ĐIỀU KIỆN CẦN CỦA NGƯỜI THỪA SAI
(Chúa Nhật 14 Thường Niên C)
(Is
66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Khi nói đến truyền giáo, Giáo Hội muốn chúng
ta trở về căn gốc để hiểu và thấy được rằng: Đức Giêsu chính là nhà thừa sai
đầu tiên được Chúa Cha sai xuống trần gian để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn
dân.
Khi đến trong thế giới con người, Đức Giêsu đã
thi hành xuất sắc sứ vụ thừa sai mà Chúa Cha trao phó cho Ngài. Sứ vụ ấy không
chỉ dừng lại nơi bản thân và cuộc đời của Đức Giêsu, nhưng nó được trao truyền
cho những người tiếp bước. Khởi đi từ các Tông đồ, rồi đến các môn đệ và chúng
ta, đồng thời sẽ còn được tiếp diễn mãi cho đến tận thế.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về vai
trò, tinh thần, sứ mạng của người được sai cũng như những cách thức thực hiện
sứ vụ thừa sai.
1. Vai trò của nhà
thừa sai
Bài đọc I cho chúng ta thấy vai trò thừa sai
của tiên tri Isaia: ông loan báo cho dân về một giai đoạn tự do, không còn bị
lệ thuộc trong thân phận nô lệ bên Babylon nữa. Bởi vì vua Ba Tư đã ký và cho
phép dân Israel hồi hương, kết thúc giai đoạn lưu đày. Tuy nhiên, lòng dân vẫn
chưa thấy bình an, nỗi lo vẫn còn đó...! Biết được sự trăn trở của dân, nên tiên
tri Isaia đã trấn an họ bằng việc loan báo Chúa sẽ ban bình an và vinh quang
cho Giêrusalem. Bổn phận của họ là kiên trì và tin tưởng vào Người để được no
nê, sung sướng, bình an, được vỗ về, an ủi và nâng niu. Giống như người mẹ yêu
thương con mình thế nào, Thiên Chúa cũng yêu thương dân của Người như vậy.
Sang Bài đọc II, Thánh Phaolô đã sống sứ vụ
cốt lõi thừa sai của mình khi tập trung vào mầu nhiệm thập giá của Đức
Kitô.
Vì thế, ngài đã mạnh dạn tuyên bố niềm xác tín
đó của mình khi nói: “Trong khi người Dothái đòi dấu lạ, và người Hylạp
tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh
vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Dothái, sự điên rồ đối với người dân ngoại
(Hylạp)” (1 Cr 1,22-23).
Không chỉ nói, mà cả cuộc đời của ngài diễn tả
niềm vui vì được kết hợp với Đức Giêsu chịu đóng đinh: “Đối với tôi,
không một vinh quang nào khác ngoài vinh quang thập giá Đức Kitô”.
Như vậy, vai trò thừa sai của thánh Phaolô
chính là gắn bó mật thiết nơi mầu nhiệm thập giá Đức Kitô.
2. Tinh thần của nhà thừa
sai
Sang bài Tin Mừng, sau khi đã gợi hứng cho các
môn đệ về sứ vụ thừa sai qua hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng, Đức Giêsu bắt
đầu sai họ ra đi để thu hoạch.
Trước tiên, Ngài sai “từng hai người một” ra đi loan báo Tin Mừng. Khi sai các môn đệ đi
từng hai người như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: khi loan báo về
Nước Trời, điều quan trọng là tính hiệp thông, hiệp nhất để cùng nhau sống và
làm chứng cho sự thật.
Thứ đến, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ
thấy trước những khó khăn thử thách, những rào cản trên cuộc hành trình
ấy: “Thầy sai các con đi như chiên con đi giữa bầy sói” (Lc
10,3). Ngài nói trước những khó khăn như vậy để cho các ông thấy rằng, trong
khi loan báo về Nước Trời, không thiếu những kẻ không muốn vào mà lại còn tìm
cách ngăn cản không cho những người khác vào. Cuộc sống và hành trình này không
phải lúc nào cũng xuôi trèo mát mái, mà luôn gặp phải những bão táp cuồng
phong.
Tiếp theo, tinh thần siêu thoát, nhẹ nhàng là
hành trang của người môn đệ. Đức Giêsu không chấp nhận nhà thừa sai mang những
thứ cồng kềnh. Bởi vì những thứ đó sẽ làm cho người thi hành sứ vụ sinh ra nặng
nề và đôi khi bỏ cuộc chỉ vì những chuyện phụ thuộc như “củ hành, củ tỏi”. Vì thế, Ngài nói:“Đừng mang theo túi
tiền, bao bị, giày dép...”. Người môn đệ phải sống nghèo thực sự. Có
sống nghèo, các ngài mới có sự cảm thông, liên đới và chấp nhận tất cả vì sứ
mạng.
Hơn nữa, loan báo về Nước Trời là một sự cần
kíp, cấp bách đến độ phải ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Đức Giêsu căn dặn các ông
rằng: “Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Lý
do, đây là mệnh lệnh khẩn trương, đòi hỏi người môn đệ phải nhanh nhẹn. Bởi vì,
khi loan báo Tin Mừng, không được quan tâm đến những chuyện bên lề quá nhiều để
rồi quên đi việc chính yếu.
Cuối cùng, là tinh thần kiên nhẫn. Phải chăng
chính Đức Giêsu đã cảm nghiệm sâu sắc khi người dân quê của Ngài nhận định về
mình: “Ông ấy chẳng phải là con bà Maria
hay sao, cha ông ta lại không phải là bác thợ mộc…?” Rồi biết bao chống
đối, ngờ vực, không tin, bị bắt bớ, đánh đòn… Nhân đây, Đức Giêsu muốn dạy cho
các ông phải có tinh thần kiên trì, chịu đựng, không được nóng vội.
Như vậy, qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy Đức
Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ tinh thần thừa sai của chính Ngài, để các
ông ra đi thi hành sứ vụ theo Thiên Ý chứ không phải theo cách thế phàm trần.
3. Sứ mạng thừa sai
của mỗi chúng ta
Khi sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Đức
Giêsu muốn cho mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ phổ quát của
Ngài. Sứ mạng ấy được khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc
16,15). Từ đó, chúng ta xác định căn tính truyền giáo thuộc về chúng ta. Bao
lâu chúng ta không truyền giáo, thì bấy lâu ta đánh mất bản chất của mình. Bởi
vì: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr
9,16). Nỗi lòng thao thức của Đức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt
thì ít…” phải là lời chất vấn lương tâm mỗi chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta cùng đồng lòng và cảm
nghiệm với Đức Giêsu trước những cánh đồng bao la đang độ chín vàng… Tham gia
vào sứ mạng truyền giáo là chúng ta đang đóng góp cho Giáo Hội những viên gạch,
hạt cát để xây nên tòa nhà Giáo Hội, nơi đó là niềm vui, hạnh phúc và bình
an.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống của con người thời
nay, niềm tin đang bị đánh cắp hay bị đặt sai chỗ bởi những chủ thuyết tương
đối, dẫn đến tình trạng bình thường hoá mọi mặt, kể cả những giá trị đạo đức,
những chân lý đức tin. Đứng trước thực trạng trên, chúng ta có bổn phận phải thực
thi sứ vụ thừa sai của mình về Chúa cho anh chị em chúng ta.
Sứ vụ ấy được khởi đi từ trong gia đình: chồng
làm chứng cho vợ, vợ làm chứng cho chồng, vợ chồng sống chung thủy. Cha mẹ nêu
gương sáng cho con cái. Con cái hiếu nghĩa với cha mẹ. Bạn bè sống tốt với nhau
trong môi trường, công ty, xí nghiệp. Hàng xóm láng giềng ăn ở hài hoà, sẵn
sàng giúp đỡ nhau những lúc cần kíp…
Khi sống đời chứng tá bằng những giá trị Tin
Mừng như thế, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách trong đời
sống. Không thiếu gì những cám dỗ làm cho muối ra nhạt, ánh sáng bị lu mờ.
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn nhớ mình thuộc về Đức Kitô, có
tránh nhiệm mang Ánh Sáng ấy soi sáng thiên hạ.
Lạy Chúa Giêsu, còn biết bao nhiêu người chưa
nhận biết Chúa, nhiều chiên lạc chưa được đưa về ràn. Xin Chúa ban cho mỗi
người chúng con trở nên những thừa sai đích thực, luôn sẵn sàng, hăng say loan
báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Ước gì mọi người con của Chúa
trên trần gian này đều được quy tụ thành một ràn chiên duy nhất, dưới sự lãnh
đạo của Vị Mục Tử Tối Cao là chính Chúa. Amen.