CHÚA NHẬT 24
THƯỜNG NIÊN
Lại Nói Về
Lòng Chúa Thương Xót!
Lắng nghe sứ điệp
của bài Tin Mừng (Lu-ca 15:1-32)
Đây là
bài Tin Mừng cốt lõi của sứ điệp về Lòng Chúa Thương Xót mà chúng ta đang cử
hành Năm Thánh. Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa thúc giục Người đi tìm những gì lạc mất đã được diễn tả bằng một loạt
ba dụ ngôn: chuyện đi tìm con chiên lạc,
chuyện tìm đồng quan bị mất và chuyện người con hoang đàng. Chắc chắn chúng ta thường có dịp suy niệm về
chuyện người con hoang đàng nhiều hơn là hai dụ ngôn đầu. Cho nên hôm nay chúng ta thử dừng lại ở hai dụ
ngôn này để có một cái nhìn mới về Lòng Thương Xót.
Chúng
ta thường cho rằng lý do Chúa Giê-su kể những dụ ngôn này là để bênh vực cho việc
Người “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” như lời các Pha-ri-sêu và
kinh sư tố cáo Người. Lý do ấy không
sai. Nhưng ít khi chúng ta thấy Chúa
bênh vực cho mình, mà thường bênh vực người khác, thí dụ khi các môn đệ Người bứt
lúa ngày sa-bát để ăn cho đỡ đói, hoặc người phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm lên chân
Chúa ở nhà ông Pha-ri-sêu Si-môn. Bởi vậy,
lý do đúng hơn, đó là Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên
Chúa đối với loài người, nhất là với kẻ tội lỗi là những người lạc đường, nên
Người mới kể các dụ ngôn ấy.
Để hiểu
được Lòng Thương Xót, chúng ta nên để ý tới động lực nào thúc đẩy người có một
trăm con chiên đã để chín mươi chín con lại ở đồng hoang để đi tìm con chiên lạc,
cũng như động lực nào khiến người phụ nữ có mười đồng quan làm đồ trang sức đã
moi móc mọi chỗ để tìm lại bằng được đồng quan bị rớt ở đâu đó trong nhà. Trong
cả hai câu chuyện, động lực chính vẫn là tình
yêu của người sở hữu đối với vật đã đi lạc hay bị đánh rơi. Một con chiên đi lạc so sánh giá trị với chín
mươi chín con còn lại thì có là mấy đâu.
Cũng vậy, cái vòng trang sức có mười đồng quan, mà là những đồng tiền giả
ít giá trị, thì dù có mất đi một đồng cũng chẳng đáng kể. Vậy mà người sở hữu chiên “dám” để lại chín
mươi chín con ở đồng hoang để đi tìm con chiên lạc, và người phụ nữ “dám” tốn
bao thì giờ để kiếm lại đồng quan đánh mất!
Đâu là giá trị của con chiên lạc và của đồng quan? Rõ ràng giá trị ở đây không còn tính bằng vật
chất nữa, nhưng là giá trị tình cảm. Con chiên lạc vì được người chủ thương mến nên
nó đáng giá. Biết đâu nó lại là con
chiên tật nguyền, yếu đuối, nên được chủ đặc biệt chăm sóc. Đối với người phụ nữ có mười đồng quan, đồng
quan bị mất có giá trị đặc biệt. Có thể
đó là đồng quan được tặng do người yêu, hoặc là vật kỷ niệm từ một biến cố nào
đó không bao giờ quên. Như vậy chúng ta
chắc chắn có thể nói rằng động lực thúc đẩy người chủ chiên “thương” con chiên
lạc và người phụ nữ “xót” đồng quan bị mất chính là tình yêu của người sở hữu
và giá trị tình cảm của vật bị mất.
Chiên và đồng quan làm sao so sánh được với giá trị của chúng ta trước mặt
Chúa!
Giống
như người chủ đàn chiên và người phụ nữ với các đồng quan, Chúa “sở hữu” tất cả
chúng ta. Chúa dựng nên chúng ta là để
chúng ta thuộc về Người đang khi chúng ta sống ở trần gian và vĩnh viễn thuộc về
Người sau khi chúng ta kết thúc cuộc đời trần thế. Đó là nguyên lý nền tảng. Sở dĩ chúng ta có giá trị là vì chúng ta được
Chúa thương yêu. Giá trị của chúng ta là
giá trị được bảo đảm và thăng hoa do tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, mỗi khi chúng ta lạc khỏi đường lối của
Người là Người sẽ đi tìm chúng ta, kêu gọi chúng ta quay về. Giá trị của chúng ta còn được minh chứng qua
sự kiện Chúa “ăn mừng” khi tìm lại được chúng ta. Trong cả ba dụ ngôn đều có chuyện ăn mừng. Tìm lại được chiên lạc hay đồng quan bị mất
thì “mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin
chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên của tôi…, đã tìm được đồng quan
tôi đã đánh mất’”. Kiểu nói con chiên của tôi và đồng quan tôi đã đánh mất phản ánh tâm tình tự trách
của người sở hữu, cho rằng vì mình không chăm sóc đủ hoặc không cẩn thận đủ nên
con chiên mới lạc và đồng quan mới mất!
Lòng Thương Xót của Chúa là thế đấy!
Sống sứ điệp Tin
Mừng
Trước mặt
Chúa, dù chúng ta là gì đi nữa, thì chúng ta vẫn có giá trị đặc biệt. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng
chứa chan gấp bội” (Rô-ma 5:20). Hai dụ
ngôn kể trên quá đủ để giúp chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, tiến
bước trên con đường nên thánh và không thất vọng mỗi khi chúng ta thấy mình yếu
đuối!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi