TỈNH THỨc
đỂ sẴn sàng đón Chúa
(Lc 12,32-48 – CN XIX TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Cuộc hành trình lên Giêrusalem đang
tiếp diễn. Đến Lc 12,22, Đức Giêsu
lại ngỏ lời với các môn đệ trong đám đông. Đề tài của những lời Người nói nhắm
đến các của cải trần thế (12,22-32). Có thể nói phân đoạn 12,22-32 là bài bình
luận Dụ ngôn Ông phú hộ. Bản văn Phụng vụ đọc hôm nay giữ lại c. 32: ta thấy
Đức Giêsu gọi các “môn đệ” là “đoàn
chiên nhỏ bé” và trấn an họ. Điều này hé cho thấy ý thức của cộng đoàn Kitô hữu
tiên khởi về bản thân qua cuộc đấu tranh để được nhìn nhận, để sống hiệp nhất
với nhau.
Lời
khuyến khích ngỏ với các môn đệ lại được tiếp nối bằng một lời khuyên
triệt để về cách sử dụng của cải trần thế hầu có được một kho báu trên trời
(12,33-34).
Sau
đó, trong bản văn Lc, Đức Giêsu thay
đổi đề tài. Từ mối quan tâm đến các của cải trần thế, Người chuyển sang đề tài
sự tỉnh thức và trung thành (12,35-46). Sự tỉnh thức và trung thành liên hệ với
kho báu trên trời và ý nghĩa của cuộc sống ở chỗ chính những thái độ này giúp
đạt tới kho báu ấy. Để nêu bật đề tài sự tín nhiệm và trung thành, Đức Giêsu
lại nói đến biện pháp được đề ra để xử những tôi tớ không chu toàn nhiệm
vụ.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1)
Lời khuyến khích của Đức Giêsu về cách sử dụng của cải (12,32-34);
2)
Những dụ ngôn của Đức Giêsu về tỉnh thức và trung thành (12,35-48):
a) Dụ
ngôn 1 (cc. 35-38),
c) Dụ
ngôn 2 (cc. 39-40),
d) Dụ
ngôn 3 (cc. 41-48).
3.- Vài điểm chú giải
-
đoàn chiên nhỏ bé (32): Hình ảnh này có thể là một gợi ý tới Is 41,14 LXX. Ở c. 32, có một sự
đối lập giữa cộng đoàn nhỏ bé gồm các môn đệ Đức Giêsu và ân huệ lớn
nhất Thiên Chúa hứa ban cho họ (“Nước của Người”).
- Hãy
bán tài sản của mình đi (33): Xem Lc 18,22; Mt 19,21. Lý do
của hành vi này được diễn tả ở 12,21, hầu trở nên “giàu có trước mặt Thiên
Chúa”.
- bố
thí (33): Xem Lc 11,41; Tb 4,7-11; Hc 35,2.
- một
kho tàng không thể hao hụt ở trên trời (33): Xem Lc 16,9c; 18,22e.
- Vì
kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó
(34): Câu này có nghĩa là: Nếu anh em đặt kho tàng của anh em trên trời, thì
lòng (trái tim) của anh em cũng sẽ hướng về những sự trên trời.
- Anh
em hãy thắt lưng cho gọn (35): Lời huấn thị này có thể gợi tới
lệnh được ban cho con cái Israel khi cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên (Xh 12,11.22-23). Nhưng sau này, ở trong
Cựu Ước, công thức trở thành một lời huấn dụ quen thuộc về sự sẵn sàng
hoặc về việc phục vụ (x. 1 V 18,46; 2 V 4,29; 9,1; G 38,3; 40,7).
-
thắp đèn cho sẵn (35): Xem Lc 8,16;
11,33. Hình ảnh các đèn cháy sáng nói lên sự tỉnh thức.
-
canh hai hoặc canh ba (38): Đây là cách chia thời gian của đêm
(từ 6g chiều đến 6g sáng) theo người Rôma: thành bốn khoảng (“canh”, phylakai)
đều nhau (6-9g, 9-12g, 12-3g, 3-6g); mà cũng có thể là cách chia của người Hy Lạp
và Do Thái: thành ba canh (6-10, 10-2, 2-6). Theo Cv, tác giả Lc dường như
xác định bốn canh (Cv 12,4).
-
khoét vách nhà mình (39): Các vách nhà Paléttina được trét đất, nên trộm có thể
khoét thủng.
- ông
sẽ loại hắn ra (46): dịch sát là “ông sẽ xẻ đôi hắn ra” (dichotomeô,
“xẻ đôi, cắt đôi; trừng phạt dữ tợn”). Có lẽ sự trừng phạt này liên hệ đến hai
đòi hỏi nơi người quản lý, “trung tín và khôn ngoan”.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Lời
khuyến khích của Đức Giêsu về cách sử dụng của cải (12,32-34)
Đức
Giêsu gọi các “môn đệ” là “đoàn chiên nhỏ bé”. Điều này hé cho thấy ý thức của
cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi về bản thân qua cuộc đấu tranh để được nhìn nhận,
để sống liên kết và hiệp nhất. Đức Giêsu trấn an họ: “Đừng sợ!”, cho dù họ chỉ
là một nhóm bé nhỏ. Điều này khiến độc giả nhớ lại những đoạn tóm rất lý
tưởng về đời sống của cộng đoàn tiên khởi trong sách Cv (2,42-47; 4,32-35).
Sau đó, Đức Giêsu nêu ra một cách
sử dụng triệt để các của cải vật chất. Các môn đệ phải “bán” chúng đi và cho đi
như “của bố thí”. Chỉ bằng cách đó, họ mới sắm được cho mình “những túi tiền”
không hề cũ rách và tích lũy được “một kho tàng” không thể hao hụt ở trên trời.
Đức Giêsu sẽ trở lại với đề tài này ở 16,13.
Trong bài Lc 12,13-21, chúng ta đọc truyện Nhà phú hộ. Ông này phạm hai sai
lầm: ông đã không làm giàu cho mình “trước mắt Thiên Chúa” và ông để cho cái
chết bắt chợt ông. Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ cách trở nên giàu có
trước mắt Thiên Chúa: chia sẻ những gì mình có với những người kém may mắn hơn.
Còn để tránh bị cái chết bắt chợt, Người kể ba câu truyện (cc. 35-38; cc.
39-40; cc. 41-48).
*
Những dụ ngôn của Đức Giêsu về tỉnh thức và trung thành (35-48)
Sự ẩn
mình và vẻ bề ngoài vắng mặt hoàn toàn của Thiên Chúa luôn luôn là một gánh
nặng và một thử thách cho các tín hữu. Thiên Chúa có vẻ xa vời và yếu
đuối. Từ đó, chúng ta sống buông thả, vô trách nhiệm. Với các dụ ngôn sau đây,
Đức Giêsu gây ý thức cho các môn đệ về những mối nguy đang rình rập họ, và cho
thấy là Người vẫn đang có đó, Người biết và Người sẽ ban thưởng.
Yếu
tố chung của các dụ ngôn là sự vắng mặt của ông chủ. Các bản văn này dạy các
tôi tớ biết phải làm gì khi ông chủ đi vắng. Bổn phận dầu tiên của họ là tỉnh
thức và sẵn sàng. Theo phong tục thời ấy, ai đã tháo dây lưng và cởi áo khoác,
là ngưng làm việc để đi nghỉ. Còn ai thắt áo khoác bằng dây lưng thì sẵn sàng
làm việc hoặc sẵn sàng lên đường. Với ngọn đèn cháy sáng, người ta có thể làm
một công việc đột xuất ngay ban đêm. Như thế, người ta được yêu cầu là
phải sẵn sàng mọi giờ. Đoạn văn kế tiếp so sánh chuyện Chúa đến cũng đột xuất
và bất ngờ như là việc trộm đến; nghĩa là không có lúc nào mà ta không phải sẵn
sàng tính sổ với Người.
Các
dụ ngôn đặc biệt cho thấy rằng giữa người đi vắng và những người có mặt có một
tương quan bậc trên – lệ thuộc. Những người hiện diện không phải là những
chủ nhân tự do của chính mình. Họ phải điều chỉnh cách sống và cư xử theo ý của
ông chủ. Để cho quan hệ giữa ông chủ và các tôi tớ không bị buông lỏng, các dụ
ngôn yêu cầu phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, tức là luôn ra sức quy hướng về
Chúa. Cho dù Người có xa cách theo tầm nhìn, Người vẫn phải luôn ở trong tim
các tôi tớ.
Bản
văn lại cho thấy phản ứng lạ lùng của ông chủ khi trở về mà thấy các tôi tớ
sống như vậy. Ông sẽ thế chỗ họ. Ông đảm nhận nhiệm vụ tôi tớ và xử với họ như
với các ông chủ: cho họ ngồi vào bàn ăn và phục vụ họ. Cách xử sự của ông chủ
khiến các môn đệ Đức Giêsu hiểu rằng ông chủ đánh giá cao cách sống của họ, ông
thật sự vui mừng và ông diễn tả ra lòng biết ơn đối với họ. Dĩ nhiên ông vẫn là
ông chủ – nhưng chính vì thế, việc phục dịch của ông mới đáng kể – và họ vẫn là
các tôi tớ – nhưng chính vì thế, vinh dự ông chủ ban cho họ thật là to lớn.
Nhưng ta thấy rằng tương quan chủ–nô này không có gì là bất nhân và phi ngã cả.
Ông chủ ước mong các tôi tớ của ông liên kết bền vững với ông theo cách riêng
tư và thân tình và ông biết đánh giá cách sống này theo cách rất riêng tư. Các
tôi tớ phải luôn mang ông chủ vắng mặt trong tim và phải để cho ý muốn của ông
luôn hướng dẫn mình. Nhưng họ cũng có thể tin chắc rằng ông chủ cũng dành trái
tim cho họ.
Tất
cả các tôi tớ đều phải tỉnh thức khi ông chủ trở về. Nhưng sau câu hỏi của
Phêrô, ta thấy có những tôi tớ có một trách nhiệm đặc biệt. Ông chủ đã
giao cho những người này một nhiệm vụ điều hành và lãnh đạo các tôi tớ
khác. Điều này hàm chứa một nguy cơ đặc biệt và do đó, họ có trách nhiệm
đặc biệt. Họ chỉ là những người quản lý, chứ không phải là những lãnh đạo theo
đúng lý. Họ phải trung thành làm theo những bố trí của ông chủ và phải tỏ ra
bén nhạy. Họ phải coi sóc và phục vụ các tôi tớ khác. Họ không được tìm cách
thoát ra khỏi dây liên kết với ông chủ vắng mặt, nhưng phải sống dây liên kết
này một cách đặc biệt mạnh mẽ. Nếu họ lạm dụng địa vị và cư xử với các
bạn cách độc tài, họ sẽ bị trừng phạt đặc biệt (“xẻ đôi”); còn nếu họ tỏ ra
trung tín, ông chủ sẽ bày tỏ lòng biết ơn và sự tín nhiệm của ông đối với họ.
+ Kết
luận
Chính vì Chúa Cha đã sẵn sàng ban sự
sống đời đời (Nước Ngài) cho chúng ta, chúng ta phải biết cách sống theo chiều
hướng đó. Vì thế Đức Giêsu dạy chúng ta vừa phải biết sử dụng của cải vừa phải
biết điều hành cuộc sống của chúng ta theo chiều hướng đó. Đức Giêsu chính là
Đấng đến bày tỏ cho chúng ta biết ý muốn đó của Thiên Chúa và giúp chúng ta thi
hành. Rồi ngày nào đó, Người sẽ thay mặt Thiên Chúa đến kiểm chứng về cách sống
của chúng ta. Đến đây chúng ta phải ghi khắc rằng không thể nào phủ nhận dây
liên kết với Đức Giêsu và sự trung thành phải có đối với nhiệm vụ Người đã giao
phó. Các đòi hỏi trong các dụ ngôn thật ra không phải là những mệnh lệnh độc
đoán. Chúng cho thấy những điều dứt khoát phải làm, phải sống, để chuẩn bị đón
Chúa đến và sống với Người, để đi vào hiệp thông trọn vẹn với Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Mãi mãi Giáo Hội của Đức Kitô là một “đoàn chiên bé nhỏ”. Do đó, Giáo
Hội phải luôn tin tưởng vào Vị Mục Tử của mình là Đức Kitô cũng như vào Chúa
Cha. Sự tin tưởng đó phải được diễn tả ra bằng việc kiên trì sử dụng của cải
vật chất mà tậu cho mình kho tàng đích thực trên trời.
2.
Những con người, những tương quan, những sức mạnh thiên nhiên, các bệnh tật,
các biến cố trong lịch sử… can thiệp dứt khoát vào cuộc sống của chúng ta và
tìm cách chế ngự chúng ta. Đứng trước những sức mạnh và thế lực mà chúng ta cảm
nhận rất rõ ấy, Thiên Chúa dường như ở xa và lại yếu đuối nữa. Chúng ta dám có
thể cảm thấy mệt mỏi; dây liên kết chúng ta với Ngài ngày càng nên mong manh
hơn, ngày càng ít ảnh hưởng trên đời sống chúng ta hơn. Chúng ta rất có thể để
sang một bên nhiệm vụ mà Ngài đã giao phó cho ta và xử sự vô trách nhiệm
theo tính ngẫu hứng. Hôm nay, Đức Giêsu lưu ý về những mối nguy ấy và cho biết
Người sẽ ban gì cho những ai tỉnh thức và trung thành.
3.
Tục ngữ có câu: “Xa mặt, cách lòng”. Chúng ta luôn cần có sự hiện diện của
người khác, cần liên tục gặp gỡ người khác, để có một tương quan bền
chặt và sống động với người ấy. Để sống trong tương quan mật thiết với Chúa
Giêsu, chúng ta phải luôn hướng về Người bằng sự tỉnh thức và sẵn sàng. Cuộc
sống của chúng ta phải luôn là một nỗ lực quy hướng về Người. Người có
“xa mặt”, nhưng Người vẫn ở với “lòng” chúng ta; trái tim chúng ta phải “đầy”
Người.
4.
Hôm nay, bằng nhiều cách, Chúa Giêsu vẫn hiện diện: trong bánh và rượu là Mình
và Máu Người; trong Lời Người; trong những người túng quẫn (x. Mt 25,31-46); trong mọi con người mà
Người đã nắn đúc nên theo hình ảnh Người, mà càng ngày họ càng nên như thế do
gặp gỡ sống động với Người. Chúng ta có thể và phải sống gắn bó mật thiết với
Người. Khi đó, chúng ta đang tỉnh thức và sẵn sàng.
5.
Chúa Giêsu không bắt chúng ta gắn bó với Người như những tên nô lệ, dù tư cách
chúng ta đúng là như thế. Sự gắn bó với Người sẽ đưa tới niềm vui và hạnh phúc
Người ban cho sau này. Người muốn chúng ta sống theo ý Người chỉ là để ban cho
chúng ta tất cả.
6.
Các thủ lãnh của cộng đoàn cũng được mời gọi suy nghĩ về cách mình đang chu
toàn trách nhiệm. Các ngài phải “trung tín và khôn ngoan” trong khi thi hành
bổn phận: Chúa Giêsu đã đặt các ngài lên coi sóc những người ở dưới quyền của
Chúa để phục vụ họ. Đây là một trách nhiệm nặng nề vì đòi hỏi luôn luôn
đúng giờ và trung tín; nếu họ lạm quyền, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chúng ta
cầu nguyện nhiều cho các ngài.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm