CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

“Tôi là cửa”  (Gio-an 10:9)

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 13:22-30)

          Có khi nào chúng ta thấy người ta hỏi Chúa Giê-su một đàng, Người trả lời một nẻo không?  Trong bài Tin Mừng hôm nay, có kẻ hỏi Chúa:  những người được cứu thoát thì ít, có phải không?  Chúa Giê-su không trả lời câu hỏi này, nhưng Người đưa chúng ta sang vấn đề chủ yếu là làm thế nào để được cứu thoát, chứ không phải là số người được cứu thoát ít hay nhiều.   Đối với Chúa, con số không quan trọng bằng phẩm chất.  Cho nên Chúa đặt lại vấn đề làm sao để được cứu thoát, khi Người dạy:  “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”.

          Trước hết Chúa Giê-su dùng hình ảnh vào trong nhà Thiên Chúa để nói lên việc được cứu độ.  Muốn vào trong nhà thì phải đi qua cửa.  Hẳn chúng ta không quên trong dụ ngôn Mục tử nhân lành, Chúa Giê-su đã nói:  “Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi là cửa.  Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.  Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Gio-an 10:7, 9).  Chúa Giê-su là cửa, nhưng không phải là cửa ngọ môn với cánh cửa cao và rộng, sơn son thếp vàng, hoa văn chạm trổ tinh vi, mà là cửa hẹp!  Đâu phải Chúa hà tiện hay kém lòng quảng đại nên đặt cửa hẹp cho chúng ta khó vào trong nhà Người.  Nhưng Chúa Giê-su chỉ muốn dùng hình ảnh cửa hẹp để diễn tả một sự thật:  Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta nhờ kế hoạch yêu thương (Ê-phê-xô 1:9) của Người, nhưng Người cũng muốn chúng ta phải hết lòng cộng tác với ơn cứu độ ấy bằng cách trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giê-su là Trưởng Tử của nhân loại mới. 

          Trở nên giống Chúa Giê-su, hay nói như bài Tin Mừng hôm nay, là “qua được cửa hẹp mà vào”, quả thực đòi hỏi nơi chúng ta rất nhiều cố gắng giống như là “chiến đấu” vậy.  Chúa Giê-su thẳng thắn cho chúng ta biết những khó khăn khi muốn đi qua cửa hẹp ấy, vì “nhiều người tìm cách vào mà không thể được”.  Những kẻ tìm cách vào mà không thể được là ai?  Họ là những kẻ đứng ở ngoài cửa.  Họ vỗ ngực nói với Chúa:  “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi!”  Lời phân bua của họ chắc chắn làm cho chúng ta phải suy nghĩ về mình.  Nhiều người Ki-tô hữu chúng ta siêng năng đi dự Thánh lễ, nhưng không phải để ăn uống với Chúa và với anh chị em.  “Trước mặt ngài” thôi, chứ đâu phải là “với Chúa và với anh chị em”!  Lại nữa, cho dù “ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”, thì ngài cứ giảng dạy, chúng tôi đâu thèm nghe ngài!  Cũng thế, lời Chúa phán, lời giảng dạy vẫn có đấy trong Thánh lễ, còn việc chúng tôi có nghe và thực hành là chuyện khác!  Sống trong tình yêu với Chúa và với anh chị em đó là cách “qua được cửa hẹp mà vào”.  Lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành cũng là “qua được cửa hẹp mà vào”.  Tất cả đều đòi hỏi nơi chúng ta sự cố gắng và chiến đấu.

          “Tôi là cửa.  Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”.  Lời mời gọi này nhắc nhở chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giê-su mà bắt chước lối sống của Người.  Khi tuyên bố mình là cửa và là cửa hẹp, thì chính Chúa Giê-su đã sống như cửa hẹp rồi.  Người từ bỏ mọi đường lối thênh thang của thế gian đưa tới hư mất, để chọn con đường của những Mối phúc thật và con đường thập giá.  Người chống lại sự kiêu căng của ma quỷ, để chọn con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha và khiêm nhường phục vụ.  Chúa Giê-su đã “chiến đấu” đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, nên Người kêu gọi chúng ta cũng phải chiến đấu.  Nhưng như thư Do-thái viết:  “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu” (Do-thái 12:4).

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Lời Chúa Giê-su nói về cửa hẹp không phải là lời đe dọa, nhưng là mời gọi.  Đàng sau cửa hẹp chính là đồng cỏ để chiên được sống.  Qua cửa hẹp đối với chúng ta là sống mối tương quan mật thiết với Chúa Giê-su, nhờ đó chúng ta lãnh nhận được chính sự sống của Thiên Chúa và sự nâng đỡ khích lệ qua ân sủng Người ban cho chúng ta.  Chúa Giê-su, Trưởng Tử của nhân loại mới, vác thập giá đi đầu và dẫn chúng ta là đàn em đông đúc của Người theo sau (Cô-lô-xê 1:18; Rô-ma 8:29).  Như thế, qua cửa hẹp, nhưng chúng ta không cô độc;  phải chiến đấu, nhưng chúng ta có Chúa Giê-su bên cạnh phù trợ (2 Ti-mô-thê 4:17).  Hơn nữa, chúng ta có thật nhiều anh chị em cùng đáp lời Chúa mời gọi: “Hãy theo Ta”!

             Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C