Hãy Đi Và Làm Như Vậy
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM - C
Lc 10, 25-37
"Hãy
đi và làm như vậy" (Lc 10,37, đó là lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông
luật khi xưa. Hôm nay, Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta "Hãy đi và làm như vậy".
Có người hỏi : Hãy đi và làm như vậy
là thế nào ? Là làm như người Samaritanô nhân hậu đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục
nhiệm vụ của người Samaritanô nhân hậu bên cạnh những người chúng ta gặp và
chân thành giúp đỡ, băng bó các vết thương thể xác và tinh thần cho họ, những vết
thương lòng, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, cô đơn và chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn
đề: Ai là anh em tôi? Nhưng hãy đi và tỏ ra mình là anh em của mọi người. Đừng dừng lại
tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người
Samaritanô kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, gặp người đau khổ phải cứu
giúp. Cần vượt qua quan niệm hẹp hòi, đi đến tình huynh đệ phổ quát.
Người Samaritanô đối xử với nạn nhân bằng
lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta
tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta
(x. Lc 10, 34). Mở đầu dụ ngôn, thầy tư tế và thầy Lêvi là người thân cận với kẻ
hấp hối; vào cuối dụ ngôn, người Samaritanô đã trở thành người lân cận. Chúa
Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp người khác để xem ai là
thân cận ai không. Hãy trở thành người thân cận của bất cứ ai ta gặp trong lúc cần
thiết, và ta sẽ là người thân cận, nếu trong tim ta có sự cảm thương, nghĩa là
nếu ta có khả năng đau khổ với người khác.
Ngày 11 tháng 2 năm 1984, thánh Gioan
Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: "Salvifici
doloris" nói về "ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo" để
toàn thể Giáo hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ. Ngài đã nhắc lại dụ ngôn "người Samaritanô nhân hậu",
không phải chỉ để gửi tới các bệnh nhân, những người chịu đau khổ, mà còn gửi tới
mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người
rất dễ bị cám dỗ "bỏ đi qua" một cách dửng dưng. Sự dửng dưng nầy là
một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn "Người
Samari nhân hậu" đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hóa đạo đức cũng
như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúa Giêsu bảo luật sĩ: "Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy".
Vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại
và bỏ đi, có thể họ có lý do, tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã điểm, thầy Lêvi cũng
có thể vì sợ ô uế, bởi cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thời. Đức
Phanxicô nói : Họ không có phụng tự thật, vì không thể hiện ra bằng việc
phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của
bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó
như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, nghĩa là không biết
Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến
gần đứa trẻ đó, ông già, bà già đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.
Yêu mến Chúa trong nhà thờ mà thôi thì
chưa đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng
loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người
trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: "Anh
em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc
làm". Ngài còn nói: "Ai nói
rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.
Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình
thì ở trong bóng tối" (1Ga 2,9-11). Tình yêu đòi thể hiện bằng việc
làm cụ thể. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh
không dừng lại ở tình cảm suông. Anh đã thể hiện lòng thương xót qua hành động.
Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người
là người anh em. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng: yêu thương là hành xử
như người Samaritanô nhân lành. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Người Samaritanô tuyệt
vời là chính Chúa Giêsu: mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã hạ mình làm
người và hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta.
Như thế, tình thương là "con
tim" của đời sống kitô; chỉ có tình yêu thương mà Chúa Thánh Thần khơi dậy
trong chúng ta, mới làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Kitô. Giới
luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải thể hiện tình thương với mọi
người.
Câu hỏi: "Tôi là anh em của ai? ",
mỗi người chúng ta tự đặt ra cho mình đây, không phải là một câu hỏi được gửi tới
những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tới mỗi người trong chúng ta. Những
người anh chị em đang sống chung quanh chúng ta đang tìm kiếm sự cảm thông,
chút thanh thản và an bình của tình người. Nhưng biết bao nhiêu lần những người
tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên
đới!
Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực
của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá".
Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta
nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi ... và chúng ta cảm thấy hợp
lý. Chúng ta là một xã hội mà đã hết biết rơi nước mắt, trước những trạng huống
đau khổ trong bối cảnh toàn cầu hóa sự thờ ơ."
"Hãy
đi và làm như vậy" (Lc 10,37). Tất cả chúng ta được mời gọi đi cùng con
đường của người Samaritanô nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi
xuống trên chúng ta, trở thành tôi tớ của chúng ta, và như thế Người đã cứu chuộc
chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương
chúng ta, theo cùng một cách thức.
Lạy Chúa, xin cho con biết mau mắn làm
theo lời Chúa dạy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ