GẶp gỠ ơn
cỨu đỘ
(Luca 19,1-10 – CN XXXI TN - C)
1.-
Ngữ cảnh
Phần
thứ tư (phần cuối của hành trình lên Giêrusalem) được tác giả Luca trình
bày trong phân đoạn 18,15–19,28: phần này tương ứng với bài tường thuật về hành
trình của các Tin Mừng Nhất Lãm.
Nhưng trong khối chất liệu này, ngài thêm vào câu truyện cuộc gặp gỡ của Đức
Giêsu với ông Dakêu, thủ lãnh người thu thế ở Giêrikhô. Ngài thấy khối người bị
đẩy ra bên lề xã hội Paléttina này cũng là “cái đã mất” mà Đức Giêsu đến để
cứu.
2.-
Bố cục
Bản
văn có thể chia thành năm đơn vị:
1)
Ghi chú về chuyến đi của Đức Giêsu (19,1);
2)
Giới thiệu Dakêu trong quan hệ với Đức Giêsu (19,2-4);
3)
Đức Giêsu chủ động gặp Dakêu (19,5-7):
- Đề
nghị của Đức Giêsu (cc. 5-6),
-
Phản ứng của dân chúng (phản đối Đức Giêsu) (c. 7);
4)
Dakêu chủ động hoán cải (19,8-9):
- Đề
nghị của Dakêu (c. 8),
-
Phản ứng của Đức Giêsu (trả lời cho dân chúng) (c. 9);
5)
Ghi chú về sứ mạng của Đức Giêsu (việc Người “đến”) (19,10).
3.-
Vài điểm chú giải
-
Giêrikhô (1): Giêrikhô là chặng cuối trước khi “lên” Giêrusalem. Thành
này nằm kề ranh giới miền Pêrê, dọc theo một tuyến đường giao thông quan trọng,
là một điểm chiến lược mà đế quốc Rôma quan tâm trong việc cai trị Giuđê. Tại
đây người ta dễ gặp các nhân viên của đế quốc hoặc các sĩ quan, binh lính Rôma.
- Dakêu (2):
Tiếng Hípri là zakkai, có nghĩa là
“trong sạch và vô tội” (x. Er 2,9; Nkm 7,14).
- người thu thuế (2): x. 3,12. Tên gọi này
dịch từ tiếng Hy Lạp telônês (do từ telos có nghĩa là “thuế”); La-tinh: publicanus; Pháp: collecteur d’impôts, Anh: tax collector. Nền hành chánh Rôma qui
định nhiều loại thuế: thuế thổ trạch, thuế động sản, thuế gián thu, đặc biệt
đánh trên việc nhập cảng muối. Những “người thu thuế” thường được giao cho
nhiệm vụ thu khoản thuế cuối cùng này. Vì thế họ thường có mặt tại các trạm
quan thuế (Caphácnaum: Mc 2,14;
Giêrikhô: Lc 19,2). Vì do nghề
nghiệp, họ phải tiếp xúc thường xuyên với mọi hạng người, kể cả người ngoại
giáo, nên họ bị coi là những người ô uế. Quy định mức thuế là quyền của chính
quyền, nhưng thường được người thu thuế áp dụng cách võ đoán, nên họ bị dân
chúng khinh bỉ, và danh từ “người thu thuế” tương đương với “hạng tội lỗi” công
khai (x. Mt 9,10-11; Mc 2,16; Lc 5,30; 7,34; 15,1; 19,2-7), hạng ngoại đạo (x. Mt 18,17; 21,31), và hạng trộm cướp (x. Lc 3,2t). Một người Do Thái đạo đức tuân
giữ lề luật thì chẳng có gì phải giao dịch với người thu thuế. Dakêu “đứng đầu
những người thu thuế” (architelônês), tức là ông phụ trách cả vùng. Như
thế, Dakêu càng ở bên lề cộng đồng Do Thái hơn nữa.
- tìm cách để xem cho biết...(3): Dakêu là
người giàu có và có địa vị cao, nhưng trong lòng ông vẫn không cảm thấy thỏa
mãn. Hai động từ “tìm” (HL: zêtein)
và “xem” (HL: idein) cho dù không có
tầm mức quan trọng như trong TM Gioan,
vẫn cho thấy là Dakêu không chỉ tò mò muốn “xem cho biết” (như kiểu nói của
chúng ta). Đây là một “cuộc điều tra mang tính Kitô học” của một người tội lỗi
công khai đối lại với thái độ lãnh đạm và thù nghịch của giới lãnh đạo dân
Chúa.
- cây sung (4), tiếng Hy Lạp là sykomorea. Đây là loại cây có thân thấp,
các cành ngang cứng chắc.
- phải ở lại (5): Câu này dịch sát là “hôm
nay điều cần thiết đối với tôi là ở lại nhà ông”. Động từ Hy Lạp dei diễn tả một điều nằm trong chương
trình, ý muốn của Thiên Chúa, nằm trong sứ mạng của Đức Giêsu (x. 2,49; 4,43;
12,12; 13,33; 15,32; 22,37; 24,44).
- mừng rỡ (6): do động từ Hy Lạp chairein. Lc là Tin Mừng về niềm
vui (Dacaria: 1,14; Đức Maria: 1,28; bà con Gioan Tẩy Giả: 1,58; Đức Giêsu chào
đời: 2,10; Đức Giêsu: 10,20; đám đông: 13,17...). Đây là niềm vui do Đấng Mêsia
mang đến.
- nhà người tội lỗi (7): Luật luân lý cấm
vào nhà kẻ tội lỗi.
- phân nửa tài sản của tôi (8): Mức bồi
thường này vượt qua mức Luật đòi hỏi (x. Xh
21,37; Ds 5,5-7; Lv 5,21-24: trả lại món tài sản đã lấy cộng với 1/5 giá trị món
đó).
- Đức Giêsu nói về ông (9),
có nghĩa là Đức Giêsu nói với những người khác. Tập tục Đông phương cho phép
người ta tự do ra vào nhà một người và vây quanh bàn ăn của những khách được
mời (x. 7,37).
- Hôm nay (9, cả c. 5; HL: sêmeron, x. 2,11; 4,21; 13,32.33;
23,43): Đây là từ ngữ quan trọng của TM
Lc, có nghĩa là: Sau một thời gian dài chờ đợi và hy vọng, lịch sử cứu
độ đã tới đỉnh cao hoàn tất. Tất cả những gì các ngôn sứ nói đã thành sự trong
các hành động và các lời nói của Đức Giêsu (x. 4,18.19; 5,26).
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Ghi
chú về chuyến đi của Đức Giêsu (1)
Đến Giêrikhô, chuyến đi của Đức Giêsu
lên Giêrusalem đã đến chặng cuối cùng. Tại đây người ta bắt đầu chuyến đi lên:
từ thung lũng sông Giođan, người ta băng qua sa mạc Giuđa để đến Giêrusalem.
Toàn thể cuộc hành trình của Đức Giêsu sau này được Phêrô mô tả: “Đi tới đâu là
Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv
10,38). Điều này đặc biệt đúng cho những điểm cuối cùng: mỗi chặng lại trở
thành một chặng để trợ giúp và cứu chữa. Gặp anh mù ngồi bên vệ đường
tin tưởng kêu cầu: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!”, Đức
Giêsu đã cho anh xem thấy, ban khả năng ca tụng Thiên Chúa và đi theo Người
(18,38). Gặp Dakêu ngồi trên một cây sung bên lề đường để nhìn xem Người, Đức
Giêsu cho ông cơ hội tiếp đón Người về nhà và hoán cải, tức nhận được ơn cứu
độ. Dù hoàn cảnh hai người rất khác nhau, cả hai đã được Thiên Chúa trợ giúp
nhờ trung gian Đức Giêsu.
*
Giới thiệu Dakêu trong quan hệ với Đức Giêsu (2-4)
Dakêu
là một người giàu có. Nhưng trong tư cách là thủ lãnh của những người
thu thuế, ông thuộc về hạng người bị xã hội Do Thái khinh bỉ. Do nghề nghiệp,
vì họ phải thường xuyên liên hệ với mọi hạng người, kể cả ngoại giáo, họ bị
nhiễm uế. Và bởi vì xã hội thường gán cho người thu thuế tính tham lam và những
lối cư xử không công bình (x. 3,12t), Dakêu bị ghét bỏ và khinh bỉ. Một người Do
Thái tuân giữ Lề Luật nghiêm túc thì không có gì phải liên hệ với người thu
thuế cả. Do đó, Dakêu đứng ở bên lề cộng đồng. Ông là người giàu có và có địa
vị cao, nhưng ông không được những người có thế giá trong xã hội trân trọng.
Ông
hết sức ao ước được gặp Đức Giêsu. Ước muốn này có thể phần lớn được nhen lên
do tính tò mò. Dù sao ước muốn này đã thúc đẩy ông tìm mọi cách để thấy được Đức
Giêsu. Tuy nhiên, dân chúng đi theo Đức Giêsu thì quá đông mà vóc người ông thì
thấp bé. Nhưng Dakêu có óc sáng tạo: ông chạy đi trước và leo lên một cây
sung. Chạy và trèo lên cây là những chuyện chỉ hợp với các trẻ em, chứ không
phù hợp với tư cách một người giàu có; nhưng Dakêu chấp nhận trở thành
lố bịch để được thấy Đức Giêsu, điều này cho thấy ông ao ước thấy Người đến
đâu!
* Đức
Giêsu chủ động gặp Dakêu (5-7)
Trong
khi mọi người khác không màng tới Dakêu đang ở trong thế rất khôi hài, Đức Giêsu
đã bày tỏ sự quan tâm đến ông bằng những cử chỉ và thái độ rất đơn giản, rất
“người”: “đi tới chỗ ấy”, “nhìn lên”, “nói với ông”. Người còn cho hiểu đấy
không chỉ là một cuộc thăm viếng xã giao, mà là một cuộc gặp gỡ nằm trong ý
muốn của Thiên Chúa (“hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”), nằm trong sứ
mạng của Người. Cái “ngày hôm nay” mà Đức Giêsu nhắc tới không chỉ là một chi
tiết chỉ thời gian, mà là một chặng trong hành trình ban ơn cứu độ mà Người đã
khai mạc tại Nadarét (x. 4,18-22). Trong cuộc hành trình này, Người quan tâm ưu
tiên tới những người nghèo, và cả những người tội lỗi.
Nỗi
băn khoăn, căng thẳng của Dakêu biến thành niềm vui: không chỉ là sự thỏa mãn,
sự thoải mái về thể lý, mà là việc tham dự vào hạnh phúc do Đấng Cứu thế mang
đến. Nhờ gặp gỡ Đức Giêsu, ông được giải thoát khỏi các lầm lỗi, hoang mang, và
lòng được chan hòa bình an và niềm vui. Đi ngược lại mọi chỉ trích, và một cách
rõ ràng, Đức Giêsu cho mọi người thấy rằng không ai bị loại khỏi ơn cứu độ
Người ban. Người cũng cho thấy Người từ chối mọi kiểu đánh giá tổng quát về một
hạng người.
*
Dakêu chủ động hoán cải (8-9)
Bữa
tiệc tại nhà Dakêu là một cử hành thống hối, đưa tới một sự hiệp thông huynh
đệ. Qua bữa tiệc, Dakêu hiểu là ông được kêu gọi đi vào hiệp thông với Thiên
Chúa. Bởi vì Đức Giêsu đã chấp nhận con người thật của ông, bởi vì ông được mời
gọi sống như thế, Dakêu chẳng phải tránh né gì nữa, trái lại ông vui mừng đón
tiếp Người về nhà và bày tỏ quyết định đổi mới cuộc đời. Ông đã trả lời thắc
mắc: “Thế thì ai có thể được cứu?” (18,26) khi Đức Giêsu nhận định: “Những
người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao” (18,24). Dakêu giàu có đã
nhận được ơn cứu độ nhờ trung gian Đức Giêsu (19,9), bởi vì ông không chỉ bằng
lòng với việc trông thấy Đức Giêsu, mà còn hành động theo ý muốn của Người nữa.
Trong ngày hôm ấy, Dakêu đã cảm nghiệm một sự biến đổi lạ thường. Đó chính là
điều được Đức Giêsu diễn tả trong câu tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho
nhà này, bởi người này cũng là con cháu ông Abraham”. Khi tuyên bố như thế, Đức
Giêsu đã bác bỏ nhận định của mọi người: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào
trọ!”. Phán đoán của đám đông là một phê phán quá cứng rắn. Qua lối cư xử của
Người, Đức Giêsu loại bỏ sự cứng rắn đó và cho thấy rằng thái độ của Thiên Chúa
hoàn toàn khác với thái độ của đám đông.
* Ghi
chú về sứ mạng của Đức Giêsu (việc Ngài “đến”) (10)
Những
lời Đức Giêsu kết luận (c. 10) có thể khuyến khích mỗi người bởi vì “Con Người
đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Người không đến để kết án hoặc loại trừ.
Lại chính những kẻ bị lạc, những kẻ sai lầm mà Người đã muốn tìm và cứu chữa;
chính là những kẻ đang đi vào ngõ cụt mà Người muốn dẫn ra.
+ Kết
luận
Bản văn với câu kết luận (c. 10) không
những tóm tắt giai thoại về Dakêu, mà còn làm nổi rõ hơn nữa cứu-độ-học của
toàn thể cuộc hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem cũng như của TM Lc: trong tư cách là Con
Người, Đức Giêsu đã đến để tìm và cứu những gì đã mất, và như thế là gợi ý tới
câu Ed 34,16 trong đó Đức Chúa tự mô
tả mình như là Người mục tử: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta
sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho
mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính
trực mà chăn dắt chúng”.
Khi đọc bản văn này, ta cũng nhận ra
những ý nhắc lại các đoạn khác trong TM
III: những yếu tố thuộc lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả (3,10-14); dụ ngôn
người Pharisêu và người thu thuế (18,9-14); người thủ lãnh giàu có (18,18-23);
anh mù (18,35-43). Dakêu được giới thiệu như là một người giàu gương mẫu
đã hiểu sứ điệp cũng như mối quan tâm của Đức Giêsu đối với người nghèo, nên đã
biết lấy những quyết định tương xứng. Bản văn cũng cho thấy có những điểm gặp
gỡ với giai thoại anh mù: Dakêu đã thực hiện những bước không thông thường để
nhìn thấy Đức Giêsu khi Người đi ngang qua. Hai bản văn cuối cùng này trực tiếp
đưa độc giả đi theo Đức Giêsu vào Giêrusalem trong tư cách là “Con vua Đavít”
để thực hiện chương trình cứu lấy những gì đã mất.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Dakêu đã bị xã hội đẩy ra bên lề và khép lại với chính ông. Nhưng ông đã không
chịu ở lại trong vòng tròn khép kín mà xã hội đã nhốt ông vào, đó là thế giới
của tiền bạc và những quan hệ không lương thiện; ông tìm cách “thấy” Đức Giêsu,
và thế là ông được cứu. Khép kín vào chính mình, con người không bao giờ thoát
khỏi tội lỗi của mình; muốn được cứu, ta cần phải mở ra với Đức Giêsu. Trong
đời sống thiêng liêng, chúng ta hiểu: Đức Giêsu chờ đợi chúng ta đến với Người,
nhưng Người cũng chờ đợi chúng ta sẵn sàng đón tiếp Người vào nhà.
2.
Trong bất cứ cộng đoàn nào, bao giờ cũng có những người sợ đến gần những “người
thu thuế”, những “kẻ tội lỗi”, những người không có danh thơm tiếng tốt... Bạn
thử hình dung xem mình đang nghĩ về người khác thế nào? Đức Giêsu không làm như
thế. Người đã nắm lấy bàn tay Dakêu đang rụt rè đưa ra về phía Người. Người lấy
sáng kiến và đặt Dakêu trên một nẻo đường mới.
3.
Tất cả những thái độ và lời nói rất “người” (sự quan tâm, cử chỉ thân ái, lời
nói dịu dàng...) có thể đưa người khác đến những biến đổi rất “thánh”. Môn đệ
Đức Giêsu phải sống thế nào để bằng sự hiện diện và lối sống của mình, ngày
“hôm nay” của Thiên Chúa xuất hiện cho anh chị em mình. Hôm nay Đức Giêsu vẫn
đang ban ơn cứu độ qua Lời Người, các bí tích, qua Giáo Hội. Nếu bạn là thừa
tác viên Lời Chúa hoặc bí tích, bạn đã có ý thức về cung cách cử hành thế nào
để Đức Giêsu đến được với anh chị em của bạn?
4.
Tấm gương của người môn đệ chính là Thầy Giêsu: Người đã không ngại bị đánh giá
tiêu cực để khỏi phản bội sứ mạng cứu thế. Người môn đệ của Đức Giêsu sẽ có
những lúc phải chọn lựa như thế. Tuy nhiên, ngay trong đời thường, qua các sinh
hoạt nghề nghiệp, thăm viếng, có khi nào bạn nghĩ là bạn sinh hoạt, thăm viếng
theo ý muốn của Thiên Chúa?
Lm FX Vũ Phan Long, ofm