatô để yêu cầu ông này kết án tử hình thập giá cho Người (x. Lc
23,1-513-24).
-C 23-24 : +“Ai muốn theo tôi” : Theo sau Đức Giêsu nghĩa là trở thành môn đệ của Người. +“phải
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” : Cuộc đời của
người môn đệ chân chính là phải noi gương Đức Giêsu để từ bỏ mình nghĩa là biết
hy sinh quên mình. Rồi vác thập giá mình hằng ngày là đón nhận những đau khổ
vất vả do cuộc sống đem lại, sẵn sàng vác thập giá là liều mất mạng sống mình
vì Đức Kitô và vì Tin mừng. +Muốn cứu mạng sống thì sẽ mất. còn liều mất
mạng sống thì sẽ cứu được mạng sống mình : Đây là một điều nghịch lý!
Những ai sống theo đam mê của xác thịt thì sẽ mất sự sống đời sau. Còn những ai
muốn theo Chúa đến cùng, sẵn sàng chịu mọi thử thách, sẵn sàng chịu thiệt thòi
mất mát, kể cả mất mạng sống mình ở đời này, thì sẽ được Chúa ban sự sống vĩnh
cửu ở đời sau.
4.CÂU HỎI : 1)
Tin mừng ghi nhận Đức Giêsu đã cầu nguyện khi nào ? 2) Các Tông đồ cho biết dư
luận dân chúng nghĩ gì về Đức Giêsu ? 3) Tin mừng ghi lại lời tuyên xưng đức
tin của Tông đồ Phêrô như thế nào ? 4) Tại sao Đức Giêsu cấm môn đệ nói cho dân
chúng biết Người chính là Đức Kitô ? 5) Bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày để
theo Đức Giêsu cụ thể là gì ?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI CHÚA :
Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phêrô thưa: Thầy là
Đấng Kitô của Thiên Chúa” (lc 9,20).
2.CÂU CHUYỆN :
1) VỀ KHUÔN
MẶT BÍ ẨN CỦA ĐỨC GIÊSU :
Một họa sĩ nổi tiếng ngày nọ muốn vẽ chân dung của Đức
Giêsu mà ông rất ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ông không biết làm cách nào để diễn tả những
nét đẹp của Người mà ông rất thích. Ông liền đi lang thang đó đây để tìm hình
mẫu. Thoạt đầu, ông gặp một đứa bé đang tươi cười với dáng vẻ trong sạch ngây
thơ. Ông đưa nét trong sạch ấy vào gương mặt của Chúa. Gặp một vị ẩn sĩ đang
đăm chiêu cầu nguyện, ông cũng đưa nét thanh thoát vào trong gương mặt của
Chúa. Thoáng thấy một bà mẹ trẻ đang âu yếm đứa con, ông cũng họa lại nét dịu
dàng vào bức tranh... Nói chung, bất cứ vẻ đẹp nào trong cuộc sống mà ông nhìn
thấy, ông đều cố gắng diễn đạt vào bức tranh, để phác lại chân dung thánh thiện
tuyệt hảo của Đức Giêsu. Hoàn thành xong tác phẩm, ông vẫn cảm thấy như còn
thiếu một điều gì đó. Cuối cùng, khi đang lang thang ngoài bìa rừng, ông gặp
một con người bệnh cùi bị xã hội bỏ rơi. Ông này phải lấy khăn che mặt và lầm
lũi lê bước giống như một bóng ma. Chàng họa sĩ chợt nghĩ, đây chính là nét độc
đáo nơi khuôn mặt của Đức Giêsu, bởi vì Người luôn là một mầu nhiệm được ẩn dấu
mà con người không thể hiểu thấu được. Chàng họa sĩ trở về nhà và vẽ phủ lên
khuôn mặt Đức Giêsu một tấm khăn mỏng, giống như tấm khăn che mặt của người cùi
mà ông đã gặp ven rừng. Gương mặt của Chúa Giêsu trông mờ mờ, lúc ẩn lúc hiện,
để nói cho chúng ta biết rằng, Người vẫn luôn là một mầu nhiệm bí ẩn đối với
con người trong thế giới hôm nay.
2) THẾ NÀO LÀ TỪ BỎ
? :
Một vị linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì
có một thanh niên ăn mặc bảnh bao đến xin làm đệ tử. Anh ta rón rén đến gần bên
và đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý như một lễ vật nhập môn. Vị linh
sư mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm
lấy một viên ném thẳng xuống sông.
Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy
xuống sông và lặn xuống tận đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý giá. Thế
nhưng, dù chàng phải hì hụp suốt ngày ngoi lên lặn xuống để tìm kiếm, viên ngọc
vẫn biệt tăm. Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin
ngài chỉ đích xác chỗ ngọc rơi xuống nước để tìm cho nhanh. Bấy giờ vị linh sư
cầm lấy viên ngọc thứ hai, ném nó xuống sông và nói : “Ta đã ném nó vào chỗ nầy
đây. Anh hãy lặn xuống mà tìm.”
Bấy giờ chàng thanh niên bỗng giác ngộ. Anh chợt hiểu ra
rằng bài học vỡ lòng mà vị linh sư muốn dạy là nếu anh muốn trở thành môn đệ
của ngài thì điều kiện tiên quyết phải có là anh hãy sẵn sàng từ bỏ mọi của cải
vật chất của mình. (Phỏng theo Cha Anthony de Mello).
3) THẬP GIÁ PHẢI
VÁC HẰNG NGÀY CÓ THỂ CHÍNH LÀ NGƯỜI THÂN :
Vào chiều
ngày thứ Sáu Tuần Thánh, theo thông lệ của giáo xứ, cha sở kêu gọi giáo dân:
khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đường thánh giá tưởng niệm cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu
nào tượng trưng cho sự đau khổ trong cuộc đời mình đang phải chịu.
Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ để tôi làm phép các
cây thập giá đó. Bấy giờ mọi người dự lễ đều mang lên đủ loại thập giá to bé,
dài ngắn làm bằng các vật liệu khác nhau. Một cụ ông cõng bà vợ bị liệt bước
lên gần bàn thờ. Nghe cha sở hỏi: Thập giá của ông đâu? Ông liền chỉ ngay vào
bà vợ bị liệt và nói : ”Thưa cha, đây chính là thập giá của con”. Cha sở cũng
làm phép cho bà, rồi bảo ông : ”Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn
lên cây thập giá của ông đi”…
4) VỀ LÒNG YÊU
MẾN CHÚA GIÊSU CỦA MỘT PHI HÀNH GIA NGƯỜI MỸ :
Vào ngày 20 tháng 07 năm 1969, NÊU AMTRONG (Neil
Armstrong) trở thành phi hành gia người Mỹ đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng. Tuy
nhiên, lý do quan trọng giúp cho Amtrong thành công trong việc là người đầu
tiên đổ bộ lên mặt trăng lại chính là Chúa Giêsu, Đấng đã ban sức mạnh và hướng
dẫn Amtrong có quyết định sáng suốt ngay khi còn trong lứa tuổi thiếu niên.
Vào năm 15 tuổi, một hôm Amtrong cùng cha đi xe hơi ngang
qua một phi trường nhỏ thuộc vùng Ôhaiô (ohio), thì đột nhiên cậu trông thấy
một chiếc phi cơ trên cao đang chúi mũi lao xuống mặt đất. Cậu vội hét lên cho
cha dừng xe lại và hai cha con lập tức chạy đến lôi chàng phi công trẻ ra khỏi
máy bay có nguy cơ sắp nổ tung. Viên phi công là một sinh viên mới 20 tuổi đang
trong thời kỳ tập lái máy bay. Trện đường đến bệnh viện, viên phi công đã chết
trên tay của Amtrong. Đêm hôm ấy Amtrong không sao chợp mắt được. Đầu óc cậu
vẫn còn bị khủng hoảng do cái chết đau thương của viên phi công. Chính Amtrong
cũng đang đăng ký theo học lớp tập lái máy bay, nên không biết bây giờ cậu có còn
đủ tinh thần để tiếp tục theo học nữa không. Hôm sau, mẹ của Amtrong vào phòng
thăm tình hình của con trai. Thấy sổ nhật ký của cậu đang mở sẵn để trên bàn
viết. Bà mẹ tò mò đọc và thấy trên trang đầu có mấy dòng chữ hoa: “Những đức
tính của Chúa Giêsu”. Ở phía bên dưới, Amtrong đã liệt kê ra một số những đức
tính của Chúa mà cậu cần phải học tập như sau : “Giêsu không phạm tội. Luôn
sống khiêm nhường và có lòng thương xót những kẻ nghèo hèn. Người không ích kỷ
và luôn kết hiệp với Chúa Cha”.
Thấy Amtrong có lòng đạo như vậy, hôm sau bà mẹ hỏi Amtrong
: “Vậy con quyết định có học lái máy bay nữa thôi ? Cậu ta nhìn vào mắt mẹ và
trả lời : “Thưa mẹ, con hy vọng nhờ ơn Chúa giúp, con sẽ tiếp tục học bay”.
3.THẢO LUẬN :
1) Nếu Đức Giêsu thực là Đấng Cứu Thế quyền năng, thì tại sao hiện nay trên thế
giới vẫn còn nhiều người đang chịu đau khổ, bệnh tật và bất công ? 2) Mỗi người
chúng ta phải làm gì để góp phần kiến tạo một Trời Mới Đất Mới, nơi không còn
đau khổ bệnh tật chết chóc, ngay từ hôm nay ?
4.SUY NIỆM :
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu
sau một thời gian giảng đạo, đã muốn biết dư luận quần chúng về vai trò và sứ
vụ của Người, khi hỏi các môn đệ : “Người ta bảo Con Người là ai ?” Các ông đã
lần lượt kể ra các điều dân chúng nghĩ về Người như: Êlia, Giêrêmia… hay là một
ngôn sứ nào đó. Sau đó Đức Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ gì về vai trò và sứ
vụ của Người ? Ông Phêrô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin như sau: “Thầy
là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Đức Giêsu đã khen đức tin của ông, nhưng ngay sau
đó Người đã sửa lại quan niệm sai lạc của các môn đệ về một Đấng Thiên Sai trần
tục bằng quan niệm về một Đấng Kitô cứu thế về tinh thần là “Qua đau khổ thập
giá để vào vinh quang phục sinh” theo thánh ý Thiên Chúa. Người cũng yêu cầu
những ai muốn làm môn đệ của Người phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày
mà theo Người” (x. Lc 9,18-24).
1) Người Do
thái luôn mong đợi một Đấng “Mêsia” hay “Thiên Sai” trần thế :
Thời Đức Giêsu người Do Thái đang mong đợi một Đấng Thiên
Sai (Mêsia) oai hùng đến để “chấn hưng mọi sự” (Dn 9,25-26), thiết lập một nước
Do Thái cường thịnh, “thoát mọi áp bức của kẻ thù”. Do đó, dù đã nghe Gioan Tẩy
Giả khẳng định Đức Giêsu Nadarét chính là Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,29-34), đã
nghe Đức Giêsu sau khi đọc lời sấm ngôn Isaia về sứ vụ của Đấng Thiên Sai tại
hội đường Nadarét và khẳng định : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị
vừa nghe” (Lc 4,21)… Nhưng do thành kiến về gia thế tầm thường của Đức Giêsu và
đang ước mong một Đấng Thiên Sai trần tục… nên người Do thái đã không tin Người
thực là Đấng “Thiên Sai”. Họ chỉ coi Ngài “là Gioan Tẩy Giả, hoặc Êlia,
hay cùng lắm là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại!” như Tin Mừng hôm
nay đã thuật lại dư luận dân chúng về Người (x. Lc 9,18-19). Về sau các đầu mục
dân Do thái cho rằng Đức Giêsu chỉ là một kẻ lộng ngôn phạm thượng, phá bỏ Luật
Môsê, đe sẽ phá hủy Đền Thờ Giêrusalem… Tóm lại chỉ là một Đấng Thiên Sai giả
có nguy cơ dấy loạn, làm cớ cho quân Rôma kéo đến tiêu diệt… nên họ kết án Người
phải chết tại tòa án tôn giáo của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay
cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50b). Rồi để thi hành án tử
hình này, họ đã điệu Người sang tòa án của tổng trấn Philatô và xách động dân
chúng làm áp lực đòi ông này phải kết án tử hình thập giá cho Người (x. Ga
19,6-7). Riêng các môn đệ của Đức Giêsu: Dù tin “Thầy là Đấng Kitô”, và ước
mong Thầy sẽ thiết lập một “Vương Quốc Ítraen”, nên các ông đã không thể chấp
nhận lời tiên báo Người sẽ đi lên Giêrusalem trải qua cuộc khổ nạn, chịu chết rồi
mới sống lại trong vinh quang (x. Mt 20,18-19); Ông Phêrô đã “kéo Ngài riêng ra
và ngăn cản…” (Mt 16,22). Rồi hai anh em Giacôbê và Gioan cũng xin Thầy cho “một
người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong Nước Người sắp lập (Mc 10,35-37).
Thậm chí đến khi Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, mà có ông còn hỏi “Có phải
bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương Quốc Ítrael chăng?” (Cv 1,6).
2) Đức Giêsu thực
là Đấng Kitô như ý Thiên Chúa muốn :
Đức Kitô mà Thiên Chúa sai đến không phải là một vị vua
cầm quân đánh đuổi quân Rôma, làm một cuộc cách mạng giải phóng Dân Do Thái
khỏi ách thống trị của Đế Quốc, rồi ngồi trên ngựa chiến khải hoàn vào thành
Giêrusalem, nhưng Người ngồi trên một con lừa hiền hòa, sẵn sàng “chịu nhiều
đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế và các kinh sư chối bỏ và giết chết;
nhưng đến ngày thứ ba thì sẽ sống lại” (Mt 17,22-23). Người sẵn sàng đi con
đường hẹp yêu thương phục vụ và hiến thân chịu chết, rồi phục sinh và lên trời
mở đường lên trời cho nhân loại chúng ta. Như vậy, khi đi theo Chúa Giêsu,
chúng ta cũng không thể tìm kiếm vinh quang, sự giàu sang, sung sướng thuộc về đời
tạm này, nhưng chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ chính mình, vác thập giá là các sự
đau khổ trái ý gặp phải, sẵn sàng sống vị tha, khiêm nhường phục vụ… chấp nhận cùng
chết với Chúa Giêsu để cùng được sống lại với Người.
3) Ngày nay đối
với bạn: Đức Giêsu là ai ? :
Mỗi người chúng ta hãy nhìn vào lòng mình để nói lên cảm
nghiệm của mình về Đức Giêsu. Có lẽ đối với đa số người giữ đạo truyền thống
thì Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế quyền năng, biết rõ nhu cầu của chúng ta và sẵn
sàng trợ giúp khi chúng ta kêu cầu. Đối với nhiều người khác: Đức Giêsu là con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta lên
trời. Người cũng là Thầy dạy sự thật
về Thiên Chúa để chúng ta tôn thờ kính tin. Người còn là sự sống lại và là sự sống, để ai tin vào Người và năng
kết hiệp với Người qua việc rước lễ sẽ được tham phần vào sự sống đời đời với
Người.
4) Con đường chúng
ta đi theo Chúa hôm nay là gì ? :
Chúa phán dạy : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình và vác
thập giá mình mà theo”:
a- Ai muốn theo tôi : Đức Giêsu đưa
ra lời mời gọi tất cả mọi người. Người muốn mời gọi mọi người theo làm môn đệ
của Người và tôn trọng sự tự do theo hay không theo của họ.
b- Phải từ bỏ mình
: Những ai chọn theo làm môn đệ Đức Giêsu thì điều kiện thứ nhất là phải từ bỏ
mình, nghĩa là không nghĩ đến mình, không nhằm tìm lợi ích cho riêng mình, mà
chỉ nghĩ đến Đấng mình chọn theo, để nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu và
hy sinh tự do để theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giêsu trong Tin Mừng.
c-
Vác thập giá mình mà theo : Đau khổ
thập giá lúc đầu chính là hình phạt do tội (x. St 3,16-19), nhưng nay nhờ Đức Giêsu
đã chịu khổ nạn vác cây thập giá để đền tội loài người chúng ta, nên thập giá đã
trở nên thánh giá mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
5) Cụ thể mỗi
người chúng ta phải làm gì để nên môn đệ đích thực của Chúa ? :
Dấu hiệu môn đệ thực sự của Đức Giêsu là sống yêu thương
nhau, cụ thể là yêu thương những người bên cạnh mình như lời Chúa dạy : “Ở điểm
này , mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu
thương nhau” (Ga 13,35).
Mỗi ngày chúng ta cần xét mình trước khi đi nghỉ đêm :
“Hôm nay tôi đã chứng tỏ mình là môn đệ thực sự của Chúa Giêsu như thế nào ?
Tôi có sẵn sàng vác thập giá là chu tòan việc bổn phận hằng ngày để đi theo Người
hay không ? Tôi có quyết tâm từ bỏ “cái tôi ích kỷ” để tập lối “sống vị tha bác
ái” theo lời Chúa dạy không ? Tôi có nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi những
người bệnh tật đau khổ để quảng đại chia sẻ cơm áo và khiêm tốn phục vụ họ như
phục vụ chính Chúa hay không ? Tôi có sẵn sàng hy sinh thời giờ tiền bạc để chu
toàn sứ vụ loan báo Tin mừng Nước Trời, và sống bác ái yêu thương để làm chứng cho
tình yêu vô biên của Chúa Giêsu trước mặt người đời hay không ?
5.LỜI NGUYỆN:
- LẠY CHÚA GIÊSU.
Hôm nay, Chúa cũng hỏi chúng con về lòng tin đối với Chúa và về tình liên đới
đối với tha nhân. Chúa đòi chúng con phải xác tín đức tin của mình. Chúa mời
chúng con phải đi con đường hẹp, leo dốc, là luôn quên mình, chấp nhận vượt qua
mọi đau khổ và thua thiệt gặp phải trong cuộc sống để bước đi theo Chúa như ông
Simon Kyrênê trên đường thánh giá khi xưa.
- LẠY CHÚA. Xin
cho chúng con biết tin yêu phó thác cậy trông vào tình thương và quyền năng của
Chúa. Xin cho chúng con luôn biết từ bỏ ý riêng để tìm kiếm thánh ý Chúa trong
Thánh Kinh, qua các bậc bề trên trong đạo ngòai đời, qua các biến cố may rủi
xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng con... Xin giúp chúng con vui lòng
đón nhận tất cả, vì biết rằng đó chính là thánh ý Chúa muốn chúng con trải qua
để nên giống Chúa và được hưởng hạnh phúc đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ
MARIA.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM