LỜI KINH TUYỆT DIỆU CỦA MUÔN THẾ HỆ
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN, C
(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong cuộc sống, chúng
ta thấy có nhiều mối liên hệ được thiết lập. Nào là mối liên hệ anh em, bạn bè,
đồng nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái..., từ đó nảy sinh các mối tương quan
như: thỉnh nguyện, kêu cầu, đơn xin, nguyện vọng... Đó là các mối liên hệ tự
nhiên. Tuy nhiên, ngoài các mối liên hệ thông thường trên, nơi các tôn giáo và trong
đời sống tâm linh, chúng ta cũng có những mối liên hệ và tương quan với Đấng
Siêu Việt. Vì thế, với người tín hữu Kitô, chúng ta luôn cầu nguyện với Thiên
Chúa là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của mỗi tín hữu.
Với người Công Giáo,
tâm tình đó được khởi đi từ chính mẫu gương của Đức Giêsu khi Ngài thường cầu
nguyện với Thiên Chúa Cha. Không những thế, Ngài còn dạy cho các môn đệ của
mình cầu nguyện khi một người trong số họ lên tiếng ngỏ lời: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như
Gioan đã dạy môn đệ ông".
Khi được môn sinh bày
tỏ ước nguyện, Đức Giêsu đã hướng dẫn các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Qua kinh nguyện này, trước
tiên, Đức Giêsu đã giúp cho các môn đệ đi vào mối liên hệ thân tình Cha – con
với Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở
trên trời”. Đây chính là lời nguyện mà chính Đức Giêsu đã thường xuyên thưa
lên với Cha Ngài. Ngài cũng muốn cho các môn đệ có được tâm tình ấy như chính
Ngài với Thiên Chúa.
Đây là một hồng ân đặc biệt
mà chỉ nơi Kitô Giáo mới có. Từ đây, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và mỗi
người đều được trở thành nghĩa tử của Người.
Khi đã đi vào mối tương quan
Cha – con với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn dẫn các môn đệ đến thái độ tôn vinh
Thiên Chúa: “Xin làm cho danh thánh Cha
vinh hiển” và “Triều đại Cha mau đến”.
Thật ra, Danh Thiên Chúa mãi
mãi rạng ngời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Vì thế, không cần đến
lời tôn vinh của chúng ta thì những điều đó mới được hiện diện và tồn tại.
Không! Nhưng khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như thế, một lần nữa nói lên sự
kết hiệp sâu xa giữa ta với Thiên Chúa và từ đó nảy sinh ơn cứu chuộc nhờ được
thánh hóa trong Danh Cha.
Tiếp theo, Đức Giêsu hướng
các môn đệ đến những nhu cầu của chính mình. Những lời nguyện đó là: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực
hằng ngày”. Đây chính là nhu cầu thiết thực, gắn liền với đời sống thường nhật
của con người. Lời nguyện này muốn bày tỏ tâm tình phó thác nơi Thiên Chúa là
Đấng An Bài và Quan Phòng cho con cái của Người. Vì thế, đây là lời nguyện vừa
mang tính thiết thực, vừa mang tâm tình cậy trông.
Kế đến là lời nguyện xin tha
thứ: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con
cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con”.
Lời nguyện này nhắc cho người
môn đệ biết rằng: mang trong mình thân phận yếu đuối của kiếp người, nên không
ai là người không có những sai phạm với Chúa và với nhau. Vì thế, xin ơn tha
tội là điều không thể thiếu trong tâm tình cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng ta chỉ
có thể được Thiên Chúa thương xót và tha thứ khi chính ta cũng phải rộng lòng xót
thương và tha thứ cho anh chị em đã xúc phạm đến mình. Bởi vì: nếu chúng ta không
tha thứ cho nhau, thì Thiên Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta.
Cuối cùng, lời kinh hướng các
môn đệ ý thức sự giới hạn của bản thân, bởi lẽ, con người thường hướng chiều về
tội lỗi hơn là điều thiện. Hơn nữa, trước những bẫy cám dỗ đầy hấp dẫn và bắt
mắt, khiến con người chẳng khác gì con thiêu thân lao mình vào đống lửa. Trước
dịp tội và cám dỗ, người môn đệ cần phải có ơn Chúa trợ giúp thì mới có thể
chiến đấu và chiến thắng được ba thù.
Khi dạy các môn đệ xong, Đức
Giêsu đảm bảo cho những lời nguyện xin ấy nếu phát xuất từ sự chân thành, tin
tưởng, phó thác thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời, vì: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ
gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ
mở cho”.
Như vậy, có thể nói, không có
lời kinh nào ý nghĩa và giá trị cho bằng Kinh Lạy Cha, bởi vì kinh này do chính
Đức Giêsu dạy cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta. Vì thế, đây là lời kinh
tuyệt vời trên hết mọi lời kinh.
Trong đời sống đạo của
chúng ta ngày nay, nhiều người đã bỏ cầu nguyện, hay cầu nguyện chẳng khác gì
cái máy, hoặc cầu nguyện là trao phó mọi sự nơi Chúa theo kiểu đào nhiệm. Trong
khi đó, tâm hồn chúng ta không có tâm tình chi cả. Vì thế, không lạ gì khi thấy
nhiều người và có thể chính chúng ta, mỗi khi cầu nguyện là kể ra một dãy dài dằng
dặc những nhu cầu của bản thân mà không hề tôn thờ, tạ ơn cũng như hướng tha. Hay
nhiều khi chúng ta lại quá tập trung vào nhu cầu thể xác mà quên mất nhu cầu
tâm linh.
Lại có những lúc chúng
ta cầu nguyện theo kiểu mì ăn liền, tức là: mong sao Chúa phải là người đáp ứng
theo lời nguyện xin càng nhanh càng tốt.
Cầu nguyện như thế, vô
hình trung, chúng ta biến Thiên Chúa trở thành đối tượng chỉ để đáp ứng nhu cầu
của mình, mà không hề nghĩ đến chuyện kết hợp nên một với Người để trở nên giống
Người.
Một tâm tình phù hợp với
đức tin, ấy là: khi cầu nguyện, không có nghĩa chỉ là xin ơn và cũng chẳng có
nghĩa thuần túy là liệt kê những ước muốn, những kỳ vọng, những điều mà mình muốn
xin. Nhưng cầu nguyện trước hết là tâm tình tôn thờ, thống hối, tạ ơn rồi
mới đến xin ơn.
Tuy nhiên, cần phải
kiên trì trong lời cầu nguyện. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn: “Người bạn bị quấy rầy” và chưng ra hình
ảnh trai lỳ của người làm phiền trong đêm.
Cuối cùng, ông chủ khó
tính cỡ nào cũng phải mủi lòng và thi ân cho người bạn sỗ sàng này.
Nói thế, không có
nghĩa Thiên Chúa như ông chủ trong dụ ngôn, nhưng đây là hình ảnh biểu đạt một
vị Thiên Chúa luôn luôn xót thương con người. Thế nên, nếu ai kiên trì cầu xin
với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.
Để làm sáng tỏ ý nghĩa
này, thánh Augustinô đã giải thích: “Phải
kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng
thêm giá trị ơn Chúa sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì
không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không
mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn
lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay
không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu
thương của một người Cha đầy lòng nhân ái”.
Tắt một lời, kinh Lạy
Cha là một lời kinh tuyệt hảo. Chính lời kinh này đã liên kết chúng ta nên một
với Đức Giêsu và với nhau để dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm
tình Cha – con.
Cũng chính trong mối
liên hệ thân thương này, mà Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho những
ai thành tâm, tin tưởng, phó thác và chạy đến với Người.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con! Xin ban
cho chúng con biết năng chạy đến với Chúa như con thơ bên lòng mẹ hiền, để được
Chúa yêu thương, ban ơn và tha thứ cho những thiếu xót của chúng con. Amen.