TỰ GIẢI THOÁT VÀ TỰ RÀNG BUỘC
(Luca
9,51-62 – CN XIII TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Với 9,51, Tin Mừng Lc bắt đầu một phân đoạn
quan trọng và là phần thứ ba của TM,
đó là bài tường thuật chuyến đi lên Giêrusalem, Thành định mệnh (9,51–19,28).
Khác với TM Mc, tác giả Lc nhiều lần nói rõ tên Giêrusalem ra
trong chuyến đi này (9,53; 13,22.33-34; 17,11; 18,31; 19,11, luôn luôn là Ierousalêm,
ngoại trừ 13,22, Hierosolyma). Ta nhận ra phân đoạn này được coi là
trọng yếu qua việc tác giả nêu tên Thành ra trong liên hệ với việc Đức Giêsu
“được rước lên trời” (analêmpsis) và qua việc nhắc tới sự hoàn tất
(“Thời gian đã mãn, đến buổi Người siêu thăng” – NTT). Nói cách khác, trong TM
Lc, Đức Giêsu đi từ Galilê lên Giêrusalem không qua Pêrê (như Mc và Mt), nhưng Người chỉ nhắm thẳng tới Thành định mệnh bằng cách băng
ngang miền đất tượng trưng cho sự đối nghịch, đó là Samari.
Cuộc hành trình lên Giêrusalem
(9,51–19,28) có thể được chia ra làm bốn phần, ba phần đầu của riêng TM Lc, mỗi phần được đánh dấu bằng một
lời nhắc đến mục tiêu Giêrusalem; phần cuối có chung với các TMNL khác, có câu kết nhắc lại mục tiêu:
(1) 9,51–13,21: bắt đầu bằng “Người
cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem”;
(2) 13,22–17,10: bắt đầu bằng “Trên
đường lên Giê-ru-sa-lem”;
(3) 17,11–18,14: bắt đầu bằng “Trên
đường lên Giê-ru-sa-lem”;
(4)18,15–19,28: tương ứng với bài
tường thuật về hành trình của các TMNL
khác; kết thúc bằng “Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên
Giêrusalem”.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba đơn vị, một câu mở với
hai phân đoạn khá khác nhau:
1) Mở: Hành trình lên Giêrusalem (9,51);
2) Sự đón tiếp tại một làng Samari (9,52-56);
3) Những đòi hỏi đặt ra cho ai muốn làm môn đệ (9,57-62).
3.-Vài điểm chú giải
- Khi
đã tới ngày (51): dịch sát là “việc làm đầy các ngày”. Tác giả đã tạo ra
công thức này để giúp hiểu là nay chương trình của Thiên Chúa bắt đầu chuyển
sang một giai đoạn mới trong tiến trình thực hiện.
-
được rước lên (51): Analêmpsis có nghĩa là “hành vi cất đi; sự nâng
lên”.
-
Người nhất quyết (51): dịch sát “Người đanh/làm chai (stêrizein) mặt lại
để đi lên…”. “Mặt” trong văn chương Do Thái chỉ cả con người. Ý nói là Đức
Giêsu cương quyết đối đầu với định mệnh của Người, Người can đảm thắng vượt nỗi
sợ hãi. Ta nghe ra được âm vang của Is
50,7. Nhưng cũng có thể câu này nhắm tới sứ mạng của ngôn sứ Êdêkien tại thành
Giêrusalem (Ed 8–11).
-
người Samari (52): dân cư Samari. Samari là kinh đô của vương quốc phía Bắc
do vua Omri sáng lập vào khoảng năm 870 tCN. Sau này, tên gọi “người Samari”
(Hl. Samaritês) trở thành một tên gọi mang tính chủng tộc và tôn
giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Giuđê và Galilê, về phía tây
sông Giođan. Sự đoạn tuyệt giữa người Samari và người Do Thái được giải thích
khác nhau tùy mỗi bên. Thường người ta cho rằng có sự chia lìa đó là do có việc
đế quốc Átsua đưa người Do Thái đi lưu đày sau khi chiếm được đất nước năm 722
tCN và đưa những người không phải là Do Thái vào làm thực dân ở trong miền đó (2 V 17,24). Có lẽ cũng do đó mà sau này
những người ở lại quê nhà đã phá những người Do Thái hồi hương khi những người
này xây lại thành và Đền Thờ Giêrusalem (x. Er
4,2-24; Nkm 2,19; 4,2-9). Dù thế nào,
những người Samari chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là
Kinh Thánh và đã xây một đền thờ trên núi Garidim (Tell er-Râs) vào thời
Hy Lạp (đền này đã bị phá hủy dưới thời Gioan Hiếccanô, khoảng năm 128 tCN).
- vì
Người đang đi về hướng Giêrusalem (53): dịch sát là “mặt Người
đang hướng tới Giêrusalem”. Mục tiêu của cuộc hành trình của Đức Giêsu chính là
lý do khiến người Samari từ chối đón tiếp Người.
- Thầy
có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?
(54): Mặc dù Lc dùng analôsai
(aor. act. inf. analyô, “tháo gỡ; tiêu hủy”) thay vì kataphagein
(aor. act. inf katesthiô, “ăn ngấu nghiến, thiêu hủy, phá hủy”) của Bản LXX, câu văn vẫn là một lời nhắc rõ
ràng đến 2 V 1,10 (hay 12). Các môn
đệ muốn chia sẻ quyền lực của Đức Giêsu để làm một phép lạ trừng phạt.
-
quay lại (55): xem cả 10,23; 14,25. Tác giả cho thấy là Đức Giêsu dẫn
đầu nhóm môn đệ.
- quở
mắng (55): Đức Giêsu sửa các môn đệ vì các ông vẫn chưa hiểu sứ mạng
của Người nhắm điều gì (x. 9,45). Người không chấp nhận cho người ta coi Người
là ngôn sứ Êlia, nhà cải cách được ví với lửa. Người không chấp nhận phản ứng
theo kiểu thường tình loài người (x. 6,29).
-
chôn cất cha tôi (59): Theo truyền thống kinh sư sau này, bổn phận chôn cất cha
mẹ qua đời bó buộc với các na-dia (nazir),
tư tế, và cả với thầy thượng tế, cho dù tiếp xúc với một thi hài thường
được coi như là cớ gây nhiễm uế (x. Ds
6,6-7; Lv 21,11).
- Cứ
để kẻ chết chôn kẻ chết của họ (60): Câu này được giải
thích nhiều cách, nhưng dựa vào một câu tục ngữ, giáo sư J.A. Fitzmyer
cho rằng ý nghĩa của câu này là “Cứ để kẻ chết (về thiêng liêng) chôn kẻ chết
(về thể lý) của họ”.
- xin
cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã … Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại
đàng sau (61-62): xem truyện ngôn sứ Êlia gọi Êlisa (1 V 19,19-21). Nhưng Đức Giêsu đòi hỏi
hơn Êlia, vì vị ngôn sứ còn cho phép môn đệ về từ giã bà con thân thuộc, còn
Đức Giêsu thì không cho phép.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở: Hành trình lên
Giêrusalem (51)
Câu mở với giọng long trọng của bài
tường thuật chuyến đi lên Giêrusalem có ba điểm:
a)
Thời gian Chúa Cha ban cho Con để thực hiện chương trình của Người trên trần
gian đã đến lúc chấm dứt;
b)
Đức Giêsu nhất quyết đi cho tới Thành thánh. Người biết chuyện gì đang chờ
Người ở Giêrusalem. Người thấy những đau khổ, cái chết và cả sự sống lại đang
đến gần. Ta nghe ra gợi ý xa xa về cuộc hấp hối trong vườn Ô-liu. Khi đến lúc,
Người cắt đứt những liên hệ với miền Galilê và cương quyết tiến về Giêrusalem,
hiên ngang đối diện với định mệnh của Người;
c)
“Người sai mấy sứ giả đi trước”: Hẳn là tác giả Lc gợi đến sấm ngôn thiên sai Ml
3,1, với ý nghĩa Đức Giêsu chính là Đức Chúa (Yhwh),
còn các tông đồ là những sứ giả.
* Sự đón tiếp tại một làng
Samari (52-56)
Cũng như sứ vụ tại Galilê được dẫn
nhập bằng một truyện Đức Giêsu bị loại trừ (Lc 4,16-30), chuyến đi lên Giêrusalem cũng được dẫn nhập bằng một
truyện như thế. Có một làng Samari đã không đón tiếp Người vì Người lên
Giêrusalem, chứ không lên Garidim là nơi có đền thờ của người Samari. Sự từ
khước này không làm cho lòng Người ra chua chát. Người quở mắng hai môn đệ
Giacôbê và Gioan vì các ông đã đề nghị chuyện bạo lực. Người yêu cầu người ta
nghe Người, nhưng Người để cho người ta tự do, chứ không muốn ép buộc người ta
phải đón tiếp Người. Người không thể diễn tả quyết định của Người ra bằng những
biện pháp hà khắc, bất kể hoàn cảnh cụ thể của người khác.
* Những đòi hỏi đặt ra cho ai
muốn làm môn đệ (57-62)
Trên con đường này, Người nhắc lại
những điều kiện để đi theo Người. Có ba người đến để xin đi theo Người. Không
biết là điều gì đã thúc đẩy họ xin như thế. Chắc chắn là họ đã bị Người thu
hút, nên muốn ở với Người. Chúng ta cũng không biết là sau đó họ có thật sự đi
theo Người chăng. Nhưng chúng ta biết những hoàn cảnh và những điều kiện cần
thiết để có thể đi theo Người.
Người thứ nhất diễn tả một tình
trạng sẵn sàng vô điều kiện. Đức Giêsu cho anh ta biết rõ điều gì đang chờ đợi
anh nếu anh bước theo Người. Đặc điểm con đường Người đang theo là những bất
ngờ và sự nghèo khó. Người không thể cung cấp sự an toàn và tiện nghi nơi ăn
chốn ở. Chính Người đã cho thấy điều đó khi đi qua Samari: Người lệ thuộc vào
sự tiếp đón của kẻ khác. Người chấp nhận bị từ chối và lại bắt đầu tìm chỗ
khác. Người từ chối những tiện lợi của một nơi ở cố định. Như thế Người
tự giải thoát khỏi dây ràng buộc với một nơi cố định và trở thành hoàn
toàn tự do mà thi hành nhiệm vụ. Người cũng yêu cầu kẻ muốn theo Người phải có
sự từ bỏ ấy, sự tự do ấy và dây liên hệ ấy.
Hai người khác nêu ra các điều kiện
(chôn cất cha; từ giã người thân). Cho cả hai trường hợp, Đức Giêsu không chấp nhận những điều kiện ấy, trong
đó luôn liên hệ đến gia đình. Đức Giêsu cho thấy rõ ràng là Người đòi hỏi người
ta bước theo Người vô điều kiện.
+ Kết
luận
Khi bước theo Đức Giêsu, người ta
không được nhìn lại đàng sau, nhưng phải dứt khoát nhìn tới trước, nhìn vào
chính Đức Giêsu và tất cả những gì được hàm chứa trong quan hệ với Người. Không
những trong lãnh vực của cải vật chất, cả trong lãnh vực các tương quan người
với người, liên hệ với Người đòi hỏi một số những từ bỏ đau đớn. Nhưng
phải biết vấn đề ở đây là gì: đó là gắn bó với Người, phục vụ Người, sống thân
tình với Người. Phần Người, Đức Giêsu đề nghị, nhưng luôn tôn trọng tự do của
từng người.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Thông thường chúng ta muốn nắm tối đa những giải pháp có thể có. Mỗi quyết định
hàm chứa một liều lĩnh, hàm chứa một sự từ khước hoặc thậm chí
nhiều sự từ khước. Khi có chuyện không thích hoặc nặng nề, hoặc khi thấy có
những viễn tượng khả quan hơn, chúng ta liền muốn thử hoặc muốn thay đổi. Chúng
ta muốn thoát khỏi những gì mình không thích, những gì trở thành khó khăn hay
phiền toái. Những chao đảo này, sự lưỡng lự này liên hệ đến tương quan của
chúng ta với các sự việc, các nhiệm vụ và các con người. Nhưng Đức Giêsu đã nêu
gương: khi biết là mình đã quyết định đúng, thì Người giữ tới cùng. Tin vào
Thiên Chúa là một quyết định đúng; đi theo Đức Giêsu là một quyết
định đúng; chọn làm Kitô hữu là một quyết định đúng. Nhưng lâu nay chúng
ta sống thế nào?
2. Ai
muốn đi theo Đức Giêsu, phải dứt khoát chọn Người và liên kết với Người. Chỉ có
sự cương quyết này và một quyết định như vậy mới giúp ta bước đi với Đức
Giêsu và cùng với Người phục vụ việc loan báo Nước Thiên Chúa. Bước theo Đức
Giêsu thường xuyên bao hàm những từ bỏ đau đớn. Chúng ta có thể suy nghĩ thêm
về các của cải vật chất: chúng có giá trị gì? Theo nghĩa nào, các của cải vật
chất là một sự hỗ trợ, và theo nghĩa nào, chúng là một trở ngại?
3.
Mỗi người được nối kết tự nhiên với cha mẹ và gia đình mình. Khi nói những lời
cứng rắn với những kẻ muốn đi theo Người, Đức Giêsu không hề chủ trương thiếu
kính trọng và yêu thương đối với gia đình mình. Nhưng Người nêu bật rằng việc
đi theo Người đòi hỏi một sự đoạn tuyệt; các tương quan sống cho đến nay, ta
không thể tiếp tục như cũ được nữa.
4.
Muốn đi theo Đức Giêsu, người ta phải a)
bỏ mọi an toàn; b) mau mắn đặt mọi sự tùy thuộc bổn phận loan báo Tin Mừng; c)
quay lưng lại với quá khứ và nhìn tới trước. Người ta có thể từ khước làm môn
đệ Đức Giêsu vì những định kiến tôn giáo (như dân Samari), nhưng người ta cũng
có thể từ khước tiếng gọi của Đức Giêsu vì quá bám víu vào sự an toàn, những
tình cảm con người hoặc quá khứ.
5.
Ngay từ ban đầu, Đức Giêsu đã nói rất rõ với các môn đệ
về những hy sinh mà các ông sẽ phải gánh chịu để bước theo
Người. Không lâu sau đó thì họ nhận được một phản ứng điển
hình dành cho các ngôn sứ: những người họ gặp gỡ trên đường đã
loại trừ họ. Người Samari không loại trừ các môn đệ vì họ là người
Galilê và có mối hận thù trong quá khứ, nhưng vì các ông “đang đi về hướng Giêrusalem”. Đức
Giêsu chống lại phản ứng bạo lực đối với người Samari. Trong thực tế, theo sách
Công vụ Tông đồ, thánh Luca có tường
thuật lại sự kiện người Samari sau cùng cũng đón nhận Tin mừng (8,5-25). Không
giống như ông Elia, Đức Giêsu không hề do dự hay hèn yếu trong quyết định của
Người để hoàn tất sứ vụ. Người sẽ không dừng lại hay trì hoãn, thậm chí ngay cả
khi người Samari từ chối tiếp đón Người. Trên con đường ấy, các môn đệ chẳng
thể thoát khỏi cảnh trái ngang đó, mà còn được cảnh báo rằng: cái giá của việc
theo Thầy Giêsu là sẽ bị khước từ.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm