CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Phần phước vĩnh cửu không phải ở đời này

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 16:19-31)

          Sự khác biệt giữa giàu nghèo là điều hiển nhiên trong bất cứ xã hội nào và nó gây ra bao nhiêu vấn đề phức tạp.  Tuy nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su không đi vào lãnh vực xã hội ấy, Người chỉ muốn nêu lên tầm quan trọng của tương lai chúng ta sau cuộc sống ở đời tạm này.  Giàu có hay nghèo khổ rồi cũng chết.  Trong câu chuyện dụ ngôn Chúa kể, ông nhà giàu sau khi chết phải chịu cực hình nơi âm phủ.  Ông ta kêu cứu với tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng ngài trả lời ông:  “Con ơi, hãy nhớ lại:  suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi”.  Được giàu có sung túc ở đời này quả thực là một phần phước, nhưng là phần phước chóng qua.  Vì thế, Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy sống làm sao để đạt được phần phước vĩnh cửu.

          Câu chuyện dụ ngôn dường như chú trọng đến ông nhà giàu nhiều hơn là anh nghèo La-da-rô, nhất là chú trọng đến hệ quả của một cuộc sống “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.  Dụ ngôn không nói rằng ông nhà giàu đã làm những chuyện xấu xa, mà chỉ mô tả ông tận hưởng “phần phước” của mình.  Cuộc sống ích kỷ hưởng thụ đã khiến ông ta không mảy may để ý tới người chung quanh.  Thậm chí, anh La-da-rô nghèo khổ “nằm trước cổng” nhà ông, vậy mà ông cũng chẳng lưu tâm.  Chắc chắn ông trông thấy La-da-rô chứ, nhưng ông tự nhủ:  Anh cứ việc nằm trước cổng nhà tôi, miễn là đừng phá phách, ồn ào hoặc quấy rầy tôi, vì tôi còn bận hưởng phần phước của tôi!  Ngược lại, anh La-da-rô là một hình ảnh thương tâm.  Anh vừa bệnh tật vừa đói khát, nào là “mụn nhọt đầy mình”, “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no”, nào là bị bầy chó “cứ đến liếm ghẻ chốc” khiến anh ta càng đau đớn hơn.  Tuy dụ ngôn không nói ra, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng La-da-rô biểu tượng cho người nghèo khổ chỉ còn biết nương tựa vào Thiên Chúa mà thôi.  La-da-rô không may mắn được hưởng phần phước giàu có đời này, vậy mà chúng ta không nghe một lời than trách nào từ miệng anh ta cả.  Như thế, anh đã sống cuộc đời phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.  Mặc dù “suốt một đời chịu toàn những bất hạnh”, nhưng La-da-rô vẫn tin rằng nhờ tình yêu Thiên Chúa, anh sẽ được “an ủi” nơi thiên đàng, vì anh tin rằng phần phước vĩnh cửu chính là niềm an ủi ấy.

          Dĩ nhiên, không phải hễ chúng ta được phần phước giàu có ở đời này thì số phận mai sau sẽ giống như ông nhà giàu trong dụ ngôn.  Ông ta phải chịu cực hình dưới âm phủ không phải vì ông giàu có, mà vì ông không sử dụng phần phước giàu có đời này để chuẩn bị cho phần phước vĩnh cửu đời sau.  Nếu ông biết chia sẻ cơm áo cho anh La-da-rô thì chẳng những ông giàu của cải mà còn “giàu lòng thương xót” nữa.  Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót (Ê-phê-xô 2:4), đã đặc biệt thương ông và cho ông được giàu có suốt cả đời, thì tại sao ông không biết tỏ lòng thương xót với anh La-da-rô nghèo khổ đang nằm ngay trước cổng nhà ông?  Hóa ra ông không tin vào phần phước đời sau, nên ông đã đặt mục đích cuộc đời mình vào việc sống hưởng thụ và không cần chuẩn bị cho phần phước vĩnh cửu.  Ông ta đúng là “đồ ngốc”, giống như nhà phú hộ đã “thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lu-ca 12:16-21).

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Bài học của sứ điệp Tin Mừng hôm nay có thể nằm ở phần cuối câu chuyện, khi ông nhà giàu xin tổ phụ Áp-ra-ham sai anh La-da-rô về nhà cha ông ta để cảnh báo năm người anh em của ông.  Họ cũng đang sống lối sống giống như ông đã sống.  Nhưng Áp-ra-ham trả lời:  “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”.  Ông nhà giàu thưa rằng anh em ông không chịu nghe lời các vị ấy đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết trở về cảnh báo họ thì họ mới sám hối.  Áp-ra-ham trả lời:  “Mô-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.  Người chết sống lại là Chúa Giê-su!  Đúng vậy, qua dụ ngôn hôm nay, Chúa muốn cảnh báo chúng ta đừng sống ích kỷ với những gì mình có, mà không chút quan tâm đến những người nghèo khổ chung quanh.  Sử dụng phần phước giàu có Chúa ban cho ở đời này để giúp đỡ người khác là chúng ta đang chuẩn bị cho phần phước đời sau của chúng ta đấy!                                                         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C