CHÚA NHẬT 20
THƯỜNG NIÊN
Sứ mệnh của
Chúa Giê-su khi đến trần gian
Lắng nghe sứ điệp
của bài Tin Mừng (Lu-ca 12:49-53)
Mô tả một
sứ mệnh để người ta hiểu được không phải là điều đơn giản và dễ làm. Các chính trị gia sử dụng ngôn từ đao to búa
lớn chỉ để mong thắng địch thủ và chiếm phiếu bầu. Thí dụ cụ thể là cuộc tranh cử tổng thống Mỹ
năm nay! Chúa Giê-su thì khác hẳn! Nói với các môn đệ về sứ mệnh của mình, Chúa
đã nêu lên điểm cốt lõi, dùng hình ảnh đơn giản, nhưng lại thực mạnh mẽ và đầy
đủ, để giúp chúng ta mường tượng được vẻ cao đẹp của lý tưởng, tâm tư của người
thi hành sứ mệnh, và dĩ nhiên ngầm hiểu cả những khó khăn thách đố phải vượt
qua.
Có những
hình ảnh gây ấn tượng mạnh diễn tả việc Chúa đến trần gian. Xưa ngôn sứ I-sai-a đã cầu xin Chúa “xé trời
mà ngự xuống” để cứu độ trần gian (I-sai-a 63:19). Hôm nay Chúa Giê-su nói lý do Người được Chúa
Cha sai đến là để “ném lửa vào mặt đất”.
Cách diễn tả của Chúa thật mạnh mẽ, không phải chỉ là thắp lên ngọn lửa,
mà là ném lửa, tung lửa ra, rõ ràng có ý nói ném càng xa càng tốt, để toàn thế
giới và nhân loại này được thiêu đốt, được biến đổi và thanh luyện trong một cuộc
tạo dựng mới Thiên Chúa thực hiện qua Con Một Người. Nhưng lửa ấy là gì, nếu không phải là lửa của
Thánh Thần Thiên Chúa. Lửa này đã ngự
trên đầu Chúa Giê-su khi Người nhận phép rửa của ông Gio-an, đã “đẩy” Người vào
sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ và tiếp tục thúc đẩy và hướng dẫn Người thi hành sứ
vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ. Cũng chính
lửa này đã thiêu đốt lòng nhiệt thành vì nhà Chúa khi Chúa Giê-su thanh tẩy Đền
Thờ.
Thế giới
nhân loại cần lửa của Thiên Chúa, lửa của tình yêu. Sau khi nguyên tổ phạm tội, lửa tình yêu của
loài người đối với Thiên Chúa đã vụt tắt.
Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vững bền và trung thành, nên Người hứa sẽ
phục hồi lửa tình yêu cho nhân loại, bằng cách hứa ban Đấng Cứu Độ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Phải, Con Một đây chính là lửa Thiên Chúa đã
trở thành người phàm, lửa được ném vào trần gian, lửa đem ánh sáng Tin Mừng đến
thế gian tối tăm, lửa đem hơi ấm cho tình người đã nguội lạnh với Thiên Chúa và
với nhau. Vậy Chúa Giê-su đã “ném lửa”
như thế nào? Bằng cách giảng dạy, chữa
lành, nhất là bằng cuộc Thương khó và cái chết trên thập giá. Tất cả cuộc sống trần gian của Chúa Giê-su là
thi hành công tác ném lửa. Tuy nhiên là
một người như chúng ta nhưng thi hành sứ mệnh Thiên Chúa trao, Chúa Giê-su
không tránh khỏi những thao thức. Người
cũng “ước mong” và “khắc khoải” cho đến khi hoàn tất sứ mệnh, làm như kết quả
không tùy thuộc ở Người, nhưng ở Thiên Chúa và sự hồi đáp của nhân loại. Đó cũng là tâm trạng chung khi tất cả chúng
ta lãnh nhận và phải thi hành một sứ mệnh cao cả.
Khi đề
cập đến việc thi hành sứ mệnh ở trần gian, Chúa Giê-su không ngần ngại cho
chúng ta hiểu một hệ quả chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận. Chúa khẳng định hệ quả của việc Người đến
không luôn phải là hòa bình, nhưng là chiến tranh và chia rẽ. Dĩ nhiên Chúa Giê-su không bao giờ cổ võ chiến
tranh hay chia rẽ. Nhưng giáo lý Chúa dạy
và cuộc cách mạng của Tin Mừng sẽ được người ta đón nhận khác nhau. Kẻ thì chống đối. Người thì đón nhận và đem ra thực hành. Sống theo Tin Mừng và sống theo tinh thần thế
gian tội lỗi là hai đối cực. Sự chia rẽ giữa
chúng ta, thậm chí ngay trong gia đình, đã nói lên việc chúng ta chối từ hay
đón nhận con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su rồi. Kinh nghiệm về thứ chia rẽ này dễ dàng gặp thấy
ngay trong gia đình hoặc cộng đoàn chúng ta.
Sống sứ điệp Tin
Mừng
Bài đọc
thứ nhất hôm nay nói đến sự kiện ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị bách hại vì thi hành sứ
mệnh Thiên Chúa trao. Đó cũng là một tiền
ảnh báo trước cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giê-su, như được diễn tả
trong bài đọc hai, trích thư Do-thái.
Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá.
Nhưng sau khi Người sống lại, lửa của Thánh Thần mà Người đã ném vào mặt
đất bùng lên đúng như Người đã ước mong, rồi tiếp tục đốt cả trái đất này. Tuy nhiên Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy tiếp
tục “ném lửa” vào mặt đất. Mỗi người
chúng ta sẽ là ngọn lửa được Chúa ném vào gia đình, giáo xứ, sở làm, cộng đồng,
bất cứ nơi nào chúng ta tới, để Nước Chúa trị đến và để tâm hồn Chúa Giê-su
không còn khắc khoải nữa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi