CHÚA NHẬT 33
THƯỜNG NIÊN
Để được sống đời đời, hãy kiên trì giữa thử
thách
Lắng nghe sứ điệp
của bài Tin Mừng (Luca 21:5-19)
Cuối
năm Phụng vụ, Lời Chúa trong Thánh lễ mời gọi chúng ta tiếp tục nhìn về tương
lai vĩnh cửu. Được sống lại với Chúa Ki-tô,
chúng ta sẽ được hưởng sự sống đời đời trên thiên quốc. Nhưng ngay bây giờ và tại trần gian này,
chúng ta vẫn phải đối phó với những thử thách nội tâm và những khó khăn bên
ngoài trước khi cái chết của chúng ta nói riêng và ngày tận thế nói chung xảy tới. Vậy đâu là thái độ thích ứng để chúng ta chuẩn
bị cho cuộc sống đời đời? Chúa Giê-su
cho chúng ta câu trả lời ở cuối bài Tin Mừng hôm nay: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống
mình”.
Để suy
niệm đề tài này, có lẽ chúng ta cần hiểu “mạng sống” được Chúa nói đến ở đây
chính là sự sống đời đời, chứ không phải cuộc sống trần thế hiện thời. Như vậy “giữ được mạng sống mình” có nghĩa là
làm thế nào để được sống đời đời. “Ai
tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lu-ca 17:33).
Trước hết,
sự sống đời đời là sự sống đầy hạnh phúc, không còn đau khổ ưu phiền, không khi
nào mất đi được và nhất là được thông hiệp hoàn toàn với Chúa và với mọi người
con cái Chúa. Cuộc sống ấy sẽ thực sự bắt
đầu sau khi Chúa Ki-tô trở lại trần gian để phán xét mọi người. Thời điểm Chúa trở lại, hoặc ngày tận thế,
tuy không ai biết được khi nào sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra. Chính vì thế, nhiều người lo lắng. Chúa Giê-su đã biết ngày giờ Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá trong tương lai và Người nói cho dân chúng biết điều
đó. Dân chúng hiếu kỳ muốn biết khi nào
việc ấy xảy ra và có những dấu hiệu nào báo trước. Dĩ nhiên Chúa không cho họ câu trả lời, mà lại
nhân chuyện này dạy họ phải có thái độ nào để chờ đợi ngày cùng tận của đời
mình và của toàn nhân loại. Để có thái độ
thích đáng, chúng ta cần phân biệt những thời điểm: thời điểm của những điềm báo và chính thời điểm
tận thế. Các điềm báo được kể ra liên tục:
chiến tranh, loạn lạc, động đất, ôn dịch, đói kém, hiện tượng kinh khủng và điềm
lạ từ trời. Tuy nhiên ở đây, Chúa dạy
chúng ta phải sáng suốt nhận định rằng dù có những điềm báo ấy, nhưng “chưa phải
là chung cục ngay đâu”.
Đối với
Chúa Giê-su, những điềm báo dường như không quan trọng, mà những diễn biến “trước
khi tất cả các sự ấy xảy ra” mới thực sự quan trọng cho tất cả chúng ta. Những diễn biến ấy chính là những cuộc bách hại
chúng ta phải chịu để tuyên xưng đức tin. Điềm báo chỉ là những dấu chỉ cho thấy điều gì
sắp xảy ra, chứ không phải là cơ hội hay động lực giúp chúng ta chuẩn bị đối
phó với những gì sắp xảy ra. Những điềm
báo chiến tranh, thiên tai… là những gì
bên ngoài và chung quanh chúng ta. Còn
bách hại, bị ngược đãi vì đức tin mới thực sự là “cơ hội” để ta làm chứng cho Chúa
Ki-tô. Qua diễn tả của Chúa Giê-su về việc
bách hại, chúng ta hiểu được bách hại không chỉ xảy ra thời cấm đạo hay dưới những
chế độ tàn ác vô thần. Bách hại có thể xảy
ra ngay trong gia đình, do những người thân yêu. Đơn thuần thôi, “vì danh Thầy, chúng ta bị mọi
người thù ghét”, tức là bị ghét bỏ vì sống đức tin Công giáo thì cũng đã là một
hình thức bách hại rồi! Hiểu như vậy, tất
cả chúng ta đều là những người sẵn sàng để tử đạo, mà ý nghĩa của tử đạo là làm
chứng cho Chúa trong mọi sự.
Trong
tình trạng tử đạo âm thầm và triền miên cũng như tình trạng anh dũng làm chứng
cho Chúa ngoài xã hội trước khi những điềm báo tận thế xảy ra, Ki-tô hữu chúng
ta phải có thái độ nào? Có hai thái độ
được Chúa nhấn mạnh ở đây: đừng sợ hãi
lo nghĩ, và hãy kiên trì, thì chúng ta mới giữ được mạng sống đời đời của mình.
Sống sứ điệp Tin
Mừng
Nghe
tin đồn Chúa sắp trở lại, tức ngày tận thế, nhiều tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã sống
buông thả, dường như họ sợ cuộc đời quá ngắn ngủi nên phải hưởng thụ. Triết lý sống ấy ngày nay chẳng thiếu
gì. Để nhắc nhở tín hữu của ngài, thánh
Phao-lô đã lấy chính các tông đồ làm gương mẫu sống chờ đợi Chúa trở lại. Ngài viết cho họ: “Anh em phải bắt chước chúng tôi. Chúng tôi đã không sống vô kỷ luật…, đã chẳng
ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả” (Bài đọc 2). Vậy ta cứ kiên trì làm điều phải làm!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi