CN TRUYỀN GIÁO – CN 30 TN C
Mt 28,16-20.
1.TIN MỪNG: Mt 28,16-20.
(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức
Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có
mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được
trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và
đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
2.Ý CHÍNH:
Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su
Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi
tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời dưới đất, Người chỉ thị cho các ông hãy đi khắp thế gian thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa cho họ “Nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở cùng các ông mọi
ngày cho đến tận thế.
3.CHÚ THÍCH:
-C 16-17: + Mười một môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội,
và Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv
1,15-26). Nhóm này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã bị hối
hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị
họ từ chối. Giu-đa thất vọng nên đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt
cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền
đất dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt
28,10), và cũng để noi gương Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời
tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho
các ông đến: Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi
nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi
là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn : Đức Chúa đã
trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giêsu cũng
đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là
“Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy Người, các ông bái lạy: Sau
nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục
Sinh đã hiện ra để trao sứ mệnh loan Tin mừng phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái
lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. +
Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này xem ra mâu thuẫn với thái độ
bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ phải xảy ra nơi các môn đệ trước
khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là Mát-thêu muốn nói đến sự hoài
nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề cập đến. Như vậy đây chỉ là một
sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra
cũng có người cho rằng: Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho
Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài nghi ở đây chính là sự hòai nghi
nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là một sự thật hiển
nhiên, nhưng bao giờ cũng vẫn có người còn hoài nghi.
-C 18-19: +Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới
đất: Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ
chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng
giờ đây Người tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới
đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn sứ Đa-ni-en về sứ mệnh của Con Người như
sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền
thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của
Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi
đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban
để nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Trước hết là
dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm
phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các
Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép
rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
(x. Mt 28,19).
-C 28,20: +Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em: Sứ mệnh các
Tông đồ gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng
viên mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế:
Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần
và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi”. Như vậy Đức
Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt
1,23).
4.CÂU HỎI: 1)Tại sao chỉ có mười một Tông đồ hiện diện
lúc Chúa lên trời? 2)Số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy?
3)Tại sao Chúa Phục Sinh truyền cho các
Tông đồ trở về Ga-li-lê? 4)Ngọn núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào?
5) Mấy kẻ còn hoài nghi gồm những ai và hoài nghi về điều
gì? 6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa
ban khi nào? 7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn quyền trên trời dưới đất, như vậy
ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời tuyên sấm ấy nội dung ra sao?
8) Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh có sứ vụ phải làm gì cho họ? 9) Làm thế nào để loan báo Tin Mừng cách
hữu hiệu cho người lương hôm nay?
1. LỜI
CHÚA: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã
truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
2. CÂU CHUYỆN: THÁNH
TÊRÊXA HÀI ĐỒNG TRUYỀN GIÁO BẰNG CẦU NGUYỆN:
Têrêsa sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 tại Alecon, Normandie, Pháp. Tên “Têrêsa
Hài Ðồng Giêsu” là tên nhận khi khấn Dòng. Têrêsa mồ côi mẹ từ khi chưa lên bốn tuổi, được cha là ông Louis Martin săn sóc và giáo dục chu đáo.
Dù ở tuổi vị thành
niên chưa được phép tu Dòng, nhưng Têrêsa khi lên 15 tuổi đã được Ðức Giáo Hoàng Lêô 13 đặc cách cho vào tu trong Dòng kín Carmêlô thành
Lisieux, nước Pháp.
Têrêsa chỉ là một nữ tu hèn mọn quanh năm suốt tháng đóng
khung trong bốn bức tường nhà tu kín cho đến khi lìa trần ngày 30-9-1897 được 9 năm. Vậy mà 28 năm sau, năm 1925, Ngài đã được Ðức Giáo
Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Hai năm sau, lại được đặt làm Quan Thày các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo, cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Gần đây Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn nâng Têrêsa lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1997.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu vốn chỉ là một thiếu nữ mọn
hèn với một nếp sống vô cùng đơn giản, chưa làm được gì trổi vượt dưới mắt người đời. Nhưng “đằng sau những việc nhỏ bé của con người thấp hèn ấy lại
ẩn chứa một tình yêu cao cả”: Yêu mến Chúa, rồi từ Chúa, yêu thương các nhà truyền giáo và các xứ truyền giáo. Những
nhọc nhằn, đau đớn dù là nhỏ nhặt nhất từ tâm thần đến thể xác, thánh nhân đều âm thầm chịu đựng tất cả, dâng lên Chúa mọi
điều khốn khó để cầu cho hạt giống Phúc Âm do các nhà truyền giáo gieo vãi được
đâm chồi nẩy lộc khắp thế giới. Làm việc truyền giáo trong bốn bức tường,
truyền giáo bằng cầu nguyện, bằng những việc hy sinh hãm mình, Têrêsa gọi đó là
“những bông hồng nhỏ” dâng lên Chúa Giêsu Hài Ðồng để xin cho lương dân các xứ truyền giáo sớm nhận biết Chúa.
Phần thưởng cao
trọng nhất đã được dành cho một thiếu nữ
hèn mọn nhất được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II quả quyết: “Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là vị Thánh trẻ nhất
được tôn vinh danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh. Tuy nhiên con đường thiêng liêng của Thánh nhân chứng tỏ sự trưởng thành
sung mãn nơi Ngài. Cảm nhận đức tin còn lưu lại trên bút tích của Thánh nhân là cuốn “Tự Thuật” quả thực rất sâu rộng, khiến Ngài xứng đáng được liệt vào hàng ngũ các bậc thầy về tu đức của Hội Thánh Công Giáo như: Các thánh Tôma Aquinô, Augustinô, Grêgôriô Cả, Phanxicô Salêsiô, thánh nữ Catarina, thánh nữ Têrêsa Avila...
Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo chính là
tấm gương sáng cho giới trẻ về cách thức truyền giáo hôm nay bằng cuộc sống tin yêu “Con thơ phó thác” mọi sự trong
tay Chúa quan phòng.
3. THẢO LUẬN: Theo các cách thức truyền giáo của Chúa Giêsu, các Tông Đồ
và Hội Thánh Sơ Khai, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Têrêsa Canquýtta,
thánh Phanxicô Xaviê… Bạn thấy cách truyền giáo nào phù hợp với hoàn cảnh xã hội
hôm nay nhất? Tại sao?
4. SUY NIỆM:
1) SỨ VỤ PHẢI RAO GIẢNG TIN MỪNG:
a) Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian:
Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ trước khi
lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép
rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Đây là một sứ vụ đẹp lòng Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia tuyên sấm:
"Đẹp thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ". Thánh Phaolô Tông đồ cũng nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ
không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng,
nếu không được sai đi ?” (Rm 10,14-15). Nơi khác, Phaolô cho thấy đây là sứ vụ phải
làm với bất cứ giá nào: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr
9,16).
b) Nội dung rao giảng Tin Mừng là gì?
Vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã xuống ơn và thúc đẩy các tông đồ ra khỏi nhà tiệc ly rao giảng và làm chứng về Chúa
Giêsu như tông đồ Phêrô: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về
điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. (Cv 2,32).
Vậy, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, nội dung mà các tông đồ phải rao giảng và làm chứng là: Dạy những điều Chúa Giêsu đã truyền, làm chứng về mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng viết trong thư gửi giáo đoàn
Côrintô : “Trước hết, tôi truyền lại cho
anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Kitô đã chết vì tội lỗi
chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba
đã trỗi dậy, đúng như Lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4). Ngài cũng đã soạn thảo việc giảng dạy bắt đầu từ Mầu Nhiệm Phục Sinh khi giảng về sự khôn ngoan của thập giá (1 Cr 1,23), về
phép rửa là tham dự vào sự chết và sự sống
lại của Đức Giêsu (Rm 6,1-8).
2) PHẢI RAO GIẢNG TIN MỪNG NHƯ THẾ NÀO ?:
a) Các phương cách rao giảng Tin Mừng:
- Một là bằng lời nói: Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa,
Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần”
(Mc 1,15). Người tín hữu
cần nói về Chúa khi có dịp. Giới thiệu những phim Kinh Thánh hoặc truyện các
thánh…
- Hai là mời
gọi người lương
gặp Chúa: Như dụ ngôn ông vua mời gọi mọi người đến tham dự
tiệc cưới Nước Trời (x. Mt 22,1-10), chúng ta cũng hãy mời gọi người lương quen biết đến với các sinh hoạt đạo đức như đi hành hương Đức Mẹ, tham gia các sinh hoạt hội
diễn văn nghệ giới trẻ, các buổi hội thảo hôn nhân gia đình, đi làm công tác
bác ái từ thiện tại vùng sâu vùng xa…
- Ba là nêu gương sáng để lôi cuốn người khác: Cộng đoàn Hội Thánh tại Giêrusalem tiên khởi tuy không
gửi các sứ giả đi loan báo Tin Mừng, nhưng nhờ lối sống
yêu thương
phục vụ lẫn nhau giữa Cộng Đoàn, khiến họ thán phục và tự nguyện gia nhập ngày
một thêm đông.
- Bốn là gây ảnh
hưởng trên người
thân như men trong bột, ánh sáng chiếu soi và muối mặn:
Tông đồ Phêrô đã dạy các bà vợ có chồng ngoại giáo cách
gây ảnh hưởng
như sau : “Chị em là những người vợ,
chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời
Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần
chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của
chị em” (1 Pr 3,1-2).
b) Cần áp dụng phương pháp cụ thể phù hợp cho con người hôm nay?
a) Theo thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu:
Thánh Têrêxa đã truyền giáo tại chỗ bằng lời cầu nguyện và làm những
việc bác ái hãm mình nhỏ bé. Tuy là nữ tu dòng kín,
sống trong bốn bức tường tu viện, nhưng chị đã được Hội thánh phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo ngang hàng với thánh Phanxicô
Xaviê. Chị thánh Têrêxa không
giảng về
Chúa bằng lời nói nhưng bằng lòng ước ao của một con tim
cháy lửa yêu mến, bằng việc chu toàn các việc bổn phận hằng ngày nhưng bằng một cách thức phi thường,
nghĩa là làm mọi việc với Chúa và vì lòng yêu mến Chúa.
Mỗi người chúng ta hôm nay cũng cần
noi gương thánh Têrêxa để năng dâng những
lời nguyện tắt kèm theo nhưng việc bác ái hãm mình để cầu nguyện cho việc truyền
giáo: “Lạy Chúa, con xin làm việc hãm mình này để cầu xin cho một người bạn
lương dân sớm nhận biết tin yêu Chúa và được hưởng ơn cứu độ giống như con”.
b) Theo Mẹ thánh Têrêxa Canquýtta:
Thánh Têrêxa Canquýtta đã âm thầm loan
báo Tin Mừng bằng những cử chỉ nhân ái với những người
bệnh tật cùng khổ và bị bỏ rơi.
Mẹ đã đi nhiều nơi trên thế giới để thành lập
nhiều cộng
đoàn tu viện theo lý tưởng thừa sai bác ái của Mẹ, lập ra nhiều nhà mở để tiếp
đón các bệnh nhân gần chết không nơi nương tựa, không phân biệt tôn giáo mầu da
tiếng nói… Việc bác ái từ thiện của Mẹ Têrêxa Canquýtta đã đánh động lương tâm
của nhiều người trên thế giới, để thực hiện Trời Mới Đất Mới không còn đau khổ
bệnh tật chiến tranh thù hận chết chóc…
Mỗi người chúng ta hôm nay cũng
phải thể hiện lòng bác ái yêu thương
ngay trong gia đình ruột thịt, khu xóm, xứ đạo và môi trường xã hội chung quanh.
Không nhất thiết phải làm những việc lớn lao tốn phí nhiều tiền bạc, mà chỉ cần
làm những việc nhỏ bé vừa tầm của mình
như ân cần thăm hỏi, chia sẻ giúp đỡ thực tế vật chất tinh thần, phục vụ những
con người cụ thể bằng những gì đang có, hợp tác với những người thiện chí dù
khác biệt chính kiến, tôn giáo… để biến thành một phong trào bác ái yêu thương
như ý Chúa muốn.
c) Theo thánh Phanxicô Xaviê Bổn Mạng các xứ truyền giáo:
- Hãy năng tham dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng để trang bị cho mình vốn
liếng Lời Chúa, nhờ Lời Chúa soi dẫn và Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta cũng có
thể đi bất cứ đâu như vùng sâu vùng xa đồng bào dân tộc, đến với các trại nuôi
người già, trại cùi, cô nhi viện, v.v… để chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng của Chúa
cho tha nhân, noi gương thánh Phanxicô Xaviê.
- Cần năng cầu xin ơn Thánh Thần giúp, vì nếu không có
ơn Chúa, chắc chắn chúng ta không thể thành công trong việc truyền giáo vì vượt
quá tầm sức tự nhiên của chúng ta.
d) Theo Chúa Giêsu và các Tông đồ thời Hội Thánh Sơ Khai:
Tất cả các cách thế truyền giáo của
các vị thánh nói trên đều hàm chứa trong Tin Mừng, mà mỗi người tín hữu chúng
ta cần khám phá để ứng dụng phù hợp trong cuộc sống như sau:
- Cần giới thiệu Chúa cho tha nhân: Dù mỗi tín hữu chúng ta chưa thể rao
giảng giáo lý được như các linh mục, tu sĩ nam nữ, nhưng chúng ta vẫn có thể chia sẻ cảm nghiệm bình an hạnh phuc gặp Chúa
của mình cho những người chưa biết Chúa, như Tin Mừng thuật lại: Anrê
sau khi gặp
Thầy Giêsu đã đi dẫn em là Simon đến với Đức Giêsu; Hay như Philipphê đã đưa bạn là Nathanaen
đến gặp Đức Giêsu…
- Cần đi bước trước tiếp cận người
lương: Đức
Giêsu đã đến với người phụ nữ Samari và mở lời xin
chị cho nước uống, rồi sau đó Người đã nói với chị về Nước Hằng Sống. Từ ban đầu là một người phụ nữ,
Người đã vào làng và rao giảng Tin Mừng cho cả dân làng.
- Cần gây thiện cảm trước khi trình bày về Chúa: Noi gương Đức Giêsu
chúng ta cũng nên tìm hiểu người đối diện và chỉ nên
nói về Chúa nếu người đối diện muốn tìm hiểu và sẵn sàng lắng nghe.
- Góp phần làm cho xã hội được tốt đẹp hơn cũng là một cách loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu: Kitô giáo phải góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và
huynh đệ, công bằng và ấm no, nơi nhân phẩm con người được tôn trọng, bóng tối ích kỷ hận thù bị đẩy lui. Mỗi người tín hữu cần sử dụng tài năng Chúa ban để
đưa tinh thần bác ái Kitô giáo thấm nhập vào phim ảnh, bài hát, kịch nghệ, văn
chương, hội họa, điêu khắc… hầu giúp nhiều người nhận biết tin yêu Chúa.
- Cũng cần cấp thời canh tân phương cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp và hữu hiệu hơn với mỗi
con người và trong từng hoàn cảnh khác nhau.
- Hãy năng đọc kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô để xin ơn Chúa biến đổi
chúng ta trở thành khí cụ bình an của
Chúa, nên chứng nhân tình yêu của
Chúa cho mọi người.
Ðức Phaolô VI đã khẳng
định: "Con người thời
đại ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy,
và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là
các chứng nhân".
5. LỜI CẦU:
- Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví
như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất, là
Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim
Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo
sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
- Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con
chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh: Nơi trái tim Hội Thánh con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất
cả. Vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh. Lạy Chúa,
với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con chắc chắn sẽ được thực hiện.
(Dựa theo lời
cầu nguyện của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu)