Đức Maria
viếng thăm bà Êlisabét
(Luca 1,39-45 – CN IV MV - C)
1.-
Ngữ cảnh
Trong
phần tường thuật về thời thơ ấu, tác giả Lc bố trí ba giai thoại: loan
báo Gioan chào đời (Lc 1,5-25), loan
báo Đức Giêsu chào đời (1,26-38) và Đức Maria đi thăm bà Êlisabét (1,39-56).
Truyện thứ ba này giả thiết có hai truyện đầu và bổ sung cho hai truyện đó.
Truyện thứ ba này đóng vai trò nối kết hai truyện trước, đặc biệt liên kết cc.
24-25 với cc. 36-37. Đã soạn thảo bài tường thuật về loan báo Gioan chào đời,
sau đó, mô phỏng theo bài ấy mà soạn ra bài nói về loan báo Đức Giêsu chào đời,
nay tác giả Lc dùng giai thoại Đức Maria đi thăm viếng bà Êlisabét để
liên kết truyện hai lời loan báo cách chặt chẽ hơn. Câu truyện ở 1,5-24a được
tiếp nối với 1,57-66.
Trong
giai thoại trước, sứ thần cho biết: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng [episkiasei]
trên bà” (1,35). Tác giả đã mượn lại hình ảnh Đám mây sáng che phủ Nhà Tạm (Xh 40,35: “Ông Môsê không thể vào Lều
Hội Ngộ vì đám mây đậu/rợp bóng [epeskiazen] trên đó, và vinh quang Đức
Chúa đầy tràn Nhà Tạm”) tượng trưng cho sự hiện diện vinh quang của Yhwh (Đức Chúa) với Israel để nói về
Đức Maria lúc này: người được coi như là Hòm Bia Giao ước.
2.-
Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1)
Đức Maria gặp bà Êlisabét (1,39-41);
2) Bà
Êlisabét ca ngợi Đức Maria (1,42-45):
3.-
Vài điểm chú giải
- Em
được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ (42):
Trong Cựu Ước, có hai người phụ nữ được chào như thế: bà Giaên (Tl 5,24)
và bà Giuđitha (Gdt 13,18).
- đứa
con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng …
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
(41.42.43): Tác giả Lc đã dựa vào 2 Sm 6 (vua Đavít chuyển Hòm Bia về
Giêrusalem), 1–2 Sb và sách Giuđitha để viết 1,39-56: Đức Maria là
“Hòm Bia giao ước” mới cũng đang di chuyển về phía nam (Giuđa).
2 Sm 6
|
Lc
1,39-56 |
Trong
xứ Giuđa (2) |
Trong
xứ Giuđa |
Dân
vui |
Êlisabét
và con vui |
Đavít
nhảy mừng |
Gioan
nhảy mừng (44) |
Dân
reo |
Êlisabét
reo, anephônêsen (42) |
Vào
nhà Ôvết Êđôm (10) |
Vào
nhà Dacaria (40) |
Hòm
Bia: nguồn phúc (11-12) |
Maria:nguồn
phúc (41.44) |
Bởi
đâu tôi được Hòm Bia Đức Chúa đến nhà tôi? (9) |
Bởi
đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi? (43) |
Ở
nhà Ôvết Êđôm ba tháng (11) |
Ở
với bà Êlisabét độ ba tháng (56) |
- Kêu lớn tiếng
(42): Động từ anephônêsen (“reo”) chỉ được dùng để chỉ những tiếng tung
hô trong phụng vụ (1 Sb 16,45.42) và
đặc biệt trong cuộc di chuyển Hòm Bia (1
Sb 15,28 và 2 Sb 5,13).
- Em
được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được
chúc phúc (42): Ở đây tác giả đặt song đối Đức Maria với Gđt 13,18-19, như thế ám chỉ Đức Giêsu
là Thiên Chúa:
Gđt
13,18-19 |
Lc
1,42 |
Bà
được chúc phúc… |
Em
được chúc phúc… |
giữa
tất cả các phụ nữ |
hơn
mọi người phụ nữ |
Và Đức
Chúa là Thiên Chúa |
Và quả
lòng dạ em cưu mang |
được
chúc phúc (eulogêmenos) |
được
chúc phúc (eulogêmenos) |
- Lc 1,5–2,22 là một chuỗi các thời điểm tác
giả Lc nêu ra để chứng tỏ các lời ngôn sứ đã ứng nghiệm: Tác giả đã
muốn nối kết biến cố sứ thần Gabrien hiện ra ở Đền Thờ với việc Đức Giêsu tỏ
mình ra cũng tại đấy bằng một con số huyền bí (70 tuần 7 ngày):
- 6
tháng (Lc 1,26.36) kể từ khi Dacaria được báo tin tới khi Maria được báo tin:
30 ngày x 6 = 180
ngày
- 9
tháng kể từ khi Đức Maria được truyền tin đến khi Đức Giêsu chào đời:
30 ngày x 9 = 270
ngày
- 40
ngày kể từ khi Đức Giêsu chào đời cho đến khi được tiến dâng:
= 40 ngày
Tổng
cộng: = 490 ngày
= 70 tuần 7 ngày.
Thế mà theo lời sấm Đn 9,21-24, sau 70 tuần, Israel sẽ được
thanh tẩy khỏi các tội và Đền Thờ Giêrusalem sẽ được tái cung hiến (thời vua
Antiôkhô IV Êpiphanê / Giuđa Macabê). Lc
muốn cho thấy rằng việc Đức Giêsu được tiến dâng trong Đền Thờ đã khởi sự việc
“Vinh quang” của Thiên Chúa (x. cụ Simêôn gọi Đức Giêsu là “vinh quang của
Ít-ra-en”) đến cư ngụ vào thời cánh chung để thanh tẩy Đền Thờ và Israel. Việc
này cũng làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Malakhi
(3,1).
- Em
thật có phúc, vì đã tin (45): Nhận định khiến độc giả nghĩ ngay
đến Abraham, vị tổ phụ đã mở đầu lịch sử cứu độ bằng hành vi đức tin (x. St 12,1-5).
4.- Ý
nghĩa bản văn
Trong
cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabét, tác giả Lc cho thấy kinh
nghiệm của một người phàm lần đầu tiên hiểu ra điều gì đã xảy ra cho Đức Maria
và phản ứng khi hiểu được điều ấy. Ở tại trung tâm, có Thiên Chúa và hoạt động
của Người đối với Đức Maria, nơi Mẹ mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã
được thực hiện.
* Đức Maria gặp bà Êlisabét (39-41)
Khi đã được biết rằng người chị họ của
mình đã mang thai trong tuổi già, Đức Maria đã vội vã đi lên miền núi. Chuyến
đi không dễ dàng, nhưng người vẫn vội vã. Có thể nói, với cuộc Nhập Thể của Con
Thiên Chúa, chuyến đi dài được tác giả của tác phẩm hai tập là Lc và Cv trình bày dọc theo tác phẩm, đã bắt đầu. Con Thiên Chúa từ trời
đã xuống trần gian, rồi Người đi từ Nadarét lên Giêrusalem, còn các môn đệ của
Người sẽ đi từ Giêrusalem, qua Samaria, và đến tận cùng trái đất, tất cả các
đấng đều vội vã, dù gặp biết bao khó khăn.
Là Hòm Bia của giao ước mới, Đức Maria
mang trong lòng mình “Con Đấng Tối Cao” (1,32), là Đấng mạc khải, là nguồn ơn
phúc, là nguyên do đưa lại niềm vui. Đức Maria vội vã đưa Đức Kitô đến với
những người khác. Đức Maria đi trong tư cách là người tin vào lời Thiên Chúa
qua trung gian sứ thần Gabriel.
* Bà Êlisabét ca ngợi Đức Maria (42-45)
Cuộc
gặp gỡ với giữa Đức Maria với bà Êlisabét nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa người với
sứ thần Gabriel: cả hai vị đều nhận định người đầy ơn phúc. Thiên Chúa đã chúc
phúc cho người; phúc lành của Thiên Chúa tiếp tục ở trên người. Thiên Chúa đã
chúc phúc cho người cùng với hoa quả lòng người. Phúc lành của Thiên Chúa là
quyền lực và sức mạnh làm cho có thể có sự sống và bảo tồn sự sống. Đức Maria
là người “được chúc phúc” theo cách đặc biệt: quyền năng sáng tạo của Thiên
Chúa đã làm cho người có khả năng chuyển thông sự sống nhân loại cho Đức Giêsu:
Người là Con Thiên Chúa, cũng là Chúa tể sự sống, sẽ chiến thắng cái chết và
ban sự sống vĩnh cửu. Tiếng kêu lớn của bà Êlisabét là một lời ca tụng
hành động của Thiên Chúa, nhưng cũng diễn tả một nỗi kinh ngạc chan chứa
niềm vui đối với Maria, người đã được Thiên Chúa làm cho những việc cao cả như
thế.
Bà Êlisabét diễn tả nhận định của bà
về cách xử sự của Đức Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện
những gì Người đã nói với em”. Trong Cựu
Ước, có hai người phụ nữ được chào bằng những lời này, đó là bà Giaên (Tl 5,24) và bà Giuđitha (Gdt 13,18). Các bà đã đánh bại các đoàn
quân áp bức dân các bà. Kinh Thánh không tường thuật những gì các bà đã làm hầu
chuẩn nhận cho chiến tranh, nhưng để cho thấy Thiên Chúa có thể làm những việc
kỳ diệu bằng cách dùng những con người không phù hợp về phương diện loài người,
những con người không có uy lực. Khi ghi nhận bà Êlisabét chào Đức Maria như
vậy, tác giả Lc bảo chúng ta rằng Đức
Maria thuộc về một hạng người, tuy bị coi là không phù hợp, lại được Thiên Chúa
dùng mà đưa lại ơn cứu độ cho chúng ta. Qua Đức Maria, Thiên Chúa đã làm một
việc phi thường nhất trong lịch sử: Ngài ban cho chúng ta Con của Ngài. Nếu Đức
Maria được như thế, thì chỉ do cốt yếu và trước tiên Mẹ là người đã tin. Cách đối
xử của Thiên Chúa đối với Đức Maria được diễn tả bằng ân sủng và phúc lành;
cách đối xử của Đức Maria đối với Thiên Chúa được diễn tả bằng lòng tin. Đức
Maria đã tin vào Thiên Chúa, vào giá trị của lời Người, quyền năng của Người.
Đức Maria đã diễn tả niềm tin đó qua tiếng “xin vâng” với sứ điệp của sứ thần.
Lịch sử dân Israel mở ra với hành vi đức tin của Abraham; lịch sử cứu độ thế
giới mở ra với hành vi đức tin của Đức Maria.
Bà
Êlisabét nói tiếp: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”
(c. 43). Lời này cũng được lấy từ Cựu Ước. Đavít dùng những lời này khi Hòm Bia
Giao ước được di chuyển về Giêrusalem. Ông đã reo lên: “Hòm Bia Đức Chúa đến
với tôi thế nào được?” (2 Sm 6,9). Có
những chi tiết khác liên kết cuộc viếng thăm của Đức Maria với Hòm Bia Giao
ước. Cả Đức Maria và Hòm Bia ở lại “ba tháng” trong miền Giuđê; Hòm Bia được
đón tiếp trong niềm vui và lễ mừng, và đưa phúc lành đến gia đình đã nhận lấy
Hòm Bia (2 Sm 6,10-11); khi Đức Maria
vào nhà Dacaria, trẻ Gioan (đại diện cho dân Cựu Ước đang trông chờ Đấng Mêsia)
đã nhảy lên vui sướng.
Phần
Đức Maria, người vẫn tiếp tục sống thân phận nữ tỳ: không chỉ đến thăm bà
Êlisabét, nhưng còn ở lại ba tháng, để phục vụ.
+ Kết
luận
Bà
Êlisabét gặp Đức Maria. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của một con người với mẹ
của Đức Chúa như tác giả Lc mô tả,
hoàn toàn đơn giản và thanh thoát. Cuộc gặp gỡ này chan hòa niềm tâm tình phấn
khởi và niềm vui tươi hân hoan. Bà Êlisabét tự giới thiệu cho chúng ta như là
người đã tôn kính Đức Maria trước tiên. Bằng những lời “em được chúc phúc”,
“Thân Mẫu Chúa tôi”, “em thật có phúc”, bà phác họa những đường nét chính của
dung mạo Đức Maria: công trình của Thiên Chúa nơi người, tương quan của người
với Chúa Giêsu Kitô, thái độ của người đối với Thiên Chúa. Tất cả những điều
này, bà Êlisabét hiểu được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng. Cuộc gặp gỡ này đã là
cơ hội cho phép bà có một kinh nghiệm hết sức mạnh mẽ và một niềm vui
thật chan hòa.
Một
điều quan trọng hơn nữa, đó là khi giới thiệu tư cách đặc biệt của Đức Maria,
bà Êlisabét không ngờ đang đưa chúng ta đến chỗ đối diện với Đấng mà Đức Maria
đang cưu mang trong lòng: Người không những là Đấng Mêsia thuộc dòng tộc Đavít,
là Con Đấng Tối Cao, mà cũng là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa.
Đàng
khác, tác giả Lc muốn chúng ta thấy Đức
Maria như là Hòm Bia Giao ước. Thiên Chúa đã chọn không ở trong một tòa nhà,
nhưng ở trong lòng dạ một người phụ nữ.
5.-
Gợi ý suy niệm
1.
Phần thứ nhất của Kinh Kính Mừng hoàn toàn lấy từ Tân Ước, liên kết các lời nói
đầu tiên của thiên thần (“Kinh mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng
bà”) với những lời nói đầu tiên của bà Êlisabét (“Bà có phúc lạ hơn mọi người
nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”). Sứ thần đã gọi Đức Maria là “đầy ơn
phúc”; bà Êlisabét đã gọi người là “có phúc lạ” (= được chúc phúc). Cả hai vị
đều diễn tả trước hết quan hệ Thiên Chúa tạo ra với Đức Maria, cách thức Người
ngỏ lời với Đức Maria. Tất cả những gì người ta có thể nói về Đức Maria tùy
thuộc tương quan này. Đức Maria vui sướng được sống trong tương quan này. Chúng
ta có sống với lòng biết ơn trong sự lệ thuộc vào Thiên Chúa chăng?
2. Đức Maria được bảo là “có phúc” vì người đã tin rằng lời Chúa hứa với người
sẽ được hoàn tất (c. 45). Thiên Chúa đã hứa biết bao điều qua các ngôn sứ? Khi
thấy rằng các lời hứa của Thiên Chúa chậm được thể hiện, dân nghi ngờ Thiên
Chúa. Họ đã đặt niềm tin tưởng vào chính họ, nên đã kết thúc trong thất bại.
Đức Maria “có phúc” vì đã tin tưởng vào Thiên Chúa. Mẹ biết rằng cho dù bề
ngoài thế nào, Lời Chúa sẽ được thực hiện.
3. Đức Maria đã cưu mang Con Đấng Tối Cao (1,32), Con Thiên Chúa
(1,35) và sẽ sinh hạ Người ra. Do đó, Mẹ là “Thân Mẫu Đức Chúa”. Như bà
Êlisabét đã trải nghiệm thân phận bất xứng, chúng ta cũng diễn tả kinh nghiệm
này qua lời cầu xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có
tội”. Chúng ta xin Mẹ Đức Chúa, Mẹ Thiên Chúa, chuyển cầu cho chúng ta. Chúng
ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Bà Êlisabét chan hòa niềm vui vì Thân Mẫu Đức
Chúa đến nhà bà; đồng thời bà biết rằng bà không ở ngang tầm với Thân Mẫu Đức
Chúa, nhưng không hề tị hiềm. Bà bày tỏ sự kính trọng đối với Đức Maria. Trong
khi đó, Đức Maria, Mẹ Đức Chúa, lại ở lại nhà bà Êlisabét. Sự kính trọng các
khác biệt không chống lại sự hiệp thông thân tình và vui tươi.
4. “Do mầu nhiệm Truyền Tin và Thăm Viếng, Đức Maria chính là
điển hình của kiểu sống mà chúng ta phải theo. Trước tiên, người đã đón tiếp
Đức Giêsu vào cuộc sống của người; sau đó, những gì người đã lãnh nhận, người
đã chia sẻ. Mỗi lần chúng ta rước lễ, Đức Giêsu là Ngôi Lời trở thành thịt
trong cuộc đời chúng ta. Vậy đấy đã là Lễ Tế Tạ Ơn đầu tiên: phần dâng lễ chính
là Đức Maria dâng Con của người nơi mình, còn bàn thờ người đã thiết lập là tấm
lòng của người. Là người duy nhất có thể khẳng định với một niềm tin
tưởng tuyệt đối: “Này là Mình tôi”, kể từ lúc đó, Đức Maria đã dâng chính thân
người, sức mạnh của người, toàn thân người, để tạo nên Thân Thể Đức Kitô” (CP.
Têrêsa Calcutta).
5. Có Chúa trong mình không chỉ là đặc ân dành riêng cho Đức
Maria. Mỗi cộng đoàn và mỗi người trong chúng ta phải trở thành như Đức Maria,
một “Hòm Bia Giao ước”. Nhiệm vụ của chúng ta là mang Chúa đến cho người khác.
Một điều có thể bảo cho biết là chúng ta đang là một “Hòm Bia Giao ước”, đó là
niềm vui. Bất cứ đi đâu, Đức Maria đều tuôn đổ niềm vui (x. Lc 1,41.42.45-48). Sự hiện diện của
chúng ta có đưa niềm vui đến cho người khác không?
Lm FX Vũ Phan Long, ofm