THIÊN CHÚA
LÀ THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG
(Luca 20,27-38 – CN XXXII - C)
1.-
Ngữ cảnh
Cho
đến đây, chúng ta chưa hề nghe nói đến người Xađốc trong Tin Mừng Luca. Nay
những người này đến gặp Đức Giêsu để điều tra về giáo huấn của Người. Họ đặt
câu hỏi dựa trên luật thế huynh để xem Đức Giêsu nghĩ gì về việc kẻ chết sống
lại. Như trong giai thoại trước (Lc
20,20-26), Đức Giêsu giải quyết vấn nạn kiểu giải nghi theo cách bất ngờ khiến
các kinh sư cũng phải thán phục. Gọi là “giải nghi”, vì ở đây câu hỏi được đặt
ra không nhắm đến bản thân Đức Giêsu hoặc quan hệ của Người với giới chức
Giêrusalem. Câu hỏi mang tính lý thuyết, mà rất có thể thường được người Xađốc
đặt ra cho người Pharisêu.
Tác
giả Lc lấy bản văn này (đặc biệt các câu 27-43a.37.38a) chủ yếu từ Mc 12,18-27, nhưng thỉnh thoảng chỉnh
lại bằng hy-ngữ trau chuốt hơn.
2.-
Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Mở đầu (20,27);
2) Vấn nạn của nhóm Xađốc (20,28-33);
3) Câu trả lời của Đức Giêsu
(20,34-38):
a)
Lập luận của chính Đức Giêsu (cc. 34-36),
b)
Nền tảng Kinh Thánh của sự sống lại (cc. 37-38).
3.-
Vài điểm chú giải
-
Xađốc (27): Tên Hy Lạp Saddoukaioi (Saddouk trong Bản LXX) nói lên liên hệ với tên riêng Hípri
Sadôq (2 Sm 8,17; Ed 40,46; 43,19). Con cháu của ông Sadôq
được đặc ân là phục vụ Đền Thờ trong tư cách tư tế sau khi hồi hương từ đất lưu
đày Babylon. Họ làm thành một đảng chính trị–tôn giáo trong Do Thái giáo
kể từ thế kỷ ii tCN đến khi
Giêrusalem thất thủ vào năm 70 sau CN. Đa số thuộc về giới quý tộc tư tế ở
Giêrusalem. Đối lại với người Pharisêu, họ có một cách giữ Luật tự do
hơn; họ thích ứng dễ hơn với phong trào hy-hóa của dòng họ Sêlêukhô; họ cũng dễ
thỏa hiệp với người Rôma hơn. Tuy nhiên, họ vẫn thuộc về giới lãnh đạo Do Thái
giáo. Họ chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là
bản văn mô phạm. Họ chuộng cách giải thích sát mặt chữ; cũng vì thế, họ có
khuynh hướng bảo thủ về phụng vụ (không chấp nhận những quy định mới mà người
Pharisêu đưa vào, chẳng hạn các nghi thức ngày Lễ Xá tội) cũng như về mặt giáo
thuyết (họ thiên về duy vật, không chấp nhận có các thiên thần, phủ nhận sự
sống lại).
-
phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình (28):
Loại hôn nhân này được gọi là “thế huynh” (Anh: levirate) do từ La-tinh levir,
có nghĩa là “anh/em của chồng, anh/em rể”. Một hôn nhân như thế không bị coi là
vi phạm Lv 18,16; 20,21, vì người
anh/em đã chết.
-
ngang hàng với các thiên thần (36): Từ ngữ isangelos
do hai từ Hy Lạp isos [“ngang hàng; giống như”] + angelos [“thiên
thần”] ghép lại với nhau.
4.- Ý
nghĩa của đoạn văn
* Mở
đầu (27)
Hết
nhóm này đến nhóm khác, những nhóm có thế lực nhất, đến gặp Đức Giêsu để đặt ra
cho Người những câu hỏi. Những người Xađốc cũng đến. Cho đến nay, Tin Mừng III chưa hề nói đến phái này. Họ là những người giàu theo một tôn giáo
truyền thống. Họ cộng tác với chính quyền, nên dân chúng không ưa họ. Các
thượng tế đều thuộc phái này. Tác giả Lc xác định ngay rằng họ
không tin vào sự sống lại. Quả thật, họ thường tranh cãi với người Pharisêu về
sự sống lại của kẻ chết. Người Pharisêu tin vững vào sự sống lại, còn người
Xađốc thì cực lực phủ nhận (là những người giàu, họ có thể thụ hưởng thiên đàng
ngay tại trần gian này). Trên cái “phông” này, độc giả hiểu câu truyện họ kể
cho Đức Giêsu.
* Vấn
nạn của nhóm Xađốc (28-33)
Từ những gì Đức Giêsu nói, người Xađốc nhận ra
rằng Người đồng ý với phái Pharisêu: Người tin vào cuộc sống vĩnh cửu. Thế là
họ ngỏ lời với Đức Giêsu như với một vị thầy để Người dạy cho biết cách
giải thích một quy định của Luật Môsê. Họ đã tổng hợp Đnl 25,5 và St 38,8, để gợi lại quy định về những cuộc hôn nhân thế huynh. Tập
tục các cuộc hôn nhân này (một người anh/em rể phải sinh con nhờ kết hôn
với người vợ goá của em/anh mình, hầu có con nối dõi cho người quá cố) rất phổ
biến bên Cận Đông thời cổ (với người Átsua, Híttít, Canaan chẳng hạn. Có thể
xem R 4,1-12). Dưới ánh sáng của quy
định này, người Xađốc tạo ra một nố và hỏi Đức Giêsu để xem Người sẽ đưa
ra câu trả lời nào, hoặc một câu trả lời hài hòa với việc họ phủ nhận sự
sống lại của kẻ chết hoặc một câu trả lời hài hòa với niềm tin phổ biến
hơn nơi dân gian về sự sống lại (theo người Pharisêu và có thể người Êxêni). Nố
đó như sau: Một người phụ nữ đã kết hôn với cả bảy người đàn ông, không chỉ về
pháp lý, nhưng còn sống đúng theo Luật Môsê. Vậy cứ cho đi là có việc kẻ chết
sống lại, người Xađốc rất muốn biết là người phụ nữ ấy thuộc về ai. Bà không
thể cùng một lúc thuộc về cả bảy ông; nhưng ta cũng không thể thấy ai
trong số bảy ông có quyền trên bà hơn. Vấn đề dường như bế tắc, không có giải
pháp. Câu truyện có ý nhắm cho thấy rằng sự sống lại của kẻ chết sẽ tạo ra
những tình huống phi lý, lố bịch nữa, nên không thể tin là có sống lại được.
* Câu
trả lời của Đức Giêsu (34-38)
Phần đầu của câu trả lời (cc. 34-36)
của Đức Giêsu là để đánh đổ tiền đề của người Xađốc cho rằng cuộc sống của thời
sẽ đến là cuộc sống này nối dài. Người nhấn mạnh rằng hôn nhân là một định
chế của “đời này”: bởi vì người ta sẽ chết, nên hôn nhân được thiết lập hầu
nhân loại tồn tại được. Nhưng trong “đời kia”, khi người ta không chết nữa, họ
“giống các thiên thần”, họ trở thành “con cái Thiên Chúa” và “đạt được sự sống
lại”, thì không còn chuyện cưới vợ lấy chồng nữa. Như thế, câu hỏi của người
Xađốc cho thấy họ hiểu lầm. Qua các câu 34-36, Đức Giêsu không giải thích Kinh
Thánh, nhưng nhắm điều chỉnh ý tưởng sai lạc người Xađốc đã có về đời sau,
Người cũng không giải thích giáo huấn của phái Pharisêu về sự sống lại. Nhóm
Xađốc đã hiểu lầm rằng cuộc sống tương lai chỉ là một nối tiếp cuộc sống trần
thế; nhưng hoàn toàn không phải thế! Sự sống lại không phải chỉ là thức dậy từ
ngôi mộ và lấy lại cuộc sống trước kia. Cuộc sống của chúng ta với Thiên Chúa
hoàn toàn khác với cuộc sống hiện nay. Cuộc sống với Thiên Chúa sẽ như thế nào,
chúng ta không biết. Điều này giống như một đứa bé còn đang ở trong lòng mẹ, nó
không có một ý niệm nào về cuộc sống đang đến, thì chúng ta cũng chẳng thể hình
dung ra cuộc sống sau này sẽ như thế nào.
Phần thứ hai của câu trả lời (cc. 37-38) là
một khẳng định về sự thật của sự sống lại. Đức Giêsu thêm một luận cứ
lấy từ Ngũ Thư: Người nại đến bản văn
Xh 3,2.6, trong đó Đức Chúa (Yhwh) hiện ra với Môsê tại núi Khôrép,
và tự xưng là Thiên Chúa của các tổ phụ đã chết từ lâu. Bởi vì Thiên Chúa là
Thiên Chúa của kẻ sống, Thiên Chúa hẳn là đã giữ cho các tổ phụ Abraham, Isaác
và Giacóp được sống bằng cách cho các ngài sống lại. Thêm vào luận cứ nói về sự
sống lại, tác giả nêu một luận cứ về sự bất tử ở c. 38b: “đối với Người,
tất cả đều đang sống” (rất giống với công thức ở 4 Mcb 7,19). Thiên Chúa đã thông giao với loài người trước tiên
không phải là nhờ các luật lệ, theo cách chung chung, không riêng tư với ai,
nhưng Ngài đã ngỏ lời với tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp theo cách riêng tư và
gắn kết. Lòng nhân lành của Ngài không chỉ tạm thời, nhưng vĩnh viễn; không quy
phục sự chết, bởi vì là lòng nhân lành của Thiên Chúa toàn năng và tự nó có
nghĩa là sự sống. Nếu không phải như thế, hẳn là Môsê, và sau ngài là mọi người
Do Thái khác, đã gọi Ngài là Thiên Chúa của kẻ chết!
Thật ra lập luận đến đây cũng đã đủ.
Nhưng để có những đoạn văn minh nhiên nói về sự sống lại, chúng ta phải đi xa
hơn, đến với sách Đanien và sách Khôn ngoan, trong đó có bàn đến
niềm tin của người Do Thái vào cuộc sống bên kia cõi chết. Những người công
chính đi vào trong sheôl, họ không hề hạnh phúc, cuộc sống của họ vẫn
mang tính bất toàn. Xưa nay họ đã sống theo thánh ý Thiên Chúa, nên đời sống
của họ kêu nài một phần thưởng, mong Thiên Chúa đến kéo linh hồn họ ra
khỏi sheôl, để ban cho họ một đời sống mới hoàn hảo hơn. Đời sống
này được ban cho họ vào ngày sống lại, họ có tồn tại ở bên kia cái chết là để
sống lại. Thiên Chúa đã tạo thành con người để cho con người được sống đời đời.
Chính do ma quỷ ghen tị mà cái chết đã đột nhập vào thế gian (x. Kn 2,23-24). Tuy nhiên, hẳn là ý định
của Thiên Chúa không thể nào lại bị triệt tiêu mãi mãi do sự can thiệp của ma
quỷ. Vạy con người lại có quyền bất tử; và cách biểu lộ sự bất tử ra tốt đẹp
nhất, là sự sống lại (x. Đn 12,2).
+ Kết
luận
Để biến giáo huấn của Đức Giêsu thành
trò cười, người Xađốc đã tạo ra một câu truyện khiến chúng ta phải kinh
ngạc, nhưng truyện rất có cơ sở vì phát xuất từ một giáo huấn luân lý
hoàn toàn chính xác của Lề Luật. Tuy nhiên, câu truyện này chẳng những đã không
làm cho Đức Giêsu phải lúng túng, mà còn cho Người cơ hội tuyên bố về sự sống
lại, và như thế, Tin Mừng về Nước Thiên Chúa lại càng trở nên sáng tỏ. Chúng ta
có thể tưởng tượng ra chăng Thiên Chúa tạo ra người nam người nữ, ký kết giao
ước với họ, hứa cho họ nhiều điều, bảo vệ họ khỏi kẻ thù hãm hại, trở thành bạn
của họ, rồi bỗng dưng lại bỏ rơi họ và biến mất? Nếu Ngài làm như thế, Ngài chỉ
đáng khinh mà thôi. Nhưng Đức Giêsu nói rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên
Chúa của kẻ chết, nhưng là một Thiên Chúa của người sống. Mọi người nhận được
sự sống từ nơi Ngài.
Một
lần nữa, Tin Mừng này lại tỏ ra là Tin Mừng về sự sống. Nhưng Đấng nói vừa nhẹ
nhàng vừa chắc chắn về sự bất tử dành cho các thánh sẽ sống lại trong Chúa (x. Ga 11,25-26) cũng chứng tỏ rằng Người
đang có nơi mình bí quyết của sự sống vĩnh cửu ấy.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Đối với người Xađốc, Thiên Chúa là một vì Thiên Chúa của những quy định
pháp lý và là một vì Thiên Chúa có quyền năng đã bị cạn kiệt khi tạo
dựng thực tại trần gian như hiện có. Đấy là những tiền giả định mà Đức Giêsu
không chấp nhận. Họ coi Thiên Chúa như là Đấng đã ban cho dân Israel một loạt
những giới luật nhằm bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt lành và trật tự
trên mặt đất này. Ngược lại, đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa trước khi là Thiên
Chúa của các quy định, là Thiên Chúa của lòng nhân lành luôn chiếu cố đến từng
con người, hướng dẫn, săn sóc từng con người. Thiên Chúa không liên hệ với con
người trước tiên bằng luật lệ, nhưng bằng lòng nhân ái tỏ ra với các tổ phụ.
Thiên Chúa không chỉ săn sóc các ngài trong một thời gian ngắn để rồi
sau đó bỏ mặc cái ngài trong cái chết. Đã được Thiên Chúa cúi mình xuống trên
mình với lòng nhân ái, con người mãi mãi được nhắm cho sống, bởi vì Thiên Chúa
là Thiên Chúa của kẻ sống.
2.
Đức Giêsu không mô tả cuộc sống tương lai; Người chỉ nói rằng trong cuộc sống
tương lai, người ta không cưới vợ lấy chồng nữa, người ta sống như các thiên
thần. Đức Giêsu không hạ cái màn xuống, không cho bất cứ cặp mắt phàm nhân nào
được nhìn sang thế giới bên kia. Người không thỏa mãn óc tò mò của con người
khi cho biết các chi tiết của đời sống tương lai, Người chỉ giúp con người chú
ý tới nền tảng của đời sống ấy: về phía Thiên Chúa, đó là lòng nhân ái của Ngài
đối với từng con người, tình yêu của Ngài đối với loài người và quyền năng của
Ngài; về phía loài người, đó là quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa, đức tin đặt
nơi tình yêu và quyền năng của Ngài. Như vậy, cái nhìn của chúng ta không được
nhắm tìm ra một phương diện nào đó của cuộc sống tương lai, nhưng là
hướng đến Đấng ban tặng và đảm bảo cho đời sống này.
3. Bề
ngoài, người Xađốc và Đức Giêsu nói về cùng một vì Thiên Chúa. Trong
thực tế, họ quan niệm Thiên Chúa là một Đấng Tạo hóa và Nhà lập pháp
lạnh lùng, đã nói tiếng nói cuối cùng khi bố trí thế giới hiện tại và khi ban
Luật Môsê. Đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa không kéo con người ra từ hư vô để rồi
lại đẩy nó rơi vào hư vô. Ai đã được Thiên Chúa gọi đi tới sự sống, thì được
Ngài nhắm cho đạt tới sự sống đời đời. Đối với chúng ta, mọi sự tùy thuộc Thiên
Chúa. Số phận chúng ta tùy thuộc Ngài là ai, và là ai đối với loài người.
4.
Ngày hôm nay, niềm tin vào sự phục sinh dường như vẫn đang bị coi là chuyện lố
bịch, nhưng các luận điểm đưa ra để phi bác thì khác, chẳng hạn: Tìm ra đâu chỗ
cho vô số người như thế? Rồi họ sẽ làm gì?… Rốt cuộc các luận cứ đều tương tự
vấn nạn của người Xađốc: người ta lấy điểm tựa là trí tưởng tượng của con
người, chứ không quan tâm đến quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Nếu mỗi
người hiểu và tin chắc rằng, “đối với tôi, Ngài là Thiên Chúa của đời sống bất
tử của tôi”, hẳn thế giới sẽ có một chứng từ trong sáng về Thiên Chúa.
5.
Cầu nguyện cho người qua đời là việc chính đang, nhưng phải được hiểu đúng đắn,
tức là hiểu phù hợp với niềm tin của chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu và vào sự
hiệp thông các thánh. Các lời chúng ta cầu nguyện cho người quá cố được đặt nền
tảng trên sự chắc chắn là sự sống lại của Đức Kitô đã gỡ hết mọi rào cản ngăn
cách người sống với kẻ chết; bây giờ chỉ còn một gia đình duy nhất. Là những
người còn đang sống, chúng ta giống như các em bé đang còn ở trong lòng mẹ chờ
được sinh ra, còn những người qua đời thì đã vào trong cuộc sống mới của họ
rồi, nhưng chúng ta được liên kết với họ. Điều này, chúng ta sống trong mỗi
thánh lễ.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm