Suy
niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI Năm – C
(Lc 10, 38-42)
Khung cảnh gia đình
Hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho
chúng ta chuyện gia đình của Matta và Maria. Hàng ngày gia đình của họ ra sao
chúng ta không hay biết, chỉ khi cô chị Matta rước Chúa Giêsu vào nhà và tất bật
làm cơm thiết đãi Chúa, còn cô em thì ngồi bên chân Chúa và nghe lời Người
chúng ta mới có chuyện (x. Lc 10,38-42). Gia đình Matta và Maria còn có cậu em
trai là Lazarô không thấy nói tới.
Chúng ta cùng tưởng tượng cảnh diễn ra
trong nhà này : người chị chạy lên chạy xuống, còn người em ra như bị lôi cuốn
vào việc chuyện trò với Khách. Một lúc sau, người chị Matta, chắc cảm thấy mệt
nhọc, nên đã lên tiếng nói với vị Khách: "Lạy
Thầy, em con để con hầu hạ một mình, mà không quan tâm sao sao? Xin Thầy bảo em
con giúp con với?" (Lc 10,40). Xem ra cô chị Matta không những bất
bình với cô em là Maria mà còn cả với Khách mời nữa.
Thái độ cần phải có
Chính câu nói này của Chúa Giêsu làm nảy
sinh những khuynh hướng khác nhau. Có người cảm thấy tiếc cho Matta, vì Maria
đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Matta, trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói
chuyện với Chúa Giêsu, khi Matta đến phàn nàn, Chúa Giêsu lại nói: "Matta, Matta, con lo lắng bối rối về
nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ
không bị ai lấy mất" (Lc 10,41-42). Vậy là việc cô làm chưa phải là tốt
nhất.
Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giêsu
không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Matta khi Người nêu bật hành vi của
Maria "ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người." Tuy nhiên, khi phải chọn
lựa thì Chúa Giêsu vẫn thích kẻ "nghe" lời Người hơn là loay hoay
chuyện cơm nước…Người cũng cho biết đây là "phần tốt nhất."
Hẳn Chúa Giêsu không làm một cuộc so
sánh về hai thái độ: một của Matta tất bật với việc tiếp đãi Khách, và một của
Maria ngồi bên chân Khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều
cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể qua việc chuẩn bị bữa ăn,
nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên tâm sự. Chúa Giêsu đề cao
thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Matta. Chúa không chê hoạt động,
lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Người chỉ muốn mượn hình ảnh của
Maria để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với Thiên Chúa là lắng
nghe lời Chúa. Lời Chúa thì vững bền và mang lại ý nghĩa cho các hoạt động hằng
ngày của chúng ta.
Gương của Matta và Maria
Matta và Maria trong Tin Mừng hôm nay
nêu gương cho chúng ta và bảo chúng ta rằng nhân đức không chỉ có một mặt, vì
trong việc tông đồ, người này làm việc tích cực, hết sức mình, người kia quan
tâm đến việc rao giảng Lời Chúa. Nếu sự quan tâm này kết hợp sâu xa với đức
tin, thì sẽ rất tốt cho công việc.
"Maria
đã chọn phần tốt nhất". Chúng ta cũng thế, chúng ta cần phải cố gắng, để
có được điều mà không ai lấy mất được, nên cần phải lằng nghe. Lắng nghe ở đây
không phải là đãng trí, nhưng là chú ý ; vì ngay cả hạt giống lời Chúa từ trời
xuống cũng bị lấy mất, nếu hạt giống đó gieo bên vệ đường, không được gieo vào
đất tốt, tức là nghe nhưng không được đón nhận (x. Lc 8, 5.12)
Lắng nghe lời Chúa như cô Maria là khôn
ngoan, vì đây là việc làm cao cả và hoàn hảo nhất. Lo lắng phục vụ là cần thiết,
nhưng làm sao để những lo lắng phục vụ không cản trở ta đón nhận Lời Chúa từ trời
xuống. Hãy khoan đừng có chỉ chích phê bình hay kết án những sự nhàn rỗi, những
người mà chúng ta sẽ thấy họ làm việc tất bật để có được sự khôn ngoan, như
Salomon, một con người hiền hòa, đã nài xin Chúa gửi Đức khôn ngoan của Ngài tới
cự ngụ nơi nhà ông, khi thưa : "Lạy Chúa, xin gửi Đức không ngoan Ngài tới,
để phù trì và đồng lao cộng khổ với con " (Kn 9, 10). Tuy nhiên đấy không
phải là lời trách móc những việc Matta làm : Maria được Chúa Giêsu thích hơn vì
Maria đã chọn phần tốt nhất. Người là Đấng giầu có, và Người trao ban cho cả Matta
và Maria cách quảng đại ; Maria là người nữ khôn ngoan, vì cô biết nhận ra và
chọn lựa điều quan trọng nhất.
Các Tông Đồ cũng cho rằng : "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời
Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải" (Tđcv 6,2). Khi đứng
giữa hai điều, một là rao giảng Lời Chúa, hai là phục vụ, tất cả đều là việc
khôn ngoan : Stêphanô cùng với Philipphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và
ông Nicôla, đã chọn việc phục vụ, với tư cách là thầy phó tế, và các ngài đã
hoàn thành cách thật khôn ngoan (Tđcv 6,5.8)... Như thế, Giáo hội là một thân thể, các bộ phận tuy nhiều nhưng chỉ là một
thân thể : "Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến
mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày"
(1 Cr 12, 21)... Nếu có một vài chi thể quan trọng nhất, thì các bộ phận
khác cũng không kém phần quan trọng. Sự khôn ngoan ở trong đầu, còn hoạt động
thể hiện nơi những bàn tay.
Lời Chúa trong cuộc đời
Con người đang đánh mất dần ý thức về sự
thánh thiêng, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất. Người
Kitô hữu phải lấy việc lắng nghe Lời Chúa là điều quan trọng nhất. Chúng ta có
thể lắng nghe tiếng Chúa, bằng cách suy niệm Kinh Thánh với đức tin, bằng cách
tĩnh tâm cầu nguyện riêng cá nhân cũng như cộng đoàn, bằng việc im lặng mặc niệm
trước Thánh Thể; từ Nhà Tạm, Chúa Kitô nói với chúng ta về tình yêu của Người.
Ðặc biệt vào ngày Chúa Nhật, những người kitô được mời gọi đến gặp gỡ và lắng
nghe Chúa. Ðiều này được thực hiện cách trọn vẹn, nhờ qua việc tham dự vào
Thánh Lễ, trong đó Chúa Kitô dọn ra cho các tín hữu bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc
Bánh ban sự sống. Tuy nhiên, những giây phút cầu nguyện và suy tư, những giây
phút nghỉ ngơi và sống tình huynh đệ, cũng có thể góp phần hữu ích vào việc
thánh hóa ngày của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ đã chọn
phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa, xin Mẹ giúp chúng con gắn bó
cùng Chúa cho đến trọn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ