CHÚA NHẬT
17 THƯỜNG NIÊN C
St 18,20-32
; Cl 2,12-14 ; Lc 11,1-13
KINH LẠY
CHA - LỜI CẦU NGUYỆN PHONG PHÚ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 11,1-13
(1) Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia.
Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với
Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã
dạy môn đệ của ông”. (2) Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em
hãy nói”. “Lạy Cha, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha
mau đến. (3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. (4)
Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người
mắc lỗi với chúng con. Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
(5) Người còn nói với các ông : “Ai trong anh em có một người bạn, và
nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái
bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có
gì dọn cho anh ta ăn cả. (7) Mà người kia từ trong nhà lại đáp : “Xin
anh đừng quấy rầy tôi : Cửa đã đóng rồi. Các cháu lại ngủ cùng
giường với tôi. Tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. (8) Thầy nói
cho anh biết : Dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn,
thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể
diện”. (9) Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ
tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được,
ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một
người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ? (12)
Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bò cạp ? (13) Vậy nếu anh em là
những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành,
phương chi Cha trên trời. Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin
Người ?”
2. Ý CHÍNH :
Theo đề nghị của môn đệ, Đức Giêsu đã dạy các
ông Kinh Lạy Cha và 3 lời khuyên về sự cầu nguyện như sau : Một là
lời cầu nguyện phải vừa tâm tình lại vừa ngắn gọn phong phú. Hai là
phải kiên trì cầu xin. Ba là phải vững tâm và phó thác cho Chúa quan
phòng định liệu.
3. CHÚ THÍCH :
- C 1-2a : + Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở
nơi kia : Thánh Mat-thêu đặt
Kinh Lạy Cha trong khung cảnh Bài giảng trên núi” (x. Mt 6,5-15). Còn ở
đây thánh Luca không nói về thời gian và nơi chốn của Kinh Lạy Cha, mà
chỉ cho thấy có liên quan giữa gương cầu nguyện của Đức Giêsu với
việc Người dạy môn đệ cầu nguyện.
- C 2b-4 : + Lạy Cha : Lời xưng hô mở
đầu đơn giản hơn trong Tin mừng Mát-thêu. Khi gọi Thiên Chúa là Cha,
Đức Giêsu muốn dạy môn đệ khẩn cầu với Thiên Chúa như với một người
Cha rất gần gũi thân thương. + Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển
: Xin cho Danh Cha được nhìn nhận là thánh, vì Cha là Đấng
Thánh. Đây là lời ước nguyện cho hết mọi người được nhận biết và
tôn thờ Thiên Chúa. + Triều đại Cha mau đến : Triều đại
ám chỉ Hội thánh trần thế hữu hình. Ở đây xin cho Hội thánh được
lan truyền khắp nơi, cho Vương quốc của Thiên Chúa được mọi người đón
nhận.- Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy :
Xin Chúa ban thực phẩm cần dùng hằng ngày. Của ăn nuôi thể xác là
cơm ăn áo mặc và của nuôi linh hồn là Lời Chúa, Mình Thánh Chúa và
Thánh Ý Chúa (x Ga 6,34). + Xin tha tội cho chúng con : Luca
đổi chữ “lỗi” trong Mát-thêu (x. Mt 6,12) thành chữ “tội”. Hai từ
“tội, lỗi” tiếng Hy lạp còn có nghĩa là “nợ”. Tội là trở ngại lớn
nhất cho Triều Đại của Thiên Chúa cũng như cho sự chia sẻ yêu thương,
nên cần phải xin Cha tha tội. + Vì chính chúng con cũng tha cho
mọi người mắc lỗi với chúng con : Tha thứ cho người mắc lỗi
với mình là điều kiện để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi
cho mình (x Lc 23,34; Mt 6,14; Mc 11,25). + Xin đừng để chúng con sa
chước cám dỗ : Cám dỗ nguy hiểm nhất của ma quỷ là xúi
người ta chối bỏ đức tin. Do đó Đức Giêsu kêu gọi “Hãy cầu nguyện
kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40).
- C 5-8 : + Người còn nói với các ông: “Ai
trong anh em có một người bạn.” : Đức Giêsu dùng dụ ngôn về
người bạn quấy rầy để dạy môn đệ phải kiên nhẫn nài xin và đừng bao
giờ ngã lòng khi xin mà chưa nhận được. Kiên trì xin đi xin lại là
điều kiện để lời cầu của ta được Thiên Chúa chấp nhận. Thiên Chúa
sẽ không ban ơn để khỏi bị quấy rầy giống như người chủ nhà trong
bài dụ ngôn. Khi không ban ngay điều ta xin là Người để ta có dịp tỏ
ra kiên nhẫn tin tưởng cậy trông và phó thác hơn vào Người. + Vì
thể diện : Câu chuyện dụ ngôn xoay quanh ba nhân vật như sau: Nhân
dịp có một anh bạn A lỡ đường ghé lại trọ tại nhà của bạn mình
là B. Anh B liền chạy sang nhà anh C cũng là bạn để xin vay ba cái
bánh về nhà đãi khách. Anh C khi ấy đã vào giường ngủ rồi và rất
ngại phải ra khỏi giường lấy bánh cho bạn mình. Nhưng vì anh B cứ kêu
nài mãi nên cuối cùng anh C đành phải ra khỏi giường thỏa mãn tất
cả những gì anh B cần, với lý do: dù không phải do tình thân hữu
thúc đẩy thì cũng vì sợ sẽ bị mất thể diện, sợ bị mang tiếng là
ích kỷ vì đã từ chối giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn. Từ đó
Đức Giêsu muốn các môn đệ nhớ đến Thiên Chúa là Cha. Người sẽ ban
điều tốt lành và cần thiết là ơn thánh hóa của Thánh Thần, cho
những kẻ thành khẩn và kiên trì cầu xin Người.
- C 9-13 : + Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ
tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho... : Lời cầu
nguyện là điều kiện cần để được Chúa nhậm lời: Thiên Chúa sẽ ban ơn
cứu độ cho ai xin, ban đức tin cho những ai đi tìm, và sẵn sàng rộng
mở Nước Trời cho những ai kiên trì gõ cửa nhà Người. + Ai trong
anh em là một người cha mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà
cho nó ? : Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa sẽ chấp nhận lời cầu
nguyện của chúng ta, vì Người là Cha nhân hậu và hay thương xót hơn
các người cha thế gian bội phần. + Vậy nếu anh em là những kẻ
xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha
trên trời : Đức Giêsu so sánh giữa tình thương có giới hạn của
các bậc cha mẹ thế gian vốn gian ác, với tình thương vô biên của Thiên
Chúa là Cha thánh thiện và đầy từ tâm. + Người sẽ ban Thánh
Thần cho những kẻ xin Người : Ơn Thiên Chúa ban cho những kẻ kêu
xin Người là “Thánh Thần”, tương đương với “những của tốt lành” trong
Mát-thêu (Mt 7,11). Chính “Thánh Thần làm cho ta nên nghĩa tử, khiến
chúng ta được kêu lên “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15).
4. CÂU HỎI : 1) Dựa theo lời Đức Giêsu dạy trong
kinh Lạy Cha, bạn hãy cho biết : Cầu nguyện là gì ? Phải cầu nguyện
với ai và cầu khi nào ? Nên cầu xin những gì ? 2) Có được cầu xin ơn
với Đức Mẹ và các thánh không ? 3)Trong thực tế có nhiều người không
có đức tin chẳng cần cầu xin mà thi cử vẫn đậu, buôn bán vẫn thành
công, uống thuốc vẫn khỏi bệnh, gieo trồng đúng thời vụ vẫn bội thu...
Đang khi nhiều tín hữu siêng năng cầu khấn mà vẫn không đạt được kết
quả như ý. Như vậy phải chăng chẳng có Chúa Mẹ nào hết và cầu
nguyện chỉ là một sự mê tín và là điều vô ích ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm
thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).
2. CÂU CHUYỆN :
1) SỨC MẠNH CỦA LỜI
CẦU NGUYỆN :
Có một bác sĩ gốc công giáo, nhưng đã bỏ không
cầu nguyện và không đến nhà thờ dự lễ từ năm lên 10. Một hôm bệnh
viện của ông ta tiếp nhận một cô bé 8 tuổi mắc bệnh đau ruột thừa
cần phải được mổ cấp thời. Trước khi đưa em lên bàn mổ, viên bác sĩ
căn dặn em rằng : “Này em, bệnh em cần phải mổ. Bây giờ em sẽ phải
uống một liều thuốc mê để thiếp ngủ trong lúc tôi giải phẫu cho em”.
Em bé này từ nhỏ đã được bà mẹ có lòng đạo đức huấn luyện thói
quen cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Khi nghe bác sĩ nói sắp
phải đi ngủ, em liền xin bác sĩ cho phép và quì gối đọc kinh rồi
cuối cùng kết thúc bằng lời cầu nguyện như sau : “Xin Chúa chúc lành
cho chú bác sĩ và xin Chúa cho con được mau khỏi bệnh”. Vị bác sĩ
giải phẫu cho em thuật lại rằng : chiều hôm đó ông đã cầu nguyện
thật sốt sắng, một việc làm mà sau ba mươi năm trời lãng quên, đến
nay ông mới bắt đầu làm lại.
2) CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG TÍN THÁC CẬY TRÔNG :
Vào cuối thập niên 80, tại Rumani, một trận động đất lớn
đã xảy ra làm hơn 10 ngàn người chết. Ngay sau trận động đất, một người cha đã
chạy đến nhà trường tìm đứa con trai của mình.
Ngôi trường nhiều tầng đã sập đổ, nhưng người cha định hường lớp học của con và cố đào bới trong đống gạch vụn để tìm kiếm con. Những người cứu hộ và cảnh sát bảo ông hãy về nhà và
đừng đào bới nữa vì rất nguy hiểm. Nhưng ông không nghe và cứ tiếp tục đào bới.
Ông đào trong suốt 12 tiếng đồng hồ cũng chẳng thấy tăm
hơi con đâu. Ông vừa đào vừa nghĩ: "Mình đã hứa thì phải thực hiện, biết
đâu nó còn sống trong đống gạch này thì sao?"
Nghĩ thế rồi, ông lại tiếp tục đào, 24 tiếng rồi 48 tiếng
đồng hồ trôi qua... ông chợt nghe có tiếng
động. Ông gọi tên người con và ông nghe thấy có tiếng kêu rất nhỏ từ xa vọng lại : "Ba ơi ! ".
Nước mắt tuôn trào và ông hăng hái đào tiếp cho đến
tận lớp học của đứa con.
Thằng bé còn sống cùng với 20 đứa khác đang ngồi trong một góc phòng lớp học chưa
bị sập. Nó ôm chầm lấy cha và nói :
"Con đã bảo với các bạn của con rằng
: "Ba tôi đã hứa, dù thế nào ba cũng sẽ đến đón tôi. Các bạn cứ yên tâm đi, chắc chắn ba tôi sẽ đến".
Tiếng kêu gọi ba
của đứa con giống như lời kinh Lạy Cha : "Lạy Cha chúng con ở
trên trời".
3) VỮNG TIN VÀO TÌNH THƯƠNG CỦA CHA :
Giữa đêm khuya, một căn nhà bằng gỗ ở nơi hẻo lánh đột nhiên bốc
cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái ngủ ở tầng trệt đều mau chạy thoát ra ngoài và đành bất
lực đứng nhìn ngọn lửa đang bốc
cháy ngôi nhà. Rồi mọi người sực tỉnh nhớ ra vẫn còn một đứa con trai
út năm tuổi còn ngủ trên tầng gác.
Phải làm gì đây ? Không ai có thể vào nhà
được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé đã thò đầu ra và kêu thất thanh : “Ba ơi cứu
con”. Từ phía dưới, người cha nói với cậu : “Con hãy nhảy xuống đi”.
Nhưng làm sao cậu bé dám nhảy xuống theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa.
Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: “Làm
sao con dám nhảy xuống vì không nhìn thấy
ba”. Thế nhưng người cha đã trấn an : “Con không thấy ba nhưng ba thấy rõ con. Con cứ yên tâm nhảy
xuống đi”. Thế là với lòng tin
cậy phó thác, cậu nhảy từ trên gác xuống và đã nằm gọn trong cánh tay của cha.
3. SUY NIỆM:
1) Cầu nguyện là gì ? :
Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, như tổ phụ Ápraham trong bài đọc một hôm nay, hoặc như Đức Giêsu đã dành lúc sáng sớm tinh sương hoặc đêm khuya thanh vắng để đàm đạo với Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến. Cả đời sống của Đức Giêsu là một lời cầu nguyện liên lỉ. Khi làm bất cứ việc gì, hay trước khi quyết định điều gì quan trọng, Đức Giêsu đều cầu nguyện để tìm biết ý Chúa Cha và thi hành. Khi đựoc môn đệ yêu cầu, Đức Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, trong đó hàm chứa những tâm tình như sau:
2) Nội dung lời cầu
Chúa dạy trong kinh Lạy Cha :
- Qua lời thưa : “Lạy Cha”, Đức Giêsu dạy môn đệ phải
thưa chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như đứa con hiếu thảo tâm sự với người cha
thân yêu của mình.
- Nội dung lời cầu nguyện Chúa dạy bao gồm bốn tâm tình
chính yếu : Một là Chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa qua câu : ”xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển,
Triều đại Cha mau đến“ ( Lc 11,2 ). Hai là tâm tình ăn năn sám hối vì
những tội ta đã xúc phạm đến Chúa trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều
thiếu sót qua câu : ”Xin tha tội cho
chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với
chúng con“ ( Lc 11, 4). Ba là cảm tạ hồng ân Chúa đã thương ban, và bốn
là xin Chúa ban các ơn lành hồn xác qua câu : ”Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy“ ( Lc
11,3), và “xin đừng để chúng con sa
chước cám dỗ“ (Lc 11,4).
3) Cần cầu xin với
lòng cậy trông phó thác :
Sau khi dạy môn đệ kinh Lạy Cha, Đức Giêsu còn khuyên họ
phải kiên nhẫn cầu nguyện với lòng cậy trông và hòan tòan tín thác vào tình
thưong của Thiên Chúa là Cha.
-
Kiên nhẫn nài xin Chúa : như dụ ngôn hai người bạn mà người này giữa lúc đêm
khuya tìm đến nhà người kia yêu cầu được giúp đỡ. Lúc đầu bị chủ nhà từ chối với
lý do cả nhà đã ngủ. Nhưng cuối cùng chủ nhà cũng phải trỗi dậy lấy bánh cho
người kia để tránh khỏi bị quấy rầy.
-
Tín thác vào tình thương của Chúa : Có những điều chúng ta cầu xin mà xem ra đã không được
Chúa đáp ứng. Thực ra Chúa chưa ban là do chúng ta còn thiếu sự kiên trì và
thành tâm. Hoặc Chúa không ban không phải vì không muốn, nhưng có thể Ngài thấy
điều đó không có lợi thực sự cho ta. Bù lại, Ngài sẽ ban những ơn khác mang lại
hạnh phúc đời đời cho ta như lời Đức Giêsu : ” Ai trong anh em là một người
cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ?... Vậy nếu anh em là
những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên
trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” ( Lc 11,11.13).
4)
Áp dụng thực hành :
-Phải làm mọi việc với hết khả năng của mình : Thiên Chúa là Cha chung của mọi người lành kẻ dữ (x Mt 5,45b). Ngài muốn
mọi người cộng tác bằng việc tuân theo các quy luật tự nhiên do Ngài sáng
tạo là các luật tự nhiên như: Phải học hành chăm chỉ mới mong thi đậu, phải
uống thuốc đúng liều lượng theo toa bác sĩ mới hy vọng được khỏi
bệnh, phải gieo trồng đúng thời vụ và đúng kỹ thuật mới hy vọng đạt một mùa gặt
bội thu... Trừ ra trong vài trường hợp vì ích lợi thiêng liêng mới được
Ngài can thiệp để làm phép lạ mà thôi. Do đó chúng ta không được ỷ lại vào
tình thương và quyền năng của Chúa và lười biếng làm việc, chỉ biết cầu xin
Chúa ban theo ý riêng của mình.
-Phải vừa cầu
nguyện vừa vâng theo ý Chúa : Chúng ta vừa phải làm việc vừa phải cầu nguyện, và hãy phó thác kết quả
thành bại cho Chúa, noi gưong Đức Giêsu trước giờ chịu khổ nạn đã cầu xin
Chúa Cha : “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin
đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Trong kinh Lạy Cha, Đức
Giêsu cũng dạy môn đệ cầu nguyện theo ý Chúa Cha : “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng
như trên trời”. Chúng ta cần vâng theo ý Thiên Chúa vì chỉ Ngài mới biết
điều nào tốt nhất cho ta. Nhiều khi chúng ta xin được trúng số mà không
biết tiền bạc chính là rắn độc làm hại linh hồn của mình sau này. Nhiều khi
chúng ta cầu xin Chúa ban ơn lành mà trái lại chúng ta lại gặp tòan các tai
ương họan nạn… Nhưng thực ra các tai ương đó chính là thuốc đắng chữa lành thói
hư như người ta thường nói : “Thuốc đắng dã tật”. Đó cũng là phương cách Chúa
thường dùng để dạy chúng ta bỏ đường gian ác để đi theo con đường thánh thiện đẹp
lòng Chúa.
-Phải mở lòng đón
nhận Thánh Thần : Cần có đức tin
chúng ta mới hiểu rằng : khi thành tâm cầu nguyện là ta đã được Thiên
Chúa nhậm lời rồi. Nhưng Chúa thường ban ơn khác với điều ta nghĩ. Phải
sau một thời gian, chúng ta mới có thể nhận ra các biến cố kia đều là
hồng ân Thánh Thần, được Chúa thương ban để đem lại phần rỗi là hạnh phúc
đời đời cho chúng ta.
4. THẢO LUẬN : 1) Gặp một người đau khổ, bạn nên
khuyên giải họ dưới lăng kính đức tin như thế nào ? 2) Bạn nên phản ứng
thế nào khi cầu xin những điều chính đáng mà lâu ngày vẫn không được Chúa
ban như ý ?
5. NGUYỆN CẦU :
- LẠY CHÚA GIÊSU. Con xin thú thật là con ít
cầu nguyện. Con chưa cảm nghiệm được giá trị của lời cầu nguyện và thường
tỏ ra ngần ngại mỗi khi phải đến nhà thờ dự lễ đọc kinh.
- LẠY CHÚA. Xin cho con biết noi gương Chúa: luôn
sống hiếu thảo với Chúa Cha, năng dành thời gian thưa chuyện với Cha,
lắng nghe lời Cha trong Sách Thánh và sẵn sàng vâng theo thánh ý Cha,
tránh lợi dụng lòng khoan dung của Cha. Xin cho con luôn sẵn sàng cộng
tác cho Nước Cha mau đến. Con xin phó thác cậy trông vào lòng nhân hậu của
Cha luôn ban ơn lành hồn xác cho con, nhất là ban Thánh Thần để giúp
con đón nhận được hồng ân cứu độ và được hạnh phúc đời đời trong Nước
Cha.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ)
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM