CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Ki-tô Hữu Là Người Quản Gia Trung Tín Của Chúa

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 16:1-13)

          Trong bối cảnh văn hóa Á-đông hoặc Do-thái, địa vị của người quản gia thường rất quan trọng, thay mặt chủ nhà giải quyết rất nhiều công việc, nhất là những vấn đề liên quan đến tài chánh hoặc gia tài của chủ.  Người quản gia được chủ tin cậy, đến nỗi ông sẵn sàng trao phó mọi sự cho người ấy, nhiều năm trời không cần duyệt lại sổ sách.  Đáp lại lòng tin cậy đó, người quản gia trung thành cứ tiếp tục công việc của mình với mục đích duy nhất là giúp cho gia chủ được sống an vui và gia sản của ông ngày càng phát đạt.  Họa hiếm mới có người quản gia bất trung, lợi dụng sự tin tưởng của gia chủ để trục lợi cho riêng mình.  Hôm nay hình ảnh người quản gia bất trung ấy được Chúa Giê-su dùng làm dụ ngôn, để dạy chúng ta thái độ “làm tôi Thiên Chúa”, sống sao cho đúng với chức phận và trách nhiệm khi Người dựng nên chúng ta.

          Trước hết chúng ta phải nhìn nhận rằng người quản gia trong dụ ngôn hôm nay là một người tài giỏi lanh lợi, lúc nào cũng “hành động khôn khéo”.  Nhưng đó là cái khôn khéo của thế gian và nếu nói không quá thì đó là cái khôn khéo tinh ranh của ma quỷ.  Cứ xem lối suy nghĩ và hành động của anh ta là đủ thấy.  Anh ta biết nhìn xa, tính toán cho tương lai.  Vừa nghe chủ bảo phải tính sổ sách đi là anh ta đã sắp đặt một kế hoạch thật đầy đủ:  “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có ngươi đón rước mình về nhà họ!”

          Suy nghĩ kế hoạch rồi là phải hành động kịp thời.  Anh ta lập tức liên lạc với các con nợ và đối xử với họ bằng tấm lòng quảng đại hào phóng được trả bằng tiền bạc hay tài sản của gia chủ anh.  Lòng quảng đại hờ ấy được ghi lại bằng sổ sách đàng hoàng!  Những tờ biên lai mới nhẹ nhàng hơn thay thế cho những biên lai nguyên thủy.  Trước đây là nợ một trăm thùng dầu ô-liu thì bây giờ được anh quản gia “quảng đại” rút xuống còn năm mươi thôi.  Trước đây một ngàn giạ lúa, bây giờ còn có tám trăm.  Cứ thế, con nợ nào cũng được giảm nợ, nhưng lại mắc vào một cái nợ mới, nợ ân tình của người quản gia bất trung!  Hôm nay rõ ràng tôi đã giúp bạn thì mai này nếu tôi có làm sao thì bạn phải giúp tôi, đó là tình đời mà.  Người mắc nợ được lợi, mà người quản gia bất trung lại càng được lợi hơn nhiều.  Thế là ông chủ trong dụ ngôn thì khen anh ta “đã hành động khôn khéo”.  Còn Chúa Giê-su thì khẳng định:  “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.

          Dĩ nhiên dụ ngôn người quản gia bất lương dạy chúng ta nhiều bài học.  Nhưng có lẽ bài học quý giá nhất, đó là điều Chúa dạy “ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn”.  Người quản gia dù quản lý tốt của cải của gia chủ thì cũng chỉ là “trung thành trong việc rất nhỏ” thôi.  Còn chúng ta là Ki-tô hữu đã được Thiên Chúa “tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật”, nên nếu chúng ta biết làm cho của cải chân thật ấy được tăng thêm thì chúng ta mới thực sự là “trung thành trong việc lớn”.  Có thể chúng ta thắc mắc “của cải chân thật” Chúa ký thác cho chúng ta là gì.  Đó chính là Nước Thiên Chúa, là “túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lu-ca 12:33).

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Làm người quản gia của Thiên Chúa nghĩa là “làm tôi” Người.  Tuy nhiên Chúa không còn gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu với Người (Gio-an 15:15).  Chúa thay đổi thân phận chúng ta, cất nhắc chúng ta lên làm quản gia của Người.  Đó chẳng phải là một vinh dự lớn lao chúng ta được lãnh nhận sao?  Chúa tin tưởng chúng ta đến độ ký thác những gì quý giá nhất của Người, đó là Nước Trời, nói khác đi, là Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Người, cùng với những giá trị Tin Mừng, để giúp chúng ta mỗi ngày một trở nên giống như Chúa Ki-tô, tức là trở về với hình ảnh nguyên thủy khi chúng ta được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên Chúa”.

          Khi nói về việc “làm tôi”, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến hành động ghét và yêu, gắn bó và khinh dể.  Muốn làm tôi Chúa theo đúng nghĩa thì phải “yêu” và “gắn bó” với Chúa.  Vậy cứ xét hai thái độ yêu và gắn bó này là chúng ta rõ mình có thực sự làm tôi Chúa hay không, và chúng ta có làm người quản gia trung tín của Chúa hay không.

                    Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

                  


Suy Niệm Lời Chúa Năm C