sỨ mẠng cỦa
ĐỨc Giêsu
(Luca 12,49-53 – CN XX TN - C)
1.-
Ngữ cảnh
Những lời Đức Giêsu
nói về tôi tớ và chủ đã chấm dứt tại Lc
12,48 trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem; nay Đức Giêsu chuyển
sang những đề tài khác. Đề tài đầu tiên là một loạt những lời bình luận
về sứ vụ của chính Người (12,49-53). Trong những câu trước (cc.
36.40.43.45-46), tác giả đã nhắc tới việc một ông chủ (kyrios),
một tên trộm, và Con Người, “đến”. Rất có thể những điểm này đã gợi cho
ngài thêm các lời bình về việc chính Đức Giêsu đến (cc. 49.51).
2.-
Bố cục
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1)
Nguyện vọng sâu xa của Đức Giêsu (12,49-50);
2)
Hậu quả sứ mạng Đức Giêsu gây ra (12,51-53).
3.-
Vài điểm chú giải
- ném
lửa vào mặt đất (49): Trong Cựu Ước, lửa đôi khi được dùng với ý nghĩa là một
phương tiện để thanh luyện (Lv
13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc
tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Các nhà chú giải gán cho “lửa”
trong Lc 12,49 nhiều nghĩa: Chúa
Thánh Thần (Thánh Grêgôriô Cả, thánh Ambrôsiô, thánh Xyrillô Alêxandria; thánh
Giêrônimô); các thử thách đang chờ các môn đệ (Maldonat); công trình thanh
luyện và canh tân của Đức Giêsu ở trần gian (Knabenbauer; BJ).
-
Thầy còn một phép rửa phải chịu (50): Phép rửa ở đây có nghĩa
ẩn dụ: bị tràn ngập bởi tai ương. Đức Giêsu khẳng định rằng ước muốn Người vừa
diễn tả phải lệ thuộc một điều kiện: trước hết Con Người phải lên
Giêrusalem và trải qua cuộc Thương Khó.
-
lòng Thầy khắc khoải biết bao (50): Nghĩ đến viễn tượng
Thương Khó, tâm hồn Người khắc khoải” (synechomai). Ta có thể hiểu nỗi
“khắc khoải” này như là cảm nhận tại vườn Ghếtsêmani, hoặc như một nỗi
ước ao mãnh liệt là sứ mạng cứu thế của Người đạt tới mức hoàn tất (TOB).
- hoà
bình (51): TM Lc
thường nêu lên rằng hoà bình / bình an là ân huệ tiêu biểu nhất của thời thiên
sai (2,14.29; 7,50; 8,48; 10,5-6; 11,21; 19,38-42; 24,36). Kiểu nói nghịch lý
của Đức Giêsu ở đây cho hiểu hòa bình này không phải là thứ hòa bình trần thế
dễ đạt được như các ngôn sứ giả vẫn giới thiệu (Gr 6,14; 8,11; Ed
13,10.16).
- cha
chống lại con trai (53): Rất có thể Mk
7,6 là bối cảnh của câu này.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
*
Nguyện vọng sâu xa của Đức Giêsu (49-50)
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu có nói một
câu vẫn còn gây thắc mắc: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy
những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. “Lửa” Đức Giêsu mang đến mà ném vào mặt đất là gì? Và tại sao Người
lại mong ước cho lửa đó bùng lên?
Có
những người cho rằng đây là một thứ lửa đã được đốt lên, nên dịch là: “Thầy đã
đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy còn ước mong gì nữa, nếu lửa ấy đã bùng lên
rồi” (Bản dịch Anh giáo; Crampon; Joüon; NTT…); đây là y như thể Đức Giêsu
chẳng còn gì mà mong ước, nên chỉ còn việc chờ đợi chịu Thương Khó (c. 50) hầu
hoàn tất sứ mạng. Bản Nova Vulgata
dịch theo hướng này: “Ignem veni mittere in terram et quid volo? Si iam
accensus esset!” Nhưng đa số các tác giả nghĩ rằng Đức Giêsu diễn tả một nguyện
ước, nên đã dịch: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải
chi lửa ấy đã bùng lên”. Bản Vulgata cũ
dịch theo nghĩa này là: “Ignem veni mittere in terram et quid volo nisi ut
accendatur?”; đây cũng là cách dịch của Segond, Zorell, Lagrange, BJ, TOB,
CGKPV…
Trong
Cựu Ước, “lửa” đôi khi được dùng với ý nghĩa là một phương tiện để thanh
luyện (Lv 13,52; Ds 31,23), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và
để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy
từ ngữ “lửa” của Lc 12,49 có nghĩa
nào? Có tác giả cho rằng lửa này quy về Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,3): Đức Giêsu hiện đang mang Chúa
Thánh Thần và ước mong là tất cả mọi người được đầy Thánh Thần (thánh Grêgôriô
Cả, thánh Ambrôsiô, thánh Xyrillô Alêxandria, thánh Giêrônimô). Nhưng lửa này
cũng được giải thích là quy chiếu về phán xét (x. 3,17): Đức Giêsu đưa lại sự
chia cắt giữa người tốt và kẻ xấu và muốn rằng sự chia cắt này xảy ra trọn vẹn
(Knabenbauer; BJ).
Dù có
chọn nghĩa nào, “lửa” cũng cần được liên kết với Lc 3,16, là câu trả lời của Gioan: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh
em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai
dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. Qua câu này, ta nhận thấy “lửa” có
nghĩa tượng trưng. Thật ra dựa theo ngữ pháp (hai danh từ nối với nhau bằng
liên từ “và”), chúng ta đã có thể giải thích rằng “Thánh Thần và lửa” có nghĩa
là “Thánh Thần là lửa”, và từ đó có thể đi đến những nghĩa khác như là hệ quả,
chẳng hạn “sự thanh luyện”, hay là “sự biện phân”, “sự xét xử” như là những tác
động của Thánh Thần. Tuy nhiên, nối tiếp câu này là c. 17 cũng có “lửa”: “Tay
Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép
thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt
đi”. “Lửa” này chắc chắn không có nghĩa như “lửa” trong c. 16.
Muốn
tìm ra nghĩa chính xác của “lửa”, nên tìm hiểu xem Đức Giêsu đến để làm gì?
Người muốn đạt được điều gì nhờ hoạt động của Người? Chẳng lẽ Người không muốn
mang bình an đến, kêu gọi loài người thông cảm nhau hơn, đối xử nhân hậu và từ
bi với nhau hơn? Chính Đức Giêsu đã diễn tả rõ ràng về mục tiêu sứ mạng của
Người và những hậu quả phát sinh từ đó: Người đến ném lửa vào mặt đất; có một
phép rửa Người phải chịu; Người đến để gây chia rẽ. Thật ra những lời lẽ
này không mô tả hết ý nghĩa của sứ mạng của Đức Giêsu. Nhưng các phương diện
thuộc sứ mạng của Người được nhắc đến ở đây cần được cứu xét.
Nói
đến việc “Người đến”, chúng ta nhớ đến những lời khác: “Tôi không đến để kêu
gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). “Con Người đến để tìm và cứu
những gì đã mất” (19,10). Một yếu tố cốt yếu của sứ mạng Người là nhân ái đối
với những kẻ tội lỗi, nỗ lực đưa họ về lại với Thiên Chúa. Đức Giêsu đầy lòng
tốt lành và từ bi thương xót (x. 7,36-50). Nhưng Người không hề nhắm biện minh
cho mọi sự, triệt tiêu sự phân biệt giữa tốt và xấu, làm cho mọi sự hòa hợp với
nhau. Mục tiêu của Người không phải là sự yên tĩnh và bình an của một thỏa
hiệp chung. Người đã đến ném “lửa” vào trần gian. Đó là ý muốn thâm sâu của
Người: trái đất được bao trùm trong “lửa” ấy và bốc cháy. Ghi nhận rõ ràng
những đường nét của câu nói của Đức Giêsu, ta thấy các cách giải thích trên về
“lửa” dường như quá gò ép.
Có
thể nói Đức Giêsu gán cho toàn thể hoạt
động của Người đặc tính của “lửa”. Người đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống
thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Người
cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm
những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Người bao
trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp người ta, nắm bắt người ta một cách
thâm sâu. Điều mà Người làm không chỉ là một đóng góp trung lập, không
hứng thú. Theo cách làm của Người, không có chỗ cho sự dửng dưng và chán chường,
không có bức tường vô phương xuyên thấu đẩy bật mọi sự trở lại, không có một
tấm bạt tráng dầu trên đó mọi sự trôi tuột đi. Hành động của Đức Giêsu có
đặc tính của “lửa”: nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm và xa cách; nó muốn
đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.
* Hậu
quả sứ mạng Đức Giêsu gây ra (51-53)
Trong
cuộc gặp gỡ này, ai đón tiếp Đức Giêsu và sứ điệp của Người thì được đầy Chúa
Thánh Thần. Ngược lại, đối với ai từ khước Đức Giêsu, thì cuộc gặp gỡ này lại
trở thành một cuộc phán xét nhờ trung gian Đức Giêsu, sự đối lập đã bùng
cháy và các tâm trí đang được phân rẽ (x. Lc
2,34t). Trong cuộc gặp gỡ với Người, sự phân rẽ này đã được thực hiện và từ đó
phát xuất ra các tương phản. Những người đón tiếp Người và những người từ khước
Người ở trong một thế đối kháng mạnh mẽ với nhau. Do đó mà xảy ra chuyện
là Đức Giêsu, Đấng muốn cuộc gặp gỡ này phải đậm đặc và ý thức về kết quả khác
của cuộc gặp gỡ, lại không loan báo hòa bình, nhưng loan báo sự chia rẽ như là
mục tiêu của việc Người ngự đến.
Một
phần cốt yếu trong cuộc tiến bước của Người là khổ nạn, chết và phục sinh, như
Người đã loan báo cho các môn đệ (9,22). Kết thúc này của hành trình là “phép
rửa” mà Người phải chịu. Kết cuộc này đến với Đức Giêsu không phải như một số
phận ngẫu nhiên, nhưng là để hoàn tất những gì Chúa Cha đã quy định cho Người
và các ngôn sứ đã tiên báo (x. 18,31). Tinh thần của Đức Giêsu cũng bị chế ngự
bởi kết cuộc này, và ý muốn sâu xa của Người là mọi sự được hoàn tất nơi Người.
Và kết cuộc này cũng có đặc tính lửa thiêu đốt trọn cuộc sống của Đức Giêsu.
Vào lúc Đức Giêsu chào đời,
ca đoàn các thiên thần đã dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng về hòa bình (2,14).
Chính Đức Giêsu cũng đã ban bình an cho người phụ nữ tội lỗi và người phụ nữ
được chữa lành (7,50; 8,48). Khi được sai đi rao giảng, vào nhà nào, các môn đệ
phải chào chúc bình an (10,5t). Đặc biệt đây là sự bình an với Thiên Chúa.
Nhưng do những kết quả khác nhau phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, xảy ra
những mâu thuẫn giữa loài người với nhau, thậm chí xảy ra chia rẽ trong một gia
đình. Trong ví dụ Đức Giêsu nêu ra, đó là sự chia rẽ giữa thế hệ lớn
tuổi hơn và thế hệ trẻ hơn. Cha và mẹ một bên chống lại con trai, con
gái và con dâu bên kia: “ba chống lại hai, hai chống lại ba”. Trong sách ngôn
sứ Mikha, chúng ta đọc thấy: “Con
trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng,
người trong nhà lại hoá ra thù địch” (7,6). Ở đây cuộc xung đột được gây ra từ
một bên: đây là cuộc nổi loạn của những người trẻ chống lại thế hệ già
hơn. Còn xung đột Đức Giêsu mô tả thì hai chiều: “cha chống lại con trai, con
trai chống lại cha”. Không phải là một bên bách hại bên kia. Và cũng chẳng rõ
là bên nào có lý hơn. Như thế hai bản văn có hai quan điểm khác nhau, không thể
dung hòa. Khi nhận quan điểm này, người ta chống lại quan điểm kia. Đón nhận
quan điểm này cũng đồng thời là từ khước quan điểm kia. Người ta không thể cùng
một lúc theo Đức Giêsu và chống Đức Giêsu. Và cũng chẳng có một lập
trường ở giữa. Sự chia rẽ này chỉ do người ta lấy lập trường cá nhân đối với
Đức Giêsu, chứ không do bất cứ những đối lập nào khác.
+ Kết
luận
Những lời Đức Giêsu nói trong đoạn Tin
Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Đức Giêsu. Sứ mạng của
Đức Giêsu nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, “nóng cháy”, với loài người. Trái
tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã quy định cho
Người. Mục tiêu Người nhắm không phải là một sự hài hòa bên ngoài, nhưng
là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi đã gặp gỡ cao độ với Người.
Từ chỗ này có thể phát sinh các chia rẽ. Người ta không được hy sinh việc lấy
lập trường theo Đức Giêsu hầu đạt được một thỏa hiệp cho việc đi tìm sự
hài hòa.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Như lửa có khả năng tẩy luyện, hoạt động của Đức Giêsu có thể thanh luyện con
người chúng ta khỏi những tâm tình bất chính, và ban cho chúng ta Thánh Thần để
Thánh Thần tiếp tục sưởi ấm và soi sáng chúng ta.
2.
Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem để đi vào cuộc Thương Khó; tâm hồn Người khắc
khoải. Chỉ qua cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người.
Nhận ra được điều này, chúng ta được mời gọi bỏ đi những phương tiện dễ dãi,
những phương tiện to lớn chúng ta đang dùng để bảo đảm mọi phương diện cuộc
sống chúng ta. Ngoài ra, nếu muốn đốt lên trên trái đất một ngọn lửa như Đức
Giêsu đã nhen lên, chúng ta không thể tránh né “phép rửa” Đức Giêsu đã chịu,
tức phải chấp nhận đi qua tình trạng tự truất hữu và thất bại, chấp nhận hiến
tặng cuộc sống chúng ta.
3.
Qua cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh, các thần khí bị phân chia ra. Thánh
Phaolô sẽ viết: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người
Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng
đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy
chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,23-24). Tất cả công trình và cuộc
hành trình của Đức Giêsu nhắm đến một cuộc gặp gỡ mãnh liệt. Nhưng chính
từ đây phát sinh chia rẽ và bất thuận.
4.
Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các dây liên kết trong gia đình; trái lại
Người vẫn khẳng định rằng hiếu thảo với cha mẹ là một điều răn của Thiên
Chúa (x. Mc 7,10). Tuy nhiên, trong
cuộc sống làm môn đệ Người, chúng ta phải tôn trọng một bậc thang các
giá trị, chúng ta phải chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự muốn ngăn cản chúng ta
bước đi theo Người.
5.
Đức Giêsu mô tả cuộc khổ nạn của Người sắp đến như một “phép rửa”. Ngôn ngữ đó
sẽ nhắc nhở cộng đoàn được rửa tội của thánh Luca rằng, những gì Đức Giêsu đối
diện như là kết quả sứ vụ của Người và họ cũng được đòi buộc phải thi hành sứ
vụ đó. Những người được rửa tội sẽ không ngạc nhiên rằng phép rửa sẽ mang lại
giá trị cho chúng ta. Phép rửa mang lại cho chúng ta giá trị ở chỗ: tính phổ
quát, vì đôi khi chúng ta bày tỏ một quan điểm trái ngược với bạn bè và gia
đình chúng ta; sự an ủi, vì chúng ta biết trao ban, thậm chí cả nhu cầu của
chúng ta đến những người lâm cảnh khốn khó; thời gian tự do, vì chúng ta làm
tình nguyện trong một tổ chức viện trợ cộng đồng ở nhà thờ hoặc ở địa phương;
thậm chí nếu họ cô lập chúng ta ra khỏi cộng đồng thờ phượng nơi sở tại của
mình, thì chúng ta có thể làm việc đạo đức hoặc cầu nguyện theo thói quen của
mình (Siciliano).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm