CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Lạy Chúa, con phải làm gì để sám hối?

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 3:10-18)

          “Chúng tôi phải làm gì?” là câu hỏi thích hợp cho tất cả những ai muốn đến xin ông Gio-an Tẩy Giả cho họ lời khuyên về việc sám hối.  Những kẻ tới xin ngài chỉ dạy thuộc đủ mọi thành phần xã hội.  Ai ra về cũng có một câu trả lời tuy ngắn gọn, nhưng quá đủ để giúp họ thay đổi lối sống, sao cho thỏa đáng những đòi hỏi của việc đón nhận Đấng Mê-si-a sắp đến.  Những câu trả lời của Gio-an Tẩy Giả không nặng phần lý thuyết bài bản, nhưng áp dụng rất thực tế vào ngay hoàn cảnh và nghề nghiệp của mỗi người.  Ông hết sức nghiêm túc khi trả lời, vì ông biết Đấng Mê-si-a vô cùng cao trọng và sứ mệnh của Người là “làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa” vượt xa trên tác vụ làm phép rửa của ông.  Hôm nay mỗi người chúng ta cũng có cùng một câu hỏi khi đến với Chúa:  “Lạy Chúa, con phải làm gì để sám hối và chuẩn bị đón Chúa?”

          Những người đến gặp ông Gio-an Tẩy Giả là ai?  Họ là dân chúng, là những nhân viên của chính quyền hoặc quân đội.  Nhưng họ đều có chung một khát vọng là muốn thực sự quay về với đời sống công chính.  Họ đã ý thức thân phận tội lỗi của mình và muốn có một sự thay đổi lớn lao.

          Đối với dân chúng nói chung, ông Gio-an đã nhận thấy nhu cầu sám hối của họ ở điểm rất thực tế.  Cuộc sống của những người Do-thái thời ấy không dễ dàng nên ai cũng ráng lo cho thân mình mà không quan tâm tới người khác.  Đặc biệt những thành phần kém may mắn như các bà góa con côi lại càng khốn khổ hơn.  Đây cũng là đề tài các vị ngôn sứ đã từng kêu gọi theo mệnh lệnh của Chúa.  Các ngôn sứ như Hô-sê và A-mốt là những thí dụ cụ thể.  Các ngài lên tiếng bênh vực cho người bị xã hội bỏ rơi.  Cho nên giờ đây đối với những ai muốn quay lưng lại lối sống ích kỷ, thì việc chia cơm xẻ áo với người khác là một đề nghị rất thích hợp với hoàn cảnh đời sống luân lý của họ.  Một tầng lớp xã hội khác cũng cần phải sám hối là các người làm việc cho chính quyền Rô-ma, đặc biệt là những người thu thuế.  Đây là một nghề dễ gian lận và xâm phạm đến sự công bằng.  Cho nên lời khuyên của Gio-an thật giản dị:  Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh!  Sau hết là đám binh lính, họ cũng muốn thực hành một điều gì đó cụ thể để thay đổi lối sống.  Họ làm việc cho đế quốc Rô-ma và lãnh lương của chính phủ.  Nhưng cái đám “bất nhân như lính” ấy lại luôn cậy mình có khí giới trong tay, nên thường coi dân như rác, mặc sức tung hoành.  Ông Gio-an thẳng thắn khuyên bảo họ:  Chớ hà hiếp ai.

          Những đề nghị thực tế nói trên cho chúng ta thấy rõ điều này là sám hối không chỉ là một vài hành vi bề ngoài, như chịu phép rửa thời Gio-an hoặc đi xưng tội thời nay, nhưng là mỗi người phải thay đổi não trạng (metanoia) và quay lưng lại lối sống cũ để tiếp nhận lối sống mới.  Lối sống mới ấy là lối sống đã được Chúa Giê-su rao giảng khi Người loan báo Tin Mừng và thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần và tình yêu Thiên Chúa.  Giá trị tuyệt đối của Chúa Giê-su và Tin Mừng đã được chính miệng ông Gio-an tuyên xưng khi ông quả quyết Chúa Giê-su là “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.  Ông chỉ là người chuẩn bị giúp người ta đón nhận sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Chúa mới thực sự là Đấng xóa bỏ mọi tội lỗi chúng ta, giống như “Người cầm nia mà rê sạch lúa trong sân:  thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta đã bước vào Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót.  Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đến hỏi Chúa về lối sống của mình có phản ánh lòng từ bi nhân hậu của Chúa hay không.  Chúa sẽ dạy chúng ta hãy xét lại những lời ăn tiếng nói của chúng ta.  Đó là những lời khích lệ, yêu thương, hay chỉ là những lời hằn học, đe dọa biểu lộ một tâm địa độc ác?  Chúa muốn chúng ta nhìn lại những hành vi của mình.  Tôi có những hành vi thiếu bác ái, làm tổn thương danh dự hoặc mất tiếng tốt của người khác không?  Đặc biệt Đức Phanxicô đề nghị một phương thức cụ thể để chúng ta thực hành lòng thương xót, đó là sống “Thương người có mười bốn mối” mà chúng ta vẫn đọc trong kinh nguyện.                Lm. Đa-minh Trần đình Nhi         


Suy Niệm Lời Chúa Năm C