cUỘc sỐng
trẦn thẾ không phẢi là tẤt cẢ
(Luca 16,19-31
– CN XXVI TN - C)
1.-
Ngữ cảnh
Tại đoạn Lc 16,14-18, tác giả đã mô tả người
Pharisêu là “vốn ham hố tiền bạc”. Lời mô tả này chủ ý được ghi vào cho khó
nghe, bởi vì là một nhận xét bất thường, không có chỗ nào trong TM III
hay Cv sử dụng. Đức Giêsu than trách rằng điều răn quan trọng nhất, yêu
thương người thân cận như chính mình, đã phải hy sinh cho việc giữ lấy của cải
riêng, và lòng yêu thương đối với chính mình, cho dù phải hy sinh người thân
cận, đã được ưa chuộng hơn – và điều này lại rõ ràng nơi những người Pharisêu
đạo đức! Những câu nói về sự ham hố tiền bạc dễ dàng tuôn ra từ dụ ngôn trước
đó nói về việc sử dụng của cải cách bất chính (16,1-8) và từ những bài học về
việc lạm dụng của cải (16,9-13). Vậy bài dụ ngôn 16,19-31 là phần nối tiếp
những nhận định lâu dài của tác giả Lc về việc sử dụng không đúng đắn
các của cải (kể từ bài Người con hoang đàng). Bài dụ ngôn hôm nay giúp làm sáng
tỏ hoàn cảnh này. Người Pharisêu chế nhạo Đức Giêsu khi nghe dụ ngôn của Người
đề cập đến tiền bạc; bây giờ, bằng ngôn ngữ rõ ràng và mạnh mẽ, Đức Giêsu biện
luận về cách sử dụng đúng đắn các của cải.
Những lời Đức Giêsu (16,15-18) tiếp theo lời tác giả giới
thiệu người Pharisêu ở c. 14 tập trung vào những gì Đức Giêsu cùng chia sẻ với
cử tọa: hết sức tôn trọng các giáo huấn của Cựu Ước; chỉ có một con đường duy
nhất đưa vào Nước Trời (16,16), đó là tuân giữ các giáo huấn của Thiên Chúa, và
ở đây là giáo huấn liên hệ đến việc sử dụng đúng đắn các của cải. Lề Luật nói
về điểm này, sẽ không bao giờ qua đi, nhưng luôn hướng dẫn các chọn lựa của con
người (16,17). Điều duy nhất Đức Giêsu thêm vào các giáo huấn đáng kính của
Thiên Chúa là làm sáng tỏ cách người Do Thái hiểu Luật Môsê (x. c. 18 như một
ví dụ về cách Đức Giêsu làm sáng tỏ Lề Luật). Người Kitô hữu, trong khi vẫn
nhìn nhận giá trị của Luật Cựu Ước, lại sống ý muốn của Thiên Chúa theo cách
hiểu của Đức Giêsu, là Đấng Cứu thế, là vị Hướng đạo và Đấng soi sáng mình.
Vì không
có một từ hay một câu nào để nối dụ ngôn với các câu trước, ta có thể hiểu rằng
dụ ngôn thuộc về những câu đi trước nó.
2.-
Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Hoàn cảnh của ông nhà giàu và Ladarô (16,19-22);
2) Cuộc đối thoại (16,23-31):
a) Phần một: Cuộc sống dưới ánh sáng của cái chết (cc.
23-26);
b) Phần hai: Sứ điệp cho “năm người anh em” và cho các
môn đệ Đức Giêsu: lắng nghe Lời Chúa (cc. 27-31).
3.-
Vài điểm chú giải
- mặc toàn …
(19): enedidysketo, thì vị hoàn của động từ endidyskô, “mặc”, cho
hiểu là đây là một hành động xảy ra thường xuyên.
- lụa là gấm vóc (19): dịch sát là “gấm tía và vải lanh mịn”. Theo ngôn
ngữ của Cựu Ước (Cn 31,22; 1 Mcb 8,14), ta hiểu ông nhà giàu sống
như một ông vua.
- Ladarô (20):
Do từ Hípri ’El‘âzâr, có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”.
- được thiên thần đem (22): Do vế sau nói về ông nhà giàu “cũng chết, và người
ta đem chôn”, tức là linh đình và long trọng, ta hiểu anh Ladarô không được
loài người an táng, nên đã được các nhân vật thiên quốc đem đi.
- anh Ladarô trong lòng tổ phụ (23): Đây là vị trí danh dự khi người ta được dự tiệc
đồng bàn với Abraham tại bữa tiệc thiên sai (Lc 13,28-29; x. Ga
13,22).
- âm phủ (23): Từ
ngữ (h)adês lấy từ thế giới Hy Lạp, để mô tả cuộc sống của người ta sau
cái chết. “Hadês” là tên của vị thần Hy Lạp cai trị âm phủ, và được dùng để chỉ
nơi người ta không thể nhìn thấy, do con chữ alpha có nghĩa là thiếu mất
đứng trước ngữ căn của động từ “nhìn thấy”. Đối với người Hy Lạp không tin có
sự sống lại từ cõi chết, dù chấp nhận có sự bất tử, linh hồn của người chết được
mô tả là đi lang thang trong một xứ sở không có mặt trời, trong một hình dạng
bất toàn, như một cái bóng.
- ông ta ngước mắt nhìn lên (23): Ông đang “ở dưới”, tượng trưng cho tình trạng đau
khổ, nhục nhã và thiếu thốn mà ông không tự giải quyết được.
- lòng tổ phụ (23):
biểu tượng người Do Thái dùng để nói về tình trạng sống rất thân tình và rất
được ao ước, khi đó hai con người kết hợp với nhau. Công thức này tương tự với
công thức “lòng kề lòng”.
- Ladarô được an ủi (25): Thái bị động thay tên Thiên Chúa: “Thiên Chúa an
ủi” Ladarô.
- đã có một vực thẳm lớn (26): Dịch sát là “đã cắt ngang định sẵn một vực
thẳm” (NTT). Đây là thái bị động thay
tên Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã định sẵn một vực thẳm”.
- Chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ (29): “Môsê và các ngôn sứ” là tên gọi bộ Kinh Thánh Do Thái
(tức Cựu Ước). Tổ phụ Abraham khẳng định rằng sứ điệp nòng cốt của Kinh Thánh
Do Thái vẫn còn là một cẩm nang có giá trị để hướng dẫn anh em ông nhà giàu.
4.-
Ý nghĩa của bản văn
* Hoàn cảnh của ông nhà giàu và Ladarô (19-22)
Ông nhà giàu không có tên, nhưng lại rất giàu; còn Ladarô
chỉ có một sự giàu có, đó là cái tên. Hai người không có tương quan gì với nhau
cả.
Ông nhà giàu không làm điều gì xấu về luân lý cả; ông
chưa hề từ chối Ladarô một điều gì, vì Ladarô cũng chưa xin gì cả. Bản
văn chỉ nói rằng ông có một chương trình sống như chương trình một ông
nhà giàu khác đã phác ra, nhưng đã không thể thực hiện trọn vẹn vì cái chết đến
sớm: “Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19). Y phục
thường xuyên của ông là lụa là gấm vóc: mỗi ngày ông đều mặc “gấm tía và vải
lanh mịn”, chứ không chỉ vào một số ngày đặc biệt. “Gấm tía” rất đắt, nên chỉ
giới thượng lưu vương giả mới dám dùng. “Vải lanh mịn” cũng là thứ hàng hiếm,
ngay tại Rôma. Thế mà ông nhà giàu mặc mỗi ngày! Thường mỗi gia đình có một bữa
ăn chính mỗi ngày; còn trong nhà của ông nhà giàu, bữa ăn chính này, mỗi ngày,
lại là một yến tiệc. Chắc chắn ông nhà giàu không ăn mặc và ăn uống sang trọng
hào nhoáng như thế cho riêng ông, ông phải có các khách mời. Ông đã sống như
một ông vua.
Các thính giả có thể khó chịu vì bức tranh này, vì dường
như “bôi bác” người nghèo. Nhưng Đức Giêsu sắp chuyển sang vấn đề cách thức sử
dụng của cải và lý do vì sao của cải không cứu được mà lại tiêu diệt người chủ
của. Chính bài học hệ trọng này cho hiểu vì sao Đức Giêsu giới thiệu quá chi
tiết hình ảnh ông nhà giàu, một hình ảnh ở mức độ nào đó đang có trong mỗi một
người, ở dạng hiện thực hay ở dạng nguyện ước.
Thế rồi Đức Giêsu đưa ra một hình ảnh đối ngược tối đa
với ông nhà giàu: một người nghèo mạt. Bản văn không nói là anh này sống đúng
đắn về luân lý. Anh có một tên, “Ladarô” có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”, một
cái tên có ý nghĩa đối với “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”
(x. Lc 14,13.21). Ladarô nghèo khó lại mụn nhọt đầy mình. Phải chăng Thiên Chúa sẽ giúp đỡ Ladarô qua
trung gian ông nhà giàu? Anh không thể đi lang thang đây đó mà xin ăn. Ladarô
cần có bạn bè để giúp anh tìm được thức ăn. Họ đã bỏ anh nằm trước cổng nhà ông
nhà giàu, một vị trí mà một người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù,
người không được mời, có thể ở gần chủ nhà nhất. Ông chủ và các khách mời không
thể nào không biết có anh này ở ngoài cổng, và quả thật, ông nhà giàu đã gọi
tên anh khi anh đang ở trong lòng tổ phụ Abraham.
Ladarô đói, anh thèm được ăn những thứ thừa thãi trên bàn
người giàu và các thực khách rơi xuống. Rất có thể mấy con chó dưới gầm bàn
được hưởng những thứ này. Mà nếu vậy, hẳn là Ladarô mong được không phải ở giữa
những thực khách, mà là ở giữa những con chó. Chỉ có mấy con chó hoang đến liếm
ghẻ chốc của anh. Phải chăng chúng săn sóc anh? Nếu thế, ông nhà giàu không
giúp đỡ anh bằng mấy con chó. Nhưng cũng có thể hiểu việc mấy con chó đến liếm
mụn nhọt cho anh như là một tình trạng bị bỏ rơi, không được ai giúp đỡ, mà còn
bị đàn vật tấn công nữa.
Bức tranh Đức Giêsu phác ra kết thúc tại điểm này: đây là
một “kết thúc mở”. Tình trạng mâu thuẫn đã rõ. Đức Giêsu không mô tả thêm gì;
điều này có nghĩa là bao lâu hai nhân vật trên còn sống, không có gì thay đổi
cả: mỗi người cứ tiếp tục như thế cho đến chết. Dù sao, tác giả Lc không
hề xác định rằng ông nhà giàu xấu xa, hay là Ladarô là điển hình của người tốt.
Đấy là những vấn đề nằm ngoài bản văn. Tác giả chỉ mô tả cuộc sống của hai bên:
một bên thì ăn tiệc, còn bên kia thì ăn xin; một bên thì ăn mặc sang trọng, còn
bên kia thì gần như trần truồng. Đây là hai kiểu mẫu song đối đang đứng trước
mặt nhau, nhưng không có đối thoại. Mặc dù có sự gần kề thể lý hằng ngày, dụ
ngôn lại cho thấy sự xa cách là có thật. Đàng khác, sự kiện họ không nói với
nhau là một yếu tố không phài không đáng kể, nhất là trong một dụ ngôn kết thúc
bằng việc kêu gọi lắng nghe (16,29.31).
* Phần một của đối thoại: Cuộc sống dưới ánh sáng của
cái chết (23-26)
Nhưng cái tên “Ladarô”, có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”,
Đức Giêsu cố tình gán cho anh, là để ta hiểu rằng cái tên của anh phù hợp với
hoàn cảnh của anh: Khi còn sống, anh đã không được người nào giúp đỡ; sau khi
chết, anh đã được Thiên Chúa an ủi.
Đứng trước cái chết, ông nhà giàu và anh nhà nghèo bình
đẳng. Cái chết chiếu cố đến cả hai người. Nhưng tại điểm này, số phận của họ
đảo ngược. Bản văn không nói gì về phán xét, nhưng chỉ ghi nhận sự đảo lộn các
số phận, đồng thời nói đến một tình trạng bất khả truyền thông giữa hai bên.
Những gì được nói ở đây về cuộc sống sau cái chết không phải là một mô
tả chính xác về cuộc sống ấy và không hề có ý phác ra một địa lý của thế
giới bên kia gồm những vùng hoặc những tầng. Nếu Đức Giêsu chọn nói về đau khổ
dành cho những kẻ tội lỗi trong cuộc sống sau cái chết, Người thường vận dụng
kinh nghiệm của các cư dân của một thành phố qua hình ảnh một ngọn lửa cháy mãi
trên một đống rác, liên tục cháy ngày đêm để thiêu đốt rác rưởi của thành ấy (Mc
9,48; x. Is 66,24).
Các hình ảnh này chỉ muốn diễn tả sự khác biệt tận căn
trong thế giới bên kia của đời sống một người đã rất giàu có và đời sống
của một người đã hết sức nghèo túng. Ladarô được đưa vào lòng tổ phụ
Abraham. Abraham, bạn của Thiên Chúa và tổ phụ của dân Israel, được coi như
người chủ tọa bữa tiệc mừng trong thế giới ấy (x. Mt 8,11). Ladarô, đã
từng nằm vạ vật bẩn thỉu trước cổng và chỉ có bầy chó làm bạn, nay nhận được
một chỗ danh dự bên cạnh tổ phụ Abraham, trong sự hiệp thông thân tình
và tin tưởng với ngài (x. Ga 13,23). Còn ông nhà giàu, trước đây, ông ăn
mặc tinh tế và xa hoa, nay chỉ có lửa bao quanh ông, khiến ông rất đau đớn.
Trước kia, ông luôn có sẵn những thức ăn thơm ngon và thức uống ê hề, bây giờ
ông phải xin một giọt nước. Trước đây, trong cuộc sống trần gian, Ladarô
đói khát mong ước được ăn những thứ thừa từ bàn chủ rơi xuống, nhưng không
được; bây giờ ông nhà giàu xin Ladarô đưa ngón tay nhúng nước rồi nhỏ cho ông
một giọt nước, mà cũng không được nhận. Trong cuộc sống trần gian, ông
đã biết và chỉ quan tâm đến thú vui, thoải mái, sự xa hoa và những thứ tinh tế.
Với của cải của ông, ông có thể cho phép mình có mọi sự. Nhưng cách thức ông đã
sử dụng của cải và tiêu xài cuộc sống đã đẩy ông vào một tình cảnh trong
đó ông phải chịu đau đớn và dày vò, nhung nhớ và nguyện ước không nguôi; chính
ông tự tách khỏi sự hiệp thông với tổ phụ Abraham và với Thiên Chúa.
Tác giả không giải thích trong bài dụ ngôn vì sao ông nhà
giàu phải chịu đau khổ, còn Ladarô thì thoát khỏi đau khổ. Các hoàn cảnh sau
cái chết của họ chỉ được hiểu ngầm trong bài là xứng đáng với họ. Tổ phụ
Abraham không nói rằng vì ông nhà giàu có của cải trên trần gian, nên bây giờ
phải chịu đau khổ; ngài chỉ muốn khẳng định rằng ông ấy đã có của cải ở trần
gian, nhưng sự giàu có không theo ông vào âm phủ được. Chúng ta hiểu rằng đời
sống trước đây trên mặt đất phải chịu trách nhiệm và là nguyên nhân của những
tình cảnh sau cái chết.
Lời ông nhà giàu kêu “lạy cha Abraham (của con)” xin giúp
đỡ và lời tổ phụ Abraham nói “con (của ta)” để từ chối cho hiểu quan hệ thân
thương này vẫn không chặn được các ngọn lửa và cơn khát nơi âm phủ. Nhưng lời
kêu cứu của ông cũng cho hiểu là có một dây liên kết cốt thiết giữa ông và
Ladarô; mặc dù có những khác biệt lớn lao giữa hai người, họ vẫn là anh em gần
gũi và phải yêu thương nhau. Thế nhưng bây giờ, “giữa chúng ta đây và các con
đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được,
mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (c. 26), nghĩa là không thể
thay đổi phần thưởng hay hình phạt nữa, khi mà cuộc sống đã chấm dứt. Mối quan
tâm của ông nhà giàu cho số phận của năm người anh em sau này gợi ý là sau khi
chết, không còn có thể thay đổi được nữa.
Chúng ta ghi nhận là không phải là Ladarô đã lập luận để
trả lời cho ông nhà giàu, mà là tổ phụ Abraham, tức Nguồn Mạch của Do Thái
giáo. Rất hợp lý là cha của tất cả mọi con dân Israel giải thích cho hiểu vì
sao Ladarô không thể giúp gì cho ông nhà giàu. Lý do thứ nhất: ông nhà giàu đã có các thứ tốt lành khi
còn sống ở đời; còn Ladarô thì chỉ toàn gặp bất hạnh. Bây giờ ông nhà giàu phải
đau khổ, còn Ladarô được an ủi. Điểm nhắm trong lời nói của tổ phụ Abraham là
cung cấp lý do vì sao đau khổ của ông nhà giàu không thể chấm dứt: do sống
trong tình trạng bị dày vò lúc này, ông phải nhớ lại rằng ông đã có các thứ tốt
lành trong cuộc sống trần gian và nhớ là bây giờ ông phải chịu đau khổ. Bên
kia, Ladarô không bị buộc phải từ bỏ tình trạng hạnh phúc của anh; anh đã phải
chịu đau khổ suốt đời, nên nay anh được an ủi. Lời của tổ phụ Abraham chỉ nhắm
giải thích một điều: không phải vì sao mỗi người đang ở nơi họ đang ở, nhưng vì
sao không thể yêu cầu Ladarô giúp đỡ ông nhà giàu.
Lý do thứ hai: theo quan niệm về âm phủ nói trên, có một
sự ngăn cách không thể vượt qua giữa cái tốt và cái xấu: “giữa chúng ta đây và
các con”, tổ phụ Abraham kể cả chính ngài vào đó. Vậy, sự ngăn cách này do một
Đấng Khác quy định bất di bất dịch, chứ không do bất cứ thụ tạo nào. Tình trạng
bất khả thông thương này chấm dứt mọi tranh luận về việc Ladarô giúp đỡ ông nhà
giàu.
* Phần hai của đối thoại: Sứ điệp cho “năm người anh em”
và cho các môn đệ Đức Giêsu: lắng nghe Lời Chúa (27-31)
Ông nhà giàu nhìn nhận rằng chính lối sống của ông trước
đây trên mặt đất đã đưa ông đến tình trạng này. Do đó ông mong muốn là anh em
ông được nhắc nhở thay đổi đời sống để khỏi rơi vào số phận đau đớn như ông.
Rất có thể những người này đang sống dưới một mái nhà với ông, nên ông biết rõ
lối sống của họ. Cách thức thực hiện điều này, như ông đề nghị, là gửi Ladarô
về khuyến cáo các anh em ông về mối nguy hiểm đáng sợ đang ở trước mắt. Tổ phụ
Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị
đó”. “Môsê và các Ngôn sứ” là tên gọi bộ Kinh Thánh. Như thế, muốn tránh được
lộ trình đưa đến số phận đau đớn thì hãy lắng nghe Lời Chúa. Từ đó, chúng ta
hiểu rằng trong khi còn sống, ông nhà giàu đã không lắng nghe, tức không vâng
theo “Môsê và các Ngôn sứ”, Lời Chúa, với luật căn bản là mến Chúa yêu người.
Nhờ
trung gian của Kinh Thánh, Thiên Chúa truyền đạt cho chúng ta biết ý muốn của
Ngài, Ngài ban cho chúng ta những quy luật sống đúng đắn để đưa chúng ta đến
đích. Ý muốn của Thiên Chúa không hề khó tuân giữ, như sách Đệ nhị luật
đã khẳng định: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không
vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời […].
Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển […]. Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em,
ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl
30,11-14). Trong Kinh Thánh, có chỗ nói rõ ràng về trách nhiệm xã hội đối với
những người nghèo. Nay ta có thể giải thích rõ ràng nhất bức tranh Đức Giêsu đã
vẽ ra trong bốn câu đầu của dụ ngôn: Ông nhà giàu đã bỏ qua ý muốn của Thiên
Chúa, không quan tâm đến Thiên Chúa, đã chỉ tìm kiếm tiện nghi và thú vui cho
riêng mình. Do đó, ông đã phải đi đến đau khổ hiện tại.
Ông
nhà giàu không phủ nhận tính đúng đắn của lời tổ phụ Abraham nói, nhưng ông
nghĩ rằng anh em ông sẽ vâng theo hơn, nếu có người, như Ladarô, từ cõi chết
trở về truyền đạt sứ điệp Môsê. Chắc chắn Ladarô không có gì hơn Môsê mà nói;
giá trị của anh nằm ở chỗ anh có thể làm chứng về thế giới âm phủ. Nhưng câu
trả lời của tổ phụ Abraham là một lời bình luận về trái tim con người. Nếu
người ta không muốn vâng nghe Môsê và các ngôn sứ, thì người từ cõi chết trở về
cũng chẳng lay chuyển được lòng dạ của họ. Lời tổ phụ Abraham phân tích một con
tim sống trong tội rất có thế giá: bài dụ ngôn nhắm điều này, nên đã kết thúc ở
đây với nhận xét của tổ phụ Abraham. Thật khó mà đưa trái tim con người đến chỗ
hoán cải!
+ Kết luận
Trong
bài dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy một cuộc đảo lộn tình thế và nguyên nhân
của cuộc đảo lộn này. Những gì Người loan báo ở đây là nhắm ban cho các “anh
em” (c. 28) ông nhà giàu một lời giáo huấn và khuyến cáo, để họ khỏi mất
linh hồn vì những thú vui do của cải giàu sang, trái lại biết nghiêm túc tìm
thánh ý Thiên Chúa. Các lời này của Đức Giêsu cũng là một an ủi cho
người nghèo, vì tuy trên trần gian họ phải sống một số kiếp đau thương
nhưng họ vẫn có thề hoàn toàn cậy trông vào sự nhân lành của Thiên Chúa.
Đức
Giêsu mạnh mẽ loan báo rằng cuộc sống trần gian không phải là tất cả và các
hoàn cảnh hiện thời trong cuộc đời không đơn giản được lặp lại sau cái chết. Ai
không nhìn sang bên kia cuộc sống trần thế và niềm vui sống, thì sau cái chết
sẽ phải gặp một chuyện kinh ngạc đau đớn. Đối với mọi người, giàu hay nghèo,
cần phải quy hướng cuộc sống mình về ý muốn của Thiên Chúa. Đây là con đường
duy nhất để tránh được diệt vong và đạt được sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên
Chúa.
Còn
có một hướng suy nghĩ khác: sau khoảng năm mươi năm Đức Giêsu đã ban dụ ngôn
này, phải chăng tác giả Lc muốn ám chỉ rằng người ta cũng sẽ không nghe
Đức Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết? Sách Công vu đã nêu lên nhiều
bằng chứng về sự “không nghe” này. Nếu hiểu như thế, bài dụ ngôn cũng có sức
quy chiếu về Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Hai người ở cách nhau có ít bước, thế mà dường như không gặp nhau. Ladarô cứ
việc nằm vất vưởng đau bệnh trước cửa; ông nhà giàu biết anh, nhưng sống như
không hề có Ladarô. Khi người ta tin tưởng vào tiện nghi, vào của cải, vào
“phát triển”, người ta trở thành đui mù, không thấy người khác với các nhu cầu
của họ. Sau này, ông nhà giàu không hề biện minh: Tôi không gây rắc rối gì cho
Ladarô. Tôi tôn trọng quyền tự do của anh. Anh ta đâu có hề xin tôi điều gì!
Ông biết ông đã sai khi không sống những điều Lời Chúa dạy.
2.
Ông nhà giàu có tất cả mọi sự trên đời và dường như ông đã đạt được mục tiêu
của cuộc đời. Nhưng chính cái chết cho hiểu rằng cuộc sống trần gian không phải
là tất cả. Phải sống cuộc sống trần gian, phải sử dụng của cải vật chất thế
nào, để sau khi chết, người ta đạt được cuộc sống viên mãn. Dĩ nhiên Đức Giêsu
không muốn nói đến một vài sai lỗi nhất thời; Người dạy chúng ta về giá
trị của chọn lựa căn bản: có những chọn lựa trong cuộc sống hôm nay rất hệ
trọng, bởi vì liên hệ đến cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết.
3.
Ông nhà giàu chết, và phải chịu cực hình. Điều này không có nghĩa là chỉ nguyên
vì ông có của cải trong cuộc sống trần gian, mà dứt khoát ông bị hành hạ trong
thế giới bên kia. Nếu ông bị đau đớn là vì ông đã không biết sử dụng của cải
cho khôn khéo, như đã được nói đến ở cc. 9,14-15. Hôm nay chúng ta cũng được
mời gọi xét lại xem chúng ta có chăng khả năng thấy nơi mỗi con người và nơi
các nhóm người và các dân tộc, một Ladarô nghèo khó đang ở trước cửa nhà
chúng ta. Chúng ta có nhận ra được những nhu cầu của họ chăng? Chúng ta đã và
còn sẽ làm gì cho họ?
4.
Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận nữa. Chính vì thế Đức
Giêsu đã ra sức thúc bách người ta “thay đổi ngay bây giờ”. Không có một giáo
huấn nào của Tân Ước cho thấy là ta còn có thể hoán cải sau khi chết. Lời Chúa
có đó để hướng dẫn chúng ta đạt được cứu cánh của cuộc đời chúng ta. Muốn lắng
nghe Lời Chúa, ta phải có con tim sẵn sàng và rộng mở. Nếu con tim đã trở nên
đui mù và chai cứng vì ích kỷ, không quan tâm đến Thiên Chúa và người thân cận,
thì các phép lạ và các sứ giả từ bên kia thế giới trở về cũng chẳng giúp lay
tỉnh được.
5.
Điều mà bài dụ ngôn lên án, đó là không biết nhận ra tình trạng của bản thân để
thay đổi. Có một cuộc đời để đáp lại các tiếng gọi và có một lúc cuối cùng, vẫn
còn có thể làm được điều gì đó. Người gian phi tại đồi Sọ đã có sự khôn ngoan
đúng lúc. Trong một thoáng chốc, anh đã biết sử dụng Lời như một cái kềm để nhổ
các cây đinh của cuộc sống gian ác của anh và nắm bắt được thiên đàng: “Giêsu
ơi, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,43).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm