hãy sinh
nhỮng hoa quẢ hỐi cẢi
(Luca 3,10-18 –
CN III MV - C)
1.- Ngữ cảnh
Tác giả Luca đưa Đức Giêsu đi vào lịch sử dưới dấu chỉ là hoàn cảnh chính
trị và tôn giáo của đế quốc Rôma và của Israel. Qua cái cổng này, ngài lấy lại
cái chặng của Tin Mừng Máccô: Gioan
Tẩy Giả (3,1-20), phép Rửa và việc Thánh Thần ngự xuống (3,21-22), Cám dỗ
(4,1-13). Giữa phép Rửa và Cám dỗ, ngài ghép gia phả của Đức Giêsu vào
(3,23-28).
Bản văn đọc hôm nay là trích phần đầu
của phần 2 của Tin Mừng Lc.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1)
Gioan bảo dân chúng những việc phải làm (3,10-14);
2)
Ông loan báo Đấng mạnh hơn đang đến (3,15-17);
3)
Tóm kết sứ vụ Gioan (3,18).
Nếu
muốn đầy đủ cho phần rao giảng của Gioan, thì lấy từ câu 7. Chúng tôi sẽ trình
bày khởi đi từ c. 7 này.
3.- Vài điểm chú giải
-
Đấng Mêsia (15): tức là “Đấng được xức dầu”. Ít ra từ đầu thế kỷ ii tCN, trong Do Thái giáo Paléttina,
đã kết tinh một nỗi niềm chờ mong Đấng Mêsia. Lời sấm của ngôn sứ Nathan
(2 Sm 7,14-17) và “những lời cuối
cùng của vua Đavít” (2 Sm 23,1-17)
tiết lộ lời Thiên Chúa hứa ban một vương tộc và minh nhiên quy chiếu về
vua Đavít lịch sử như là “đấng được xức dầu” của Thiên Chúa Giacóp. Xem Tv 18,51; 89,39.52; 132,10.17.
-
Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến (16): Dịch sát là “Đang đến
Đấng mạnh hơn tôi”. Luca nhấn mạnh
đến động từ “đang đến” (HL. erchetai) đặt ở đầu câu; ngài đã lấy lại Mc 1,7, nhưng bỏ cụm từ “sau tôi”. Đây
là một gợi ý tới bản văn Ml
3,1.23.
- tôi
không đáng cởi quai dép (16): Hành vi này là nhiệm vụ của một nô
lệ. Tập tục được thực thi như sau: người chủ đi dự một cuộc tiếp tân, có một
nô lệ đi theo; vào phòng, người chủ phải cởi dép; khi đó, người nô lệ quỳ
xuống (x. Mc 1,7) để tháo quai dép
cho ông (x. Mc và Lc); và trong suốt cuộc tiếp tân, người
nô lệ phải xách dép của chủ (x. Mt
3,11). Trong truyền thống kinh sư Do Thái, các kinh sư cấm môn đệ làm việc này
cho thầy mình. Hình ảnh Gioan dùng nêu bật vị trí thấp kém của ông trong quan
hệ với Đức Giêsu, Đấng mạnh hơn.
-
phép rửa trong Thánh Thần và lửa (16): Nước có ý nói về nghi
thức bên ngoài, thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến
đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì
lửa thấm sâu vào, thanh luyện, soi sáng, đốt cháy. Trong phép rửa Đấng Mêsia
thiết lập, người ta sẽ không gặp được thứ lửa nào ngoài thứ lửa của Thánh Thần,
bởi vì chính Ngài thánh hóa các tâm hồn.
Dựa
theo Mt 3,11, ta phỏng đoán rằng rất
có thể Gioan Tẩy giả lịch sử đã không nói đến phép rửa trong Thánh Thần, nhưng
là phép rửa trong “gió [khí]”, như thế để cho từ “lửa” vẫn giữ được ý nghĩa
“lửa Phán xét” trong suốt bản văn. Sau đó, các Kitô hữu đã đọc lại và đã giải
thích lại “gió [khí]” như là làn hơi Thánh Thần: đọc như thế cũng là hợp lý,
bởi vì trong tiếng Hípri cũng như tiếng Hy Lạp, một từ ngữ duy nhất (Hp.
ruâh, HL. pneuma) được dùng để chỉ gió và Thần Khí. Như vậy, hẳn
là Gioan Tẩy Giả đã nói đến một phép rửa “trong gió [khí] và lửa” Phán xét,
nhưng chẳng bao lâu (có khi là ngay lúc còn đang truyền khẩu), các Kitô hữu đã hiểu
các lời này như loan báo một phép rửa “trong [Thần] Khí hoặc Thánh Thần
và lửa” của Lễ Ngũ Tuần.
Cũng
cần nói rằng không nên giới hạn tầm mức lời Gioan nói vào phép rửa mà
thôi. Cần phải thấy đó là mọi cuộc thông ban Thánh Thần do Đức Giêsu
thực hiện, hoặc bằng phép rửa Kitô giáo, hoặc bằng bí tích thêm sức, hoặc bằng
cách nào khác: Lc 12,49 (Đức Giêsu
ném lửa xuống thế gian); Cv 1,4-5
(điều Chúa Cha đã hứa); 2,1-4 (lưỡi lửa).
Nhưng
cũng vẫn có nghĩa là lửa Phán xét. Chúng ta bị đặt giữa hai ngọn lửa: lửa Thánh
Thần và lửa của cơn giận không tắt. Bởi vì Đấng Mêsia sẽ là Thẩm Phán (x. cc.
17-18).
- Tay
Người cầm nia rê sạch lúa (17): Cái rê (ptyon,
winnowing-shovel) là một dụng cụ giống cái xẻng, người ta dùng để rê lúa
(“làm sạch thóc bằng cách đổ thóc từ trên cao rơi từ từ theo hướng gió để bụi
và hạt lép bay ra hết”, Đại từ điển tiếng
Việt), còn thóc thì rơi xuống thành đống (x. Is 30,24). Hình ảnh này được dùng để chỉ việc Đấng quyền thế hơn
phân loại loài người theo giá trị của họ.
-
thóc mẩy thì thu vào kho lẫm (17): Đống thóc tượng trưng
những người sẽ được cứu bởi vị thẩm phán đang đến. Công việc phân loại của
Người được diễn tả bởi hai hành
động, “rê sạch” và “thu vào kho”.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Gioan
đến như nhà rao giảng sự thống hối và như sứ giả niềm vui. Ông ra sức giải
thích cho dân chúng biết rằng sự hoán cải cần được cụ thể hóa bằng những hoa
trái xứng đáng (3,7-9). Và ông dạy họ những việc cụ thể phải làm cũng như về
Đấng đang đến. Ông giới thiệu hoàn cảnh trong tính nghiêm túc và trong đặc điểm
cứu độ, ông không giấu giếm gì cả. Nguyện vọng duy nhất của ông là chuẩn bị cho
dân đón nhận ơn cứu độ, ơn này đang hiện diện nơi Đức Giêsu Kitô.
Các
hoa trái hối cải tuyệt đối cần thiết, ta không thể loại trừ hay trì hoãn. Với
những lời lẽ hết sức mạnh mẽ, Gioan ngỏ lời với những người muốn hoán cải. Họ
đến với ông bởi vì họ coi trọng lời ông loan báo và muốn nhận phép rửa. Gioan
bảo họ rằng chỉ có ý muốn mà thôi thì không đủ; còn cần phải có hoa trái nữa,
tức là những hành động. Thiên Chúa muốn có những hành động này. Ai không làm
những hành động này, thì sẽ phải gánh lấy cơn thịnh nộ của Ngài (3,7), tức là
hậu quả của một chọn lựa đi ngược lại ý Ngài muốn. Phải có một sự
hoán cải thực thụ. Dĩ nhiên phải hoán cải con tim, bằng cách hoàn toàn quay
hướng về Thiên Chúa. Nhưng sự hoán cải không chỉ dừng lại ở bình diện nội tâm,
thiêng liêng. Nó phải được diễn tả ra trong lối xử sự bên ngoài. Người ta không
thể tránh né lối sống bên ngoài bằng cách nại đến các duyên cớ nào đó. Nại đến
tư cách con cháu tổ phụ Abraham cũng không ích gì. Chúng ta phải luôn luôn sẵn
sàng nên cũng phải luôn tìm cách sinh những hoa quà xứng với lòng hối cải.
*
Gioan bảo dân chúng những việc phải làm (10-14)
Những
người được Gioan ngỏ lời với không chỉ muốn nghe nói về các hoa quả cách chung
chung; họ muốn biết cụ thể họ phải làm gì. Gioan không mời họ thực hành một
việc đạo đức hình thức hay tham dự một nghi lễ thống hối nào; ông yêu cầu họ
làm một việc cụ thể và triệt để nào đó. Ông trả lời họ không quanh co. Mọi hoa
trái hối cải ông đề nghị đều liên hệ đến cách xử sự với người đồng loại. Sự
hoán cải, nghĩa là việc quay về với Thiên Chúa, phải được diển tả ra thực sự
qua cách thức xử sự với anh chị em mình. Sự hoán cải đòi hỏi sự chia sẻ huynh
đệ và từ khước mọi thứ bất công. “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai
có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (3,11). Lời yêu cầu này được đề nghị không
những cho tất cả những ai đang sống trong sự sung túc, để họ sớt bớt phần dư
thừa, nhưng còn được gửi đến tất cả những ai có thứ gì hơn mức thực sự cần
thiết. Ngay người chỉ có hai áo cũng phải cho một cái và bằng lòng chỉ
còn một cái, nếu người thân cận không có cái nào. Đứng trước nhu cầu của
người khác, người ta chỉ được giữ lại điều gì mình cần mà thôi.
Người
thu thuế và lính tráng cũng đến với Gioan. Đây là hai hạng người bị khinh bỉ và
căm ghét, bởi vì họ thường lợi dụng địa vị mà thủ lợi. Gioan không mời họ bỏ
nghề, nhưng kêu gọi họ loại trừ những hình thức xử sự bất công khi hành nghề.
Người thu thuế có thể lợi dụng địa vị để đòi mức thuế cao hơn mức đã quy định
để làm giàu. Những người lính có thể dùng vũ lực để ép người khác làm theo ý
mình, để gia tăng đồng lương. Trong cả hai trường hợp, vấn đề là áp bức người khác để có thêm tiền bạc.
Hoán cải, quay về với Thiên Chúa, không phải là chuyện thực hiện trong trừu
tượng, nhưng phải được thể hiện ngay trong lãnh vực nghề nghiệp.
Sau
này, Đức Giêsu còn yêu cầu mạnh hơn nữa: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả
má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6,29).
* Ông
loan báo Đấng mạnh hơn đang đến (15-17)
Một
yếu tố tiêu biểu của sự cao cả của Gioan là đánh giá đúng đắn vị trí của ông.
Ông đến theo bài sai của Thiên Chúa và ông hành động hết sức cương quyết. Do đó,
ông đã gợi lên nơi dân chúng ấn tượng là ông chính là Đấng Cứu thế thời cuối
cùng, Đấng Mêsia. Ông tuyên bố rằng ông chỉ là người dọn đường, và dứt khoát
hướng người ta đến Đấng đến sau ông. Người cao cả hơn ông vô cùng, không sao
sánh ví được. Tương quan giữa ông và Đấng ấy không thể mô tả cách nào cho xứng
hợp, cho dù là bằng hình ảnh “nô lệ-chủ nhân”. Gioan không xứng đáng làm một
việc phục vụ thấp hèn nhất cho Đấng đang đến. Bằng cách đó, vị ngôn sứ cao
cả này đã cung cấp cho chúng ta một ý tưởng về sự cao trọng của Đức
Giêsu. Ngay cụ Simêôn cũng đã loan báo Người như là Đấng làm cho người này được
nâng dậy, còn kẻ khác bị té ngã (2,34). Gioan đã mô tả cách hành động của Đấng
ấy theo hai cách: Người làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa; Người thu gom
lúa và đốt vỏ trấu. Đức Giêsu có quyền thông ban thực tại cao hơn và quý hơn:
Thần Khí, quyền năng sống động vĩnh hằng của Thiên Chúa, đối lập với mọi thứ
bất lực, yếu đuối và mong mạnh tạm bợ. Ai không sẵn sàng với Thần Khí mang sự
sống, thì phải chịu phép rửa trong lửa tiêu diệt sự sống. Đức Giêsu quy tụ lại
với Người, trong sự hiệp thông vĩnh cửu, lúa (thóc mẩy), tức là những ai phù
hợp với những tiêu chí nhân lành của Người; Người loại trừ và đẩy vào nơi bị
dày vò muôn đời những người khác, những người trống rỗng và không có giá trị.
* Tóm
kết sứ vụ Gioan (18)
Gioan đã “loan báo Tin Mừng” cho dân
chúng? Như vậy ông là người đầu tiên loan báo Tin Mừng (Wink). Nhưng nếu theo
bản văn Lc, thì dường như thiên thần
Gabriel mới là vị đầu tiên loan báo Tin Mừng (1,19)! Thật ra, có lẽ nên cho
rằng đây là một từ tác giả dùng để “bình” hoạt động của Gioan, là hoạt động
khuyến khích người ta quay về với Thiên Chúa. Tác giả không cho thấy là có lần
nào Gioan đã rao giảng về “Nước Thiên Chúa”, bởi vì ngài dành công việc này cho
Đức Giêsu. Từ đó có thể nói cho dù hoạt động của Gioan là giai đoạn chuẩn bị
cho giai đoạn Đức Giêsu, lời rao giảng của ông vẫn không giống với lời rao
giảng của Đức Giêsu.
+ Kết
luận
Gioan không thể loan báo một ơn
cứu độ dễ dàng cho mỗi người, dù họ muốn hay không, dù họ sẵn sàng đón lấy hay
không. Thiên Chúa ban ơn cứu độ, nhưng không áp đặt cho loài người chúng ta,
bất kể tình trạng cá nhân chúng ta hoặc ngược lại với ý muốn của chúng ta. Bởi
vì Gioan biết ý nghĩa của việc Đức Giêsu đến và biết điều gì liên hệ, ông xứng
đáng vừa là sứ giả niềm vui vừa là nhà rao giảng việc hoán cải.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Sự
hoán cải chân thật không bao giờ chỉ dừng lại với những tâm tình tốt đẹp, nhưng
phải được diễn tả ra bằng một cuộc sống tương hợp cụ thể với giáo huấn
của Đức Kitô. Các thính giả của Gioan đã hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đây ?”, và
vị Tẩy Giả đã chỉ dẫn cho mỗi hạng người một cách thức cụ thể để sống
hoán cải. Có người thì phải tôn trọng công bình, có người được đề nghị chia sẻ,
có người thì được mời tha thứ những xúc phạm, hoặc sống lương thiện trong nghề
nghiệp của mình.
2.
Người ta có thể yêu cầu gì nơi những con người và những dân tộc đang sống và
hầu như đang chết ngộp trong sự phồn vinh phú túc, trong khi hàng triệu người
đang sống cũng trên trái đất này đang chết đói? Với quyền gì mà có những người
được bảo rằng họ được duy trì và đảm bảo sự phú túc của họ, trong khi những
người khác thậm chí không có những cái hết sức cần thiết? Tình trạng này là một
sỉ nhục, chế nhạo lời kêu gọi hoán cải theo Tin Mừng. Cho dù cá nhân không có nhiều
điều kiện để hành động, người ta cũng không được chấp nhận tình trạng ấy. Họ
phải làm hết sức mà chia sẻ cách huynh đệ.
3.
Liên kết với mỗi loại địa vị, thẩm quyền, khả năng, kiến thức… là một thứ
quyền nào đó. Do đó trong mỗi loại nghề nghiệp, luôn có những nguy cơ và cám dỗ
lạm dụng quyền hành để bóc lột người khác hầu thủ lợi cho mình. Mỗi thứ nghề
nghiệp đều cần một nền luân lý nghề nghiệp riêng. Và mỗi người phải hành
động với tinh thần trách nhiệm trong vị trí của mình và trong chính nghề của
mình, phục vụ người khác bằng chính “quyền bính” của mình, chứ không lạm dụng
mà làm thiệt hại đến người khác.
4.
Nếu Đấng Mêsia đến đưa ơn cứu độ cho thế giới, các núi đồi (những ai có quá
nhiều) phải lấp đầy các thung lũng (những người có quá ít). Nơi nào còn có bất
bình đẳng, sự giàu có bất công bên cạnh cảnh sống cùng quẫn, người Kitô hữu
phải san bằng các núi đồi và thung lũng. Nếu chúng ta có một thứ mà người khác
rất cần, phải chăng chúng ta bán với giá thật cao để trục lợi? Có khi nào chúng
ta lạm dụng địa vị, nghề nghiệp để khống chế kẻ khác? Có khi nào chúng ta lạm
dụng quyền bính để bắt người khác chờ hàng giờ để được một điều chúng ta có thể
làm dễ dàng tức khắc cho họ?
5.
Xin ghi lại một suy tư của thánh Âutinh (354-430):
« Gioan
cao trọng đến nỗi người ta đã có thể coi ông là Đức Kitô. Chẳng cần ông phải
nói ra; người ta đã nghĩ như thế rồi… Nhưng người bạn khiêm tốn ấy của chàng
rể, nhiệt thành phục vụ danh dự của chàng rể, không muốn chiếm lấy chỗ của
chàng rể, như một chuyện ngoại tình. Ông làm chứng cho bạn mình, ông đưa
chàng rể đích thực đến với cô dâu, ông kinh tởm chuyện mình được yêu thương
thay thế Người bởi vì ông chỉ muốn được yêu thương trong Người mà thôi…
Người
môn đệ nghe tiếng thầy; người ấy đứng bởi vì đang lắng nghe thầy, bởi vì nếu
người ấy từ chối nghe thầy, chắc chắn người ấy sẽ té ngã. Điều làm nổi bật sự
cao trọng của Gioan trước mắt chúng ta, đó là ông đã có thể được coi là Đấng
Kitô, tuy thế, ông đã chọn làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, công bố sự cao cả của
Người và hạ mình xuống, chứ không coi mình là Đấng Mêsia và tự lừa dối mình khi
lừa dối kẻ khác. Do đó, Đức Giêsu có lý khi nói về ông rằng ông còn hơn là một
ngôn sứ … Gioan đã tự hạ trước sự cao cả của Chúa, để sự khiêm nhường của
ông đáng được sự cao cả ấy nâng lên » (Bài
Giảng thứ hai lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, số 288, 2; PL 38-39, 1302-1304).
Lm FX. Vũ Phan
Long, ofm