CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Chúa minh xét cho những kẻ Người tuyển chọn

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 18:1-8)

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su trình bày một hình ảnh rất đặc biệt là ông quan tòa bất chính, để tương phản hình ảnh ấy với hình ảnh một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và đặc biệt chăm sóc những ai khốn cùng.  Ông quan tòa bất chính chắc chắn là một nhân vật chúng ta có thể gặp thấy mọi nơi mọi thời.  Đối với những người quyền cao chức trọng phải đến trước tòa án của ông, thì ông nịnh bợ và xử làm sao có lợi cho họ – và cho bản thân ông ta nữa.  Nhưng đối với kẻ thấp cổ bé miệng hoặc không có tiền hối lộ, thì ông lơ là và không xử án cho công bằng.  Vậy trước hết chúng ta xem ông quan tòa này bất chính như thế nào, để từ đó rút ra những điểm tương phản áp dụng cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

          Chúa Giê-su đã “giới thiệu” ông quan tòa này như sau:  “Trong thành kia, có một ông quan tòa.  Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.  Thật ngắn gọn, nhưng quá đầy đủ!  Làm quan tòa, ông đã tưởng mình khác gì Thiên Chúa, cầm quyền sinh sát trong tay.  Uy quyền của ông to thế, nên Thiên Chúa mà ông còn không sợ, thì người đời ông cũng coi là cỏ rác thôi.  Trong thành ai cũng sợ ông, lơ mơ là ông cho ngồi tù đếm lịch.  Nhưng có một người không sợ ông, mà người đó lại là một bà góa yếu đuối, cô thân cô thế.  Thấy bà như vậy nên ai cũng có thể bắt nạt bà.  Đến cỡ này thì bà còn gì nữa để mà sợ.  Bà đã bị người ta hại và bà cần công lý.  Không chút sợ hãi, bà đã “nhiều lần” đến xin ông quan tòa minh xét cho.  Bà muốn dựa trên tương quan luật pháp để đòi sự công bằng.  Đã quen thói “chẳng coi ai ra gì”, ông quan tòa đâu cần để ý đến lời khẩn cầu của một bà góa nghèo nàn.  Nhưng bà già này cũng chẳng vừa.  Đến gặp ông, bà nhắc nhở ông về mối tương quan luật pháp giữa bà với ông, vì theo mối tương quan ấy, ông phải minh xét cho bà.  Năm lần bảy lượt ông vẫn không chịu ý thức mối tương quan luật pháp ấy, nên bà già đổi chiến thuật:  chiến thuật “quấy rầy”.  Nhất định phải làm cho ông ta “nhức đầu nhức óc”.  Ông ta không sợ vì bà thân phận góa bụa, thì bây giờ ông phải sợ vì bà kiên trì không để ông ta yên.  Nghề của “nàng” mà!  Bà góa già này quả là cao tay ấn!

          Nhưng quan trọng hơn cả là Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh con người bất chính và cách cư xử của ông quan tòa để đặt tương phản với một Thiên Chúa giàu lòng thương xót.  Khác hẳn với ông quan tòa, Thiên Chúa hằng yêu thương và quan tâm chăm sóc chúng ta.  Người không đối xử với chúng ta bằng mối tương quan luật pháp, nhưng bằng mối tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa nhân lành và thụ tạo đáng thương, giữa Cha trên trời với các con cái mà Người luôn quan phòng chăm sóc.  Thiên Chúa không cần đợi chúng ta đến quấy rầy, nhưng chính Người đã đi trước, đặt kế hoạch cứu độ để phục hồi cho chúng ta chức phận làm con cái Người.  Khi Chúa lấy lòng thương xót đối xử với chúng ta thì đó chính là cách Người sống mối tương quan yêu thương.  Vì yêu thương, Người đã “tuyển chọn” chúng ta.  Còn chúng ta, vì yêu mến Chúa, chúng ta “ngày đêm hằng kêu cứu với Người”.  Vì yêu thương, Chúa không bắt chúng ta chờ đợi mãi, nhưng “mau chóng minh xét” cho chúng ta.  Đôi khi chúng ta “quấy rầy” Chúa, xin Người điều này điều kia.  Chắc chắn Người không trì hoãn đâu, nhưng có thể chúng ta không nhận ra cách hồi đáp của Người, hoặc chúng ta muốn Người phải làm theo ý riêng chúng ta.  Là Cha chúng ta, Người biết điều gì là tốt cho chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Có lẽ câu kết của bài Tin Mừng là điều chúng ta cần suy nghĩ và cầu nguyện.  Chúa Giê-su dạy:  “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”  Thật đáng sợ phải không?  Nếu đúng như vậy thì chúng ta cầm chắc xuống hỏa ngục hết!  Nhưng có lẽ sẽ không phải như vậy đâu.  Chúa chỉ nêu lên một điều có thể xảy ra nếu người ta không xác tín lòng thương xót của Thiên Chúa.  Lòng thương xót của Chúa là điều có thật và bằng chứng rõ ràng chắc chắn là Chúa Giê-su, lòng thương xót được nhập thể.  Chính Lòng Thương Xót Nhập Thể này khéo léo kêu gọi chúng ta hãy tin vào tình yêu của Thiên Chúa.  Qua thánh nữ Faustina, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy tín thác nơi Người.  “Lạy Chúa Giê-su, con tín thác nơi Chúa” là lời nguyện giúp đức tin chúng ta được mạnh mẽ vững vàng!

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Suy Niệm Lời Chúa Năm C