GIOAN TẨY
GIẢ RAO GIẢNG
(Luca
3,1-6 – CN II MV - C)
1.-
Ngữ cảnh
Giai
đoạn đầu của công cuộc rao giảng của Đức Giêsu được khoanh vùng rõ ràng. Giai
đoạn này gồm một loạt các dấu chỉ loan báo và một khối tường thuật các việc Đức
Giêsu làm và các lời Người nói tại Galilê. Kể từ 9,51, Đức Giêsu mới đi ngang
qua Samari mà tiến lên Giêrusalem.
Tác giả Luca đưa Đức Giêsu đi vào lịch sử dưới dấu chỉ là hoàn cảnh chính
trị và tôn giáo của đế quốc Rôma và của Israel. Qua cái cổng này, ngài lấy lại
cái chặng của Tin Mừng Máccô: Gioan Tẩy Giả (3,1-20), phép Rửa
và việc Thánh Thần ngự xuống (3,21-22), Cám dỗ (4,1-13). Giữa phép Rửa và Cám
dỗ, ngài ghép gia phả của Đức Giêsu vào (3,23-28).
Đoạn 3,1-6 là phần mở chính thức của Tin Mừng Luca.
2.-
Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1)
Hoàn cảnh chính trị và tôn giáo (3,1-2a);
2)
Hoạt động của Gioan Tẩy Giả (3,2b-3);
3) Lời bình của tác giả theo Is
40,3-5 (3,4-6).
3.- Vài điểm chú giải
- Năm thứ mười lăm
dưới triều hoàng đế Tibêriô (1): Hai câu đầu của đoạn văn khiến ta vừa nhớ đến các lời tựa của các
sử gia Hy Lạp (Thucydide, Polybe …) vừa nhớ đến mở đầu sách Giêrêmia
(1,1-2 LXX). Điều này gợi ý là tác giả Lc có ý viết trong tư cách
sử gia, và cũng gợi lên ý nghĩa thánh thiêng của biến cố ngài khám phá ra nơi
biến cố ngài tường thuật. Ngài nêu lên nhiều điểm quy chiếu liên kết biến cố
này với lịch sử thời ngài: khi lần lượt kể ra hoàng đế Rôma, tổng trấn của
hoàng đế, ba tiểu vương và hai thượng tế, ngài nêu bật tính long trọng đặc biệt
của sự kiện.
Là chúa tể thế
giới thời đó, hoàng đế Tibêriô kế vị hoàng đế Augúttô ngày 19-8-14 kỷ nguyên
chúng ta (năm 767 của Rôma). Vậy “năm thứ mười lăm” có thể chạy từ 19-8-28 đến
18-8-29. Nhưng đa số các nhà phê bình hiện nay cho rằng tác giả Lc tính
các năm trị vì của hoàng đế theo kiểu người Xyri, mà với họ, năm dân sự bắt đầu
vào ngày 1-10. Như thế, họ xác định năm đầu của triều Tibêriô đi từ 19-8 đến
30-9-14, còn năm thứ mười lăm thì đi từ ngày 1-10-27 đến 30-9-28. Khoảng thời
gian này phù hợp với thời gian được ghi trong Ga 2,20 là câu đặt lễ Vượt
Qua đầu tiên thuộc sứ vụ của Đức Giêsu vào mùa xuân năm 28.
- Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê (1): Ông này làm tổng trấn Giuđê
từ năm 26 đến năm 36. Các tác giả Do Thái nhận định ông là con người “không
khoan nhượng và tàn nhẫn” (đây là câu
vua Hêrôđê Ácríppa I viết trong thư gửi cho hoàng đế Caligula, được Philon ghi
lại, Legatio ad
Caium, 38); còn các Tin
Mừng thì vĩnh viễn nối kết ông với cuộc xử án Đức Giêsu (Tacite cũng làm
như thế trong các Annales, III, 15,44). Ông cai trị miền Giuđê, Bắc Samari và Nam Iđumê.
- Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê (1): Ông là con của Hêrôđê đại đế, có tên là
Antipa, đã được làm tiểu vương cai trị miền Galilê và Pêrê sau khi vua cha qua
đời, vào năm 4 tCN. Ông chỉ lấy tên Hêrôđê sau khi đã hạ bệ anh là Áckhêlao vào
năm 6 CN. Ông xuất hiện nhiều lần trong các Tin Mừng: như là người đã
giết Gioan Tẩy Giả (Mt 14,3-12; Mc 6,17-29; x. Lc
3,19-20), rồi như là đối thủ của Đức Giêsu (Mc 6,14-16; Lc
13,31-32; 23,6-12). Cuối cùng ông sẽ bị hoàng đế Caligula đưa đi lưu đày bên xứ
Gôn, vào năm 39, sau khi bị cháu là Hêrôđê Ácríppa I tố cáo.
-
Philípphê làm tiểu vương miên Iturê và Trakhonít: Ông
là người con khôn ngoan nhất trong số tất cả các con của Hêrôđê đại đế. Triều đại bình an của ông kéo
dài từ năm 4 tCN đến khi ông chết vào năm 34. Thật ra ông cai trị tất cả vùng
đông bắc hồ Tibêriát (miền Gaulanít, Batanêa, Trakhonít, Auranít và vùng Panêa,
nơi ông đã xây dựng kinh đô với tên Xêdarê Philípphê: x. Mt 16,13; Mc
8,27). Tác giả Lc cố tình kể tên những miền đất ít có người Do Thái
nhất, tức là tượng trưng cho lãnh địa ngoại giáo.
-
Lyxania làm tiểu vương miền Abilên: Chỉ có một Lyxania, vua dân
Iturê ở Khanxi, bị đại tướng Antôniô giết vào năm 36 tCN để trừng phạt ông đã
liên minh với người Pácti. Vị tiểu vương mờ nhạt này với
miền đất xa lạ với Paléttina được tác giả Lc
nhắc đến có lẽ do những lý do sau: 1) Lc
thích các cấu trúc song đối và danh hiệu “tiểu vương” (tetrarchês, trong
đó có tetras, “ngày thứ tư trong tháng”) hẳn đã gợi ý cho ông giới thiệu
ra ở đây bốn miền đất lân cận; 2) Lý do lịch sử: vào lúc TM Lc được viết, tức năm
80-85, lãnh thổ của Lyxania đã thuộc về một ông hoàng Do Thái (Hêrôđê
Ácríppa II, trị vì từ năm 53 cho đến cuối thế kỷ, kế vị vua cha là Hêrôđê
Ácríppa I, trị vì từ năm 37 đến năm 44). 3) Nhưng có lẽ lý do chính là lý do
thần học: miền Giuđê của quan Philatô và miền Galilê của vua Hêrôđê là đất
của Dân Thiên Chúa, còn các miền đất của các tiểu vương Philípphê và
Lyxania là đất Dân ngoại. Khi nêu ra bốn lãnh địa này vào khởi đầu Tin
Mừng của Đức Giêsu, Lc gợi ý là việc
loan báo ơn cứu độ liên hệ đến người Do Thái lẫn Dân ngoại. Thật ra ý hướng này
cũng được diễn tả ra trong việc nhắc đến song đối hoàng đế ngoại giáo và vị
thượng tế của Dân Thiên Chúa, ở đầu và cuối danh sách này.
-
Khanan và Caipha làm thượng tế (2): Công thức này gây ngạc
nhiên do chỗ gán danh hiệu thượng tế cho hai nhân vật, có tên tuổi rõ ràng, mà
trong thực tế chức vụ này chỉ luôn luôn được thực thi bởi một người mà
thôi. Ở đây, tác giả Lc muốn nói lên
một hoàn cảnh có thật. Khanan đã được Quiriniô đặt làm thượng tế vào năm
6 CN, và chín năm sau, vào năm 15, bị Valerius Gratus truất phế. Nhưng do chỗ
các tổng trấn Rôma cho năm con trai và con rể Caipha của ông kế vị, ta hiểu ông
vẫn có một uy tín đặc biệt nơi giới tư tế và dân chúng. Dường như chính
ông mới là người lãnh đạo cộng đồng Do Thái dưới các đời thượng tế sau ông. Các
tác giả Tân Ước gán cho ông một vai
trò quan trọng trong việc thẩm cứu vụ án Đức Giêsu (Ga 18,13-24).
Caipha
là thượng tế từ năm 18 đến năm 36. Vai trò của ông trong cuộc xét xử Đức Giêsu
đã được Mátthêu (26,3.57.63-65) và Gioan (11,49; 18,24-28) ghi lại. Trong
vụ án này cũng như trong mọi sinh hoạt của ông, hẳn là ông làm việc hài hòa với
và dưới ảnh hưởng của nhạc phụ.
-
Công bố một phép rửa sám hối hướng tới ơn tha tội (3):
Lời công bố này nối dài lời rao giảng của các ngôn sứ Cựu Ước: y như vị Tẩy Giả, các ngôn sứ đã kêu gọi dân Thiên Chúa
“trở lại” với Đức Chúa của mình bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi. Nét mới mẻ
đầu tiên của Gioan là đóng ấn sự hoán cải này bằng một phép rửa. Nhưng
ông còn thêm vào một nét mới thứ hai: ông chỉ ban phép rửa này một lần
mà thôi, bởi vì Cuộc Phán Xét đang đến gần (Lc
3,7-9.17); chỉ còn chỗ cho một cuộc hoán cải duy nhất mà thôi để được ơn
cứu độ (x. Gr 31,31; Ed 36,25). Phép rửa của Gioan không phải
là phép rửa Kitô giáo có khả năng xóa tội (Cv
2,38; 22,16): “Đấng mạnh thế hơn … sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”
(3,16). Vai trò chính yếu của Gioan là “bảo cho dân Chúa biết rằng Chúa sẽ tha
thứ mọi tội khiên” (1,77). Do đó dịch “hướng tới ơn tha tội” thì tốt hơn là
dịch “để được ơn tha tội”.
- như
có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia (4): So với các tác giả Tin Mừng khác, Lc nối dài bản văn trích để nêu bật những yếu tố ngài coi là quan
trọng. Trước tiên là Is 40,3 (x. Lc 3,5) giúp Lc nhắc lại mối quan tâm của ngài đối với việc đề cao những người
nghèo hèn và hạ thấp những kẻ kiêu căng (Lc
1,52; 14,11; 18,14). Nhưng nhất là Is
40,5 (Lc 3,6) mới là mối quan tâm
chính của ngài: loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa muốn ban cho “mọi xác phàm”.
4.- Ý
nghĩa của bản văn
Sau hai
chương tác giả Lc dành cho cuộc chào
đời và thời thơ ấu của Đức Giêsu, hai chương dầy đặc những quy chiếu về Cựu Ước, nay độc giả gặp lại Gioan Tẩy
Giả ra đi thi hành sứ mạng.
* Hoàn cảnh chính trị
và tôn giáo (1-2a)
Chương 3 bắt đầu
bằng một cái nhìn chăm chú vào lịch quốc tế, quốc gia và địa phương. Năm của
triều đại hoàng đế, của quyền lực dân sự và quyền lực tôn giáo được nêu ra. Với
khởi đầu long trọng này, độc giả được lưu ý là các biến cố được kể ra ở đây,
tuy có màu sắc hoàn cảnh địa phương, đặt bên cạnh biên cương đế quốc, thật ra
có một sắc thái vũ hoàn. Chi tiết quy chiếu về hai tên Thượng Tế có hàm ẩn một
chút châm biếm tế nhị: trên ngai là Caipha, nhưng người vẫn điều khiển là
Khanan, cha vợ ông.
Sau phần dẫn nhập
lịch sử, tác giả Lc dùng giọng văn long trọng để giới thiệu Gioan: “Có lời Thiên Chúa phán cùng con
ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa” (c. 2b). Bản văn giới thiệu ơn gọi ngôn
sứ của Gioan Tẩy Giả. Nhưng do giọng long trọng, ta cảm được là bản văn này
muốn đi xa hơn vị Tẩy Giả. Bên kia vị Tiền Hô, tác giả loan báo Đức Giêsu và
đặt Người vào giữa lòng lịch sử nhân loại. Chúng ta khẳng định được như thế nhờ
một số những nhận xét: 1) Thật đáng ngạc nhiên là tác giả đã dành nhiều quy
chiếu về lịch sử như thế để mở đầu hoạt động của Gioan, mà lại không nói gì để
định vị cho hoạt động của Đức Giêsu (3,21), mà chắc chắn Đức Giêsu mới là nhân
vật trọng yếu. Ta giải thích được sự bất thường này khi nhớ rằng ngay từ đầu Tin
Mừng, tác giả đã bàn về Gioan và Đức Giêsu song song và liên đới với nhau.
2) Việc liệt kê ra hoàng đế, tổng trấn và các tiểu vương chỉ thật sự cần thiết
nếu hướng về cuộc xuất hiện của Đức vua Giêsu. 3) Tác giả Lc trích sấm
ngôn Is 40 như các tác giả Tin Mừng khác để đưa lại ý nghĩa cho
sứ mạng của Gioan. Nhưng khi kéo dài câu trích cho tới tận lời loan báo sự tỏ
hiện của ơn cứu độ của Thiên Chúa, ngài cho thấy rằng trước tiên ngài nghĩ tới
cuộc xuất hiện của Đức Giêsu.
Ở đây khi nêu tên
vị chúa tể ngoại giáo của thế giới, cũng như vào dịp Đức Giêsu giáng sinh, khi
nhắc đến hoàng đế Âugúttô (2,1), tác giả Lc giữ thói quen đặt vương quốc
trần gian đối diện với Vương quốc của Thiên Chúa đã đến nơi Đức Giêsu.
Còn
lý do chính là lý do thần học: Miền Giuđê của quan Philatô và miền Galilê của
vua Hêrôđê là đất của Dân Thiên Chúa, còn các miền đất của các tiểu
vương Philípphê và Lyxania là đất Dân ngoại. Khi nêu ra bốn lãnh địa này vào
khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu, tác giả Lc gợi ý là việc loan báo ơn cứu độ liên hệ đến người Do Thái lẫn
Dân ngoại. Thật ra ý hướng này cũng được diễn tả ra trong việc nhắc đến song
đối hoàng đế ngoại giáo và vị thượng tế của Dân Thiên Chúa, ở đầu và cuối danh
sách này. Còn khi nhắc đến cả Khanan lẫn Caipha, tác giả Lc cho hiểu rằng thực quyền nằm nơi thượng tế đã bi truất phế.
* Hoạt động của Gioan
Tẩy Giả (2b-3)
Giọng văn của c.
2b rất cổ, như kiểu giới thiệu một ngôn sứ thời Cựu Ước. Có lẽ tác giả Lc
đã cảm hứng từ Cựu Ước và đặc biệt từ ơn gọi của các ngôn sứ (x. Is 1,1; Gr 1,1-3; Hs 1,1; Ed 1,2). Gr 1,1 LXX).
Như thế, với việc Gioan Tẩy Giả ra làm việc, tác giả cho thấy đã xuất hiện một
ngôn sứ, vị đầu tiên sau một thời gian thinh lặng gần năm thế kỷ (Tv
74,9; l Mcb 4,46; 9,27; 14,41). Ơn gọi của vị Tẩy Giả được thể hiện trong
hoang địa, là nơi ông đã sống thời trai trẻ “cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en”
(1,80). Nhiều dấu chỉ cho thấy là ông có quan hệ với phái tư tế ở Qumrân: ông
thuộc dòng dõi tư tế, ông sống trong hoang địa, ông đi rao giảng một phép
rửa và cả bốn Tin Mừng đều xác định sứ mạng của ông khởi đi từ lời sấm Is
40,3 mà Luật Qumrân dùng đề diễn tả lý tưởng của họ (1 QS 8,14). Cho dù
thế nào, kể từ nay Thiên Chúa kêu gọi ông thực hiện một sứ mạng của
riêng ông.
Theo Mt (3,1-6) và Mc (1,4-5) la hai bản văn theo sát
bản Is 40,3, Gioan rao giảng trong hoang địa và làm phép rửa tại sông
Giođan ở bìa sa mạc; hoang địa là nơi thử thách và cũng là nơi gặp gỡ thân tình
với Thiên Chúa. Các đoàn người đã từ Giêrusalem và miền Giuđê kéo đến với ông (Mc
1,5; x. Mt 3,5). Không như tác giả Mc còn nói đến lối sống khắc
khổ của Gioan, tác giả TM III cho thấy tức khắc hoạt động của vị Tiền
Hô: Gioan rời hoang địa để rao giảng khắp vùng sông Giođan như là lãnh địa
riêng của ông. Rất có thể tác giả Lc đã nghĩ rằng phép rửa ban trong hoang
địa có thể khiến các độc giả ngạc nhiên, vì họ không biết địa lý của xứ
Paléttina. Trong thực tế, hai bờ sông Giođan là vùng hoang địa. Ông đã kêu gọi
dân chúng đến nhạn phép rửa để bày tỏ lòng sám hối, hầu có thể nhận lấy ơn cứu
độ mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trong sứ vụ Vượt Qua (Lc 24,47; Cv
3,19; 5,31; 10,43; 13,38; 26,18). Như trong Cựu Ước, điều quan trọng hơn
là lời của vị ngôn sứ (cũng là Lời Thiên Chúa), tác giả Lc cho thấy
Gioan đi rao giảng sứ điệp ông đã nhận. Lời rao giảng của ông có những cử chỉ
kèm theo, đây là phép rửa. Nhưng cử chỉ này vừa thuộc về vị Tẩy Giả vừa thuộc
về hối nhân. Như thế, tác giả nêu bật rằng lời rao giảng mang tính ngôn sứ của
Gioan đưa đến một hành vi biểu tượng chất chứa sự thống được gợi lên bởi lời và
giúp hoán cải.
* Lời bình của tác giả theo Is 40,3-5 (4-6)
Như
các tác giả Tin Mừng khác (Mt 3,3; Mc 1,3; Ga 1,23), tác giả
Lc xác định ý nghĩa của sứ vụ Gioan
đảm nhận khởi đi từ sấm ngôn Is 40
(cc. 3-5). Nhưng ngài đặt lời sấm này vào cuối phần giới thiệu Gioan, để dẫn
độc giả đi từ biến cố lịch sử đến lời giải thích biến cố trong khung cảnh lịch
sử cứu độ. Và ngài nối dài câu trích để nêu bật các yếu tố ông coi là quan
trọng.
TM Lc đã bỏ đi lời loan báo
mở đầu của Is 40,5: “Bấy giờ vinh
quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện”. Đối với ngài, trách nhiệm của vị Tẩy Giả không phải
là loan báo vinh quang này, vì vinh quang này chỉ được tỏ hiện vào cuộc Vượt
Qua bởi Đức Giêsu thôi. Ngài nói ngay đến đích điểm của sấm ngôn, cũng là đỉnh
điểm của sứ điệp của Gioan: loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đây mới là nhiệm
vụ của Gioan (Lc 1,77). Lc ưa thích nhấn mạnh trên đề tài “ơn
cứu độ”: Cụ Simêôn (Lc 2,30); Phaolô (Cv
28,26); ngài là tác giả nhất lãm duy nhất gọi Thiên Chúa và Đức Giêsu là Đấng
Cứu Độ (Lc 1,47) và nói đến ơn cứu độ
nơi Đức Giêsu (Lc 1,69.71.77; 19,9).
Có lẽ
lý do chính đã thúc tác giả kéo câu trích Is
đến tận c. 5 là vì câu này có công thức Kinh Thánh “mọi xác phàm”. Hẳn là ngài
thấy từ này là một lời loan báo kín đáo ơn cứu độ được cống hiến cho tất
cả mọi người. Thuật ngữ mơ hồ này đáp lại ý muốn của ngài là ghi dấu các chặng
trong việc mạc khải tính phổ quát của Đức Giêsu, là đặc tính đã được cụ Simêôn
công bố (Lc 2,30-32): không phải là
Gioan có nhiệm vụ loan báo rõ ràng ơn cứu độ Dân ngoại, nhưng là Đức Giêsu.
+ Kết
luận
Bản
văn đã đặt hoạt động của Vị Tiền Hô trong khung cảnh lịch sử của nó. Thời gian
của hoạt động này không còn được quy định theo triều đại của một vị vua
Giuđa hay Israel, như đối với các ngôn sứ ngày xưa (x. Is 1,1; Ge 1,2; Ed 1,2; Hs 1,1; Am 1,1; Mk 1,1; Xp 1,1), mà là theo triều đại của Vị Chúa tể thế giới, của hoàng đế
Xêda Rôma. Như thế, ngay khi được loan báo, Tin Mừng đã mang tính phổ
quát.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Cũng như ơn gọi của Gioan Tẩy Giả, ơn gọi của chúng ta được Thiên Chúa ban cho
chúng ta vào thời đại của chúng ta. Do đó, chúng ta phải sống “trong ngày hôm
nay của Thiên Chúa” (Dt 4,7); đối với
chúng ta, thời đại chúng ta đang sống là thời đại thuận tiện duy nhất giúp phát
triển tư cách Kitô hữu của chúng ta. Cũng như Gioan Tẩy Giả, Thiên Chúa gọi
chúng ta khởi đi từ một khung cảnh đang quy định tất cả phong thái và
cuộc sống chúng ta: giống nòi, gia đình, xứ sở, khí hậu. Cách thức duy nhất để
đáp trả ơn gọi chúng ta với cùng một lòng trung thành như Gioan Tẩy Giả, đó là
chấp nhận dứt khoát thời đại và môi trường chúng ta, để làm nơi phục vụ Lời
Chúa, làm khung cảnh cho cách thức ứng xử Kitô hữu theo gương Đức Kitô.
2.
Theo quan điểm của Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là những cuộc chinh
phục ngoạn mục của các hoàng đế Rôma hay các mánh khoé của tiểu vương Hêrôđê,
mà điều quan trọng là Lời của Thiên Chúa phải được ngỏ với Gioan, con Dacaria.
Trong bình diện thiêng liêng, bình diện duy nhất hệ trọng đối với cuộc sống con
người, các dáng vẻ bề ngoài hùng mạnh và vinh quang chẳng là gì cả. Bởi vì
Thiên Chúa thực hiện những dự phóng lớn của Ngài trên thế giới bằng cách dùng
những cái yếu đuối và nhỏ bé theo thế gian. Đối với chúng ta cũng thế, dù chúng
ta có nhỏ bé, giới hạn đến đâu, Thiên Chúa vẫn có thể dùng chúng ta mà thay đổi
bộ mặt thế giới, nếu chúng ta nghe tiếng Ngài kêu gọi và hoán cải mỗi ngày.
3.
Trong sa mạc cuộc đời chúng ta hôm nay, Lời Chúa đang vang lên trên chúng ta
nhờ lời rao giảng, khi chúng ta đi dự thánh lễ. Khi đó, chúng ta không chỉ gặp
gỡ các anh chị em trong cùng giáo xứ, mà là gặp gỡ tất cả các tín hữu trên thế
giới, mặc cho họ theo thể chế nào, nghi thức nào … Chúng ta được mời gọi điều chỉnh các nẻo
đường quanh co của lòng ta: tức là hãy để ý đến ý hướng và cách tiến hành ngay
thẳng; hãy kiên vững bước đi theo con đường thẳng của bổn phận, không ngẫu
hứng, không thối lui; hãy lấp đầy các thung lũng của lòng ta, nếu chúng còn
thiếu quảng đại và lý tưởng Kitô hữu. Hãy san bằng các đồi núi kiêu ngạo. Hãy dũa bớt những sù sì của tính
tình chúng ta và chấm dứt những chia rẽ.
4.
Gioan Tẩy Giả có thể được mệnh danh là “Nhà rao giảng của Mùa Vọng”. Mỗi năm,
Phụng vụ lại giới thiệu sứ điệp của ngài cho chúng ta. Cũng như ngài đã chuẩn
bị cho dân Israel đón tiếp Đấng Mêsia ngự đến, ngài cũng có thể chỉ cho chúng
ta cách thức chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Lời lẽ của ngài đôi khi rất mạnh.
Nhưng thế giới hôm nay cần những con người giống vị Tẩy Giả, để nhắc cho chúng
ta nhớ lại tầm mức hệ trọng của đời sống trần gian, để tố giác sự dữ, và để
đứng thẳng trước các kẻ quyền thế khi họ xử sự bất công.
5.
Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho “mọi xác phàm”. Chúng ta nên nghĩ đến đoàn
người bao la chưa biết Đức Kitô. Hãy cầu nguyện cho họ và xin Thiên Chúa ban
cho nhiều ơn gọi truyền giáo. Chúng ta cũng hãy trở thành các nhà thừa sai theo
gương vị Tiền Hô, ít ra bằng việc cầu nguyện và chu toàn trung thành nhiệm vụ
cá nhân, tại nơi Chúa Quan phòng đặt để chúng ta.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm