TỈNH THỨC
Linh mục Giuse Nguyễn
Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT XIX, năm C
Lc 12, 32-48
Tỉnh
thức là điều Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ của Ngài và nhân loại. Tỉnh
thức để không bị kẻ trộm đào ngạch khoét vách. Tỉnh thức để chờ đợi giờ Chúa
đến. Tỉnh thức để không ngủ mê trong những đòi hỏi của Tin Mừng…
Chúa
Giêsu nói với nhân loại, nói với mỗi người chúng ta :” Anh em hãy thắt lưng cho
gọn, thắp đèn cho sẵn “. Nhưng tỉnh thức để làm gì ? Ở đây, Chúa mời gọi chúng
ta :” Tỉnh thức để chờ ngày ra trước mặt Chúa “. Bởi vì, Chúa gọi chúng ta một
cách đột ngột, bất ngờ. Chúa muốn chúng ta phải có tâm hồn thanh thản, trong
sáng :một tâm hồn luôn hướng về Chúa, một tâm hồn luôn tỏa sáng bằng những việc
bác ái. Người nào sống đẹp lòng Chúa, người ấy không tỉnh thức một cách lo âu,
sợ sệt, một cách bất an nhưng tỉnh thức trong vui tươi, thanh thoát. Tỉnh thức
như vậy là khôn ngoan. Đạo Công Giáo là đạo tình yêu. Xuyên suốt Tin Mừng của
Chúa là Tình Yêu. Do đó, Đạo Công Giáo không phải là Đạo ru ngủ con người,
nhưng luôn thức tỉnh con người, vì Đạo là đường để đi. Đi đường mà ngủ gật thì
dễ ngã xuống mương, xuống hố nhưng người đi đường luôn tỉnh thức để thấy phong
cảnh, cảnh vật xung quanh, để luôn nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với
những người khác.
“ Hãy
chóng vánh, luôn mau chóng thức tỉnh vì lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến “.Thiên Chúa đã sai Con
của Ngài là Đức Giêsu xuống trần gian hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc cho
con người. Ngài đã chuẩn bị cho con người, cho chúng ta một gia sản lớn lao,
một kho tàng quí giá đó là Nước Trời. Nên, Ngài khuyên bảo chúng ta :” Hãy thắt
lưng, hãy thắp đèn cháy sáng, nghĩa là hãy tuân giữ luật Chúa, hãy thắp sáng
đức tin để đức tin hướng dẫn mọi hành động của mình. Được hay hư đi là do thái
độ, cung cách sống của chúng ta.
Nước
Trời đang đến với chúng ta trong từng phút giây, do đó, chúng ta phải tỉnh táo
để nhận ra những dấu chỉ của Nước Trời, để nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước
cửa mà gõ…Chúng ta phải tỉnh táo vì “ không biết canh hai hoặc canh ba “ Con
Người sẽ đến.
Cũng
qua đoạn Tin Mừng này, Chúa dạy chúng ta về quyền bính. Chúa đến để phục vụ chứ
không phải để được hầu hạ. Chính vì thế, các tông đồ tranh cãi nhau về việc ai
sẽ làm lớn làm bé trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Ngài đã cho các tông đồ thấy
Nước của Ngài khác với Thế gian. Thế gian ai có quyền thì lãnh đạo người khác
bằng quyền bính, Nước Chúa hoàn toàn khác :” Ai làm lớn là người phục vụ “.
Phục vụ là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Chúa
mời gọi con người và chúng ta tỉnh thức. Tỉnh thức đích thực cũng là phục vụ,
hầu hạ theo gương Chúa Giêsu. Chúng ta càng phục vụ, càng nhận ra Nước Thiên
Chúa đang gần gũi với chúng ta, càng hầu hạ chúng ta càng nên giống Chúa trong
cung cách lãnh đạo, và điều khiển. Người
Kitô hữu sống bác ái, sống yêu thương “ cho thì có phúc hơn là nhận “. Gương
của thán Saviô đang chơi vẫn cứ chơi dù biết rằng Chúa sẽ đến 15 nữa. Bởi vì,
Saviô luôn hướng về Chúa, nên lúc nào Saviô cũng đẹp lòng Chúa cả.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải tỉnh thức vì giờ nào Chúa đến chúng con
không biết, không lường trước, không ngờ. Xin Chúa giúp chúng con biết tỉnh
thức, canh phòng gìn giữ hồn xác chúng con sạch tội, mọi tính hư tật xấu, để
chỉ biết siêng năng giữ và sống Lời Chúa và hăng say làm việc bác ái, hy sinh,
phục vụ Chúa và phục vụ đồng loại để bất kỳ lúc nào Chúa đến chúng con cũng mau
mắn đón Chúa như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đền mà lại đem theo dầu. Amen.
GỢI Ý
ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại
sao Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức ?
2.Thường
Chúa đến với chúng ta cách nào ?
3.Tỉnh
thức theo ý Chúa nghĩa là sao ?
4.Tại
sao lại phải sống đạo đức, thánh thiện ?
5.Tình
yêu phục vụ là gì ?