Hãy Có Lòng Thương Xót

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM – C

Lc 10, 25-37

Một vấn để nổi cộm gây bão dư luận hiện nay là sao lại có không ít trường hợp thấy người bị tại nạn trọng thương mà nhiều người chỉ đứng xem hoặc ngoảnh mặt đi qua không cứu. Trong một vụ tai nạn gần đây, người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trên tay kêu gào đến khản cổ : Ai cứu con tôi với ! Thế nhưng, xem lại camera an ninh ở chung quanh, người ta thấy có tới ba hay bốn chiếc xe đi ngang qua đó, thấy nạn nhân ôm đứa con đẫm máu, họ đã lẳng lặng bỏ đi. Sau hàng giờ chờ đợi xe cấp cứu, đứa bé được đưa tới bệnh viện, nhưng đã quá muộn. Người ta đặt vấn đề : Phải chăng ngày nay, con người ngày càng trở nên vô cảm với nhau, họ nhắm mắt làm ngơ khi thấy anh em mình bị nạn? Nhiều người hiếu kỳ đứng xem một tai nạn xảy ra, nhưng không mấy người dám ra tay cứu giúp người bị nạn.

Người Samaritanô động lòng thương 

Tin Mừng hôm nay cho thấy, không những thời nay ở Việt Nam ta, mà thời Chúa Giêsu cũng thế. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể cho người thông luật là một bằng chứng (x. Lc 10, 25-37). Vị tư tế và thầy Lêvi, cả hai đều liên quan đến việc phụng tự nơi đền thờ, trông thấy một người từ Giêrusalem xuống Giêricô bị hại, từ Giêrusalem tức là đồng hương rồi, nhưng họ không cần biết; nhìn thấy nhưng không lo liệu giúp đỡ, họ bỏ qua. Người thứ ba là người Samaritanô, một người Do thái ly giáo, bị coi như ngoại quốc, dân ngoại, ô uế và bị khinh miệt, trông thấy người bị hại, ông "động lòng thương" (Lc 10, 33), ông không bỏ qua như hai người kia, ông đến gần người ấy, " băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc" (Lc 10, 34). Phúc Âm nói : "Ông động lòng thương", nghĩa là tâm can ông cảm động. Khác với hai người kia "trông thấy", nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người samaritanô rung động. "Động lòng thương" là đặc tính cốt lõi của lòng thương xót Chúa. Trái tim người samaritanô đồng điệu với trái tim Thiên Chúa.

Thiên Chúa chạnh lòng thương

Một số người cho rằng, người có lòng thương xót là yếu đuối và nhu nhược. Điều đó có đúng không? Hoàn toàn không! Động lực nằm sau lòng thương xót chân thành là tình yêu thương sâu xa, bắt nguồn từ "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,16); là "Cha đầy tình thương xót" (2 Cr 1,3). Cụm từ "hay thương xót" có nghĩa chính là động lòng trắc ẩn, cảm thông cho sự yếu đuối của người khác.

Động lòng thương có nghĩa là "đau khổ với". Thiên Chúa chạnh lòng thương chúng ta. Nghĩa là Ngài đau khổ với chúng ta, Ngài cảm nhận được nỗi khổ đau của chúng ta. Động từ ám chỉ lòng quặn đau trước nỗi khổ của con người. Trong các cử chỉ và hành động của người samaritano nhân hậu, chúng ta nhận ra hành động thương xót của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Đó chính là tình thương, qua đó Chúa đến gặp gỡ từng người trong chúng ta. Ngài không giả vờ không biết chúng ta, Ngài biết các khổ đau của chúng ta, Ngài biết chúng ta cần sự trợ giúp và ủi an biết chừng nào. Ngài đến gần chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúa Giêsu là hiện thân hoàn hảo nhất các đức tính của Thiên Chúa Cha, Người khuyên các môn đệ: "Hãy biết thương xót, như Cha các ngươi là Đấng thương xót" (Lc 6,36).

Hãy có lòng thương xót

Kinh Thánh nói : "Khi Người thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn" (Mt 9,36). Một học giả Kinh Thánh cho biết cụm từ "động lòng thương xót" ở đây muốn nói đến "cảm xúc sâu thẳm nhất trong lòng". Thật vậy, trong tiếng Hy Lạp, từ này được xem là một trong những từ mạnh nhất để biểu thị lòng thương xót.

Người Samaritanô hành xử với lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta (x. Lc 10,33-35).

Lòng thương xót có sức mạnh làm vơi đi nỗi đau. Như chúng ta đã thấy, lòng thương xót thể hiện tinh thần đồng cảm với những người đau buồn và thúc đẩy chúng ta cùng chia sẻ với họ. Lòng cảm thông cũng bao gồm việc quan tâm đến người đang gặp đau khổ và có những hành động tích cực để giúp đỡ họ.

Khi bày tỏ lòng thương xót, người tín hữu noi gương Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ quá bận rộn đến nỗi không thể giúp người khác về mặt vật chất lẫn tinh thần. Khi biết người khác gặp khó khăn, Chúa Giêsu bày tỏ lòng cảm thông và tìm cách giúp đỡ họ.

Chúng ta có thể bày tỏ lòng thương xót qua nhiều cách. Chẳng hạn, gặp người bất hạnh, khó khăn, chúng ta thăm viếng và lắng nghe họ với lòng thông cảm, cũng như an ủi họ. Lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Kitô hữu. "Hãy xót thương như Chúa Cha" là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Vì thế, khi nỗ lực trở nên giống Cha trên trời, chúng ta hãy sống lòng thương xót. Dụ ngôn về người Samaritanô là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương xót đối với nạn nhân. Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình.

Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài (Tông sắc về năm Thánh Lòng Thương Xót, số 13).

Lạy Chúa, xin mở mắt, mở lòng chúng con, để chúng con thấy và động lòng thương xót đối với anh em chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


Suy Niệm Lời Chúa Năm C