ba dỤ ngôn
vỀ lòng thương xót cỦa Thiên Chúa
(Luca 15,1-32 – CN XXIV - C)
1.- Ngữ cảnh
Đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay nằm trong phân
đoạn độc đáo nhất của TM Lc (9,51–19,27): cuộc hành trình lên
Giêrusalem. Trong cuộc hành trình này, có đám đông dân chúng đi theo
Đức Giêsu.
Sau
khi đã giáo huấn đám đông về những điều kiện để làm môn đệ Ngươi (14,25-35), bây giờ Đức Giêsu dùng một số dụ ngôn mà
ngỏ lời với các người Pharisêu và các kinh sư, vì họ đã lẩm bẩm trách móc Ngươi khi Ngươi
tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi, và cùng ăn uống với những người ấy.
Ba dụ ngôn của chương 15 (con chiên bị lạc
mất [cc. 4-7], đồng bạc bị đánh mất [cc. 8-10], người con hư mất [cc. 11-32])
đã được gọi là “trái tim của Tin Mừng III” (Romaroson), vì được kết cấu rất
nghệ thuật để nêu bật được đề tài duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa và lòng
thương xót đối với những kẻ tội lỗi qua lời Đức Giêsu kêu gọi hoán cải.
Hai
dụ ngôn đầu nói về việc tìm được cái đã mất, dụ ngôn thứ ba cũng triển khai
cùng một đề tài, nhưng như một tổng hợp với những hình ảnh được
vận dụng rất tài tình. Trước đây dụ ngôn này vẫn được gọi là “Dụ ngôn đứa con
hoang đàng”, nhưng gọi là “Dụ ngôn người cha nhân hậu” thì hợp lý hơn, bởi vì
dung mạo trung tâm của truyện chính là người cha. Hoặc để tương ứng với hai đầu
đề của hai dụ ngôn trước, thì có thể gọi là “Dụ ngôn người con hư mất”, nhưng
nhớ rằng nhân vật chính là người cha, cũng như trong hai dụ ngôn trước, nhân
vật chính là người mục tử và người phụ nữ.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1)
Một dẫn nhập (15,1-3);
2)
Ba Dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (15,4-32):
a)
Dụ ngôn Con chiên bị lạc mất và được tìm thấy (cc. 4-7);
b)
Dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất và được tìm thấy (cc. 8-10);
c) Dụ ngôn Người con hư mất và được tìm thấy (cc. 11-32).
3.- Vài điểm chú giải
- Tất cả những người
thu thuế và những người tội lỗi (1): Đây là những người ở bên lề xã hội Do Thái, những kẻ vô đạo, sống
vô luân. Họ đến nghe Đức Giêsu như đã từng đến nghe Gioan Tẩy Giả (3,12-13). Tác
giả Luca đã nói quá khi dùng từ ngữ “tất
cả”, nhưng mục đích là cho thấy chiều hướng căn bản của sứ điệp và cách xử sự
của Đức Giêsu: Người đến để tìm và cứu những gì đã mất, nghĩa là tất cả.
- lẩm bẩm (2): Cũng như ở 5,30 và sau này ở 19,7, thì vị hồn (imperfect)
cho hiểu đây là thái độ thường xuyên của người Pharisêu và các kinh sư.
- ông này (2): Đại từ chỉ định houtos có nghĩa xấu: “tên này”.
-
Người nào trong các ông có một trăm con chiên (4): Đây là một mục
tử vô danh, được dùng như biểu tượng của Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót
(xem Cựu Ước: Tv 23,1-3; Ed 34,11-16).
- hơn
là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn (7):
Nếu chín mươi chín người này là các kinh sư và người Pharisêu, thì câu kết này
có giọng mỉa mai. Nhưng rất có thể đây chỉ là cách tác giả Lc phóng đại niềm vui của Thiên Chúa khi có một người tội
lỗi hối cải.
-
mười đồng bạc (10): Đồng drachmê là đồng bạc cổ. Chúng ta khó biết giá
trị chính xác của đồng bạc này. Có một thời người ta có thể dùng một đồng
drachmê mà mua được một con chiên, hoặc được nhận như lương làm
việc một ngày. Vào thời hoàng đế Nêrôn, đồng denarius được dùng
đểthay thế đồng drachmê và coi như tương đương.
- Một
người kia có hai con trai (11): Có thể giả thiết đây là một ông
chủ trang trại giàu có xứ Paléttina.
-
phần tài sản con được hưởng (12): Theo tập tục xứ Paléttina, một người
cha có thể định đoạt về của cải của ông hoặc bằng một di chúc (HL. diathêkê)
được thi hành sau khi ông qua đời (Ds
36,7-9; 27,8-11) hoặc bằng một tặng-dữ ban cho các con trong khi ông còn
sống (HL. dôrêma; x. Hc
33,19-23). Trưởng nam được hưởng “hai phần sản nghiệp”, nghĩa là gấp đôi phần
được ban cho mỗi người con khác (Đnl
21,17). Ở đây, vì chỉ có hai đứa con, người con cả được nhận hai phần ba và
người con thứ nhận một phần ba. Khi đó, người con có quyền sở hữu, nhưng
quyền thu hoa lợi vẫn thuộc về người cha cho đến khi ông qua đời. Nếu người con
bán phần gia sản của mình, người mua chỉ được nhận lấy sau khi người cha chết.
Khi làm như thế, người con sẽ không còn có quyền đòi hỏi gì về của cải, cả về
vốn lẫn lãi.
-
sống phóng đãng (13): Trạng từ asôtôs có nghĩa là “một cách không lành
mạnh”. Chúng ta không biết là “không lành mạnh” cụ thể là thế nào; ở c. 30,
người anh cả mô tả là “nuốt hết của cải với bọn điếm”, nhưng phải chăng anh đã
phóng đại?
-
chăn heo (15): Theo Lv 11,7
(x. Đnl 14,8), con heo, tuy có chân
chẻ làm hai móng, nhưng không là loài nhai lại, nên bị coi là “ô uế” đối với
người Do Thái. Chi tiết này cho thấy sự sa sút của chàng trai.
- nhưng
chẳng ai cho (16): Thế thì anh ta lấy thức ăn ở đâu, tác giả không nói, bởi
vì điều này không quan trọng.
-
chạy ra (20): Chi tiết này diễn tả sáng kiến của người cha, tình yêu
bền bỉ của ông đối với đứa con đã bỏ đi.
- và
hôn lấy hôn để (20): Không phải chỉ là để chào đón, nhưng là bày tỏ sự tha thứ
(x. 2 Sm 14,33).
-
Thưa cha … con (21): Người con lặp lại lời thú lỗi đã soạn trước (cc. 18-19),
nhưng trước khi anh ta kịp nói ra lời thỉnh cầu, người cha đã can thiệp rồi.
- áo
đẹp nhất (22): dịch sát là “chiếc áo thứ nhất”, tức là áo hạng nhất. Như
thế, người cha không xử với người con như anh ta yêu cầu (“như người làm
công”), nhưng như một người khách được tôn kính.
- xỏ
nhẫn… xỏ dép (22): Nhẫn là dấu chỉ quyền bính (St 41,42; Et 3,10; 8,2);
dép là dấu chỉ một con người tự do.
- đã
mất mà nay lại tìm thấy (24): Đây là cụm từ móc nối liên kết dụ
ngôn này với hai dụ ngôn trước.
- con
hầu hạ cha (29): Người con cả dùng động từ douleuein, “phục vụ”,
“hầu hạ”, hàm ý là anh ta không chỉ tự liệt mình vào hạng người làm công (misthios),
nhưng là hạng nô lệ (doulos): “hầu hạ cha trung thành như một tên
nô lệ”.
-
chẳng khi nào trái lệnh (29): Anh ta ý thức về sự trung thành
của anh, anh nhấn mạnh đến lòng trung thành này, tức nêu bật điều nghịch lý ở
đây là nhân đức lại được ban thưởng tồi tệ hơn là tât xấu!
- một
con dê con (29): Chi tiết này cho thấy người con cả không tin tưởng vào
cha, anh tính toán, kể công.
-
thằng con của cha đó (30): Người con cả diễn tả mức khinh bỉ cao độ; anh ta không thể
chấp nhận nói về người con thứ như là “em con”. Ở đây thêm một lần nữa,
tính từ houtos được dùng với nghĩa xấu.
- lúc
nào con cũng ở với cha (31): Người cha không trách móc, than
thở, không nói rằng người con cả sai; ông cũng chẳng phê phán thái độ cao ngạo
hoặc bình phẩm gì cả. Ông coi mọi chuyện đó là đúng như thế. Nhưng ông chỉ nhấn
mạnh trên sự liên kết thâm sâu giữa cha con: “Lúc nào con cũng ở với cha” (=
con chưa bao giờ chết; con chưa bao giờ mất).
- tất
cả những gì của cha đều là của con (31): nghĩa là tất cả của cải
(x. c. 12), những gì còn lại sau khi người con thứ đã lấy đi phần của anh ta;
tất cả những thứ này sẽ thuộc về người con cả, sau khi cha chết.
- em
con (32): Câu trả lời của người cha làm vọng lại công thức của người
anh, và là một cách sửa chữa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Một dẫn nhập (1-3)
Đức Giêsu đã đến
để cứu tất cả mọi người; những người thu thuế và tội lỗi phải đến với Người bởi
vì họ không gặp được ở nơi nào khác lời đưa lại niềm hy vọng và sự tiếp đón ân
cần nhưng-không. Cách xử sự này khiến người Pharisêu và các kinh sư phải lẩm
bẩm trách móc. Họ trách Đức Giêsu hai điểm: đón tiếp người tội lỗi và ăn uống
với họ. Các kinh sư thường nói: “”Chớ có một ai đi giao du với những kẻ xấu xa,
cho dù là thử thuyết phục họ đi theo luật của Thiên Chúa”. Những người thu thuế
và tội lỗi không được thuộc về cộng đoàn, vì Thiên Chúa đã ngoảnh mặt đi tránh
họ; do đó,
Dẫn nhập này đưa
lại cho [các] dụ ngôn một đặc tính là biện hộ, là bào chữa cho cách xử
sự của Đức Giêsu đối với người tội lỗi. Qua cách xử sự này, Đức Giêsu cho thấy
là sự hoán cải không là điều kiện tiên quyết người ta phải có để được Thiên
Chúa đón tiếp; trái lại Thiên Chúa đã thực hiện “sự hoán cải” trước, để người
ta có thể lại đi vào quan hệ an bình với Ngài.
* Ba Dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (4-32)
Từ dụ
ngôn đầu đến dụ ngôn thứ ba của chương 15, tác giả cho thấy có một sự
tiệm tiến: một con chiên trong số một trăm, một đồng bạc
trong số mười đồng, rồi một đứa con trong số hai người. Bản văn càng đi
tới càng cho thấy rằng điều đã mất nay lại tìm thấy càng lúc càng trở nên quí
báu hơn.
Người
mục tử, người phụ nữ và người cha đều vô danh, bởi vì cả ba được đề ra như một
biểu tượng của Thiên Chúa yêu thương.
Một
con chiên có giá trị của nó. Không phải vì còn chín mươi chín con kia, mà con
chiên bị lạc không đáng kể. Người mục tử sẽ kiên nhẫn đi tìm con chiên lạc cho
đến khi tìm thấy nó. Chín đồng bạc còn lại vẫn không miễn cho người phụ nữ khỏi
tha thiết đi tìm đồng đã mất. Một người con thì còn đáng giá hơn muôn vàn con
chiên hoặc đồng bạc. Các kinh sư dạy rằng Thiên Chúa vui mừng khi người công
chính sống lại, và kẻ gian ác phải tiêu vong. Đứcd Giêsu lại nói rằng Thiên
Chúa vui mừng khi kẻ gian ác được sống lại, “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui
mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công
chính không cần phải sám hối ăn năn” (c. 7). Ở đây không phải là một lời kêu
gọi hãy phạm tội, nhưng là một lời mời gọi hãy nhìn nhận rằng tất cả chúng ta
là những kẻ tội lỗi trước mắt Thiên Chúa. Không có một ai là “công chính” cả.
Vị thần linh ban thưởng tùy theo các công trạng chỉ hiện hữu trong tâm trí
người Pharisêu (xưa và nay). Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu là một vì Thiên Chúa
ban tặng nhưng-không ơn cứu độ cho tất cả chúng ta mặc dù chúng ta không đáng
nhận.
Giờ
đây chúng ta suy niệm về truyện người con thứ và người con cả. Thật ra, cả hai
người con được nói tới chỉ là để cho người cha có cơ hội diễn tả các tâm tình
của ông ra.
a) Người con thứ:
Sau
khi đã nhận đủ phần gia tài, người con thứ đi đến một xứ xa xôi, hẳn là
một miền đất dân ngoại. Tại đó, anh đã xài hết tiền của. Rơi vào tình
trạng khốn đốn, anh phải chăn heo: đây là sự sa cơ thất thế cùng cực! Anh ta
suy nghĩ. Nhưng không phải là hối hận về lối sống, không phải là tiếc nuối vì
đã làm cho cha đau buồn. Anh ta chỉ tự trách là ngu ngốc chịu đói chịu khát ở
đây trong khi các tôi tớ ở nhà có ăn dư thừa. Thế là để có thể trở về và được
nhạn vào nhà như người làm công, anh chuẩn bị một bài “diễn từ cảm đông”
để mong cha nguôi giạn: các lời lẽ hối tiếc không đi đôi với các tâm tình của anh.
Quả
thật hình ảnh này không tôn vinh kẻ tội lỗi chút nào. Đây đúng là chân dung mà
người Pharisêu chờ đợi.
b) Người con cả:
Lúc
người con thứ trở về, người con cả đang làm việc ngoài đồng. Khi trở về, anh
nhận ra trong nhà có chuyện lạ. Sau khi hỏi một người đầy tớ, anh ta hiểu
chuyện; anh không thể chấp nhận được, anh nổi giận. Ta thông cảm với anh. Vì
anh không chịu vào nhà, người cha đã ra gặp. Thế là anh cho tuôn ra hết những
gì vẫn chất chứa tận đáy lòng: anh nói với giọng chua cay, nhưng kể ra đúng các
sự việc. Theo anh, đúng là người cha đã xử sự bất công! Những người Pharisêu và
các kinh sư cũng nghĩ rằng họ có lý khi tỏ ra khó chịu với Đức Giêsu.
Trước
tiên người con cả nói về chính mình: “Bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và
chẳng khi nào trái lệnh”. Chắc chắn đấy cũng là lý tưởng của người Pharisêu và
các kinh sư: “phục vụ” Thiên Chúa bền bỉ, và rất chú ý để không bao giờ vi phạm
một điều răn nào.
Sau
đó, người con cả nói về em với giọng hết sức khinh bỉ. Anh không gọi là “em
con”, nhưng nói là “thằng con của cha đó”. Điều này cũng giống như người
Pharisêu trong dụ ngôn Lc 18,10-14
nói đến “tên thu thuế kia” với giọng miệt thị.
Như
thế, Đức Giêsu đã ngỏ lời với những người vẫn nghĩ rằng mình là những tôi tớ
tốt lành, luôn quan tâm để không bao giờ thiếu sót một điều răn nhỏ. Khi
đó, họ nghĩ họ có nhiều quyền; họ tỏ ra khó chịu, không phải đối với người tội
lỗi, nhưng đối với chính Thiên Chúa vì Ngài đã đối xử với kẻ tội lỗi như vậy:
Nếu như thế, sống đạo đức còn ích lợi gì? Nếu như thế, sống trung thành và vâng phục Thiên Chúa còn có ý
nghĩa gì nữa?
c) Người cha:
Người
cha trông mong người con thứ từng ngày, nên ngay khi anh còn ở đàng xa, ông đã
trông thấy. Ông vội vã chạy ra đón con, ông cuống quýt thúc đầy tớ chuẩn bị lễ
mừng. Ông chẳng màng đến bài diễn từ bần tiện của anh ta. Ở nhà có con bê béo,
ông quyết định cho giết ngay để ăn mừng. Rõ ràng trong lòng ông, niềm vui đang
bùng nổ. Ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Nó đi xa, nó đã mất; nay nó lại
được tìm thấy. Quá khứ không còn gì đáng kể, Điều quan trọng là nó đã trở về!
Đã
không muốn nghe lời hối lỗi của con thứ, nay người cha lại để cho người con cả
tha hồ nói lên những tâm tình chua chát. Sau đó, ông đã trả lời với giọng dịu
dàng âu yếm. Qua lời ông nói, người con cả chẳng còn lý do gì mà nói rằng cha
xử bất công với mình nữa. Nhưng ông tế nhị điều chỉnh: “vì em con đây…”. Nếu
cha đã sung sướng đến thế khi gặp lại con, lẽ nào người anh lại không vui sướng khi gặp lại em?
Chúng
ta không bao giờ biết được phản ứng sau đó của người con cả (nghe theo đề nghị
của cha? Đi vào nhà và chào em? Đi vào ăn tiệc chung vui?). Chúng ta cũng không
biết người con thứ được sống theo chế độ nào, anh ta sẽ đáp lại thế nào. Dù
sao, toàn chương 15 giống như một bài ca chan hòa niềm vui được tấu lên
để mừng niềm hạnh phúc của người đã tìm lại được điều mà họ đã mất.
+ Kết luận
Nếu
đọc cả ba dụ ngôn, chúng ta sẽ thấy hai dụ ngôn đầu kết “có hậu”, còn dụ ngôn
thứ ba có kết mở: Người con cả có vào nhà theo lời cha mời chăng? Như thế, hai
kết luận tốt đẹp đầu nhằm đưa tới chúng ta một câu hỏi: Chúng ta có hết lòng
chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa mà đón người tội lỗi hối cải vào Nước Thiên
Chúa không? Trong thực tế, chúng ta vẫn được Thiên Chúa vui lòng đón tiếp,
chúng ta cũng hãy sẵn lòng đón lấy người anh em trở về.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Mỗi con người đều có giá trị vô song trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã tạo nên từng
con người với tất cả những phong phú làm nên nhân vị con người ấy. Ngài hỗ trợ
cho con người ấy phát triển đến mức tối đa, để cuộc đời người ấy thành một tuyệt
tác cho Ngài và cho loài người. Khi chúng ta phục vụ anh chị em, chúng ta phục
vụ từng con người có giá trị độc đáo duy nhất, hay là chúng ta chỉ coi như là
những con số, những “con chiên” không tên tuổi, theo nhau lầm lũi trước mặt
chúng ta?
2.
Thiên Chúa thương tất cả mọi người và muốn cho mọi người đều được cứu độ. Nhưng
“tất cả” không có nghĩa là một khối người tương đối đông, mà là “từng
người”. “Tất cả” là “từng người” trong thế giới, không bỏ sót một ai.
Thiên Chúa chiếu cố đến từng con người y như chỉ có một mình người ấy
trên đời.
3.
Chúng ta có thể thấy mình như người con thứ: không phải là tên ăn cắp, chỉ lấy
đúng phần mình; chúng ta cũng còn biết nói “thưa cha!”, nhưng không hề vui
thích được ở với cha, mà chỉ muốn ra đi “ăn chơi” cho thỏa thích. Và mỗi khi
gặp khó khăn, thì chỉ dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện đầy vụ lợi, tính
toán. Người con thứ không biết nghĩ rằng xin làm một “người làm công”, thì sỉ
nhục cha quá nặng nề, bởi vì cha vẫn chỉ mong đón mình về để làm “con”. Nay
được cha đón vào nhà rồi, anh có biết đáp lại tình cha không? Phần này, chính
chúng ta sẽ phải viết tiếp bằng đời sống thực tế của mình.
4.
Chúng ta cũng có thể thấy mình như người con cả, không bao giờ trái lệnh cha,
nhưng cũng chẳng thích ở với cha; trái lại chỉ tính toán, mong có ngay “thoát
ly” để đi vui chơi với bạn bè. Đã thế, chúng ta lại tỏ ra khinh bỉ, miệt thị
những kẻ bị coi là “tội lỗi”. Nay đã được cha ra gặp để tâm sự rồi, anh có vào
nhà để chung vui không? Phần này, chính chúng ta cũng sẽ phải viết tiếp bằng
đời sống thực tế của mình.
5. Vì
không hiểu tình yêu của cha, cả hai người con, đặc biệt anh cả, không hiểu
tiếng gọi kèm theo sự hiểu biết đó: anh chỉ thực sự là con của cha, khi yêu
thương anh em mình. Ta không thể phục vụ Thiên Chúa như Ngài muốn nếu không yêu
mến Ngài và thông chia tình yêu của Ngài cho anh chị em mình, cho dù họ thế
nào. Làm sao có thể tự nhận là môn đệ của Đức Giêsu, khi khinh bỉ quay mặt
tránh người anh em đang ở trong tình trạng bần khốn nhất, do tội lỗi gây nên?
Lm FX Vũ Phan Long, ofm