CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Cảm tạ là đặc nét của người con cái Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 17:11-19)

          Mỗi khi xem phim bộ Hàn-quốc, điều gây ấn tượng với tôi là nghe họ nói hai tiếng “xin lỗi” hoặc “cám ơn”.  Nó thành thực và tha thiết làm sao!   Nhưng có người lại bảo tại Việt Nam bây giờ, ít khi người ta nghe được hai tiếng “cám ơn” hoặc lời “xin lỗi”.  Thật buồn phải không?  Buồn, có lẽ đó cũng là tâm trạng Chúa Giê-su biểu lộ trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Người thấy chỉ có “người ngoại bang” trở lại sụp lạy dưới chân Người để tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, trong khi chín đồng bào của Người tỏ ra thật là vô ơn!  Cứ nghe cách Chúa Giê-su dồn dập hỏi luôn một lúc ba câu hỏi, chúng ta đủ biết Người thất vọng như thế nào về những kẻ đã được Người chữa lành.  Dĩ nhiên Người chẳng cần họ cám ơn Người, nhưng Người mong họ là những kẻ biết tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, Đấng yêu thuơng và quan phòng cho họ!

          Chúng ta thấy mười người phong hủi được Chúa chữa lành có những lý do để họ phải tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.  Trước hết, vì họ được chữa lành.  Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về cảm giác sau khi được lành bệnh, dù chỉ là qua một cơn cảm sốt.  Bệnh tật nào cũng gây khó chịu, mệt mỏi.  Ở đây, bệnh phong hủi đã làm cho mười người này khốn khổ.  Họ bị những con vi khuẩn hành hạ, đục khoét thân xác, gây đau đớn nhức nhối.  Thời ấy phong hủi là bệnh bất trị, người bệnh sẽ chết dần mòn theo thời gian.  Khi vua nước Ít-ra-en đọc thư của vua xứ A-ram xin vua Ít-ra-en chữa lành cho ông Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội A-ram, thì nhà vua đã kêu lên:  “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phong?” (2 Vua 5:7).  Nhưng bây giờ, mười người phong hủi đã may mắn gặp được Chúa Giê-su, Đấng “cầm quyền sinh tử”.  Người đã chữa lành họ đơn giản bằng một mệnh lệnh:  “Hãy đi trình diện với các tư tế”.  Rồi đang khi họ ra đi theo lệnh của Chúa, thì họ được sạch bệnh phong hủi!  Thế là từ nay, họ đã trút được gánh nặng bệnh tật tưởng không bao giờ có thể.

          Lý do thứ hai để họ phải tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa:  vì họ được trở lại với cộng đồng xã hội.  Đau đớn phần xác do bệnh phong hủi đã làm cho họ khốn khổ, nhưng đau đớn tinh thần do phải sống cô lập và cách ly với gia đình họ hàng cũng như cộng đồng lại còn sâu xa hơn nhiều.  Đời sống họ ở nơi hoang dã khác nào các tù nhân.  Hễ họ bén mảng đến nơi có người ở là bị xua đuổi.  Họ sống như những bóng ma.  Đời sống vật chất thiếu thốn đã đành, nhưng họ còn không được an ủi, yêu thương và khích lệ.  Cảm giác cô đơn và bị khinh miệt giống như trăm ngàn mũi kim đâm sâu vào trái tim.  Thêm vào đó, họ luôn bị ám ảnh do truyền thống cho rằng mắc bệnh tật, nhất là phong hủi, là hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi người đó phạm.  Tuyệt vọng là lối sống của họ.  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi ngục tù tâm linh này?  Đó là câu hỏi không có câu trả lời.  Chính Chúa Giê-su đã cho họ câu trả lời.  Sai họ đi trình diện với các tư tế, Chúa đã hợp thức hóa để họ được hội nhập lại với cộng đồng, nhất là đoàn tụ với người thân yêu.

          Tuy nhiên câu chuyện chưa kết thúc ở đây, mà ở giây phút quan trọng nhất, tức là khi “người ngoại bang” trở lại gặp Chúa Giê-su để tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa, và cũng để dạy một bài học ý nghĩa cho chúng ta, những người được gọi là con cái Chúa!

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Khi nghe Chúa Giê-su hỏi:  “Thế thì chín người kia đâu?”, có khi nào chúng ta nghĩ rằng mình là một trong số chín người ấy không?  Mười người phong hủi có những lý do để họ phải tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.  Nhưng chúng ta còn có nhiều lý do hơn thế nữa!  Kết thúc cuốn tiểu thuyết Nhật ký của một cha sở miền quê (Journal d’un curé de campagne), tác giả Georges Bernanos viết:  “Tất cả đều là ân sủng”.  Đúng vậy, nhìn vào cuộc sống chúng ta, quá khứ cũng như hiện tại, chúng ta có thể nhận ra biết bao nhiêu ơn lành Chúa ban về mọi phương diện, mọi nơi mọi lúc.  Cho nên chúng ta càng thêm có lý do để tôn vinh và cảm tạ Chúa.  Mong mỏi của bậc cha mẹ là con cái hãy cám ơn họ bằng cách cố gắng sống như những đứa con ngoan ngoãn.  Chúa Giê-su đã nói với “người ngoại bang” biết ơn:  “Đứng dậy, về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.  Chúa cũng muốn nói với chúng ta như vậy!

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm C