Thiên Chúa
đáng tin cẬy
(Luca 18,1-8 – CN XXIX TN - C)
1.- Ngữ cảnh
Sau
khi đã trả lời câu hỏi của người Pharisêu về biến cố Nước Thiên Chúa đến, Đức
Giêsu ngỏ lời với các môn đệ để dạy họ về ngày Con Người tỏ mình ra (Lc
17,22-37). Có những từ hoặc câu được dùng làm móc liên kết các câu văn với
nhau: động từ “[tôi] đến”, được dùng ở c. 20a (“đến”) và 22b (“sẽ đến”); hai
câu tương tự: “«Ở đây này!» hay «Ở kia kìa»!” (c. 21a) và “Người ở kia kìa! hay
Người ở đây này!” (c. 23b).
Ngay
sau lời giáo huấn mang tính cánh chung của Đức Giêsu về [các] ngày của Con
Người, tác giả Lc thêm một dụ ngôn để minh định điều Người đã
nói, đó là Dụ ngôn Quan tòa bất chính (18,1-8).
Cũng
như có một phương diện trong lối xử sự của người quản lý bất lương được
đề ra như điển hình cho lối xử sự của Kitô hữu (16,1-8a), ở đây một quan
tòa bất chính được dùng như một biểu tượng của Cha trên trời. Tuy nhiên,
để độc giả khỏi hiểu sai hướng, bản văn có thêm cc. 7-8a giúp điều chỉnh hình
ảnh của Thiên Chúa nếu như đã bị hiểu méo mó.
Chúng
ta có thể đọc Hc 35,12-20 và coi đoạn này như là bối cảnh của dụ ngôn
Tin Mừng.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành bốn phần:
1)
Câu mở: Mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi giảng dạy (18,1);
2) Dụ
ngôn Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (18,2-5):
3)
Biến một chi tiết của dụ ngôn thành ẩn dụ (18,6-8a):
- Câu
chuyển mạch (c. 6),
-
Cách xử sự của Thiên Chúa (cc. 7-8a);
4)
Biến cả dụ ngôn thành ẩn dụ (18,8b).
3.- Vài điểm chú giải
-
phải cầu nguyện luôn (1): Từ “luôn” được dịch từ Hy Lạp pantote có nghĩa là “trong
mọi tình huống, bất kể hoàn cảnh thế nào”. Đây không phải chỉ là một nhân
đức hay là một bổn phận, mà là một sự cần thiết trong chương
trình của Thiên Chúa (HL. dei).
- nản
chí (1): Động từ Hy Lạp egkakeô có nghĩa gốc là “ở trong một
con đường xấu”, từ đó có nghĩa là “chán chường; buông xuôi”.
- một
bà góa (3): Hình ảnh của bà góa trong bản văn phù hợp với hình ảnh Cựu
Ước: thường các bà không được xử công bình (x. Xh 22,22-24; Đnl
10,18; 24,17; Ml 3,5; R 1,20-21; Ac 1,1; Is 54,4; Tv
68,5). Lưu ý là truyền thống Lc (Lc-Cv) nói nhiều đến các bà góa
(Lc 2,37; 5,25-26; 7,12; 20,47; 21,2-3; Cv 6,1; 9,39.41).
- Bà
này đã nhiều lần đến (3): Động từ êrcheto ở thì vị-hoàn (imperfect) cho biết
bà đã đến liên tục và còn đến. Bởi vì tình trạng của bà là tuyệt vọng, bà chỉ
còn vũ khí cuối cùng là kiên trì.
- xin
ngài minh xét cho tôi khỏi tay đối phương (3): Bà không xin quan
toà trừng phạt đối phương, nhưng xin ông minh định quyền lợi của bà.
- kẻo
mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc (5): Động từ hypôpiazein
có nghĩa là “đánh dưới mắt” (ngôn ngữ quyền Anh); vả, tát”, từ đó có nghĩa là
“gây phiền hà, dằn vặt”.
-
quan toà bất chính (6): “Bất chính” là từ ngữ đánh giá lối cư xử trước đây của
ông, chứ không không phải là đánh giá về quyết định của ông đối với vụ việc của
bà góa (x. 16,8a: “người quản lý bất lương”).
- nói
đó! (6): Kết luận này chuyển sự chú ý đi từ bà góa sang cách xử sự
và suy nghĩ của ông quan tòa. Độc giả được gợi ý để hiểu ngầm: Phương chi Thiên
Chúa! Ngài sẽ đáp ứng lời thỉnh cầu tha thiết của con người khi họ kêu cầu
Ngài.
-
những kẻ Người đã tuyển chọn (7): Từ ngữ “kẻ được [Thiên
Chúa] tuyển chọn” có một lịch sử dài trong Kinh Thánh, với ý nghĩa tổng quát là
những kẻ được Thiên Chúa để riêng ra vì Ngài yêu thương họ, tức là vô điều kiện,
không hề bị ép buộc, hoàn toàn tự do. Từ này đặc biệt có liên hệ với thời bách
hại.
- lòng tin trên mặt đất (8):
nghĩa là lòng tin gợi hứng cho lời cầu nguyện tha thiết. Câu hỏi này cần được
liên kết với lời mở ở c. 1.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Câu
mở: Mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi giảng dạy (1)
Trước
đây (x. Lc 11,1-13), khi các môn đệ thỉnh cầu, Đức Giêsu đã dạy các ông
Kinh Lạy Cha, và nhấn mạnh rằng Thiên Chúa còn sẵn sàng chấp nhận lời con cái
Ngài kêu xin hơn là các người cha trần thế. Ở chương 11, tác giả Lc đề
cập đến việc cầu nguyện cá nhân. Nhưng nội dung của câu mở (Lc 18,1) ở
đây lại nói trực tiếp đến việc kiên trì cầu nguyện, chứ không nói đến sự tin
tưởng là Thiên Chúa sẽ đáp lời ta xin, nên để đón nhận được bài học, chúng ta
cần hiểu ngữ cảnh bản văn đang suy ngẫm.
Bản
văn Lc 17,20-37 kết thúc chương 17 trả lời cho hai câu hỏi “Khi nào Nước
Thiên Chúa đến?” và “Nước ấy đến ở đâu?”. Vậy lời dạy của Đức Giêsu về việc cầu
nguyện liên tục và không được nản chí là nhằm có được tư thế sẵn sàng cho biến
cố chung cuộc, Nước Thiên Chúa đến. Chính động từ egkakeô, “chán chường;
buông xuôi”, được dùng ở đây (xem thêm Lc 17,20; 21,36) cũng như trong
các Thư Phaolô (2 Cr 4,1; Gl 6,9; x. Ep 3,13; 2
Tx 3,13) thuộc về bối cảnh cánh chung (Ngày Quang lâm). Do đó, ở đây có thể
hiểu là Đức Giêsu muốn khuyên bảo các môn đệ: trong thời gian này là thời gian
chờ đợi Người trở lại, thời gian đầy thử thách, các ông không được chểnh mảng
hay bỏ mất việc cầu nguyện, vì bất cứ lý do gì. Đây là một sự cần thiết (chứ không
phải là một sự chọn lựa tùy nghi), liên tục (“luôn luôn”, chứ không thỉnh
thoảng) và “không được nản chí” (phải kiên trì chứ không được chán nản buông
xuôi).
* Dụ
ngôn Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (2-5)
Bây
giờ Đức Giêsu kể một dụ ngôn nhằm cho thấy rằng các môn đệ có thể tin tưởng vô
điều kiện vào Thiên Chúa, là chắc chắn Ngài chấp nhận lời các ông cầu nguyện,
cho dù sự chấp nhận không xảy ra ngay và các ông cứ phải lặp lại nhiều lần lời
cầu nguyện.
Tuy
nhiên, nhân vật đầu tiên được nói đến lại không phải là bà góa đang gặp khó
khăn, mà là ông quan tòa. Nơi chốn mang tính tổng quát: “Trong một thành kia”,
nhằm nêu bật đặc tính điển hình. Còn ông quan toà thì tỏ ra độc lập và tự phụ;
ông chỉ biết chính ông, lợi lộc của ông và sự thoải mái của riêng ông mà thôi.
Ông không hề kính trọng Thiên Chúa, chẳng sợ ngày nào đó phải ra trước tòa
Ngài; ông cũng chẳng nể sợ ai cả, tức là một kẻ không tuân giữ Luật Thiên Chúa
(“yêu mến Thiên Chúa hết lòng, và yêu người thân cận như chính mình”). Quả
thật, các Thánh vịnh có nói đến những hạng quan tòa như thế (x. Tv
58,2-3; 82,2). Ngôn ngữ Kinh Thánh gọi hạng người này là “quân gian ác”. Giới
thiệu ông quan tòa bất chính trước như thế, hẳn là tác giả muốn tập trung chú ý
vào tình trạng không thể làm gì được nữa: không mong có một cơ may nào cho bà
góa kia đâu, bởi vì mọi sự đã qua rõ ràng. Một quan tòa không giữ lề luật, cũng
chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì, chắc chắn sẽ không đề lòng mình
mềm ra vì một người đàn bà, phương chi một bà góa.
Còn
bà góa, chúng ta không biết gì về tuổi tác, thu nhập, mức độ lệ thuộc, hoặc kẻ
thù của bà, chỉ biết rằng bà thuộc về một trong ba hạng người thất thế về
phương diện xã hội (quả phụ, cô nhi và di dân). Chính vì thế ông quan tòa chẳng
có gì phải quan tâm đến bà. Nhưng hẳn là các thính giả cảm thấy xót xa khi nghe
nói là bà phải gặp một quan tòa “chẳng coi ai ra gì”. Tuy nhiên, bà góa nghĩ
rằng vụ việc của bà là đúng, và không có một chi tiết nào trong bài dụ ngôn gợi
ý là vụ việc của bà không đúng, dù ta không biết là việc gì. Do đó, bà kiên trì
kêu cứu. Bà kiên trì đến mức ông quan tòa cứng lòng và khinh người đã phải xét
vụ việc của bà và cho bà được như ý. Để có thể làm chuyển động ông quan tòa đó,
nại đến lương tâm thì không ích gì; phải chạm đến tính ích kỷ của ông: Ông phải
minh xét vì không muốn bị quấy rầy liên tục như thế.
*
Biến một chi tiết của dụ ngôn thành ẩn dụ (6-8a)
Thế
rồi Đức Giêsu hỏi hai câu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho
những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người
bắt họ chờ đợi mãi?” (c. 7), mà không chờ câu trả lời, vì biết rằng ai cũng
biết câu trả lời: “Chắc chắn Thiên Chúa sẽ minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển
chọn, và Ngài sẽ không trì hoãn”. Nhưng Đức Giêsu lại nhấn mạnh hơn đến phản
ứng của Thiên Chúa trước lời cầu nguyện: “Người
sẽ mau chóng minh xét cho họ” (c. 8). Câu trả lời của Người vừa vững chắc, vừa tin
tưởng, lại vừa thách đố: làm sao có thể khác được, khi Thiên Chúa là Thiên Chúa
và khi những kẻ Người đã tuyển chọn đúng là như thế (“ngày đêm hằng kêu cứu với
Người”)?
Để
nêu bật sự mau mắn của Thiên Chúa trong việc đáp ứng những kẻ Ngài đã tuyển
chọn, Đức Giêsu dùng một hình ảnh phản diện: ông quan tòa bất chính. Nếu lời
cầu xin bền bỉ đã khiến cho kẻ có tính ích kỷ phải đáp ứng, thì càng khiến
Thiên Chúa phải quan tâm, bởi vì Ngài không hề ích kỷ chút nào. Thật vậy, khi
dạy các môn đệ cầu nguyện, Đức Giêsu đã bảo các ông thưa với Thiên Chúa như với
“Cha” (Lc 11,2). Thêm vào bài học diễn tả qua hình ảnh ông quan tòa,
hình ảnh bà góa lại củng cố những ai đang lung lay trong việc cầu nguyện. Như
thế, bằng sự tương phản giữa hai dung mạo, Đức Giêsu đưa các thính giả đến chỗ
đồng ý rằng quả thật không hề có một lý do gì mà nói rằng việc cầu nguyện kiên
trì với vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương và toàn năng lại không được chấp nhận.
Tuy
nhiên, vì công thức “những kẻ Người đã tuyển chọn” có liên hệ đến thời bách
hại, bài học của đoạn Tin Mừng này, ngoài mục tiêu là Ngày Tận Thế, cũng nhắm
tới các hoàn cảnh khó khăn của những người đang bước theo Đức Giêsu và khuyến
khích họ cứ vững tin vào Thiên Chúa.
*
Biến cả dụ ngôn thành ẩn dụ (8b)
Đến
đây Đức Giêsu lại hỏi: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người có tìm được
lòng tin trên mặt đất chăng?”. Câu này đưa thính giả đi từ giọng điệu tích cực
và khích lệ của cc. 6-8a sang một giọng điệu ưu tư, thách đố, bằng cách gợi ý
là rất có thể Con Người không tim được “lòng tin” (tên pistin, ở dạng
xác định, với quán từ xác định, chứ không ở dạng bất định) khi Người trở lại
vào Ngày Phán Xét. Mô tả Đức Giêsu là “Con Người” có nghĩa là xác định Đức
Giêsu sẽ phán xét loài người vào lúc tận thế. Còn “lòng tin” được nói đến ở đây
hầu chắc có nội dung chuyên biệt có Đức Giêsu là trung tâm cùng với giáo huấn
của Người. Như vậy, Người hỏi là khi trở lại, liệu Người trong tư cách “Con
Người” có tìm được chăng lòng tin nơi Người và nơi giáo huấn của Người. Nhưng
“lòng tin” đây còn có thể là điều tập trung trực tiếp hơn vào vấn đề được bài
dụ ngôn nói đến: lòng tin nâng đỡ việc cầu nguyện liên tục, mà nếu không có
lòng tin này, các môn đệ sẽ không cầu nguyện liên tục, sẽ nản chí. Vậy “lòng
tin” đây còn có thêm nét này, là xác tín rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe lời
chúng ta cầu nguyện và sẽ mau mắn đến với chúng ta.
+ Kết
luận
Bản
văn chúng ta đang đọc có hai điểm nhắm: Ở c. 1, điểm nhắm là người cầu nguyện
phải kiên trì; ở cc. 6-8a, tác giả lại tâp trung vào thực tại Thiên Chúa chắc
chắn nhận lời cầu nguyện. Vậy, một đàng, tác giả muốn giúp các độc giả kiên trì
cầu nguyện, đừng nản chí, cho dù có được đáp trả thế nào; đàng khác, ngài bảo
họ là đừng bao giờ nghi ngờ là Thiên Chúa không nghe lời các kẻ Ngài đã tuyển
chọn và không mau mắn đáp ứng họ. Bài dụ ngôn về Ông quan tòa và bà góa giúp
giải thích hai điểm giáo huấn ấy. Tuy nhiên, tác giả cảm thấy cũng phải đưa vào
câu nói cuối cùng của Đức Giêsu: liệu người môn đệ có thật sự tiếp tục tin vững
vàng rằng Thiên Chúa quá yêu thương dân Ngài, nên không thể nào không mau mắn
đáp lại lời họ cầu nguyện chăng?
Sự
tương phản giữa việc cầu nguyện không nản chí và việc Thiên Chúa mau mắn đáp
lời cầu nguyện là do hai hoàn cảnh khác nhau: một bên là sự chờ đợi Phán Xét
chung cuộc quá lâu; bên kia là tình trạng chịu bách hại. Đối với những người
chịu bách hại, Thiên Chúa sẽ mau mắn can thiệp; còn đối với những người nản
chí, hãy nhớ rằng Con Người sẽ đến kết thúc thế giới này.
Cuối
cùng, có thể nói cốt lõi của bài học là nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa đối
với người cầu nguyện và tin vào tình yêu ấy. Chính Đức Giêsu cũng đã phải đối
diện với thách đố này: chính Người đã nghĩ rằng điều tốt hơn cho Người là tránh
cái chết. Chỉ có sự tín nhiệm nơi tình yêu của Cha Người đối với Người mới
khiến Người nói, mỗi khi Người nói rằng Người không muốn chết: “Xin cho ý Cha,
chứ không phải ý con, được thực hiện” (Lc 22,42). Ở đây, cũng như trong
mọi tình huống của cuộc đời, Người luôn để cho sự hiểu biết về tình yêu của Cha
Người hướng dẫn mọi quyết định và hành động của Người. Việc Người cầu nguyện
liên tục cho thấy lòng tin của Người đặt nơi tình yêu của Cha Người đối với
Người; Người trở thành một điển hình để trả lời cho mối bận tâm của tác giả Lc,
đó là cầu nguyện luôn và không được nản chí. Lời khuyến cáo duy nhất Người nói
với các môn đệ khi ở trong vườn là: “Dậy mà cầu nguyện” (Lc 22,46). Quả thật, Thiên Chúa luôn tìm thấy Đức Giêsu kiên trì
cầu nguyện (cả trên thập giá) cho đến tận lúc Ngài đến đưa Người về với Ngài.
Nói
tóm, nếu một quan tòa bất chính và khinh người, mà chỉ vì muốn yên thân, đã xử
công bình, thì một Người Cha yêu thương sẽ làm gì? Tình yêu của Ngài sẽ khiến
Ngài cứ lần lữa, hay là làm cho Ngài mau mắn hành động? Bà góa đã thắng vụ kiện
do liên tục quấy rối ông quan tòa bất chính; dưới ánh sáng của hoàn cảnh của
bà, ta có thể nói gì về việc cầu nguyện liên tục với Thiên Chúa? Chúng ta còn
có thể nghi ngờ là một việc cầu nguyện kiên trì không đưa lại hiệu quả gì cho
chúng ta sao?
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Người ta thường đặt ra các câu hỏi như sau: Việc cầu nguyện có giá trị gì
chăng? Thiên Chúa có quan tâm đến người cầu nguyện không? Phải chăng lời cầu
nguyện chỉ như hơi thở hòa vào trong
gió? Người ta hỏi như thế vì ghi nhận rằng dường như Thiên Chúa không
phản ứng, và có biết bao người đã từng ngỏ lời với Ngài mà không nhận được sự
trợ giúp của Ngài. Nếu lời cầu nguyện không có hiệu quả gì, thì nó có giá trị gì?
Hợp lý nhất chẳng phải là ngưng cầu nguyện, để khỏi phí thì giờ sao? Tốt nhất
không phải là tránh mọi ảo tưởng sao? Nếu đã không xoay trở được một mình
hoặc không tìm được sự trợ giúp của người khác, chúng ta lại không phải suy ra
rằng chúng ta cũng chẳng có thể trông mong gì được nơi Thiên Chúa sao? Đức
Giêsu đã kể dụ ngôn Quan tòa bất chính để trả lời các vấn nạn này.
2.
Nếu chúng ta cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, thì không phải là vì Thiên Chúa
không quan tâm đến ta, nên ta phải quấy rầy Ngài. Thật ra khi đó, chúng ta sống
được tương quan hiếu thảo với Ngài vì Ngài là Cha chúng ta, và ta cũng hiểu
được chương trình Ngài đang theo để biết cộng tác vào. Thiên Chúa không phải là
một quan tòa bất chính, hoàn toàn lãnh đạm đối với chúng ta, nhưng Ngài là Cha
chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta với tất cả mối quan tâm từ phụ. Đối với
Ngài, chúng ta không phải là những sinh vật vô nghĩa, không giá trị, mà là
những kẻ Ngài tuyển chọn, những con cái được Ngài yêu thương. Tương quan này
giữa Thiên Chúa và chúng ta là lý do khiến chúng ta không bao giờ được ngưng
cầu nguyện; đã thế, chúng ta lại hoàn toàn có thể tin tưởng rằng lời cầu nguyện
của chúng ta sẽ được chấp nhận. Do đó, không phải là vì Thiên Chúa, nhưng là vì
chúng ta, chúng ta cần cầu nguyện kiên nhẫn, không ngừng.
3.
Nếu chúng ta không cầu nguyện nữa, nếu chúng ta không tin tưởng Thiên Chúa nữa,
chúng ta không nhìn nhận Ngài là Cha chúng ta và coi Ngài như là một Đấng bất
lực hoặc như một nhà độc tài lãnh đạm. Do đó, cùng đi kèm với lời chúng
ta cầu nguyện, phải có lòng tin của chúng ta đặt vào Thiên Chúa như là Cha
chúng ta. Cho dù chúng ta có phải chờ đợi, cho dù chúng ta có không cảm nhận
được sự gần kề của Thiên Chúa, cho dù lời chúng ta cầu nguyện có khi như rơi
vào khoảng không, Thiên Chúa là và vẫn là Cha chúng ta. Chúng ta cần thưa gởi
với Ngài, chúng ta phải duy trì cho sống động dây liên kết con cái với Chúa
Cha. Nếu chúng ta ngưng cầu nguyện, mà coi việc cầu nguyện không có ý nghĩa,
chúng ta cũng cắt đứt tương quan này. Ai không cầu nguyện nữa và chỉ cậy dựa
vào sức riêng, người ấy độc lập đối với Thiên Chúa và loại trừ Ngài.
4.
Bởi vì Ngài là Cha chúng ta, Thiên Chúa không thể không nhận lời chúng ta thỉnh
cầu. Tuy nhiên, chúng ta không được quy định cho Ngài cách thức và thời điểm
Ngài phải nhận lời chúng ta. Chỉ có một điều chúng ta biết chắc chắn, đó
là Ngài sẽ minh xét cho chúng ta, sẽ cứu chúng ta. Ngài có thể thử thách chúng
ta lâu dài, nhưng cũng có thể can thiệp rất nhanh, mà ta không ngờ. Dù thế nào,
Ngài cũng không bao giờ bỏ chúng ta, không để chúng ta phải hư mất. Đối với Đức
Giêsu, sự trợ giúp của Thiên Chúa là chuyện tuyệt đối chắc chắn, bởi vì quyền
năng và tình yêu của Thiên Chúa là những thực tại tuyệt đối chắc chắn. Chính vì
thế, chắc chắn việc cầu nguyện vừa cần thiết vừa có ý nghĩa.
5.
Nếu chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ Ngài, chúng ta sẽ không
được Ngài trợ giúp nữa, không phải vì Thiên Chúa không muốn giúp đỡ chúng ta,
nhưng bởi vì chúng ta không mở lòng ra với Ngài để đón nhận Ngài. Do đó, câu hỏi
của Đức Giêsu ở cuối bài Tin Mừng là một lời mời gọi chúng ta tin rằng
nhờ đức tin và lời cầu nguyện, chúng ta luôn kết hợp với Thiên Chúa, và như
thế, chúng ta sẵn sàng đón lấy sự trợ giúp và ơn cứu độ Ngài ban.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm