NGƯỜI BIỆT PHÁI VÀ NGƯỜI THU THUẾ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN, năm C

( CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO )

Lc 18, 9-14

 

Trong những năm đi giảng dạy, Chúa Giêsu luôn dùng những dụ ngôn, những câu chuyện thực tế xẩy ra trong xã hội Do Thái lúc đó để giáo dục, huấn luyện các môn đệ và đồng thời trình bầy một giáo huấn, một mầu nhiệm nào đó. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế nói lên một thực tại của xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu. Đây là hai lớp người : lớp trí thức, và giới bình dân. Hai giới này cùng đi về Đền thờ và cùng có một mục đích là cầu nguyện.

Dụ ngôn này rất dễ hiểu, nhưng nhằm đưa ra những lời khuyên, những cách cầu nguyện. Vâng, người Pharisêu vào Đền thờ, ông ăn mặc rất khác lạ, trên đầu thì kết thẻ kinh và lời Kinh Thánh. Tin Mừng viết vào Đền thờ, nhưng ông rất huênh hoang, bước lên trên gần cung thánh, ông đứng thắng và với phần mở đầu ông kể ra một danh mục dài để kể công, tự hào với Thiên Chúa và tự mãn với người thu thuế. Ông tự khoe và nói ông không giống như những người khác như trôm cắp, bất chính, ngoại tình, lăng loàn vv…đặc biệt ông không như tên thu thuế kia. Ông rất tự kiêu, tự đại, tự mãn. Ông kể ra những yếu tố khác thật tích cực như ông ăn chay và đóng góp, đóng thuế đạt quá mức yêu cầu. Ông nói lên sự thật.Nhưng ông không cám ơn, tạ ơn, tri ân Thiên Chúa vì Ngài đã gìn giữ ông khỏi làm những điều bất chính, những điều tà vạy và đã ban cho ông có khả năng, có điều kiện để làm điều thiện. Ông cho rằng tự sức ông làm nên công chính, do đó, Thiên Chúa chắc chắn cũng ủng hộ ông. Ông cho thấy làm như thế, ông rất bằng lòng về ông, nên Thiên Chúa cũng phải bằng lòng về ông. Còn người thu thuế thánh Luca viết, anh đứng xa xa, tận cuối Đền thờ, nhìn xuống, không dám ngẩng mặt lên, đấm ngực, và xin Chúa thứ tha vì anh tội lỗi. Người thu thuế không dám biện minh, không dám kể ra bất cứ công trạng nào cho Chúa. Nhìn xuống, đấm ngực có nghĩa là nhận mình yếu hèn tội lỗi, phải được Chúa thứ tha, thương xót. Anh nhìn nhận thân phận của mình, một thân phận không xứng đáng, anh luôn cần đến lòng khoan nhân của Chúa. Nhận định của anh về thân mình thật đúng đắn. Anh hiểu rằng anh là người tội lỗi, muốn được Chúa tha thứ, anh phải từ bỏ tội lỗi, bỏ cái nghề thu thuế mà xã hội lúc đó gán cho tội lường gạt, lợi dụng nghề, đồng lõa với ngoại bang để bóc lột dân chúng, nên anh phải bỏ nghề và đền bù, nhưng làm sao đây vì anh không có khả năng để làm điều ấy ! Do đó, anh rất vô vọng. Tuy nhiên, anh tin vững vàng Thiên Chúa có thể cứu anh khỏi tình trạng vô vọng này ! Anh cứ van nài, anh cứ van xin, anh chân thành cầu nguyện và quả thực Chúa nói :” Người thu thuế ra về được bình an, được Ngài nhận lời “, còn người Pharisêu thì không vì ông tự mãn, kiêu ngạo…

 

Những lời của Chúa Giêsu và những lời trong các bài đọc Sách Thánh hôm nay cho chúng ta biết về thái độ phải cầu nguyện làm sao, cầu nguyện thế nào. Người Pharisêu tự mãn, kiêu ngạo, không được Chúa nhận lời, ông không được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Người thu thuế khiêm nhường, cầu nguyện một cách rất khiêm tốn, nên được Chúa nhận lời và được nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu ở đây muốn trình bầy hai thái độ nội tâm của con người.

Hôm nay, Giáo Hội dành riêng Chúa nhật này để cầu nguyện công việc truyền giáo. Bởi vì lời cầu xin của Chúa Giêsu xưa :” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “, vẫn vang vọng mãi mãi và kêu gọi mọi người tiếp tay trong công việc truyền giáo. Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy loan báo Tin Mừng vì Hội Thánh là truyền giáo.  Truyền giáo bằng lời nói, lời rao giảng, nhưng truyền giáo còn là bằng lời cầu nguyện. Do đó, cầu nguyện luôn là cần thiết…Chúng ta phải có thái độ cầu nguyện khiêm tốn như người thu thuế để Chúa nhận lời. Giáo Hội lữ hành cần phải cầu nguyện để lời cầu nguyện hiến tế của Chúa Giêsu :” …Như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con “, được thực hiện và lời gợi ý của Chúa Giêsu :” Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt …”, được Chúa Cha nhận lời, sai phái nhiều thợ lành nghề vào cánh đồng lúa  chín vàng vv…

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cầu nguyện trong khiêm tốn và xin cho Giáo Hội của Chúa luôn hiệp nhất để mọi người tin nhận một Cha trên trời. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao người thu thuế lại không dám ngước thẳng lên mà lại nhìn xuống đất ?

2.Thái độ của người Pharisêu và thái độ của người thu thuế gọi là thái độ gì ?

3.Truyền giáo có nghĩa là gì ?

4.Tại sao lại cần truyền giáo ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C