CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C
Hc
3,19-21.30-31 ; Dt 12,18-19.22-24a ; Lc 14,1.7-14
KHIÊM HẠ PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊSU
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14
(1) Một ngày Sa-bát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông
thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: Họ cố dò xét Người. (7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất
mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) “Khi
anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân
vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và
rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng:
“Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà
xuống ngồi chỗ cuối. (10)
Trái lại, khi anh được mời thì hãy ngồi chỗ cuối, để cho người đã
mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ
được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Còn ai
hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (12) Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi
nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay
bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như
thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái
lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què
quặt, đui mù. (14) Họ
không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ
được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
2. Ý CHÍNH:
Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các
người Pharisêu và cũng dạy các môn đệ của Người hai
bài học về cách đối nhân xử thế: Một là khi được mời dự tiệc phải biết hành xử khiêm tốn bằng cách tránh tranh giành chỗ ngồi hơn kém.
Hai là các người chủ tiệc phải tránh phân biệt đối xử để mời cả những người nghèo khó, tàn
tật... đến tham dự. Đây là điều kiện để được Chúa mời tham dự bàn tiệc Nước Trời đời sau.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1: + Đức
Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu: Tin mừng Luca cho thấy người đứng đầu nhóm Pharisêu
ở đây có thiện cảm với Đức Giêsu, nên đã mời Người đến nhà mình
dùng bữa (x Lc 11,37), + Dùng bữa: Tin mừng ghi
lại nhiều sinh hoạt của Đức Giêsu liên quan đến việc dùng bữa: Dự
tiệc cưới tại Cana (x. Ga 2,2), dự tiệc do người Pharisêu khoản đãi (x.
Lc 14,1), ăn bữa cơm gia đình ở làng Bêtania (x. Lc 10,38-42), đồng
bàn với những người thu thuế tội lỗi (x. Mt 9,10), hai lần nhân
bánh ra nhiều để nuôi đám
đông dân chúng (x. Mt 14,19-21; 15,36-38), dùng
bữa Tiệc Ly với các môn đệ trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,14-20). Ngoài ra, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu cũng dùng bữa tối với hai môn đệ tại làng Emmau (x. Lc
24,30), Người ăn cá nướng trước mặt các môn đệ (x. Lc 24,41-43), và cùng ăn bữa sáng với các ông tại bờ hồ Galilê
(x. Ga 21,9-13).). + Họ cố
dò xét Người: Ở đây những người Pharisêu dò xét không phải để
bắt lỗi, nhưng chỉ để tìm hiểu về Đức Giêsu.
- C 7-9: + Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ
nhất mà ngồi: Đây
là thái độ biểu lộ thói kiêu ngạo của người Pharisêu khi luôn tìm kiếm hư danh trước mặt người khác.
+ Khi anh em được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất...:
Đức Giêsu dạy bài học khôn ngoan và phép xã giao khi tham dự tiệc cho người Pharisêu và các môn đệ.
- C 10-11: + Thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời
anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”...: Điều kiện để được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa
là phải trở nên như trẻ nhỏ (x. Mt 18,3-4). Cần ý thức thân phận tội
lỗi bất xứng của mình, coi mình chỉ là đầy tớ vô dụng (x. Lc
17,10), để không cậy vào sức riêng khi làm các công việc siêu nhiên, nhưng biết cậy trông vào ơn Chúa giúp (x. Ga 15,5). + Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị
hạ xuống...: Tội nặng nhất chính là tội kiêu ngạo và ngược lại, nhân đức lớn nhất là đức khiêm nhường như lời ca ngợi Thiên Chúa của Đức Maria: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế
và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Thánh Phaolô cũng đề cao
sự khiêm hạ của Đức Giêsu trong thư gửi tín hữu Philip (x Pl 2,6-11). Chính Người đã hạ mình rửa chân cho môn
đồ trước khi dạy các ông bài học thể hiện tình yêu thương lẫn nhau
(x Ga 13,14).
- C 12-14: + Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì
đừng kêu bạn bè... Lời dạy của Đức Giêsu trái với lối ứng xử của người đời. Những hạng người được
Đức Giêsu đề cập tới ở đây đều là những người nghèo: Nghèo tiền
bạc (so sánh với Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh đến sự nghèo khó trong tâm
hồn), bé mọn (x. Lc 10,21), khiêm hạ (x. Lc 18,14). Chính Đức Giêsu cũng
được sinh ra như một người nghèo. Qua câu này Người kêu gọi mọi người hãy đối xử tốt với những ai đang lâm cảnh khốn cùng, làm ơn cho những người không có khả
năng báo đáp. Đó là điều kiện để được vào Nước Trời đời sau.
4. CÂU HỎI:
1) Hãy kể ra những lần Đức Giêsu
dùng bữa được ghi trong Tin mừng ? 2) Khi
dạy người dự tiệc chọn ngồi chỗ cuối để được chủ nhà mời lên cỗ trên.
Phải chăng đó cũng là một hành động kiêu ngạo ? 3) Đức Giêsu đã dạy thế nào về giá trị của đức
khiêm nhường ? 4) Thánh Phaolô dạy về gương khiêm nhường tự hạ của
Đức Giêsu ra sao trong thư thứ hai gửi giáo đòan Philíp ? 5) Tội
nặng nhất khiến Luxiphe và các thần dữ phải sa hỏa ngục và ông bà nguyen tổ Ađam Evà bị đuổi ra khỏi địa đàng là tội gì ? 6) Đức
Giêsu đã dùng phương thế nào để ban ơn cứu độ, giải thóat lòai người
khỏi chết và chiến thắng các cơn cám
dỗ của ma quỷ ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên” (Lc
14,11).
2. CÂU CHUYỆN:
1. KHIÊM TỐN SẼ ĐƯỢC MỌI NGƯỜI KÍNH TRỌNG YÊU MẾN:
Sách Trang Tử
có thuật lại câu chuyện như sau: Dương Chu sang nước Tống vào một trọ nhà kia. Chủ nhà
có hai nàng hầu, một đẹp, một xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai
cũng quý trọng nàng hầu xấu mà khinh rẻ nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu hỏi
thằng bé trong nhà. Chú bé nói: Người thiếu đẹp tự cho mình là đẹp nên mất đẹp.
Chẳng ai nhìn thấy cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết mình xấu
mà quên xấu. Không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa. Dương Chu liền gọi học
trò đến dặn: Các con nhớ ghi lấy. Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi,
thì đi đâu mà chẳng được người ta yêu quý tôn trọng.
2. CUỘC BIẾN DẠNG KỲ LẠ SAU BẢY NĂM PHÓNG ĐÃNG:
Họa sỹ kiêm điêu khắc gia thiên tài LEONARDO DA VINCI đã vẽ bức tranh nổi tiếng Bữa
Tiệc Ly trong vòng 7 năm. Đó là bức tranh Đức Giêsu
và 12 Tông đồ đang dùng bữa ăn cuối cùng trước khi Người chịu tử nạn. Cuộc đi tìm khuôn mặt làm người mẫu rất
khó khăn: Giữa hàng ngàn thanh niên, họa sĩ mới chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện và
thanh khiết tuyệt vời để vẽ Đức Giêsu.
Sáu năm tiếp theo ông mới vẽ
xong 11 Tông đồ, chỉ còn người môn đồ phản Thầy Giuđa là chưa vẽ. Họa sỹ đã bỏ
ra nhiều công sức để tìm kiếm một
người đàn ông có khuôn mặt cực kỳ gian ác làm mẫu vẽ Giuđa.
Cuối cùng ông đã tìm được tên tử tội ở Rôma có khuôn mặt thích hợp để vẽ kẻ phản
bội. Người tử tù này đã từng giết người và cướp của. Được phép của Hoàng đế,
tên tử tội được đưa tới Milan nơi bức tranh đang vẽ dở dang. Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn thành, Leonardo bảo người
lính gác mang người tử tù đi, nhưng bỗng nhiên hắn ta vùng vẫy và quỳ xuống bên người họa sỹ khóc nức nở: “Ôi,
ngài Da Vinci, ngài không nhận ra tôi sao? Tôi
chính là người mà 7 năm trước ngài đã chọn làm mẫu vẽ Đức Giêsu!”.
Quả thật, chỉ có 7 năm thôi mà cuộc sống trác táng tội lỗi đã làm biến dạng một
người có khuôn mặt thánh thiện của Chúa Giêsu trở thành người mang gương mặt xấu
xa của Giuđa! Đó là sự biến đổi lạ
kỳ trong quá trình hình thành bức
tranh “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng.
Nhưng cũng trong bữa tiệc ly này còn có một sự đảo ngược kỳ lạ hơn nữa: Đức Giêsu, vốn là Thầy là Chúa nhưng đã
tình nguyện
làm việc của người tôi tớ phục vụ, khi
quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó chính là bài học khiêm hạ mà Đức Giêsu
muốn dạy cho mọi tín hữu chúng ta hôm nay.
3. CÂU CHUYỆN XỬ SỰ CỦA HAI CON DÊ NÚI:
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: trên con đường nhỏ hẹp sát bên sườn
núi, một bên là vách núi cao cheo leo, bên kia lại là
vực sâu thăm thẳm, có hai con dê núi đi ngược chiều nhau. Vì con đường quá nhỏ
hẹp, chỉ đủ cho một con đi qua, nên hai con dê đứng đối đầu nhau không biết làm gì để
tiếp tục đi.
Nếu chen lấn, chúng chắc sẽ bị rơi xuống vực thẳm tan xương nát thịt. Sau cùng chúng đã nghĩ ra một cách hoàn hảo: một con dê đã chịu qùy
mọp xuống đất để con kia bước qua thân mình.
Thế là sau đó cả
hai lại có thể tiếp tục đi theo con đường của mình.
4. NGƯỜI HUẤN LUYỆN CÁ HEO KHIÊM
TỐN:
Cách đây ít
lâu, tại bang Phờloriđơ (Florida) Hoa Kỳ, tờ Thời báo Xanh Pitơbớc (St
Petersburg Times) có đăng một câu chuyện thú vị về Đông Sulơ (Don Shula),
huấn luuyện viên của đoàn cá heo ở Maiơmi (Miami). Ông đang cùng vợ con
nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Maiơmi. Vào một
buổi chiều nọ, vì trời mưa nên Sulơ cùng vợ và 5 đứa con quyết định
đi xem một xuất phim đang chiếu tại rạp hát của thị trấn. Khi họ đến
nơi thì đã trễ mất 10 phút. Thế nhưng họ thấy đèn trong rạp vẫn còn
sáng báo hiệu phim vẫn chưa bắt đầu. Khi Sulơ và gia đình bước vào
trong rạp thì tất cả 6 người đang ngồi ở băng ghế đầu liền hân hoan
đứng dậy hướng về phía họ và vỗ tay hoan hô. Sulơ vừa vẫy tay chào
lại vừa mỉm cười đáp lễ. Sau khi đã ngồi vào chỗ, Sulơ quay sang nói
với bà vợ: “Chúng ta từ Maiơmi cách xa
cả ngàn dặm đến đây, thế mà người ta vẫn
nhận ra và đón tiếp anh thật nồng nhiệt! Chắc hẳn là đám
cá heo trình diễn trên truyền hình đã lan đến tận nơi ngõ ngách này!” Ngay lúc đó, một người đàn
ông tiến lại bắt tay và Sulơ đã vui vẻ hỏi
ông ta rằng: “Làm sao ông bạn biết tôi
sắp đến đây xem phim để
chào đón tôi như vậy?” Ông ta trả lời: “Thưa ông,
tôi chẳng biết ông là ai cả. Chẳng qua là ngay trước khi gia đình ông
bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có nói với chúng tôi rằng: “Trong vòng 15 phút nữa, nếu
không có thêm 4 khán giả nào vào rạp thì ông ta sẽ buộc
phải trả lại tiền vé và hủy bỏ xuất chiếu này”. Vì thế khi thấy
gia đình ông đến vừa đủ 4 người theo yêu cầu của quản lý rạp, nên
chúng tôi rất vui mừng và giờ đây tôi đến để cám ơn gia đình ông đã
đến kịp thời, giúp chúng tôi khỏi phải về không”.
Câu chuyện trên làm sáng tỏ giáo huấn của Đức Giêsu
trong Tin mừng hôm nay: Người đòi các tín hữu chúng ta phải khiêm tốn
noi gương Người. Đông Sulơ đã thể hiện sự khiêm
tốn ấy: Là một huấn luyện viên cá heo tài giỏi, nên cũng thật tự
nhiên khi Sulơ nghĩ rằng những người trong rạp hát đã nhận ra ông là ai. Đến khi người đến bắt tay cho biết mình chẳng
hề biết ông thì Sulơ lại là người đầu tiên tự chế giễu mình. Ông rất vui khi phát hiện ra điều này, nên đã kể chuyện
đó trên báo cho nhiều người biết về thói
háo danh của ông, điều mà bình thường lẽ ra ông
đã phải giấu kín. Chỉ người nào thực sự khiêm tốn mới
làm được như Sulơ mà thôi !
3. SUY NIỆM:
Qua đoạn Tin Mừng
hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các người biệt phái hai bài học như sau: Một là nếu
họ là khách được mời thì cần khiêm tốn để ngồi vào chỗ xứng hợp với mình, tránh
cảnh “trèo cao té đau”. Hai là nếu họ là chủ nhà thì phải quan tâm mời cả những
người nghèo khó bệnh tật đến dự tiệc nữa. Cũng vậy, bàn tiệc Nước Thiên Chúa cũng
chỉ dành cho những ai có lòng khiêm hạ và có tinh thần nghèo khó (x. Lc 14,21).
Vậy khiêm hạ là gì ?
Phải chăng khiêm hạ là phủ nhận giá trị thực sự của mình ? Ta phải làm
gì để học gương khiêm hạ của Đức Giêsu ?
1) Gương khiêm hạ
của Đức Giêsu và Thánh Mẫu Maria:
- Khiêm hạ hay khiêm nhường là thái độ tự hạ mình xuống
trong khi giao tiếp với tha nhân. Người tín hữu cần học tập theo gương mẫu và
lời dạy của Đức Giêsu vè sự khiêm hạ này như Người đã dạy: ”Anh em hãy mang lấy
ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm
hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”
(Mt 11,29-30). Đức Giêsu «vốn
dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân sống như người trần thế… » (Pl 2,6-7). Tuy là Thầy là
Chúa, nhưng Người đã nêu gương khiêm nhường cho các môn đệ khi tự hạ mình rửa
chân cho các ông trong bữa tiệc ly và sau đó dạy các ông cũng phải khiêm hạ rửa
chân phục vụ lẫn nhau (x Ga 13,14-15). Hơn nữa, Đức Giêsu còn nêu gương khiêm hạ
«vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá» (Pl 2,8).
Tin mừng hôm nay cũng thuật lại câu chuyện: Khi được viên thủ lãnh các người biệt
phái mời đến nhà dự tiệc, Đức Giêsu thấy một số khách thuộc nhóm biệt phái
tranh nhau ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc. Người đã dạy họ như sau: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào
cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,
và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia đành phải đến nói với anh: “Xin ông nhường chỗ cho vị
này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ để xuống
ngồi chỗ cuối” (Lc
14,8-9).
- Khiêm nhường tự hạ noi gương Đức Maria:
Trong biến cố truyền tin, khi được sứ thần chào là đấng «đầy ân phúc luôn có
Chúa ở cùng», Đức Maria đã tự xưng là nữ tì của Thiên Chúa và đã cúi đầu «xin
vâng» như lời sứ thần truyền (x Lc 1,38). Sau khi nghe biết bà Êlisabét đã có
thai được sáu tháng, Đức Maria đã vội vã lên đường đến thăm và chào hỏi bà trước.
Cuối cùng ngài còn ở lại để giúp đỡ phục vụ bà trong suốt ba tháng cuối, cho đến
khi bà sinh con mới trở về nhà mình (x Lc 1,39-56).
2) Phân biệt giữa khiêm nhường thật
với khiêm nhường giả tạo: Đức khiêm nhường không phải là giả vờ tự hạ để chờ được người khác tôn lên.
Khiêm tốn cũng không phải là thái độ tự
ti mặc cảm,
tự khinh bản thân hay trốn tránh trách nhiệm… Nhưng
là ý thức khả năng và ưu điểm của mình là do Chúa ban, rồi quy
mọi vinh quang về cho Thiên Chúa,
noi gương Đức Maria khi được bà Êlisabét
khen có phúc, Mẹ đã dâng lời ca ngợi Chúa trong kinh Manhiphicát như sau: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Phận nữ tỳ
hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi
diễm phúc. Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao
cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn !” (Lc 1,48-49). Người khiêm tốn không sợ chức vụ
cao hay sợ ngồi vào ghế nhất, nhưng đối với họ: chiếc ghế
không phải là mục tiêu phải đạt được,
nhưng chỉ là phương tiện để có thể phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Người khiêm tốn sẽ luôn
ý thức về thân phận yếu đuối của mình nên sẽ bình tĩnh khi nghe người khác phê bình, và sẵn sàng nhận lỗi để khắc phục những sai sót. Người khiêm tốn không tự tìm vinh danh cho mình, nhưng luôn cố gắng làm hết sức mình rồi
phó thác thành bại cho Chúa quan phòng.
3) Thiên Chúa yêu
thương kẻ khiêm nhường và ghét kẻ kiêu ngạo:
Đức Giêsu đã
ca tụng Chúa Cha “Vì đã
mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn…” (x Mt
11,25). Những kẻ bé mọn ở đây là
những người
khiêm nhường tự hạ. Đức Giêsu đã yêu thương những kẻ khiêm nhường và quở trách bọn người tự
cao giả hình: ”Khốn cho các ngươi, hỡi
các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài
có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các
ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên
trong là giả hình và gian ác”(Mt 23,27-28).
4) Ta phải làm gì để học tập gương khiêm nhường tự hạ của Đức Giêsu ?
- Phải tránh thói
kiêu ngạo:
Tránh tự ái cao: Không dễ nổi nóng khi nghe người khác
phê bình mình hay kể tội người thân của mình. Tránh nói to tiếng xúc phạm đến người
khác.
Tránh “nổ” nghĩa là khoe khoang thành tích để tự đề cao
mình, và chứng tỏ mình trổi vượt hơn người khác.
Tránh thái độ ganh ghét đố kỵ những ai hơn minh qua việc
dèm pha nói xấu những ai hơn mình, nhằm hạ giá trị của họ.
Tránh
thái độ độc đoán háo thắng: Người kiêu ngạo thường cao ngạo nên không chấp nhận
những ý kiến đối lập, không muốn nghe những sự góp ý của thuộc cấp, nên công
việc họ làm khó thăng tiến phát triển.
- Tập sống khiêm
nhường như sau:
Cần nhìn nhận cả ưu lẫn khuyến điểm của mình. Trong việc
tông đồ cần nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình để khiêm tốn xin ơn Chúa giúp,
như Đức Giêsu đã dạy môn đệ: ”Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga
15,5b).
Tập nhận ra những ưu điểm của người khác và thành thật
khen ngợi họ.
Tập chọn phần thua thiệt: quyền lợi ít hơn và trách
nhiệm nhiều hơn anh em.
Tập đi bước trước đến với tha nhân hơn là đòi họ phải
đến với mình trước.
Tập nói năng bình tĩnh vừa đủ nghe khi sửa dạy con cái
hay thuộc cấp.
Tập làm những việc nhỏ bé tầm thường ít ai muốn thực
hiện.
Tập nhận nguyên nhân thành công là do ơn Chúa giúp và là
kết quả của tập thể. Khi thất bại thì nhận là do sự thiếu sót bất toàn của mình và
tránh đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người dưới.
Chỉ những ai biết hóa nên như trẻ nhỏ mới được Thiên Chúa
yêu thương và được Người đón nhận vào Nước Thiên Chúa sau này (x Lc 9,48).
Tóm lại, khiêm nhường là
học tập theo gương mẫu và
lời dạy của Đức Giêsu như Người đã nói:
“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Khiêm nhường còn là sẵn sàng rửa
chân phục vụ tha
nhân trong tình yêu thương (x.
Ga 13,4.14), nhất là hiến
thân phục vụ người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi để nên giống Đức Giêsu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 35-45).
4. SỐNG LỜI CHÚA:
1) Kẻ kiêu ngạo thường biểu lộ qua cử chỉ lời nói nào khi tiếp xúc với tha nhân ? 2) Người
khiêm nhường giả tạo thường biểu lộ qua những câu nói nào ? 3) Người
hay la lối to tiếng và dễ tức giận khi kẻ dưới làm trái ý mình có đức khiêm nhường không ? 4) Khi
nghe người khác phê bình mình trực tiếp hay qua người trung gian, chúng ta nên phản ứng thế nào để thể hiện đức khiêm nhường noi gương Đức Giêsu ?
5. NGUYỆN CẦU
- LẠY CHÚA GIÊSU. Thích được người khác khen ngợi,
thích được ăn trên ngồi trước, thích được danh vọng chức quyền...
cũng chính là thói xấu của chúng con. Hôm nay Chúa dạy các người Pharisêu
bài học khiêm nhường và cũng là dạy chúng con: “Khi anh được mời
đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất... Nhưng hãy vào ngồi chỗ
cuối”. Con biết Chúa không dạy con giả đò theo kiểu khiêm nhường giả
tạo, nhưng Chúa muốn chúng con coi thường danh vọng hão huyền và luôn
sống nhỏ bé khiêm hạ. Chúa cũng dạy chúng con phải noi gương Chúa
rửa chân phục vụ lẫn nhau.
- LẠY CHÚA. Chúa đã đi con đường khiêm hạ và mời
gọi chúng con bước theo. Xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra
những sai sót và quyết tâm sửa đổi. Xin cho chúng con biết cảm thông và
mở lòng đón nhận tha nhân. Xin giúp chúng con tránh lên mặt xét đoán
ý trái cho kẻ khác, nhưng biết học tập những điều tốt đẹp nơi họ. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ được Chúa đón nhận chúng con vào Nước Trời sau
này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON
LM ĐAN VINH - HHTM