CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
Cầu nguyện để được nên công chính
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 18:9-14)
Với ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay,
chúng ta có thể suy niệm về nhiều đề tài khác nhau. Riêng chúng tôi thấy có một điều liên kết tư
tưởng của cả ba bài, đó là mối liên hệ giữa cầu nguyện và việc được trở nên
công chính. Mở đầu cho đề tài này, bài
trích sách Huấn ca đề cập tới sức mạnh lời cầu nguyện của “người nghèo” sẽ
xuyên thấu mọi trở ngại để tới đích là Đấng Tối Cao, và chính Người sẽ “xét xử
cho người chính trực và thi hành công lý”.
Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô đã kể mình vào số những “người nghèo” và
ngài xác tín rằng “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng” cho ngài
và những ai hết tình mong đợi Chúa.
Riêng bài Tin Mừng, qua dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cùng
cầu nguyện trong Đền Thờ, Chúa Giê-su khẳng định rằng nhờ lời cầu nguyện khiêm
nhường nhận biết mình là kẻ tội lỗi, người thu thuế “đã được nên công chính rồi”.
Một trong những mục đích chính của cầu
nguyện, ngoài việc chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa, chúng ta còn “xin” Chúa
nữa. Điều đáng xin nhất, đó là xin cho
được nên công chính. Xin được nên công
chính nghĩa là xin được giải thoát khỏi tội lỗi. Như thế, khi cầu nguyện thì chúng ta cầu nguyện
với tính cách là một kẻ tội lỗi, hay nói khác đi, là những “kẻ nghèo hèn, bị áp
bức, mồ côi góa bụa” và kể cả những kẻ tội lỗi nữa. Trước mặt Chúa, chúng ta vẫn là những kẻ tội
lỗi, dù chúng ta có làm hết việc tốt này đến việc lành khác. Trong dụ ngôn Chúa Giê-su kể, ông Pha-ri-sêu
đã cầu nguyện như ông là một vị… thánh. Nghĩ
mình là người công chính nên ông “đứng thẳng” trước mặt Chúa (Justification =
ơn công chính, gồm hai từ: jus = quyền; stare = đứng), trong khi ai ai cũng phải
cúi rạp trước Chúa vì tình trạng tội lỗi của mình. Mọi tội lỗi và xấu xa ông đổ lên đầu “bao kẻ
khác”, trong số đó có cả “tên thu thuế kia” nữa, làm như ông là vị thánh sống
duy nhất trong nhân loại không bằng! Khi
cầu nguyện, ông nói về mình chứ không nói về Thiên Chúa. Trước hết ông “kê khai” những điều xấu ông
không phạm: không tham lam, không bất
chính, giống như tên thu thuế tham lam, lừa đảo và bóc lột dân lành. Tiếp đến, ông đắc chí kể lể những việc tốt
ông đã làm: nào ăn chay mỗi tuần hai lần,
trả nợ cho Chúa một phần mười thu nhập.
Không thấy ông kể ra ông đã bố thí cho người nghèo bao nhiêu, có trả
lương đầy đủ cho những người làm công cho ông hay không! Cũng chẳng thấy ông đá động gì đến Chúa là Đấng
quan phòng, đầy lòng thương xót… vì ông đâu cần tất cả những điều ấy. Ông là người công chính thì tại sao phải xin
Chúa thương xót làm gì!
Ông Pha-ri-sêu cầu nguyện lòng thòng
bao nhiêu thì “tên thu thuế kia” lại cầu nguyện ngắn gọn bấy nhiêu. Chỉ có một lời nguyện duy nhất thôi: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi”. Đơn giản, nhưng lại là lời cầu
nguyện đầy đủ nhất, sâu xa nhất, tha thiết nhất. Cái gì cũng… nhất cả. Kèm theo lời cầu nguyện, chúng ta không thể bỏ
qua tư thế của “kẻ tội lỗi” này. Anh ta
“đứng đằng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời”.
Đúng vậy, thấy thân phận mình nhơ bẩn và hèn hạ thì làm sao dám đến gần
Chúa là Đấng vô cùng thanh khiết và cao cả;
biết mình đầy tội lỗi thì làm sao dám tiến đến Đấng vô cùng thánh thiện. Tóm lại, người thu thuế đã cầu nguyện đúng với
thân phận của mình: con là kẻ tội lỗi. Vì thân phận tội lỗi, nên nhu cầu đơn thuần
là “xin thương xót con”, nói khác đi, xin Chúa cho con được nên công chính.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Có khi nào bạn cầu nguyện như ông… “thánh
Pha-ri-sêu” kia không? Hy vọng là
không. Nhưng bạn có “dám” cầu nguyện như
người thu thuế không? Đương nhiên là dám
chứ! Chẳng những dám mà còn “phải” cầu
nguyện như thế nữa. Ở trước mặt Chúa, bạn
là một trong số những “người nghèo” (anawim), những người có nhu cầu. Thân phận tội lỗi của chúng ta không là điều
xấu, vì “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rô-ma 5:20).
Thánh Phao-lô sẵn sàng “khoe khoang” những yếu đuối của ngài, bởi ngài
xác tín rằng qua những yếu đuối ấy, quyền năng và sức mạnh của Chúa Ki-tô được
biểu lộ. Lời cầu nguyện của kẻ nghèo và của
Phao-lô đã được Thiên Chúa nhậm lời. Lời
cầu nguyện của người thu thuế giúp anh ta nên công chính. Còn lời cầu nguyện của bạn thì sao?
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi