CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

Người thân cận là kẻ đã thực thi lòng thương xót

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 10:25-37)

          Có lẽ trước hết chúng ta phải cám ơn nhà thông luật đã nêu lên một câu hỏi hết sức thực tế, để Chúa Giê-su cho chúng ta một giáo lý thật sâu sắc về mối tương quan giữa con người với con người.  Câu hỏi ấy là:  “Ai là người thân cận của tôi?”  Câu trả lời của Chúa Giê-su không phải là bài luân lý nặng phần lý thuyết, nhưng được gói ghém khéo léo trong câu chuyện dụ ngôn rất quen thuộc với tất cả chúng ta:  dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu.

          Đọc Tin Mừng, chúng ta thường thấy Chúa Giê-su có lối trả lời gây bất ngờ.  Thí dụ khi nhóm Pha-ri-sêu hỏi Chúa:  có nên nộp thuế cho vua Xê-da không.  Để trả lời, Chúa hỏi lại họ:  trên đồng tiền là hình của ai?  Họ trả lời:  vua Xê-da.  Thế là họ có ngay câu trả lời của Chúa:  của Xê-da, hãy trả về cho Xê-da;  của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa!  Lần này, để trả lời câu hỏi của nhà thông luật, Chúa dùng một câu chuyện dụ ngôn.  Câu chuyện nói về một người Do-thái trên đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô bị cướp đánh gần chết và vứt nằm bên đường.  Có một thầy tư tế xuống Giê-ri-khô đi ngang qua, quay mặt đi luôn mà không giúp người bị nạn.  Tiếp đến một thầy Lê-vi cũng ngang qua đấy, bỏ đi thẳng chứ không dừng lại.  Nên biết cả hai người này đều là người Do-thái, đồng bào với người bị nạn!

          Cuối cùng đi qua đấy là một người Sa-ma-ri.  Ông và dân tộc ông bị người Do-thái khinh miệt và coi là dân ngoại.  Tuy ông không phải là “người thân cận” với người bị nạn theo quan điểm của người Do-thái, nhưng ông lại có một đặc điểm mà hai người Do-thái kia không có, đó là lòng thương xót!  Tin Mừng Lu-ca viết:  Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương”.  Câu trả lời “Ai là người thân cận của tôi?” bắt đầu ngay từ lời giới thiệu này rồi.  Người anh em của người Do-thái bị nạn không phải là đồng bào của mình.  Nhưng lại là kẻ thù của người Do-thái, một “kẻ thù” biết chạnh lòng thương!

          Phác họa khuôn mặt của người Sa-ma-ri chạnh lòng thương, Chúa Giê-su kể ra bảy hành động liên tiếp mà ông ta đã thực hiện cho người bị cướp:  lại gần người bị nạn, lấy dầu và rượu xức vết thương, băng bó, vực người ấy lên lưng lừa, đưa về quán trọ, săn sóc, đưa tiền cho chủ quan trọ nhờ chăm sóc.  Con số bảy hành vi này là để nói lên sự trọn vẹn của một tình yêu thương sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.  Trong khi ấy, thầy tư tế và thầy Lê-vi không hề có một hành vi nào cả.  Quả thực là một sự mỉa mai:  những người vỗ ngực tự xưng là con cái Chúa lại chẳng giống như Chúa chút nào, để dành cho người ngoại Sa-ma-ri kia giống Chúa vậy!  Sau cùng, muốn giúp cho người thông luật kia thấm thía ý nghĩa “ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giê-su đã để cho ông tự trả lời:  “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Trong Tông sắc Khuôn mặt Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rằng lòng thương xót là quy luật nền tảng giúp chúng ta nhìn tha nhân như là người con của Chúa và anh chị em của mình (số 2 và 9).  Thiên Chúa luôn luôn nhìn chúng ta dưới lăng kính Lòng Thương Xót của Người, cho nên Người sẵn sàng tha thứ và cứu giúp chúng ta.  Muốn có cái nhìn giống như cái nhìn của Chúa, dĩ nhiên là chúng ta cũng “hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng đầy lòng xót thương” (Lu-ca 6:36), khẩu hiệu của Năm Thánh.

          Lời Chúa Giê-su nhắn nhủ người thông luật trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay tuy đơn sơ và ngắn gọn, nhưng chắc chắn là một mệnh lệnh đầy uy lực:  “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.  Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy đi.  Đi để đến với Chúa Giê-su mà học biết thế nào là lòng thương xót, để lắng nghe lời giảng của Người về một Thiên Chúa nhân hậu giống như người cha dễ dàng tha thứ cho đứa con hoang đàng, để chiêm ngưỡng Chúa chạnh lòng thương đối với bà góa thành Na-in, với dân chúng đói khát lương thực và lời Chúa.  Đi để đến với những người chung quanh chúng ta, tuy không cùng sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ hay văn hóa, nhưng đều là con cái Chúa, mà gọi họ là “người thân cận của tôi”.  Đi để đem lòng thương xót của Chúa đến với mọi người, qua những lời nói yêu thương, những cử chỉ chăm sóc phát xuất từ động lực duy nhất:  tình yêu Thiên Chúa!

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C