CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG

Sử dụng của cải cho đúng ý nghĩa

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 12:32-48)

          Thực ra chúng ta khó có thể tách rời bài Tin Mừng hôm nay với bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, bởi vì nó quảng diễn nguyên lý đã được Chúa Giê-su khẳng định sau dụ ngôn nhà phú hộ:  Hãy sử dụng của cải đời này để làm giàu trước mặt Thiên Chúa.  Vậy phải làm gì để làm giàu trước mặt Thiên Chúa?  Để trả lời, chúng ta cần trở lại với ý nghĩa của cải đời này chỉ như là phương tiện giúp chúng ta đạt tới “mức độ sung mãn” trong Đức Ki-tô.  Khi chúng ta cố gắng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời, tức là tiến tới mức độ sung mãn, là chúng ta đang “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.

          Giống như chiếc xe đưa chúng ta tới điểm hẹn, việc sử dụng của cải là phương tiện giúp chúng ta tới cùng đích cuộc đời trần thế.  Ngay đầu bài Tin Mừng, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy rõ ràng đâu là đích tới.  Người nói:  “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”.  Nhà phú hộ trong dụ ngôn không muốn nhìn nhận Nước Thiên Chúa là đích tới, vì đích tới của ông ta là chính bản thân ông với “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”.  Còn Chúa Giê-su, Người chỉ cho chúng ta thấy Nước Thiên Chúa mới là đích tới và là “kho tàng đích thực”.  Người mời gọi chúng ta đáp lòng tốt của Cha Người, vì Cha Người “đã vui lòng” ban Nước của Người.  Thử hỏi chúng ta là ai mà lại được Chúa Cha “vui lòng” ban cho kho tàng không hề bị mối mọt đục phá hay bị kẻ trộm lấy mất?  Chẳng phải vì Người quá yêu thương chúng ta là con cái Người sao?  Lại nữa, khi ban cho chúng ta kho tàng ấy, Người không để chúng ta phải đến gõ cửa, nhưng chính Người sẽ tới và gõ cửa chúng ta.  Do đó, Người chỉ đòi hỏi chúng ta có thái độ thích hợp là hãy tỉnh thức sẵn sàng, sẵn sàng mở cửa cho Người khi Người đến đón chúng ta vào Nước Người.

          Thái độ sẵn sàng được diễn tả bằng hai hành vi cụ thể:  bố thítỉnh thức.  Trước hết, bố thí không phải là thẩy đi những gì mình dư thừa hoặc không dùng nữa.  Nhưng muốn bố thí thì phải “bán tài sản của mình đi”.  Bố thí không chỉ có nghĩa tiêu cực là cho đi, mà còn là tích cực giúp đỡ phục vụ.  Hay nói theo ngôn từ của Chúa Giê-su, bố thí là thay thế tài sản của mình bằng cách bán nó đi để “sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời”, nói nôm na là bán thế gian để mua lấy thiên đàng!  Khi tôi nghèo đi vì dùng của cải để giúp đỡ và phục vụ tha nhân là tôi được thêm giàu có trước mặt Chúa.  Song song với bố thí là hành vi tỉnh thức.  Chúa Giê-su mô tả sự tỉnh thức giống như việc người đầy tớ đợi ông chủ trở về nhà bất ngờ để mở cửa cho ông.  Chúa đến vào giờ chết của chúng ta để ban Nước của Cha Người cho chúng ta.  Cũng như người đầy tớ đợi chủ, chúng ta phải “thắt lưng cho gọn” để khỏi bị vướng mắc vào bất cứ điều gì khác, và thắp đèn cho sẵn để xua đuổi bóng tối của tội lỗi còn ẩn trong tâm hồn chúng ta.  Để nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến cái “không ngờ” của thần chết.  Chúng ta đã gặp quá nhiều cái chết không ngờ trong cuộc đời rồi.  Nhưng làm sao sẵn sàng để đón nhận cái không ngờ này thì vẫn còn là một bài học khó thuộc đối với nhiều người!  Trong ta vẫn hiện diện nhà phú hộ đang mời mọc chúng ta đừng quan tâm tới cái không ngờ, nhưng cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã.  Ông ta muốn làm chúng ta quên mất rằng “hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.  Cho nên ta phải tỉnh thức trước lời mời đường mật ấy.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Như người chủ biết rõ khả năng của các đầy tớ, Chúa biết rõ chúng ta khi Người giao phó cho chúng ta của cải đời này và những tài năng, để chúng ta sử dụng chúng mà trở nên “giàu có trước mặt Chúa” và đón nhận Nước Thiên Chúa.  Nhưng nhìn lại chính mình, chúng ta thường chỉ thấy những phương diện tiêu cực, những thiếu sót bổn phận, nhất là việc sử dụng không đúng của cải tiền bạc đời này.  Cái nhìn ấy làm chúng ta nhiều khi sợ hãi.  Nhưng Chúa Giê-su khích lệ chúng ta:  “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em!”.  Vâng, lạy Chúa, nhất định chúng con không sợ! 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Khải Huyền 22:20).

 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Suy Niệm Lời Chúa Năm C