LỜI KINH CỦA CHÚA - HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA

(Lc 11,1-13 – CN XVII TN - C)

 

1.- Ngữ cảnh

          Trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem, tác giả Luca ghép vào một giai thoại trong đó Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, vì các ông xin Người.

          Hình thức của Kinh Lạy Cha ăn khớp với ngữ cảnh này, vì bản văn được đặt sau lời kinh Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha (Lc 10,21-22), cũng như sau “ví dụ” của Người về tình thương đối với người thân cận (10,29-37) và việc Người nhấn mạnh trên việc lắng nghe Lời như điều cần thiết duy nhất (10,38-42). Toàn khối các giai thoại này giới thiệu cho biết thái độ và những tâm tình người Kitô hữu phải có đối với Thiên Chúa.  

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Dẫn nhập: Hoàn cảnh (11,1);

2) Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (11,2-4);

3) Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng hai dụ ngôn (11,5-13):

- Dụ ngôn Người bạn quấy rầy (cc. 5-8),

- Sáu khẳng định (cc. 9-10),

- Dụ ngôn Người cha và đứa con (cc. 11-13).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Lạy Cha (2): Tác giả chỉ dùng hô-cách Hy Lạp đơn giản: pater (x. 10,21), tương đương với từ A-ram ’abbâ’. Do chỗ từ này được lưu giữ trong Mc 14,36 (x. Gl 4,6; Rm 8,15), có thể cho rằng kiểu thưa gửi trong bản văn Lc thì “gốc” hơn kiểu trong Mt (với công thức  “Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”). 

Một số tác giả như Kittel, Jeremias và Marchel nghĩ rằng đây rất có thể là một từ ngữ của các em bé[1]. Còn Pitta thì cho rằng không phải chỉ có các em bé mới dùng từ này mà thưa với cha, nhưng cả người lớn cũng dùng để ngỏ lời với cha[2]. Dù sao, vào thế kỷ i, danh xưng ’abbâ’ này không chỉ được dành cho trẻ em.

Gọi Thiên Chúa là “Cha” không phải là chuyện lạ lùng. Danh xưng “cha” đã có nơi các tôn giáo rất khác nhau, từ dạng thô sơ nhất đến dạng phát triển nhất, của người Hy Lạp, Rôma và Sêmít. Nhưng điều lạ là sử dụng một danh xưng thân mật để thưa với Thiên Chúa. Theo các nghiên cứu của Jeremias và Marchel, ’abbâ’ là một danh xưng thân mật, nên không bao giờ được người Do Thái dùng mà thưa với Thiên Chúa. Đôi khi, cũng rất hiếm, từ này được dùng để nói về Thiên Chúa, chứ không bao giờ để thưa với Thiên Chúa. Và ngay cả nói về Thiên Chúa, các bản Targumim (= Bản dịch và diễn giải) cũng rất ngại áp dụng danh hiệu “cha” cho Ngài. Ngược lại, theo chứng từ của Mc 14,36, được củng cố gián tiếp bởi Gl 4,6, Đức Giêsu là người đầu tiên thưa với Thiên Chúa bằng tiếng gọi thân mật Abba, và như thế Người tỏ cho thấy quan hệ thân tình như là người con với Thiên Chúa, một thứ quan hệ kiểu mới mẻ và duy nhất, vô song[3]. Quan hệ này được diễn tả rõ ràng trong một vài bản văn Tin Mừng, đặc biệt trong Mt 11,27 // Lc 10,22. Tin Mừng IV triển khai các phương diện khác nhau của quan hệ hỗ tương này, một quan hệ được vén mở cho thấy không những bằng các lời nói, mà hơn nữa còn bằng công trình chung giữa Chúa Cha và Chúa Con; và công trình chung này đạt tới đỉnh cao khi Đức Giêsu hiến mình trên Núi Sọ. Tin Mừng làm chứng về hai điều: 1) Quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa là quan hệ có một không hai, không thể so sánh với bất cứ kiểu tương quan nào; quan hệ này hoàn hảo, thâm sâu, hỗ tương; theo nghĩa này, quan hệ này chuyên nhất (x. Ga 10,30); 2) Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, quan hệ này không độc chiếm, nhưng lại có khả năng thông ban, thông dự vào (x. Ga 6,57; 10,27-28). Đức Giêsu đến chỉ nhắm một mục tiêu là đưa loài người vào trong tương quan cha con với Thiên Chúa. Và bởi vì quan hệ này không phải là một tương quan bên ngoài như một liên hệ pháp lý, mà là một thực tại thâm sâu, người ta không thể thông dự vào đó nếu không được một sự thông truyền tinh thần. Vậy toàn thể cuộc sống của Đức Giêsu, sứ vụ, cái chết, sự sống lại của Người chỉ có một mục đích là thông ban Thánh Thần trong tư cách là Thần Khí của Con (x. Gl 4,6). Quả thật, Đức Giêsu là người đầu tiên cầu nguyện với Thiên Chúa bằng danh hiệu này. Nhưng bây giờ, nhờ Thần Khí của Con, mỗi tín hữu cũng có thể làm như thế: là con (x. Gl 3,26; 4,6.7), người tín hữu thông dự vào lời cầu nguyện của Chúa Con.

- xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (2): dịch sát là “Ước gì Danh Cha được hiển thánh”. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, câu này không có nghĩa là Thiên Chúa phải bận tâm làm cho loài người coi Danh của Ngài là thánh và không làm ô nhục Danh Ngài. Câu này có nghĩa là chính Thiên Chúa phải thánh hóa Danh Ngài; chính Ngài phải hành động cách nào để loài người nhận biết và tuyên xưng đúng như Tên Ngài, tức là như Thiên Chúa và như Cha. Như thế, là xin Thiên Chúa mạc khải bản thân Ngài ra vĩnh viễn và cho người ta được thấy Ngài và đến được với Ngài cách chắc chắn.

-[xin làm cho] Triều Đại Cha mau đến (2): Đây là nội dung chính của lời Đức Giêsu loan báo. Người loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa, về quyền chúa tể của Thiên Chúa (4,43; 8,1; 10,9.11): Thiên Chúa là Chúa Tể duy nhất và tốt lành, sẽ thực hiện công khai vương quyền của Ngài. Lời xin này cầu mong mau đến lúc Thiên Chúa sẽ hiển trị trên tất cả mọi sự cách công khai và hữu hình; Đấng là Cha sẽ là Chúa Tể duy nhất.

- ngày nào có lương thực ngày ấy (3): dịch sát là “Xin ban cho chúng con mỗi ngày (to kath’ hêmeran)”, hiểu theo nghĩa phân phối.

- xin tha tội (4): Tác giả Lc đã thay từ opheilêmata, “các món nợ”, bằng hamartias, “các tội”,  có lẽ để cho độc giả Kitô hữu gốc Dân ngoại dễ hiểu lời xin này hơn.   

- bạn (5): Từ ngữ philos được dùng nhiều lần khiến chúng ta nhớ đến bối cảnh là lòng hiếu khách của người dân Cận Đông. “Bạn” vừa có nghĩa là người láng giềng và người khách.

- anh ta cứ lì ra đó (8): Anaideia, “sự trâng tráo, lì lợm”. Có tác giả nghĩ rằng từ này áp dụng cho người bạn bị quấy rầy, nên phải dịch là “thể diện”[4]. Nhưng giải thích như thế không đúng, vì: cả câu 8 dịch sát là: “dẫu anh không dậy để cho người này (autô) vì là bạn của người này (autou), thì cũng vì sự lì lợm của người này (autou), anh sẽ dậy để cho người này (autô) tất cả những gì người này cần”. Bởi vì đại từ sở hữu autô và tính từ sở hữu autou[5] được dùng để chỉ người đến quấy rầy, nên phải hiểu anaideia áp dụng cho người quấy rầy.

- tất cả những gì anh ta cần (8): nghĩa là không phải chỉ cho những gì anh ta xin mà thôi.

- anh em cứ xin thì sẽ được (9): Đây là một thái bị động thay tên Thiên Chúa, nên có nghĩa là: “Anh em cứ xin, thì sẽ được Thiên Chúa ban cho”.

- cứ tìm thì sẽ thấy (9): Do câu này song song với câu trên, ta hiểu là “sẽ thấy, với sự trợ giúp của Thiên Chúa”.

- thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó (11): Hiểu là có sự giống nhau về bề ngoài giữa con cá và con rắn. Thỉnh thoảng các ngư phủ trên Hồ Ghennêxarét dùng cá nhỏ mà câu rắn nước.

- xin trứng lại cho nó bò cạp (12): Một con bò cạp cuộn càng và đuôi lại thì giống với một quả trứng.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Dẫn nhập: Hoàn cảnh (1)

Vào thời xa xưa, đặc tính của các nhóm tôn giáo được xác định không những bởi các chân lý họ tin vào và bởi những luật lệ họ tuân giữ, mà còn bởi các lời cầu nguyện của họ nữa. Gioan Tẩy Giả đã dạy các môn đệ ông cầu nguyện. Một hôm, có người môn đệ đã xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện.

Tác giả Lc ghi nhận rằng người ấy xin khi Đức Giêsu vừa cầu nguyện xong. Nếu cầu nguyện là một việc xin các ân huệ, thì Đức Giêsu không cần cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện không phải là một hình  thức ăn xin. Chúng ta không xin Thiên Chúa thay đổi tâm trí của Ngài, nhưng xin Ngài giúp hiểu Ngài muốn gì, để chúng ta nhận điều đó làm ý mình, và xin Ngài ban sức lực mà thực hiện điều ấy. Đức Giêsu cũng cần lời cầu nguyện kiểu này.  

 

* Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (2-4)

Kinh Lạy Cha không chỉ là một công thức cầu nguyện, nhưng là một tổng hợp toàn thể sứ điệp Kitô giáo. Trong Hội Thánh sơ khai, các tín hữu thường được giám mục dạy trực tiếp kinh này. Lời cầu nguyện phản ánh nội dung đức tin chúng ta và loại thần minh chúng ta tin vào.

Không phải chỉ cầu nguyện là đủ, người ta còn phải biết cách cầu nguyện. Do đó, Đức Giêsu đã ban cho các ông bản văn một kiểu mẫu cầu nguyện. Điều này không có nghĩa là các ông phải luôn luôn dùng những lời này mà thôi. Nhưng với người nào dùng lời kinh này, người ấy được xác định cho biết bầu khí phải quan tâm khi cầu nguyện và được nhắc đến những lời thỉnh cầu phải coi là quan trọng nhất .  

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói : Lạy Cha” (c. 2). Trong cầu nguyện, quan trọng nhất là biết bản chất của tương quan giữa Thiên Chúa và loài người. Thế mà chúng ta không thấy Thiên Chúa và tự mình không thể biết là Ngài đang tương quan với chúng ta thế nào. Ngài vô hình, xa cách, rất lạ với ta, ta không thể hiểu Ngài và khám phá Ngài cặn kẽ. Phải chăng Thiên Chúa là một Chúa tể quyền lực, có thể nhậm lời ta cầu xin, nhưng Ngài không hề quan tâm đến ta? Lời xin đầu tiên và căn bản nhận được câu trả lời nơi lời đầu tiên của Đức Giêsu: chúng ta phải ngỏ lời với Thiên Chúa như với một “Người Cha”. Thiên Chúa không phải là một Chúa tể xa cách, xa lạ, quyền lực, không muốn biết gì về chúng ta. Ngài đã giao tiếp với chúng ta với mối quan tâm, tình yêu và sự chăm sóc, như một người cha đích thực. Chúng ta có thể đi thẳng đến với Ngài.

          Đức Giêsu phác ra những nét chính để dạy chúng ta biết phải cầu nguyện với Thiên Chúa thế nào. Theo kiểu mẫu của Người, chúng ta thấy có hai khối lời cầu xin. Khối thứ nhất liên hệ trực tiếp đến Thiên Chúa, khối thứ hai liên hệ đến chúng ta và các nhu cầu của chúng ta. Lời cầu “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (c. 2) không có nghĩa là xin cho có nhiều người hoan hô Ngài; danh thanh Ngài được tôn vinh khi ơn cứu độ của Ngài đạt đến chúng ta, khi can thiệp cứu độ của Ngài đến nơi bản thân chúng ta và đến trong thế giới. Chúng ta biết lời xin này đã được chấp nhận, cho dù chưa biết vào ngày giờ nào, ơn cưu độ này nên trọn vẹn.  Lời cầu thứ hai, “Triều Đại Cha mau đến”, xin Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài, xin Ngài tỏ quyền Chúa Tể trên mọi sự. Nói chung, hai lầu cầu đầu tiên xin cho có cuộc đảo lộn các tương quan hiện hữu, trong đó Thiên Chúa dường như vắng mặt hoặc ẩn mình. Chúng ta xin Ngài trở nên hữu hình và tỏ ra là Chúa Tể duy nhất mãi mãi.

          Khối lời thỉnh cầu thứ hai liên hệ đến các nhu cầu cấp bách nhất của chúng ta: các nhu cầu vật chất (cái ăn cái uống, y phục, nhà cửa) và các nhu cầu thiêng liêng. “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” (c. 3). Chẳng lẽ chúng ta không tìm ra những thứ ấy bằng cố gắng riêng sao? Chúng ta cầu xin những thứ đó là để nhớ rằng chúng ta phải tìm cơm bánh không chỉ cho chính mình, mà còn cho tất cả mọi người. Cầu nguyện củng cố nơi chúng ta một thái độ mới và một quyết tâm mới là sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bên cạnh các nhu cầu vật chất, là các nhu cầu thiêng liêng: “xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha” (c. 4). Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trách nhiệm, nhưng chúng ta thường xuyên sống vô trách nhiệm, trở thành có lỗi trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phạm những thiếu sót đối với người thân cận. Chúng ta không thể tự mình tha các lỗi cho mình. Chúng ta lệ thuộc sự tha thứ của Thiên Chúa nên phải xin Ngài ban cho. Thêm vào lời cầu xin này, Đức Giêsu nối câu: “vì chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (c. 4). Người nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nếu chúng ta có một tâm hồn đầy cay đắng và hiềm khích (x. Mt 18,23-35).

          Cuối cùng, chúng ta xin Thiên Chúa chiếu cố đến sự yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (c. 4). Trước nhan Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận mình không có sức để đứng vững trong thử thách để trung thành với Ngài. Do đó, chúng ta khiêm tốn xin Ngài trợ giúp, đồng thời diễn tả ước muốn được mãi mãi liên kết với Ngài.

 

* Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng hai dụ ngôn (5-13)

Sau đó, bằng hai dụ ngôn và sáu khẳng định, Đức Giêsu còn muốn thuyết phục các môn đệ rằng họ có thể cậy dựa vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, tức là tin rằng Ngài sẽ nhận lời họ cầu xin. Với hai dụ ngôn, Đức Giêsu vận dụng các hoàn cảnh và kinh nghiệm của loài người để dạy dỗ.

Dụ ngôn thứ nhất vận dụng những tương quan hàng xóm láng giềng ở miền quê: Nếu một người hàng xóm bị quấy rầy còn sẵn sàng giúp đỡ người bạn, chẳng lẽ Thiên Chúa vô cùng tốt lành và không hề có giờ nào không thuận tiện lại không nghe lời con cái Ngài kêu xin?

Trong dụ ngôn thứ hai, Đức Giêsu vận dụng cách thức xử sự của người cha trần thế với con cái: Nếu ngay trong lãnh vực con người, một người cha, tuy có những khiếm khuyết, còn biết cho con cái những của tốt lành, chẳng lẽ Thiên Chúa là “Cha”, Đấng có mọi tình phụ tử, lại không xử sự hơn thế sao?  

Cách thức Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho hiểu rằng Người biết và luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Dựa trên cái nhìn này, Đức Giêsu mời chúng ta cầu nguyện tha thiết, Người hứa với chúng ta rằng chắc chắn chúng ta sẽ được nhận lời (cc. 9-10). Chúng ta không có kinh nghiệm về điểm này bởi vì chúng ta không biết cách cầu nguyện. Cầu nguyện là đi ra khỏi bóng tối của các tư tưởng và đam mê của chúng ta và để cho mình được thu hút vào trong Thiên Chúa. Mắt chúng ta sẽ mở ra và chúng ta sẽ nhìn thấy các sự viêc khác đi, chỉ sau khi đã trò chuyện lâu giờ với Ngài. Ở bên ngoài, mọi sự vẫn như cũ, nhưng chúng ta thì không còn như trước nữa. Việc cầu nguyện đã đạt hiệu quả: nó thay đổi con tim chúng ta. Khi đó chúng ta hiểu: Cho tất cả những ai xin bất cứ điều gì, Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần. Ân ban này độc lập với nội dung của từng lời cầu nguyện. Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Ngài là Thần Khí làm cho chúng ta thành con Thiên Chúa và giúp chúng ta có thể kêu lên “Cha ơi!”.  

 

+ Kết luận

Bởi vì Người biết và luôn luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa, bởi vì Người cũng biết ý nghĩa và cùng đích của đời sống chúng ta, Đức Giêsu có thể dạy chúng ta cầu nguyện hơn bất cứ ai trước Người. Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cung cấp cho chúng ta không những một bản văn kinh nguyện, mà còn cho một kiểu mẫu về các nội dung của lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Cha”: tương quan của Thiên Chúa với chúng ta là như tương quan của một người cha với các con mình. Và chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy vào lòng nhân lành của Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện, chúng ta chứng tỏ mình có một hình ảnh về Thiên Chúa và cảm nghiệm thế nào về Ngài. Trong lời cầu nguyện, chúng ta thể hiện tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.     

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Trong khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha” (Lc 10,21; 22,42; 23,34-46), bởi vì Người biết Cha như thế. Lời dạy về cầu nguyện cũng đồng thời là một lời dạy về đức tin. Chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta và Ngài quan hệ với chúng ta với tất cả sự quan tâm và yêu thương. Chúng ta phải ngỏ lời với Ngài và dâng lên Ngài những lời thỉnh cầu với đức tin này. Nếu chúng ta có một ý tưởng đúng về Ngài, chúng ta sẽ trình với Ngài những lời thỉnh cầu đầy tin tưởng và hy vọng và cậy vào sự giúp đỡ của Ngài.

2. Đức Giêsu dạy chúng ta phải và có thể cầu xin cho có những nhu cầu vật chất. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là tất cả những ai đang cầu nguyện.

3. Khi chúng ta xin Thiên Chúa hủy diệt sự dữ, sự thù ghét, bất công, trả thù, chúng ta đã tự nhắc mình nhờ lại các cam kết lúc nhận bí tích rửa tội, đó là tận dụng tất cả năng lực chúng ta mà phụng sự Thiên Chúa, để cho vương quốc công lý, tình yêu và hòa bình mau đến trên trần gian này. Điều này có nghĩa là chúng ta cầu nguyện không phải là để thay đổi “lòng dạ” Thiên Chúa, nhưng là để thay lòng đổi dạ chúng ta, để chúng ta sẵn sàng chấp nhận hoạt động cứu độ của Ngài.

4. Như người bạn đến xin người láng giềng giúp cho một nhu cầu, chúng ta cũng phải ngỏ lời với Thiên Chúa không phải vì những chuyện phù phiếm, nhưng là để trình bày với Ngài những nhu cầu thực tế của chúng ta và của người khác. Đứng trước Thiên Chúa, chúng ta không cần phải tìm kiếm hoặc tính toán so đo về các lời lẽ, nhưng chúng ta có thể nói thẳng ra với Ngài. Và khi cầu nguyện, chúng ta không được mệt mỏi hoặc nản chí. Chúng ta không được bỏ Ngài, không mong được Ngài giúp đỡ, để rồi đi theo đường mình cách cam chịu hoặc tự phụ. Chúng ta cứ phải liên kết với Ngài bằng một lời cầu nguyện kiên nhẫn, đầy niềm tin tưởng và đơn sơ, lặp đi lặp lại và không mỏi mệt.

5. Đức Giêsu cam kết rằng nếu chúng ta tha thiết cầu nguyện, chúng ta sẽ được Thiên Chúa  nhận lời. Tuy nhiên, dường như điều này không đúng với kinh nghiệm chúng ta? Thật ra Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa chỉ ban những của tốt lành, nhưng Người không hề bảo đảm là lời cầu nguyện của chúng ta luôn luôn có nội dung là những ân ban mà chúng ta thấy là tốt lành. Người cha không đưa con rắn cho đứa con xin cá. Nhưng nếu người con xin một con rắn mà nghĩ rằng đó là điều tốt, thì người cha, chính vì ông tốt, ông sẽ không nhận lời xin này. Vậy chính Thiên Chúa phán đoán về các lời thỉnh cầu của chúng ta. Chúng ta không thể quy định cho Ngài cách thức Ngài phải theo mà nhận lời chúng ta. Chỉ có một điều là chúng ta chắc chắn rằng Ngài sẽ nhận lời vào lúc tốt nhất cho chúng ta.

6. Không có gì lạ nếu khi dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là “Cha”, Đức Giêsu lại hứa là những ai ngỏ lời với Thiên Chúa sẽ được Ngài ban Thánh Thần. Nếu chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong đức tin, chúng ta đã đang cầu nguyện trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi. Và khi cầu nguyện như thế, chúng ta đã sẵn sàng để cho mình được thấm nhuần sâu xa hơn bởi Thần Khí này, để cho Ngài trở nên sống động trong ta, và càng ngỏ lời với Thiên Chúa như là Cha chúng ta trong niềm tin tưởng trọn vẹn hơn. Điều quan trọng hơn mỗi lời xin và mỗi sự nhận lời, đó là tương quan chúng ta thiết lập với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Lời kinh dâng lên với đức tin đã là một sự nhận lời rồi, bởi vì khi đó dây liên kết chúng ta với Thiên Chúa được đào sâu thêm và tăng trưởng hơn: Thiên Chúa ban Thánh Thần cho những ai cầu nguyện và đón tiếp họ vào trong sự hiệp thông ngày càng sống động và thân tình hơn với Ngài.

7. Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần. Ân huệ này là một hơi thở mới bên trong, để làm cho tinh thần của ta được sống động; thổi một sự sống mới vào trong mọi hoàn cảnh; mang lại niềm hy vọng ngay khi chúng ta hoàn toàn nản chí. Bất cứ nơi nào chúng ta thấy cần có Thánh Thần – hãy xin, tìm và gõ cửa. Khi cầu xin như thế là chúng ta tin tưởng vào dụ ngôn này: chúng ta đang đứng trước cửa và đằng sau cánh cửa ấy là một Người Bạn luôn sẵn sàng cho chúng ta thứ bánh ta cần (Siciliano).

          Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 



[1] G. Kittel, VAbba/, GLNT, vol. I, col. 15-18; J. Jeremias, Abba. Studien zu neutestamentlichen Theologie und Zeitgeschichte (Gưttingen 1966) 15-67; W. Marchel, Abba, Père (Roma 1963, 1971).

[2] A. Pitta, Lettera ai Romani. Nuova versione, introduzione e commento (I Libri biblici – Nuovo Testamento 6; Figlie di San Paolo; Milano 2001) 298. 

[3] Cf. Jeremias, Abba, 58-67.

[4] Xem Bản dịch Kinh Thánh Tân Ước của Nhóm Phiên Dịch CGKPV 1995.

[5] Ở chủ-cách là autos.


Suy Niệm Lời Chúa Năm C