CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Khiêm nhường là nền tảng của đức tin

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 17:5-10)

          Chúng ta đã nhiều lần nghe Chúa Giê-su đòi người ta phải có lòng tin hoặc Người giảng dạy về đức tin.  Về phía các tông đồ, các ông cũng nhận ra mình cần phải có thêm lòng tin, mặc dù các ông được diễm phúc sống với Chúa, nghe Chúa dạy dỗ và chứng kiến những phép lạ Chúa làm.  Hôm nay, không riêng ông Phê-rô, mà tất cả các tông đồ đều thưa với Chúa:  “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”.  Trả lời các ông, Chúa nói về sức mạnh của đức tin, ngay sau đó, Người nhắc đến thái độ khiêm nhường của người đầy tớ tự nhận mình là “vô dụng” sau khi đã chu toàn bổn phận.  Vậy đâu là liên hệ giữa đức tin và lòng khiêm nhường?

          Không phải tình cờ mà thánh sử Lu-ca đã đặt bên cạnh nhau hai lời nói của Chúa Giê-su về sức mạnh của đức tin và lòng khiêm nhường của người đầy tớ trung tín.       Trước hết, các tông đồ, những người được Chúa kêu gọi để lãnh nhận sứ mệnh xây dựng Nước Trời, đã đến xin Chúa Giê-su “thêm lòng tin” cho các ông.  Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao Chúa có thể “thêm lòng tin” cho các tông đồ, vì chúng ta nghĩ rằng nếu lòng tin ấy phát xuất từ các ông thì đức tin mạnh hay yếu là tùy thuộc các ông chứ, làm sao Chúa “thêm” cho các ông được!  Thắc mắc này đưa chúng ta trở lại vấn đề nguồn gốc của đức tin.  Đức tin không khởi đầu từ chúng ta, mà từ Chúa.  Đúng vậy, sở dĩ chúng ta có được đức tin vào Chúa là vì Chúa tỏ ra cho chúng ta biết những phẩm tính của Người.  Chúa toàn năng dựng nên trời đất và loài người.  Chúa yêu thương chúng ta và quan phòng chăm sóc chúng ta.  Thực không sao kể hết những phẩm tính của Người.  Toàn bộ Kinh Thánh không chỗ nào là không nói về Thiên Chúa và những việc Chúa làm.  Chính những phẩm tính của một Thiên Chúa đầy yêu thương đã lôi cuốn chúng ta, giúp chúng ta nhận biết Chúa là Đấng nào và là lý do để chúng ta đáp lại tình yêu ấy bằng một lòng tin.  Nói khác đi, những phẩm tính của Thiên Chúa đã đem lại đức tin cho chúng ta.  Hoặc nếu diễn tả đức tin theo giáo lý Công giáo thì chúng ta gọi đức tin là nhân đức đối thần, tức Thiên Chúa là đối tượng của đức tin.  Hiểu nguồn gốc đức tin như vậy, chúng ta mới thấy tại sao các tông đồ xin Chúa thêm lòng tin cho họ.  Họ xin Chúa giúp họ xác tín hơn nữa vào những phẩm tính của Người, nhất là nhận biết tình yêu của Người.  Giúp họ xác tín hơn có nghĩa là thêm lòng tin cho họ!

          Lời nói thứ hai của Chúa Giê-su là về lòng khiêm nhường.  Chúa nói rằng những người đầy tớ sau khi đã hầu hạ ông chủ theo chức phận mình, thì hãy nói:  “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.  Phát biểu như vậy, các đầy tớ đã nhận định đúng về bản thân mình.  Bảo mình vô dụng không có nghĩa là giả vờ khiêm nhường, mà là muốn bày tỏ rằng đó là tất cả những gì họ có thể làm được, mặc dù tự thâm tâm họ còn muốn làm hơn thế nữa nhưng khả năng họ không cho phép.  Tuy nhiên, khi Chúa đề cập tới khiêm nhường, điều quan trọng hơn, đó là Chúa muốn ta hiểu rõ vai trò của khiêm nhường trong đức tin.  Làm sao chúng ta có lòng tin được, nếu chúng ta kiêu căng và cho mình là quan trọng nhất.  Một bệnh nhân không nhìn nhận tài năng của bác sĩ giải phẫu, làm sao họ dám tin ông và để cho ông mổ? Không chịu khiêm nhường nhìn nhận mình là thụ tạo hèn yếu trước mặt Thiên Chúa, làm sao chúng ta nhìn nhận được những phẩm tính của Người?  Cho nên đức khiêm nhường là điều kiện không thể thiếu cho đức tin.  Đồng thời chúng ta cũng thấy rõ:  càng khiêm nhường thì đức tin càng lớn, giống như nền móng càng chắc chắn thì ngôi nhà càng vững vàng.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Sau khi đánh được mẻ cá lớn nhờ nghe lời Chúa Giê-su, ông Phê-rô đã sấp mình trước mặt Chúa và thưa:  “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lu-ca 5:8).  Đây chính là đức tin và khiêm nhường kết hợp với nhau.  Đức tin không thể hiện ở đầu óc, mà ở đầu gối!  Các tông đồ là những người nhận mình là các đầy tớ vô dụng, nhưng nhờ tin vào con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, các ngài đã xây dựng Giáo Hội của Chúa.  Rồi thế hệ kế tiếp, như Ti-mô-thê, cũng “đã đồng lao cộng khổ” với các ngài “để loan báo Tin Mừng” (bài đọc 2).  Chúng ta, những tông đồ của thời nay, cũng có thể làm như vậy, nếu chúng ta có lòng tin vào Chúa Giê-su và ơn cứu độ của Người, dù chỉ với “lòng tin lớn bằng hạt cải”!         

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C